Truyền thông

Ngành xuất bản cần đổi mới để phát triển bền vững

PV 10:22 23/03/2024

"Những khó khăn hiện nay bắt buộc ngành xuất bản phải thay đổi tư duy, đổi mới. Cần phải nhìn những động lực mới, hướng đi mới đang nhen nhóm để tạo ra thay đổi" - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

z5273467862205_09d260a926016f465d5d0b87d5a7efe2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Ngày 22/3/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; đại diện lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam, các cơ quan chủ quản, nhà xuất bản (NXB) và doanh nghiệp kinh doanh phát hành sách trên toàn quốc.

Các NXB triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản điện tử

Báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành năm 2024, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBIPH) - Bộ TT&TT Nguyễn Nguyên đã nêu ra những chỉ số phát triển chính của hoạt động xuất bản.

z5273467910874_5be8197d42848f4293960ac8c497833e.jpg
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên: các NXB triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng.

Hiện cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 đầu sách. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.105,35 tỷ đồng (tăng 4,98% so với năm 2022). Trong đó, 6 NXB có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng; 1 NXB có doanh thu từ 50-100 tỷ đồng; 18 NXB có doanh thu từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng; 27 NXB có doanh thu từ 1 đến dưới 10 tỷ đồng; 6 NXB có doanh thu dưới 1 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, có 24/57 NXB tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số NXB.

Những con số này cho thấy các NXB đã chủ động trong việc giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh và nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng.

Báo cáo cho thấy, các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc, được tái bản nhiều lần dưới dạng in truyền thống hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Hành trình về phương Đông, Nhà Giả Kim, Hiểu và trái tim - nghệ thuật sống hạnh phúc, Cây cam ngọt của tôi, Nghĩ giàu và làm giàu, Lược sử loài người... Một số đầu sách nói có lượt nghe lên đến trên 1 triệu. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sách lậu, sách vô bổ. Sách vô bổ được làm ngày càng tinh vi hơn.

Cùng với đó, loại sách ngắn (sách tinh gọn, tóm tắt) tiếp tục được nhiều NXB quan tâm thực hiện, tiêu biểu là: Bộ sách Thường thức chính trị của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, bộ sách 1001 cách làm ăn của NXB Nông Nghiệp, bộ sách Vang vọng lời nước non của NXB Thông tin và Truyền thông… Điều này tạo ra làn gió mới trong công tác xuất bản sách.

Tuy nhiên, đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế. Mặc dù đã có 4 nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ 5 nhưng việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa AI vào hỗ trợ quy trình xuất bản triển khai chậm, kết quả chưa rõ nét. Mặt khác, mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số NXB khối đại học xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu.

Truyền thông xuất bản năm 2023 được đẩy mạnh. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn tuyên truyền giới thiệu sách.

"Với việc triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, có thể nói báo chí đã vào cuộc rất tích cực, tạo ra được sự quan tâm của xã hội và rõ ràng văn hóa đọc có sự chuyển biến. Tuy nhiên, một số đơn vị xuất bản chưa coi trọng truyền thông sách, chưa ý niệm được việc truyền thông là một phần của xuất bản", ông Nguyễn Nguyên nhận xét.

img-3588-1141.jpg
Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Tại Hội nghị, ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành xuất bản đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, tiếp tục phát huy truyền thống, có những bước phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, duy trì ổn định hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với xuất bản phẩm; công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác xuất bản vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Báo cáo, tham luận của các đại biểu đã nêu rất rõ, đã chỉ ra những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục, ông Thủy nhận xét.

Ngành xuất bản cần đổi mới, sáng tạo, cần thích nghi với cuộc cách mạng công nghệ

Phát biểu chỉ đạo và giao nhiệm vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ngành xuất bản đang gặp khó khăn, là "giai đoạn nhiều đau đớn".

Dẫn lời Darwin: "Kẻ tồn tại không phải kẻ mạnh nhất. Kẻ tồn tại cũng không phải thông minh nhất. Giống loài tồn tại là thích nghi'", Bộ trưởng cho rằng ngành xuất bản cần đổi mới, sáng tạo, cần thích nghi với cuộc cách mạng công nghệ.

"Những khó khăn hiện nay bắt buộc ngành xuất bản phải thay đổi tư duy, đổi mới. Cần phải nhìn những động lực mới, hướng đi mới đang nhen nhóm để tạo ra thay đổi. Cần có sự hợp tác giữa đơn vị xuất bản với các đối tác tài chính, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở nhiều sản phẩm xuất bản số. Về phía cơ quan chức năng, sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện thể chế, hoàn thành vai trò "nhạc trưởng" để đưa ngành xuất bản phát triển bền vững" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

z5273467858639_b4bab7d50503a4ffb7094199ba01c81b.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng bằng khen cho các cá nhân và đơn vị ngành xuất bản

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng, một lĩnh vực lâm vào khó khăn là khi nó đang bị thay thế bởi những tổ chức bên ngoài chưa tìm được hướng đi mới. Khi có cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ có doanh nghiệp mới, sử dụng công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm thay thế nhiều ngành ở nhiều lĩnh vực.

“Dùng công nghệ mới để làm tốt hơn" là nhận định, đồng thời là định hướng của Bộ trưởng với ngành xuất bản.

Cần có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã chỉ ra những khó khăn, phân tích các nguyên nhân, hạn chế của ngành xuất bản trong năm 2023, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2024, trong đó nhấn mạnh các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực xuất bản, phát hành.

z5273467877545_86a9af8260ae59470ca772ad96e03d9e.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

NXB Chính trị quốc gia Sự thật - đơn vị hàng đầu về xuất bản sách lý luận, chính trị của Đảng và Nhà nước - nhấn mạnh, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, cần xác định những quan điểm, định hướng trong công tác xây dựng đề tài sách, gắn kết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế.

Đại diện Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam chia sẻ, khai thác bản quyền trong lĩnh vực xuất bản không chỉ là việc mua bán quyền dịch và phát hành tác phẩm từ quốc gia này sang quốc gia khác mà còn là nền tảng quyết định đến sự bền vững và phát triển của ngành xuất bản.

Nhà xuất bản Trẻ đưa ra một số đề xuất theo hướng hệ sinh thái tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số, trong đó sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử, tận dụng được nguồn lực và lợi ích to lớn của công nghệ; đẩy mạnh hoàn thiện các chính sách, cơ chế để bảo vệ bản quyền trên không gian mạng; quan tâm, hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị xuất bản; tăng cường đào tạo nhân lực làm xuất bản theo hướng tích hợp có chất lượng cao, am hiểu về xuất bản lẫn công nghệ, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động xuất bản, để có thể hỗ trợ cho việc phát triển hệ sinh thái xuất bản.

Về vấn đề bảo vệ bản quyền sách hiện nay, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: không gian mạng là môi trường trung gian tiếp tay cho các hành vi xâm phạm bản quyền sách diễn ra phổ biến và dễ dàng hơn, đã gây ra những thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ bản quyền sách. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo, đầu tư, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Bà Oanh cũng đưa ra các giải pháp để thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả trong thời gian tới như: Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan nhằm tạo dựng hành lang pháp lý khuyến khích hoạt động sáng tạo, bảo vệ bản quyền trên không gian mạng; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, thực thi trong việc quản lý và xử lý hành vi xâm phạm quyền; nâng cao tính chủ động của các chủ thể quyền (tác giả, nhà xuất bản) trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (vai trò trung tâm); đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khai thác và bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ thể quyền, cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng và công chúng…/.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số - xu thế tất yếu và sẽ là tương lai của ngành xuất bản
    Những năm gần đây, xuất bản kỹ thuật số đang thu hút được sự quan tâm của ngành xuất bản Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây được xem là ngành công nghiệp dịch vụ mới nổi, phát triển trên cơ sở ngành xuất bản truyền thống và dựa vào nền tảng công nghệ máy tính và công nghệ số tích hợp đa nền tảng, liên kết cơ sở dữ liệu từ nhiều ngành truyền thông khác nhau là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành xuất bản cần đổi mới để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO