Truyền thông

Chuyển đổi số - xu thế tất yếu và sẽ là tương lai của ngành xuất bản

Minh Khang 18/02/2024 14:25

Những năm gần đây, xuất bản kỹ thuật số đang thu hút được sự quan tâm của ngành xuất bản Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây được xem là ngành công nghiệp dịch vụ mới nổi, phát triển trên cơ sở ngành xuất bản truyền thống và dựa vào nền tảng công nghệ máy tính và công nghệ số tích hợp đa nền tảng, liên kết cơ sở dữ liệu từ nhiều ngành truyền thông khác nhau là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

xuat-ban-so-.jpeg

Ngành xuất bản cần tích hợp hệ sinh thái phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ số

Thực tế ngành xuất bản thế giới cũng cho thấy, các quốc gia có nền xuất bản phát triển hiện đại đều là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực xuất bản số, xuất bản điện tử, tiêu biểu là các nước: Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp... Xuất bản điện tử cũng là mô hình được dự báo có nhiều dư địa để phát triển ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động xuất bản và bảo đảm cho ngành xuất bản bắt kịp xu thế của thời đại.

Trên thế giới, nhiều tập đoàn xuất bản - truyền thông lớn ở các nước với sự nhạy bén cao về các cơ hội phát triển kinh doanh trong thời đại Internet và cuộc CMCN 4.0 đã đẩy nhanh quá trình số hóa tích hợp đa nền tảng từ nhiều ngành truyền thông khác nhau (gồm: xuất bản, báo chí, truyền hình, phát thanh, điện ảnh...). Họ đầu tư nguồn vốn khổng lồ để xây dựng nền tảng số hóa, không những hoàn thành việc số hóa các dữ liệu, tài liệu từ rất sớm mà còn xây dựng được kho sách số hóa, chuyển toàn bộ số sách, tạp chí in giấy thành định dạng số hóa để phát hành trên Internet. Họ xây dựng kho dữ liệu số lớn, kênh biên tập online, nền tảng giáo dục online và hàng loạt các sản phẩm số hóa với nhiều hình thức khác nhau.

Đơn cử, Tập đoàn Walt Disney sử dụng tổng hợp nhiều loại hình truyền thông từ điện ảnh, truyền hình, sách, tạp chí theo chủ đề sản xuất để truyền bá liên tục, lặp đi lặp lại về cùng một nội dung, thực hiện sự bổ sung tài nguyên lẫn nhau, tác động mạnh mẽ vào tâm lý và cảm xúc của người dùng; từ đó, mở rộng chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị và chuỗi kinh doanh của mình. Các tập đoàn truyền thông - xuất bản như Taylor & Francis, John Wiley,... cũng tương tự như vậy, họ đã nhập cuộc vào “thế giới công nghệ” để có những bước tiến mạnh mẽ về mô hình, công nghệ và giá trị của xuất bản số...

Hiện nay, xu hướng phát triển tích hợp số trong ngành xuất bản số đang là hướng đi của nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xuất bản số không những chuyển đổi từ xu hướng tích hợp sản phẩm và tích hợp kênh mà còn có xu hướng tích hợp nền tảng và tích hợp sinh thái phù hợp với cuộc CMCN 4.0. Xuất bản kỹ thuật số có những điểm nổi bật: Tính tích hợp cao cao về nội dung, phương thức, hệ sinh thái; Khả năng hỗ trợ cao về công nghệ; Tính thương mại hóa cao trong phương thức phát hành và phân phối.

Trên thực tế, cuộc CMCN 4.0 không chỉ được ứng dụng mà còn làm thay đổi căn bản cách sáng tạo ra sản phẩm, cách sản xuất, phương tiện truyền tải và phân phối của ngành xuất bản. Do đó, việc xây dựng một nền tảng số làm sách cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động và thông minh cho người làm sách, từ khâu sáng tác, biên tập, sản xuất, giới thiệu truyền thông và phân phối đa nền tảng, làm ra nhiều phiên bản đa hình tướng của sách là yêu cầu tất yếu của bạn đọc trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) ở Việt Nam hiện nay.

Thông qua CĐS hoạt động xuất bản, các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị phát hành xuất bản phẩm sẽ thu thập phản hồi của người đọc, tương tác với họ, để người đọc cũng tham gia vào các công đoạn của sách, phân tích dữ liệu để phục vụ riêng từng khách hàng theo hướng đối tượng, phân tích dữ liệu để phát hiện xu thế.

Đối với những ngành coi nội dung tri thức là cốt lõi như xuất bản sách thì việc tích hợp về nội dung, phương thức, hệ sinh thái càng có vai trò quan trọng. Những người làm xuất bản bây giờ là làm ra nhiều phiên bản của sách phù hợp với mỗi loại nền tảng. Nó không những tích hợp được giữa âm thanh, hình ảnh, số liệu mà còn có thể nâng cao khả năng hoán đổi và liên kết giữa các hình thức truyền thông khác như báo chí, điện ảnh, truyền hình, phát thanh, quảng cáo...

Trong hệ sinh thái của xuất bản kỹ thuật số, các nhà xuất bản, thư viện, báo, tạp chí, trang web, các thiết bị điện tử thông minh cầm tay, nhà cung ứng các giải pháp kỹ thuật đều là một thành viên, mỗi thành viên đảm nhiệm vai trò tương ứng liên kết với trọng tâm là nội dung tri thức được mạng hóa.

Trong nghiệp vụ xuất bản, xuất bản kỹ thuật số rất coi trọng việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT và các nghiệp vụ thông qua Internet. Xuất bản kỹ thuật số tạo ra môi trường thuận lợi cho tất cả các khâu trong quy trình biên tập và xuất bản, tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống, chế độ quản lý, làm việc trực tuyến hoặc ngoại tuyến, tạo môi trường sử dụng công nghệ cơ sở dữ liệu để tích lũy tài nguyên nội dung.

Bên cạnh đó, việc số hóa các xuất bản phẩm đã tạo ra các xuất bản phẩm với nhiều hình thức khác nhau: sản phẩm số hóa văn bản (CD-ROM, DVD-ROM, ebook), sách nói (Audiobook), sách tương tác, các video clip... đã làm thay đổi sâu rộng đối với phương thức vận hành và phân phối, không phụ thuộc vào hệ thống phát hành sách truyền thống...

Không chỉ vậy, sách kỹ thuật số còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, thu hút một bộ phận lớn thanh, thiếu niên đọc sách do có nhiều tính năng hấp dẫn như âm thanh, hình ảnh, tính tương tác cao... Khi một đơn vị làm xuất bản cho ra đời một quyển sách cần phải nghĩ ngay đến các phiên bản của thời đại số hóa như: Phiên bản trên Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, phiên bản để Google tìm kiếm...

xuat-ban-so-2.jpeg

Ngành xuất bản cần xây dựng chiến lược gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của thời đại công nghệ số

Hoạt động xuất bản là một trong những hoạt động chịu tác động nhiều nhất, lớn nhất từ sự bùng nổ của khoa học, công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bên cạnh những cơ hội, ngành xuất bản Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen trong công cuộc chuyển đổi số, nhất là khi mô hình và hoạt động xuất bản nước ta còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất, năng lực tài chính còn nhiều hạn chế; nền tảng hạ tầng kỹ thuật của ngành xuất bản còn lạc hậu, phần lớn đội ngũ nhân lực chưa tiếp cận được với những vận động mạnh mẽ về công nghệ, kỹ thuật, nguồn thông tin khổng lồ hiện nay...

Ông Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT) cho biết, năm 2022 lĩnh vực xuất bản đã có nhiều không gian sáng tạo lớn, khi có những đầu sách phát hành hàng trăm ngàn bản, thậm chí có đầu sách phát hành cả sách in và sách nói hơn 1,5 triệu bản. Xuất hiện những hình thức sách mới như sách nói, sách cẩm nang phát triển hơn và các nhà xuất bản đã cho ra đời những cuốn sách theo nhu cầu bạn đọc, đem đến thứ thị trường cần.

Cũng theo ông Nguyên, CĐS hiện giờ không phải là một lựa chọn nữa mà là sống còn của ngành. Nếu cách đây 2 năm các nhà xuất bản còn hờ hững về xuất bản điện tử, thì năm 2022 đã có 19/57 nhà xuất bản, chiếm 33,3% tổng số nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản và phát hành điện tử (tăng 72,7%). Số lượng xuất bản điện tử đã nhiều hơn và doanh thu sách nói lên đến 100 tỉ là một con số ấn tượng. Đến năm 2023, có những số liệu nổi bật của toàn ngành như: Số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); Số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%); Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch).

Để đáp ứng nhu cầu công cuộc CĐS hiện nay, Bộ TT&TT đã xây dựng nền tảng dùng chung trong lĩnh vực xuất bản, sắp tới sẽ phát triển mạng xã hội để kết nối các đơn vị xuất bản. Thời gian tới, Bộ TT&TT tập trung lan tỏa các nền tảng và đưa ra các biện pháp để các nền tảng này không chỉ phát huy ở trên phương diện chuyển đổi số, mà còn tạo ra hiệu quả kinh tế.

Mặt khác, ngành xuất bản Việt Nam nói chung và mỗi nhà xuất bản cần có chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm đẩy mạnh phương thức xuất bản số tích hợp đa nền tảng để phát hành trực tuyến trên Internet và các nền tảng mạng xã hội. Đây là hướng đi mới và trở thành xu thế tất yếu và sẽ là tương lai của ngành xuất bản buộc tất cả các nhà xuất bản nếu muốn tồn tại thì phải có chiến lược “hành động” ngay từ bây giờ.

