Truyền thông

Đến năm 2025, 15% xuất bản phẩm hàng năm tại Việt Nam là điện tử

Tuấn Trần 20:10 18/02/2023

Sự đầu tư, phát triển của thị trường xuất bản phẩm điện tử (XBPĐT) tại Việt Nam chưa có sự bứt phá, chưa theo kịp được xu hướng phát triển của công nghệ.

Với mong muốn đưa các sản phẩm công nghệ chuyên ngành đến với các nhà xuất bản (NXB), doanh nghiệp (DN) phát hành, ngày 18/2/2023, tại TP.HCM, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) chủ trì phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM tổ chức hội thảo Giới thiệu một số nền tảng công nghệ số hỗ trợ cho xuất bản (XB), phát hành XBPĐT. 

Theo lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong thời gian qua, cùng với sự đồng hành của các DN công nghệ, một số dự án XB, phát hành XBP đã được nghiên cứu triển khai theo hướng xây dựng nền tảng công nghệ dùng chung để hỗ trợ NXB, đơn vị phát hành thực hiện XB/phát hành XBPĐT nhằm giảm chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhân lực, thiết bị công nghệ, vận hành, khai thác thị trường; xây dựng mạng xã hội của XB để kết nối hoạt động xủa ngành/lĩnh vực; xây dựng nền tảng phát triển thị trường, kết nối bạn đọc với sách…..

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ nhiều đơn vị như Voiz FM, tổng công ty công nghệ V&V, Công ty CP sách điện tử (SĐT) Waka, Công ty CP công nghệ VHMT Việt Nam... đã trình bày, giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các công nghệ, nền tảng, dịch vụ SĐT và các hoạt động liên quan đến XBPĐT đến đông đảo các đại biểu hoạt động trong lĩnh vực XB và phát hành trên khắp cả nước.

img_5648.jpeg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo Giới thiệu các nền tảng số hỗ trợ cho xuất bản và phát hành XBPĐT. 

Thị trường XBPĐT chưa có sự bứt phá

Thông tin từ Hội thảo cho biết, Luật XB năm 2012, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 thay thế Luật XB số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2008/QH12, gồm VI Chương, 54 Điều trong đó dành một chương quy định về XB, phát hành XBPĐT, đây là một bước tiến, đặt nền móng cho sự phát triển của một loại hình XB, phát hành mới trong xu thế phát triển của công nghệ và sự thay đổi cách tiếp cận với sách của người sử dụng.

Sau một chặng đường hơn 10 năm vừa nghiên cứu, đầu tư và có những bước đi thận trọng đến nay, theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, đã có 19 NXB tham gia XB, phát hành XBPĐT, 13 DN phát hành tham gia phát hành XBPĐT, với các loại hình sản phẩm đa dạng, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm đối tượng sử dụng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, sự đầu tư, phát triển của thị trường XBPĐT chưa có sự bứt phá, chưa theo kịp được xu hướng phát triển của công nghệ, "sự do dự của các NXB trong việc lựa chọn cho mình hướng đầu tư, phát triển một quy trình, một sản mới có sự kết hợp của công nghệ số, ông Nguyên nói. 

Mục tiêu CĐS đến năm 2025

Vẫn theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, ngày 7/9/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành Quyết định số 1384/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực XB, in và phát hành giai đoạn 2021 - 2025, với tầm nhìn: Phát triển lĩnh vực XB, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số; đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của các NXB, cơ sở in, cơ sở phát hành; hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số.

Từ kế hoạch nói trên, Bộ TT&TT có quan điểm, CĐS đối với lĩnh vực XB, in và phát hành thực hiện đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước tới các đối tượng quản lý; Kế thừa và phát triển hạ tầng công nghệ hiện có kết hợp đưa xu thế tiến bộ, hiện đại công nghệ số của thế giới vào phát triển lĩnh vực XB, in và phát hành; Kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa thu hút các nguồn lực thực hiện CĐS; Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thực hiện CĐS phục vụ các nhiệm vụ thiết yếu, chiến lược; phát huy vai trò của các thành phần kinh tế vào thực hiện CĐS trên các lĩnh vực XB, in và phát hành.

Mục tiêu CĐS đến năm 2025 của ngành xuất bản, in và phát hành tại Việt Nam cũng đã được vạch ra một cách chi tiết và cụ thể như sau:

Về quy trình XB, phát hành: chuyển đổi phương thức XB, phát hành XBPĐT tử theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập; Đến năm 2025, số lượng XBPĐT (tính theo đầu sách) chiếm tỷ lệ 15% trong tổng số XB phẩm XB hàng năm; 90% NXB thực hiện quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung trên nền tảng công nghệ số.

Trong khi đó đối với nội dung kết nối, chia sẻ thông tin, chế độ báo cáo trên hệ thống cổng thông tin điện tử, đến năm 2025: 100% các đơn vị trong ngành hoàn thành việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực XB, in và phát hành; Cung cấp, lưu trữ hệ thống dữ liệu báo cáo tổng hợp về hoạt động xuất bản trong nước, khu vực và quốc tế, chia sẻ liên thông với các đơn vị bên ngoài.

Về phát triển các nền tảng số để thúc đẩy văn hóa đọc: Kết hợp các nền tảng công nghệ để đưa sách nói, sách đọc trên phương tiện điện tử đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trên các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng; tổ chức các hội sách, triển lãm sách, giao dịch bản quyển theo phương thức trực tuyến trên sàn thương mại điện tử; xây dựng các mạng kết nối của ngành XB để kết nối giữa bạn đọc, người làm sách và người viết sách.

Xây dựng cơ sở dữ liệu của lĩnh vực XB, in và phát hành đảm bảo tính khả thi, dễ dàng sử dụng với quy trình, cách thức khai thác dữ liệu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ TT&TT. Đây là cơ sở để vừa thực hiện CĐS, vừa quản lý các lĩnh vực XB, in và phát hành trên nền tảng số./.

Bài liên quan
  • Sách giấy và sách điện tử, sự lựa chọn nào cho tương lai?
    Từ khi có máy đọc sách, nhiều người cho rằng thời đại của sách giấy đã hết, sách điện tử lên ngôi. Tương tự như báo giấy và báo điện tử. Nhưng có vẻ sự so sánh không đúng lắm vì đọc báo và đọc sách, đều là đọc con chữ, nhưng lại khác nhau về bản chất.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2025, 15% xuất bản phẩm hàng năm tại Việt Nam là điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO