Sáng nay 22/3/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động in năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2021 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như đối với các doanh nghiệp (DN) ngành in do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng các DN ngành in Việt Nam nỗ lực vượt khó, đạt được một số kết quả đáng kích lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, doanh thu toàn ngành vẫn duy trì ở con số trên 85.000 tỷ đồng, nhưng có sự thay đổi về số lượng và phân bố cơ sở in. Số lượng cơ sở in năm 2021 phân bố ở TP. Hồ Chí Minh tăng 106% so với năm 2020, các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng tăng 110% so với năm 2020, tập trung chủ yếu tăng ở khối cơ sở in bao bì (chiếm 97% số cơ sở sở in thành lập năm 2021).
Mặc dù có tác động tiêu cực do dịch COVID-19 nhưng sản lượng in cơ bản đạt gần 90% theo kế hoạch.
Các DN in tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và quản lý, đầu tư thiết bị in hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư trung bình của ngành in trong 2021 vẫn duy trì ở mức trên 3.000 tỷ đồng. Quá trình in được chú trọng đầu tư chủ yếu với các thiết bị in hiện đại, mới 100% với mức độ tự động hóa cao. In ống đồng và in flexo có sự phát triển ở in bao bì, nhãn mác.
Năm 2021, số lượng máy in flexo, máy in leterpress được nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ lệ cao trên 59% trên tổng số thiết bị in công nghiệp nhập khẩu. In offset vẫn là công nghệ in chủ đạo, có đầu tư chiếm 27% trên tổng số thiết bị. In kỹ thuật số phát triển nhanh với các thiết bị in khổ lớn, tốc độ cao, đáp ứng thị trường in thương mại và in sản phẩm cá nhân hóa.
Tuy vậy nhưng ngành in vẫn không khỏi bộc lộ những hạn chế, tồn tại chủ yếu như: chưa ban hành được các quy định về tiêu chuẩn nghề in phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới của CMCN 4.0; nguồn nhân lực ngành in chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường…
Từ đó ngành in đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 và trong những năm tiếp theo như:
Cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực in theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; Triển khai và thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/7/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 và Quyết định 1194/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TT&TT giai đoạn 2020 - 2025.
Bên cạnh đó, cơ quan QLNN cũng cần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý từ Trung ương đến địa phương; Tập trung công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là in lậu.
Đồng thời, Hiệp hội In Việt Nam, các hội in thành phố chủ động phối hợp xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu ngành hướng tới liên thông trong toàn ngành; Chủ động tham gia phản biện chính sách, tích cực bảo vệ lợi ích thành viên hội.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo và cơ sở in cần đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in; chủ động tìm hiểu thị trường in xuất khẩu trên thế giới, để chuẩn bị cho mình các chứng chỉ quốc tế về tiêu chuẩn quản lý, về chất lượng sản phẩm; xây dựng dây chuyền sản xuất phù hợp; tăng cường giao lưu học hỏi cách phát triển của DN in xuất khẩu trong và ngoài nước để gia nhập thị trường in xuất khẩu; Chú trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm in của cơ sở./.