Song song với đó, mỗi nhà xuất bản (NXB), đơn vị làm sách ở Việt Nam cần chủ động chuyển đổi số trong toàn bộ quy trình hoạt động của đơn vị mình, một quyển sách ra đời phải nghĩ ngay đến các phiên bản của nó như: Phiên bản trên Facebook, YouTube là thế nào, phiên bản trên TikTok, Zalo, phiên bản để Google tìm kiếm là gì, phiên bản để ChatGPT đưa vào hệ tri thức của nó ra sao, phiên bản tóm tắt, phiên bản điện tử đầy đủ, phiên bản hoạt hình, phiên bản nhắn tin trên di động, phiên bản dưới dạng các câu trích dẫn ngắn để khai sáng, gây cảm hứng tư duy, phiên bản âm thanh, rồi cả phiên bản in đẹp và cao cấp...

Và ngành xuất bản Việt Nam muốn phát triển vươn lên, đáp ứng yêu cầu của thời đại và xã hội, vừa thực hiện tốt chức năng văn hóa - tư tưởng vừa đem lại lợi nhuận cần phải xây dựng “chiến lược phát triển theo hướng số hóa”, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của thời đại công nghệ số và nằm trong chiến lược tổng thể phát triển hạ tầng số, kinh tế số, chính phủ số của đất nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đã ban hành.

Cùng với đó, các NXB, đơn vị làm sách ở Việt Nam cần nhanh chóng đổi mới và hiện đại hóa nền tảng công nghệ, kỹ thuật, phương tiện, chuỗi giá trị, xác định cụ thể phân khúc khách hàng - người đọc... không chỉ coi trọng sách truyền thống, mà còn phải đa dạng hóa các loại hình xuất bản, số hóa nguồn tài nguyên nội dung, tích hợp đa phương tiện sản phẩm nội dung để đạt được lợi ích tối đa, phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Bởi CMCN 4.0 sẽ không chỉ được ứng dụng mà còn làm thay đổi căn bản cách sáng tạo ra sản phẩm, cách sản xuất, phương tiện truyền tải và phân phối của ngành xuất bản trong công cuộc CĐS.

Ngoài ra, ngành xuất bản Việt Nam cần xây dựng một nền tảng số làm sách cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động và thông minh cho người làm sách, từ khâu sáng tác, biên tập, sản xuất, giới thiệu truyền thông và phân phối đa nền tảng, làm ra nhiều phiên bản đa hình tướng của sách, rồi đến thu thập phản hồi của người đọc, tương tác với người đọc, rồi người đọc cũng tham gia vào các công đoạn của sách, phân tích dữ liệu để phục vụ riêng từng khách hàng theo hướng đối tượng, phân tích dữ liệu để phát hiện xu thế. Một nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách, có thể là vô hạn. Vậy hãy mở cái “box” của mình, đẩy mạnh việc hợp tác với các công ty công nghệ số, là lời giải chính cho ngành xuất bản ở Việt Nam hiện nay.

Để ngành xuất bản Việt Nam phát triển bền vững và tạo ra nhiều giá trị trong thời gian tới thì cần triển khai giải pháp xuất bản kỹ thuật số, tích hợp đa nền tảng để đưa sách điện tử, sách số đến hàng triệu độc giả là hướng đi mang tầm thời đại, cần đầu tư kinh phí về nguồn nhân lực, vật lực, tài lực. Khi triển khai xuất bản số cần phải hội tụ các yếu tố nền tảng như: Nội dung, sự sáng tạo, kỹ thuật, kênh tiêu thụ... trong đó hai yếu tố then chốt, đóng vai trò nền tảng của xuất bản số là tài nguyên nội dung và nền tảng kỹ thuật - công nghệ số. Các NXB cần xây dựng, tập hợp, tích hợp được kho dữ liệu số lớn sau đó bán trọn gói hay một phần kho dữ liệu số để thu lợi nhuận...

Đồng hành với công cuộc xuất bản số tích hợp đa nền tảng thì các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội xuất bản cần chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách trong lĩnh vực xuất bản, bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của tổ chức hội đối với hoạt động xuất bản; tạo hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp, thuận lợi để ngành Xuất bản phát triển; bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho hoạt động xuất bản; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS trong hoạt động xuất bản, in và phát hành; bảo vệ bản quyền, quyền tác giả, xử lý nghiêm tình trạng in sách lậu, tạo lập môi trường xuất bản lành mạnh.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2, tháng 1/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số - xu thế tất yếu và sẽ là tương lai của ngành xuất bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO