Ngành Giáo dục Đào tạo ứng dụng công nghệ số trong đổi mới giáo dục

PV| 12/10/2021 10:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục đào tạo là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.

Là một trong những Bộ, ngành cần có sự tăng tốc trong CCHC Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, nhưng theo Báo cáo về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại xếp cuối bảng, giảm 6 bậc so với năm 2019. Đây chính là nguyên nhân yêu cầu lãnh đạo ngành phải xem xét và tìm ra giải pháp để có được kết quả khả quan hơn trong những năm tới.

Những việc đã làm 

Kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, ngành Giáo dục đã buộc phải thay đổi rất nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu và sự cần thiết trong đào tạo trực tuyến. Ngay từ năm 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hoạt động giáo dục và đào tạo trên không gian mạng. Trong thực tế, giáo dục từ xa đã được Bộ GD&ĐT triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, tác động của COVID-19 đã khiến hoạt động này được đẩy lên nhanh hơn và hiệu quả hơn. 

Nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu nhưng làm bài bản, rộng khắp thì đây là lần đầu tiên làm được. Mặc dù vừa qua là giai đoạn khó khăn đối với ngành Giáo dục nhưng cũng chưa bao giờ lại có cơ hội như vừa rồi để ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Ngành Giáo dục coi đây là cơ hội để quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số. Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua khẳng định ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho giáo viên, giảm tải các thủ tục hành chính, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên". 

Ngành Giáo dục Đào tạo ứng dụng công nghệ số trong đổi mới giáo dục - Ảnh 1.

Tính đến thời điểm hiện nay, có hơn 1 triệu giáo viên trong cả nước đã và đang tham gia đóng góp, chia sẻ và sử dụng dữ liệu trên nền tảng Hệ tri thức Việt số hóa.

Bên cạnh đó, Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá" do Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2018 cũng có cơ hội phát huy tác dụng khi từng bước hoàn thiện nền tảng dữ liệu số trong các lĩnh vực nhân đạo, y tế, văn hóa, bưu chính, du lịch,… và đặc biệt là giáo dục. Sự xuất hiện của Đề án này, với 3 nền tảng mới là Bản đồ chung sống an toàn COVID - antoancovid.vn; Nền tảng giáo dục số - iGiaoduc.vn; Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam - bktt.vn đã từng bước đưa nền giáo dục Việt Nam lên một tầm cao mới. Trong đó, nền tảng giáo dục số - iGiaoduc.vn là sản phẩm hợp tác giữa Bộ GD&ĐT, Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa thực hiện đã cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 36.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông. Đặc biệt, hệ thống đã tích hợp tài khoản người dùng đặt theo mã định danh từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Tính đến thời điểm hiện nay, có hơn 1 triệu giáo viên trong cả nước đã và đang tham gia đóng góp, chia sẻ và sử dụng dữ liệu trên nền tảng này.

Trước sự lây lan của đại dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã triển khai ứng dụng AnToanCovid.vn để thu thập, xây dựng CSDL và vẽ bản đồ thông tin về an toàn dịch cho các cơ sở giáo dục. Có hơn 18.000 trường học đã cập nhật thông tin hàng ngày, từ đó hỗ trợ cho công tác phòng dịch.

Kho học liệu số, học liệu mở đã được xây dựng với 7.000 bài giảng điện tử, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, thí nghiệm ảo. Vì vậy, khi dịch COVID-19 xảy ra, các trường học phải tạm dừng đóng cửa, nhưng với phương châm "dừng đến trường, không ngừng học", hơn 80% trường học đã nhanh chóng chuyển sang dạy học trực tuyến. Điều đó đã giúp ngành GD&ĐT hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020 và sức khỏe cho học sinh và giáo viên vẫn được đảm bảo.

Việc triển khai cung cấp các dịch vụ giáo dục trên Cổng Dịch vụ quốc gia cũng đang được Bộ GD&ĐT thực hiện với ưu tiên là thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng, thanh toán học phí… Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã phối hợp rất tích cực để triển khai các nhiệm vụ về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực giáo dục. 

… Nhưng cần nhiều hơn thế

Là một trong những ngành đòi hỏi sự chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ, Bộ GD&ĐT hiện đang cần nhiều sáng kiến cho sự đổi mới trong hoạt động giáo dục và đào tạo.

Một trong những ưu tiên hàng đầu chính là cần có một đề án về chuyển đổi số ngành Giáo dục với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, giảm tải cho giáo viên, đổi mới mô hình dạy và học và thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. 

Ngành Giáo dục Đào tạo ứng dụng công nghệ số trong đổi mới giáo dục - Ảnh 2.

Hình ảnh một lớp học trực tuyến.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành GD&ĐT đang thiếu một công cụ thực thi. Đó chính là các nền tảng hay còn gọi là platform. Tuy nhiên, nền tảng mà ngành GD&ĐT cần lại phải là nền tảng mở để liên tục cập nhật và ngày càng tốt hơn. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách học, cách thi kiểm tra, hay nói cách khác là các quy trình. Nhưng để có thể làm được điều đó, Bộ GD&ĐT rất cần sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành khác, trong đó đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông  và các doanh nghiệp công nghệ số.

Để thành công trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT, đã đề xuất ý tưởng biến trường đại học thành một quốc gia số thu nhỏ. Khi đó, toàn bộ hoạt động của giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong trường đại học sẽ có một mã định danh số. Việc sống, học tập và làm việc trong môi trường số chính là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất. 

Một khó khăn nữa của ngành GD&ĐT là chưa có một nền tảng trực tuyến chung. GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, khi nói về vấn đề này, đã đưa ra một thực tế rằng nhiều trường đại học vẫn rất bối rối khi đưa ra quyết định sử dụng phần mềm nào dạy học trực tuyến cho sinh viên. Vì vậy, ông cho rằng việc cần làm ngay là ngành GD&ĐT cần xây dựng một nền tảng giảng dạy trực tuyến chung cho các trường đại học trong nước. Và hơn thế nữa, muốn xây dựng được một đại học số hóa, thì cần xây dựng được phần mềm quản trị đại học gồm mọi dữ liệu liên quan đến nhân lực, tài chính… để các trường, các nhà quản lý có thể đánh giá, phân tích và dự đoán tương lai phát triển của các ngành học. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục Đào tạo ứng dụng công nghệ số trong đổi mới giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO