Kinh tế số

Người dân Việt Nam tham gia nền kinh tế gig đang gia tăng

Trường Thanh 19/11/2024 16:24

Năm 2023, ước tính có khoảng 435 triệu người tham gia vào nền kinh tế gig (hay còn gọi là kinh tế hợp đồng/kinh tế tự do), chiếm 12% thị trường lao động toàn cầu, và tỷ lệ này ở Việt Nam là 14% và được dự báo là sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Sáng ngày 19/11/2024 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam (VASS) và Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI) đồng tổ chức hội thảo “Từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng: Sẵn sàng tham gia hiệu quả vào kinh tế số”.

dsc_9655.jpg
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: Kinh tế số hiện nay không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Những năm gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là Internet, điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (blockchain), thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số.

Theo tính toán, nền kinh tế số đang chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu; dự đoán đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ là 30% . Tại Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và đề ra mục tiêu vào năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030.

dsc_9626.jpg
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn: Kinh tế số đem đến những thay đổi toàn diện và sâu sắc trong từng lĩnh vực của cuộc sống...

Sự phát triển của các công nghệ mới đã làm thay đổi nhanh và mạnh cách các DN vận hành, từ sản xuất, tiêu thụ đến dịch vụ. Người dân ngày càng tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế số. Sự tiện lợi của thương mại điện tử, các dịch vụ tài chính số và những nền tảng công nghệ giải trí đã khiến cuộc sống của người tiêu dùng trở nên phong phú và thuận tiện hơn. Những hình thức làm việc từ xa, làm việc trên nền tảng số cũng mở ra cơ hội mới cho cả người lao động và nhà tuyển dụng.

Không thể phủ nhận những điểm tích cực mà công nghệ mang lại cho cuộc sống. Công nghệ giúp nâng cao năng suất lao động nhờ tối ưu hóa quy trình làm việc và giảm thiểu chi phí, giá thành. Với sự hỗ trợ của máy móc và phần mềm, nhiều công việc trước đây tốn nhiều thời gian và sức lực nay đã trở nên dễ dàng hơn, từ đó giúp các tổ chức và DN hoạt động hiệu quả hơn.

Công nghệ cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong tiếp cận các dịch vụ và hàng hóa nhanh và tốt hơn hơn nhờ các mô hình ứng dụng, hệ thống hoạt động trên nền tảng mới hiện đại…

Bên cạnh những lợi ích rõ rệt, công nghệ cũng đặt ra những thách thức lớn. Một trong những hạn chế đáng chú ý là sự gia tăng khoảng cách số. “Không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận công nghệ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhóm người yếu thế. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc tận dụng lợi ích của công nghệ. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng kéo theo những rủi ro về bảo mật thông tin và quyền riêng tư của người dùng, khi mà các cuộc tấn công mạng và lạm dụng dữ liệu cá nhân ngày càng gia tăng”.

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, công nghệ sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ vào quá trình phát triển xã hội. Cách thức vận hành của nền kinh tế số cũng ngày càng trở nên đa dạng hơn. Các DN sử dụng dữ liệu lớn (big data) để phân tích nhu cầu của khách hàng, từ đó cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Các hệ thống AI giúp tự động hóa quy trình sản xuất và dịch vụ, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thông minh, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường…

Và vì thế, kinh tế số đem đến những thay đổi toàn diện và sâu sắc trong từng lĩnh vực của cuộc sống, thay đổi đối với tất cả các chủ thể trong xã hội như Chính phủ, DN, các tổ chức, người dân. Do vậy, tất cả các bên liên quan đều cần thay đổi, điều chỉnh phù hợp nhằm tận dụng, thúc đẩy và tham gia hiệu quả nhất vào nền kinh tế số, giảm thiểu các vấn đề tiêu cực hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa chính phủ, DN và các bên tham gia kinh tế số là vô cùng cần thiết

Theo ông Keith Detros, Trưởng phụ trách Chương trình, Viện TFGI, công nghệ số và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ được kỳ vọng là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Năm 2022, nền kinh tế số tại Việt Nam đóng góp 14,26% tổng GDP.

dsc_9667.jpg
Ông Keith Detros: Để kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, thì sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa Chính phủ, DN và các bên tham gia kinh tế số là vô cùng cần thiết...

Tuy nhiên, nền kinh tế số phát triển nhanh chóng đi kèm với những thách thức về bất bình đẳng, rủi ro về an ninh mạng, xu hướng việc làm và môi trường. Có 54% DN hoạt động trong nền kinh tế số tham gia khảo sát ở Việt Nam, có mong muốn giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững nhưng mức độ triển khai và mức độ thực sự hành động còn thấp, lần lượt ở mức 31% và 4%.

“Để kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, thì sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa Chính phủ, DN và các bên tham gia kinh tế số là vô cùng cần thiết trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và chính sách, cũng như xây dựng xã hội số vững mạnh với hạ tầng số, kỹ năng số và nguồn nhân lực số chất lượng”.

Ông Keith Detros cho rằng, các chính sách cần được xây dựng kịp thời, thống nhất, tránh chồng chéo để tiếp tục tạo môi trường khuyến khích DN khởi nghiệp và tham gia vào nền kinh tế số, hướng đến mục tiêu phát triển cộng đồng DN số và giải quyết những thách thức mới của nền kinh tế số.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững

Trình bày tham luận “Lý luận và thực tiễn nền kinh tế gig - Trường hợp xe công nghệ ở Việt Nam”, TS. Phạm Thị Thu Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển bền vững Vùng cho biết, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023, ước tính có khoảng 435 triệu người tham gia vào nền kinh tế gig (hay còn gọi là kinh tế hợp đồng/kinh tế tự do), chiếm 12% thị trường lao động toàn cầu, và tỷ lệ này ở Việt Nam là 14% và được dự báo là sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

dsc_9682.jpg
TS. Phạm Thị Thu Phương: Cần đặt ra những vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững, hài hoà cũng như trách nhiệm và lợi ích của DN và cá nhân tham gia kinh tế số.

Kinh tế gig gồm nhiều loại công việc ở các trình độ khác nhau như lau dọn, văn phòng, lập trình CNTT, hoạt động nghệ thuật hay tư vấn. Ở Việt Nam, lái xe công nghệ là một trong những công việc phổ biến nhất được biết đến của kinh tế gig.

Theo khảo sát của Viện IRSD, có 3 yếu tố khiến một người quyết định lựa chọn trở thành lái xe công nghệ hay đối tác tài xế của các nền tảng gọi xe công nghệ như Grab, Be, GoJek. Ba yếu tố đó là thu nhập, tính linh hoạt về thời gian và sự phát triển bền vững.

Theo đó, hơn 80% lái xe công nghệ được hỏi nhận thấy các yếu tố về thu nhập, chất lượng cuộc sống, tinh thần và thời gian cho gia đình đều tăng lên và đồng ý rằng công việc giúp họ có sự chủ động về thời gian, có thể sắp xếp nhiều thời gian hơn cho gia đình.

dsc_9619.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Về yếu tố phát triển bền vững, hơn 80% lái xe được hỏi đồng ý rằng việc lái xe công nghệ giúp tận dụng tài sản cá nhân nhàn rỗi để chia sẻ, tiết kiệm tài nguyên và giảm khí thải nhờ sử dụng định vị GPS để đón, trả khách tại đúng điểm.

“Phần lớn những lái xe tham gia nghiên cứu xác định, lái xe công nghệ là công việc chính và muốn gắn bó lâu dài trong tương lai, điều này đặt ra những vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững, hài hoà cũng như trách nhiệm và lợi ích của DN và cá nhân tham gia kinh tế số”, TS. Phạm Thị Thu Phương chia sẻ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
  • FPT hợp tác cùng Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI
    FPT đã ký kết hợp tác cùng Sở TT&TT TP Đà Nẵng với mục tiêu đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và nguồn lực trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đưa Đà Nẵng trở thành một trong những “địa hạt” công nghệ tại Việt Nam.‏
  • Ngã rẽ nào cho TikTok?
    TikTok, mạng xã hội với 170 triệu người dùng tại Mỹ, đang đứng trước ngã rẽ đầy bất định khi hạn chót ngày 19/1 của đạo luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ, thoái vốn khỏi nền tảng này đang đến gần.
Đừng bỏ lỡ
Người dân Việt Nam tham gia nền kinh tế gig đang gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO