Theo ghi nhận của Pv VietNamNet, vài ngày trở lại đây, nhiều người dùng mạng xã hội Zalođã lan truyền chung một thông điệp thông qua bài đăng trên tài khoản cá nhân.
Những bài đăng này có nội dung giống hệt nhau. Theo đó, chủ tài khoản đưa ra tuyên bố: “Tôi không cho Zalo hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào liên quan đến Zalo được phép sử dụng hình ảnh, thông tin, tin nhắn hoặc bài đăng của tôi, cả quá khứ, hiện tại và tương lai.”
Theo các chủ tài khoản: “Với tuyên bố này, tôi nghiêm cấm Zalo tiết lộ, sao chép, phân phối hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào khác chống lại tôi dựa trên trang cá nhân này và/hoặc nội dung của nó. Nội dung của trang cá nhân này là thông tin riêng tư và bí mật. Việc vi phạm quyền riêng tư có thể bị pháp luật trừng phạt.”.
Kết thúc bài đăng, chủ tài khoản còn đưa ra tuyên bố không đồng ý cho Zalo chia sẻ hình ảnh, tin nhắn dưới bất kỳ hình thức nào.
Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên trào lưu “đòi bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân” xuất hiện tại Việt Nam. Hồi cuối năm 2019, một trào lưu tương tự từng xuất hiện trên mạng xã hội Facebook và thu hút được sự tham gia của rất nhiều người sử dụng.
Cũng giống với trường hợp của Facebook, người dùng Zalo buộc phải đồng ý chia sẻ thông tin của mình với đơn vị phát triển nền tảng ngay từ khi chấp nhận i điều khoản sử dụng của mạng xã hội này.
Theo đó, tại mục số 7 trong điều khoản sử dụng của Zalo, khi sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp này, người dùng đã thừa nhận Zalo có quyền sử dụng các API hệ thống để truy cập vào dữ liệu trên điện thoại.
Các API này bao gồm việc đọc và ghi danh bạ điện thoại, lấy vị trí hiện tại khi nhận được sự đồng ý, ghi dữ liệu của ứng dụng lên thẻ nhớ và truy cập vào Internet từ thiết bị. Cùng với quyền truy cập, Zalo sẽ thu thập các thông tin như thông tin cá nhân, thông tin chung, thông tin vị trí, danh bạ. Tuy nhiên, nhà phát triển cũng cam kết sẽ không sử dụng bất kỳ biện pháp nào để theo dõi nội dung tin nhắn, trao đổi hoặc theo dõi người sử dụng.
Ngay từ khi tải app, để tạo tài khoản, người dùng buộc phải đồng ý với những quy tắc và điều khoản trên. Vì thế, có thể nói rằng, những tuyên bố của người sử dụng Zalo không có nhiều giá trị về mặt pháp lý.
Mặc dù vậy, thông qua những phong trào đòi hỏi quyền lợi này, có thể thấy một thực tế là người dùng Việt Nam đang ngày một quan tâm nhiều hơn đến với vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân Việt Nam.
Đây là một chuyển động tích cực của cộng đồng mạng bởi dẫu Internet là ảo, thế nhưng mọi hoạt động trên đó đều là thật và có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả mọi người trong thế giới thật.