Ngành Ngân hàng là ngành có điều kiện về nhân lực, tài lực, lại là ngành hội nhập cao, là ngành có tư duy đổi mới.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Ngành Ngân hàng là ngành có điều kiện về nhân lực, tài lực, lại là ngành hội nhập cao, là ngành có tư duy đổi mới. Bộ TT&TT rất mong muốn Thống đốc, ngành Ngân hàng đi đầu về chuyển đổi số (CĐS) quốc gia để ngành Ngân hàng Việt Nam thuộc nhóm đầu về CĐS, tạo ra sự phát triển mới cho ngành và gây cảm hứng cho cả đất nước về CĐS.
Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phát biểu tại sự kiện CĐS ngành ngân hàng 2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 18/5/2023 với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy CĐS”.
Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng tại sự kiện.
NHNN là một điểm sáng về CĐS
Đứng thứ 4 về xếp hạng CĐS, đứng thứ nhất về an toàn thông tin, 99% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình, trên 50% các nhiệm vụ được giao trong Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025 đã được Ngân hàng hoàn thành. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia và chuyên ngành khác, đặc biệt là CSDL dân cư, đã thu được kết quả bước đầu khả quan. Nhiều dịch vụ tài chính số, ngân hàng số mới đã được phát triển và cung cấp cho người dân.
Ngành Ngân hàng mà đi tiên phong về CĐS thì sẽ kéo theo cả đất nước CĐS.
CĐS có mạnh mẽ hay không, có đi nhanh hay không thì chủ yếu là phụ thuộc vào người đứng đầu. Do vậy, CĐS ngành Ngân hàng thành hay không thành, nhanh hay chậm là phụ thuộc vào Thống đốc NHNN.
CĐS thì khác với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chủ yếu ở chỗ CNTT thì làm rời rạc, làm từng phần, còn CĐS thì làm toàn trình, đưa mọi hoạt động lên môi trường số.
Khi đó, mọi hoạt động của tổ chức sẽ được ghi nhận lại dưới dạng dữ liệu. Dữ liệu được sinh ra từng ngày. Dùng công nghệ số (CNS) để phân tích, đánh giá những dữ liệu này thì sẽ giám sát, sẽ nhìn thấy được toàn ngành một cách online và toàn diện. Các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên dữ liệu. Các giá trị mới được tạo ra dựa trên dữ liệu. Và tất cả những việc này được thực hiện dựa trên CNS.
CĐS có một nội dung quan trọng là quản trị số. Mô hình ở đây là quản trị cộng với công nghệ. Dùng CNS để thay đổi cách quản trị tổ chức, quản trị ngành. Quản trị truyền thống trên môi trường thực thì tiền kiểm nhiều, dựa trên báo cáo nhiều. Quản trị số trên môi trường số thì có thể hậu kiểm, vì nhà quản lý nhìn thấy tức thời mọi hoạt động. Quản trị số thì có thể giảm cấp dưới báo cáo cấp trên vì dữ liệu của các cấp đã có sẵn trên môi trường số. CĐS của chúng ta chưa nhấn mạnh đến quản trị số và điều này cần thay đổi.
Ngành Ngân hàng có hai loại tài sản rất lớn. Một loại thì đang được sử dụng rất hiệu quả là tiền. Một loại thì chưa được khai thác hết công suất là dữ liệu. Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, người thì gọi là dầu mỏ, người thì coi là đầu vào mới của sản xuất tương tự như đất đai. Ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất. Dữ liệu này lại đang tăng lên từng ngày. Ngành Ngân hàng canh tác trên mảnh đất mới này thì sẽ tạo ra nhiều, rất nhiều giá trị mới cho ngành, cho đất nước.
Dữ liệu mà được đánh thức thì cũng giống như con hổ ngủ được đánh thức, sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho ngành Ngân hàng và cho đất nước. Ngành Ngân hàng nên đi đầu về phân tích dữ liệu lớn, hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS là lấy năm 2023 làm năm dữ liệu quốc gia: Xây dựng hạ tầng dữ liệu, xây dựng ngành công nghiệp về dữ liệu, bao gồm thu thập dữ liệu, xác định quyền sở hữu dữ liệu, gán nhãn dữ liệu, định giá dữ liệu, giao dịch dữ liệu, lưu thông và bảo vệ dữ liệu. Rồi đến phân tích dữ liệu để tạo ra giá trị. Tạo ra giá trị mới từ dữ liệu là căn bản của CĐS.
