Chuyển đổi số

Ngành Tư pháp chuyển đổi số: Hướng tới mỗi người dân có một trợ lý pháp lý riêng

Anh Minh 08:31 02/01/2024

Sự phát triển cao nhất của trợ lý ảo mà ngành Tư pháp hướng tới sẽ là tư vấn đường lối xử lý vụ việc và cung cấp dịch vụ đoán định tư pháp. Tương lai, mỗi người dân sẽ có một trợ lý trợ giúp pháp lý để phục vụ cho mình.

Lĩnh vực Tư pháp liên quan mật thiết đến quyền con người, công lý, sự minh bạch, nên việc áp dụng công nghệ số trong tư pháp cũng phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên, chuyển đổi số (CĐS) cho trong ngành Tư pháp là xu thế tất yếu giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho người dân và cơ quan Tư pháp. Vì vậy, ngành Tư pháp cũng không hề đứng ngoài cuộc cách mạng CĐS.

Theo ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), thời gian vừa qua, với quá trình CĐS, ngành Tư pháp đã nỗ lực ứng dụng công nghệ số và đã đạt được một số kết quả hoạt động nổi bật.

Xây dựng “bộ não số” cho ngành Tư pháp

Ông Phạm Quốc Hưng cho biết trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là sau Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, có thể nói việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án luôn là một nội dung quan trọng được quan tâm.

41786602_616891572041735_5951535.jpg
Trụ sở Toà án Nhân dân Tối cao.

Theo đó, TANDTC đã triển khai hệ thống truyền hình trực tuyến với quy mô hơn 800.000 điểm cầu đến các tòa án trong cả nước. Hàng tháng, thông qua hệ thống chương trình này, Hội đồng thẩm phán đều tiến hành tập huấn, trao đổi nghiệp vụ với các cán bộ trong toàn hệ thống. Trung bình hàng năm, hệ thống phục vụ hơn 3.700 phiên họp, giúp tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhà nước.

“Chúng tôi đã xây dựng cổng thông tin điện tử (TTĐT) TANDTC cũng như trang TTĐT tại các tòa án cấp cao và tòa án cấp tỉnh để thông tin về các hoạt động của Tòa án, phổ biến một số quy trình công tác của Tòa án cũng như lịch xét xử các vụ án. Trên cổng TTĐT của TANDTC, chúng tôi cũng tích hợp rất nhiều trang tin phục vụ các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là trang tin về công bố bản án, quyết định của tòa án”, ông Phạm Quốc Hưng cho biết.

Từ năm 2017 đến nay, tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án đều phải đăng công khai trên cổng thông tin, hỗ trợ việc tra cứu của người dân, cơ quan, tổ chức, góp phần công khai hóa hoạt động của Tòa án và để người dân giám sát hoạt động của tòa án.

“Chúng tôi cũng đã tiến hành kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp các dịch vụ như đăng ký trực tuyến hay gửi, nhận đơn, tài liệu, chứng cứ, thông báo văn bản, thủ tục của Tòa án, ứng dụng về thu nộp, tạm ứng án phí, lệ phí của tòa án. Những ứng dụng này giúp người dân tiết kiệm công sức, thời gian, chi phí và đồng thời cũng góp phần phòng, chống nhũng nhiễu, tiêu cực. Ngoài ra, TANDTC cũng xây dựng và vận hành nhiều phần mềm quản lý công tác chuyên môn và quản trị hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo tiền đề để quản trị hoạt động của tòa án trên nền tảng số”, ông Phạm Quốc Hưng nói.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, quy định của Chính phủ về chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0, cũng như CĐS quốc gia, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hoạt động của các tòa án và được sự hỗ trợ, tư vấn của Bộ Thông tin và Truyền thông, TANDTC đã xây dựng chiến lược CĐS, tập trung vào 3 nội dung chính.

Một là nâng cấp và hoàn thiện các phần mềm quản lý, giải quyết các loại vụ án và các phần mềm quản trị hệ thống để xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động của TANDTC, nhằm mục đích tạo ra một “bộ não số” của Tòa án, giúp lãnh đạo TANDTC nắm bắt, theo dõi tình hình hoạt động hằng ngày của các Tòa án, và của từng thẩm phán.

Từ đó đưa ra các quyết sách về chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành kịp thời. Đây đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng để Tòa án chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, đặc biệt là phục vụ CSDL dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ. Cho đến nay, Trung tâm giám sát điều hành của Tòa án đang vận hành rất hiệu quả.

Thứ hai là tiến hành hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) để tổ chức việc xét xử trực tuyến các vụ án. Đây có thể nói là một bước đột phá trong cải cách tư pháp tại Tòa án, giúp cho hoạt động của tòa án không bị chậm trễ, gián đoạn nhưng vẫn đảm bảo giãn cách phòng, phòng dịch COVID-19, người dân cũng dễ dàng tiếp cận với công lý, giảm thiểu thời gian, chi phí.

Tính đến thời điểm này, bằng hạ tầng CNTT hiện có, các tòa án cũng đã tổ chức xét xử trực tuyến trên 14.000 vụ án, qua đó giúp tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng cho NSNN. Tới đây, khi gói đầu tư kỹ thuật cho xét xử trực tuyến của các tòa án được triển khai, thì hình thức xét xử này sẽ được tiếp tục tăng cường và phát huy hiệu quả.

Ứng dụng AI, xây dựng trợ lý ảo giúp việc cho các thẩm phán

Trụ cột thứ ba, theo ông Phạm Quốc Hưng, chính là ứng dụng AI để hỗ trợ thẩm phán trong công tác chuyên môn hay còn gọi là trợ lý ảo. Trước đây, khi phân bổ biên chế cho tòa án, căn cứ vào tiêu chí một thẩm phán sẽ có hai thư ký, giúp việc cả về hành chính lẫn lĩnh vực chuyên môn.

Nhưng khi ứng dụng trợ lý ảo, chỉ xây dựng một thư ký nhưng có thể hỗ trợ công việc chuyên môn cho hàng ngàn thẩm phán trong mọi lúc, mọi nơi, với bộ óc luôn được cập nhật thường xuyên các thông tin với độ chính xác cao. Điều đó cho thấy ứng dụng này hết sức có ý nghĩa và trên thực tế, trợ lý ảo đã hỗ trợ tổng đài trong nhiều hoạt động.

Chẳng hạn, trợ lý ảo có thể tra cứu các văn bản pháp luật thông qua ngôn ngữ nói bằng tiếng Việt giúp thẩm phán có đầy đủ thông tin về quy định của pháp luật có liên quan tới vấn đề cần tra cứu. Đây là những thông tin rất cụ thể, đến những văn bản hướng dẫn.

Tiếp theo là trợ lý ảo sẽ hỗ trợ thẩm phán quản trị công việc, đảm bảo thời hạn, thủ tục giải quyết các vụ việc được phân công. Đối với hoạt động tư pháp, thời hạn tố tụng là một yếu tố rất quan trọng, bên cạnh phần chất lượng. Đồng thời trở lý ảo cũng nhắc nhở, cảnh báo xử lý những việc mà người thẩm phán cần phải làm ngay.

Thứ ba, trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán soạn thảo một số văn bản tố tụng, rà soát lỗi chính tả, kỹ thuật văn bản, mã hóa bản án trước khi đăng tải lên cổng TTĐT. Đối với hoạt động này, nếu như trước đây một thẩm phán mất khoảng 2 - 3 tiếng để mã hóa bản án trước khi ban hành, nay với sự hỗ trợ của trợ lý ảo, thời gian chỉ còn khoảng vài chục giây là hoàn thành. Riêng hoạt động hỗ trợ văn bản tố tụng, hiện ngành Tư pháp mới ứng dụng ở các văn bản mang tính chất biểu mẫu như giấy triệu tham dự phiên tòa hay thông báo thụ lý vụ án.

“Trong thời gian tới, chúng tôi đang hướng đến sử dụng trợ lý ảo để có thể hỗ trợ thẩm phán viết một phần một nội dung bản án”, lãnh đạo ngành Tư pháp cho biết.

tap-huan-truc-tuyen-pm-tro-ly-ao.jpg
Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm "Trợ lý ảo". Ảnh: baochinhphu.vn

Ngoài ra, trợ lý ảo còn giúp số hóa nguồn tài nguyên trí thức, từ kinh nghiệm xét xử của các thẩm phán và được lưu trữ lại bằng công nghệ số để có thể lan tỏa, làm cơ sở áp dụng đồng bộ trong hệ thống tòa án và những thế hệ thẩm phán sau có thể kế thừa, tham khảo những tri thức này.

Chính vì vậy, sự phát triển cao nhất của trợ lý ảo mà ngành Tư pháp hướng tới sẽ là tư vấn đường lối xử lý vụ việc và cung cấp dịch vụ đoán định tư pháp. Sau khi hoàn thành các tính năng này, tòa án sẽ công khai cho người dân sử dụng. Tương lai, mỗi người dân sẽ có một trợ lý trợ giúp pháp lý để phục vụ cho mình.

Quá trình ứng dụng trợ lý ảo từ năm 2022 đến nay đã hỗ trợ các thẩm phán rất nhiều trong công tác xét xử. Trung bình mỗi tháng có khoảng 100.000 lượt tương tác với trợ lý ảo và để làm giàu cho tri thức trợ lý ảo, ngoài việc trợ lý ảo tự học tập, phân tích các bản án, quyết định đã có hiệu lực được lan tỏa trên cổng TTĐT của TANDTC, lãnh đạo tòa án tối cao cũng đặt ra chỉ tiêu cho các thẩm phán là hàng năm mỗi thẩm phán phải tạo ra, nghiên cứu một tình huống pháp lý và cách giải quyết để tương tác làm giàu tri thức cho trợ lý ảo.

Theo ông Phạm Quốc Hưng, quá trình triển khai thực hiện CĐS trong Toà án Nhân dân cho thấy trong lĩnh vực này cần phải có quyết tâm chính trị rất cao, chỉ đạo toàn diện phải rất quyết liệt. Nhưng cũng như nhiều bộ, ngành khác, sự bất cập về hạ tầng CNTT hiện có và trình độ tin học không đồng đều với những hạn chế của đội ngũ cán bộ là một lực cản rất lớn.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rằng nếu không mạnh dạn bước đi, chúng ta sẽ không bao giờ đến được điểm mong muốn. Từ đó, chúng tôi nỗ lực phấn đấu và với sự giúp đỡ của các cơ quan có liên quan, chúng tôi đã có được những kết quả bước đầu quan trọng như ngày hôm nay”, ông Phạm Quốc Hưng nói./.

Bài liên quan
  • Các xu hướng AI tạo sinh năm 2024 ở Đông Nam Á
    Chúng ta đã chứng kiến ​​sự trỗi dậy của nhiều xu hướng kỹ thuật số khác nhau, nhưng không có xu hướng nào có khả năng tạo ra nhiều chuyển đổi như trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI, Gen AI).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành Tư pháp chuyển đổi số: Hướng tới mỗi người dân có một trợ lý pháp lý riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO