Ngành Hải quan nỗ lực CĐS nhằm mang lại lợi ích cho DN xuất nhập khẩu

Đỗ Thêu| 11/05/2022 10:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong những mục tiêu của cơ quan hải quan khi tiến hành chuyển đổi số (CĐS) là cải thiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, phục vụ doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu.

Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TCHQ về việc phê duyệt Kế hoạch CĐS ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung xây dựng các ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số và các giải pháp công nghệ, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, phục vụ người dân, DN, giảm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Nỗ lực CĐS của hải quan mang lại nhiều lợi ích cho DN xuất nhập khẩu - Ảnh 2.

Hướng tới 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ).

Một trong những mục tiêu của cơ quan hải quan khi tiến hành CĐS là cải thiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, phục vụ DN xuất nhập khẩu. Cùng với đó, các hoạt động CĐS của hải quan cũng sẽ đồng bộ với các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ).

Kế hoạch CĐS đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, nền tảng hải quan số sẽ được hình thành, trong đó CĐS toàn diện công tác quản lý nhà nước về hải quan với hệ thống CNTT có mức độ tích hợp cao, có tính mở, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu xử lý tự động tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện và nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thông tin trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nhiều thủ tục hải quan được thực hiện trên môi trường số

Theo Kế hoạch CĐS ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan đặt quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS phục vụ DN xuất nhập khẩu đồng bộ, CĐS trong công tác nghiệp vụ và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Trong đó, đối với việc xử lý hồ sơ hải quan, 100% thủ tục hành chính (TTHC) có nhu cầu sử dụng cao sẽ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, DN và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có sự phù hợp về kỹ thuật công nghệ sẽ được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Việc trả kết quả thủ tục hải quan cũng sẽ được thực hiện trên môi trường số, áp dụng trên nhiều thiết bị di động. Theo đó, DN được tiếp nhận, trao đổi thông tin, tra cứu và theo dõi quá trình giải quyết TTHC, trả kết quả thực hiện các TTHC trong lĩnh vực hải quan với các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục trên môi trường số. Cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận, trao đổi các thông tin liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hải quan, quản lý Nhà nước về hải quan với ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế thông qua hệ thống CNTT; thực hiện trao đổi dữ liệu với hệ thống quản lý hải quan phục vụ quản lý, thông quan hàng hóa, phương tiện, ra quyết định về kết quả thực hiện thủ tục hành chính.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát hải quan, 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan; 50% hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bằng container có rủi ro cao được giám sát bằng seal định vị điện tử, hình ảnh kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan.

100% các cửa khẩu, cảng, kho, bãi đáp ứng điều kiện được triển khai hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động để quản lý, giám sát hàng hóa đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan bằng phương thức điện tử.

Nỗ lực CĐS của hải quan mang lại nhiều lợi ích cho DN xuất nhập khẩu - Ảnh 3.

Nỗ lực CĐS, nhiều thủ tục hải quan sẽ được thực hiện trên môi trường số

CĐS mang lại nhiều lợi ích cho DN xuất nhập khẩu

Những nỗ lực CĐS của ngành hải quan được xác định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các DN như thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Đồng thời, kết quả CĐS sẽ tạo thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục, cho phép DN khai báo và thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện, và chỉ thực hiện khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều TTHC thông qua hệ thống một cửa quốc gia. Đặc biệt, CĐS cũng giúp ngành Hải quan nâng cao tính minh bạch, phòng chống tham nhũng, DN dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong chuỗi cung ứng.

Tổng cục Hải quan cũng sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống CNTT theo định hướng xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và ngoài ASEAN. Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu. 100% các TTHC trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ CĐS trong Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, thủ tục hải quan được thực hiện giữa cơ quan hải quan và DN xuất nhập khẩu hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong, sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh…

Không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho DN, việc CĐS của ngành Hải quan cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý của các bộ, ngành, thúc đẩy hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam. Cụ thể, các bộ, ngành và các bên liên quan được chia sẻ thông tin về các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thông qua hệ thống mà không phải đề nghị cơ quan hải quan cung cấp khi phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung; phối hợp cùng với cơ quan Hải quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan và sau khi thông quan. Đồng thời thực hiện TTHC (cấp phép, kiểm tra chuyên ngành,...) liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên một hệ thống, qua đó góp phần cải cách TTHC, tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng hệ thống CNTT./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành Hải quan nỗ lực CĐS nhằm mang lại lợi ích cho DN xuất nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO