Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xây dựng Chính quyền điện tử
Hướng tới xây dựng CQĐT, tỉnh Nghệ An đã quan tâm triển khai hợp tác với các doanh nghiệp (DN) Viễn thông công nghệ thông tin (CNTT) để cùng phát triển hạ tầng mạng Viễn thông CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, từng bước xây dựng khung CQĐT, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để người dân và DN tiếp cận, ứng dụng CNTT vào việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cần thiết, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt hướng tới phát triển nền kinh tế số.
Từ ngày 1/10/2017, tỉnh Nghệ An chính thức khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), địa chỉ truy cập http://dichvucong.nghean.gov.vn. Hệ thống VNPT- IGate đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết các TTHC một cách nhanh chóng, thuận tiện. Ưu việt của dịch vụ là công dân, DN có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 h trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet.
Đến nay đã có 20 sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị tham gia và đã cung cấp trên hệ thống 1.769 DVCTT, trong đó có 1.138 dịch vụ công mức độ 2; 581 DVCTT mức độ 3; 50 DVCTT mức độ 4.
Tỉnh đã triển khai kết nối liên thông gửi nhận văn bản trên phần mềm VNPT-IOffice cho 20/20 đơn vị cấp sở, 21/21 UBND cấp huyện, 480/480 UBND cấp xã; kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 26 điểm cầu, kết nối UBND tỉnh với UBND các huyện/thị, thành phố, mỗi năm phục vụ trên 30 cuộc họp trực tuyến từ tỉnh xuống huyện. Trong năm 2019, phục vụ 33 cuộc họp nội tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 20 sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị, các chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, các bệnh viện Đa khoa TP Vinh, Bệnh viện Sản Nhi đã được cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Nền tảng chính quyền điện tử được ứng dụng đồng bộ
Cùng đó, các ứng dụng nền tảng CQĐT được phát triển đồng bộ. Ví như trong lĩnh vực giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An xây dựng website miễn phí cho 300 trường học; triển khai chương trình quản lý giáo dục VnEdu tới 1.409/1.491 trường học từ cuối năm 2014, đạt tỷ lệ 95% các trường học trên địa bàn ứng dụng CNTT trong quản lý nhà trường; triển khai sổ liên lạc điện tử đến 230 trường học với gần 80.000 người dùng sổ liên lạc điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, trước tình hình phức tạp do dịch bệnh virus Corona (Covid-19) gây ra, để kịp thời hỗ trợ cho các trường trong thời gian nghỉ học, giúp giáo viên tiếp cận các học sinh từ xa để ôn tập kiến thức, Sở GD&ĐT Nghệ An đã phối hợp VNPT tập huấn cung cấp giải pháp giáo dục điện tử VNPT E-Learning cho các trường học trên địa bàn tỉnh. Với giải pháp này, giáo viên có đầy đủ công cụ để quản lý và thiết kế kho bài giảng điện tử, bài kiểm tra cho học sinh rất dễ dàng.
"Giáo dục điện tử VNPT E-Learning giúp học sinh được ôn tập kiến thức, bài học trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh cũng như khai thác, sử dụng lâu dài trong thời gian tới. Lớp học số mang lại nhiều lợi ích cho cả học sinh và giáo viên, giúp nhà trường tiết kiệm chi phí như tài liệu, giáo án, sổ ghi chép, bằng cấp… không chỉ trong thời kì đối phó với dịch bệnh Covid-19 mà còn là phương pháp dạy và học tiên tiến phù hợp với thời đại 4.0 ngày nay"- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Công Lợi khẳng định.
Đối với ngành Y tế, phần mềm VNPT – HIS được áp dụng trong khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. VNPT Nghệ An phối hợp cùng Sở Y tế đã triển khai thành công giải pháp VNPT-HIS ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT cho 472 cơ sở y tế (cấp tỉnh 4, cấp huyện 12, cấp xã 456) từ tháng 1/2016, chiếm hơn 90% tổng số các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
Hệ thống đã đáp ứng các yêu cầu của Bộ Y tế, liên thông giữa các tuyến tỉnh/huyện/xã. Đến nay đã có hơn 3.200.000 lượt hồ sơ khám chữa bệnh được nhập vào hệ thống (cấp tỉnh 60.000, cấp huyện 810.000, cấp xã 2.330.000), bình quân 8.000 lượt hồ sơ/ngày, kết xuất dữ liệu lên Cổng giám định và đảm bảo thanh quyết toán với BHXH Việt Nam. Nhờ đó, đáp ứng kịp thời hơn công tác khám chữa bệnh tại cơ sở, tạo sự đồng tình hưởng ứng cao trong dư luận nhân dân...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo CNTT tỉnh thì việc triển khai xây dựng CQĐT của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế, nhiều nội dung triển khai CQĐT chưa được như mong đợi như: người đứng đầu một số cơ quan nhà nước chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, vận hành CQĐT. Trong khi đó nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng CNTT trong hệ thống cơ quan nhà nước còn mỏng, chất lượng tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng nhiệm vụ.
Một số văn bản quy phạm pháp luật cho xây dựng vận hành CQĐT chưa được hoàn thiện. Công tác tuyên truyền thông tin về xây dựng vận hành CQĐT, góp phần cải cách TTHC còn hạn chế. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết TTHC và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại nhất khi triển khai các ứng dụng CNTT, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, do nguồn kinh phí cho việc đầu tư cho lĩnh vực CNTT còn gặp nhiều khó khăn, việc triển khai đồng bộ các hạng mục phần mềm, cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông, đường truyền số liệu chuyên dùng,... đòi hỏi chi phí lớn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Định hướng ứng dụng và phát triển CNTT năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho biết, tỉnh sẽ xây dựng triển khai các phần mềm, lựa chọn một số lĩnh vực để phát triển đô thị thông minh và xây dựng trung tâm điều hành thông minh gắn với Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; ứng dụng CNTT trong quản lý đô thị; hoàn thiện kiến trúc CQĐT.
Để thực hiện Chính quyền điện tử theo đúng lộ trình, kế hoạch cần có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm tạo nên bước đột phá, bắt kịp xu thế phát triển chung. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng CNTT nền tảng xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa cải cách TTHC, giảm thủ tục về giấy tờ, chú trọng triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ tổ chức, công dân; tuyên truyền, trợ giúp, hướng dẫn nhân dân thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường mạng, tạo lập mối tương tác trực tuyến liên thông không giấy tờ. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy, thể hiện quyết tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm về công nghiệp - công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa khẳng định.