Muốn thúc đẩy cái gì, muốn quản lý cái gì thì phải đo lường được cái đó. Ngân hàng Nhà nước có thể cùng với Bộ TT&TT xây dựng bộ chỉ số đo lường mức độ CĐS của các ngân hàng. Tiến hành đo lường và công bố hàng năm. Đây là cách tốt để thúc đẩy các ngân hàng CĐS.
Uỷ ban Quốc gia về CĐS đã công bố các nền tảng số quốc gia phải được phát triển để làm hạ tầng phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. NHNN đã công bố và đưa vào hoạt động 4 nền tảng số dùng chung toàn ngành là thanh toán điện tử liên ngân hàng, thông tin tín dụng, tích hợp chia sẻ dữ liệu, Phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp. Nền tảng số là một loại hạ tầng trên không gian số. NHNN có thể phát triển thêm nữa các nền tảng số dùng chung toàn ngành Ngân hàng.
CĐS thì chuyển đổi là quan trọng. CĐS thì thay đổi mô hình vận hành là quan trọng. CĐS thì đổi mới sáng tạo (ĐMST) là quan trọng. CĐS, CNS tạo ra thay đổi nhiều nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Có đến 23% các công ty unicorn (là các công ty khởi nghiệp ĐMST có giá trị trên 1 tỷ USD) là thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính. Ngành Ngân hàng cần cho phép thử nghiệm có kiểm soát nhiều hơn các công nghệ mới, như ngân hàng số, tiền kỹ thuật số.
Ngành Ngân hàng là ngành có điều kiện về nhân lực, tài lực, lại là ngành hội nhập cao, là ngành có tư duy đổi mới. Bộ TT&TT rất mong muốn Thống đốc, ngành Ngân hàng đi đầu về CĐS quốc gia để ngành Ngân hàng Việt Nam thuộc nhóm đầu về CĐS, tạo ra sự phát triển mới cho ngành và gây cảm hứng cho cả đất nước về CĐS. Về ứng dụng CNTT thì ngành Ngân hàng đã đi đầu, nay sẽ là đi đầu về CĐS. Nếu làm được việc này thì Thống đốc, ngành Ngân hàng sẽ có thêm một sự đóng góp mới cho đất nước phát triển.
Ngành Ngân hàng CĐS sẽ tạo ra thị trường CĐS cho các doanh nghiệp (DN) CNS Việt Nam. Các DN CNS Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng, đặc biệt là về sự tuỳ biến linh hoạt và giá cả phù hợp. Bộ TT&TT kêu gọi các ngân hàng Việt Nam sử dụng các trung tâm dữ liệu Việt Nam, đám mây Việt Nam, lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam và dùng các CNS Việt Nam.
Xin chúc ngành Ngân hàng CĐS mạnh mẽ hơn nữa và thành công hơn nữa. Chúc ngành Ngân hàng Việt Nam luôn ở trong nhóm đầu thế giới về sử dụng CNS để sáng tạo thêm các sản phẩm, dịch vụ tài chính số cho khách hàng. Đặc biệt là các dịch vụ mới, phức tạp, có tính chuyển đổi đột phá mà chỉ có công nghệ số 4.0 mới thực hiện được, như chuyển dịch từ bên cho vay truyền thống trở thành bên cung cấp vốn hàng ngày (everyday banking), xét duyệt các khoản vay phức tạp hơn (complex banking), tư vấn đầu tư (investment advisory), cung cấp hoạt động ngân hàng như một dịch vụ (banking as a service), trung gian bán buôn (mass wholesale intermediation). Xin chúc ngành Ngân hàng CĐS để hoạt động của ngân hàng hiệu quả hơn, giảm được lãi suất cho vay, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển./.