Nhà báo tương lai cần chuẩn bị tốt nhất để thích nghi thời đại AI
Các nhà báo tương lai cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để có thể làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo, phục vụ yêu cầu nghề nghiệp và phát triển chuyên môn.
Sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số (CĐS) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Báo chí - truyền thông với vai trò cầu nối thông tin giữa công chúng và sự kiện, là kênh thông tin quan trọng với xã hội, không thể nằm ngoài xu thế đó. AI đang được đánh giá đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện ngành báo chí.
Sự trỗi dậy của công nghệ AI đang nhanh chóng ảnh hưởng đến việc thu thập tin tức, sản xuất tin bài và phân phối nội dung. Với các công cụ AI, nhà báo có thể xử lý hiệu quả khối lượng thông tin khổng lồ, từ đó tập trung vào những công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo và kỹ năng cao hơn.
Thực tiễn đó cho thấy, các tòa soạn ngày càng chú trọng đẩy mạnh khai thác công nghệ AI nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động báo chí - truyền thông, đa dạng hóa các định dạng nội dung cũng như gia tăng các trải nghiệm mới lạ và giá trị cho độc giả...
Tuy nhiên, công nghệ AI không thể thay thế hoàn toàn công việc của nhà báo mà chỉ là “trợ thủ” đắc lực với điều kiện nhà báo phải hiểu, biết cách sử dụng và kiểm soát công nghệ này. Việc ứng dụng AI trong báo chí cũng đặt ra nhiều thách thức như kiểm soát thông tin, tin giả, vi phạm đạo đức và bản quyền....
Các chuyên gia cho rằng, “nhà báo” tương lai cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để có thể làm chủ công nghệ AI, phục vụ yêu cầu nghề nghiệp và phát triển chuyên môn. Các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông tại Việt Nam hiện nay đóng vai trò quan trong đối với việc đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số để đáp ứng xu hướng ứng dụng AI tiếp tục gia tăng trong các tòa soạn.
Cơ hội và thách thức đối với việc ứng dụng AI trong lĩnh vực báo chí - truyền thông
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về vấn đề này, TS. Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, sự trỗi dậy của công nghệ AI đang nhanh chóng ảnh hưởng đến việc thu thập tin tức, sản xuất tin bài và phân phối nội dung. Nó yêu cầu những kỹ năng, công cụ và quy trình làm việc mới.
Tại Việt Nam, AI được xác định là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Riêng trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, theo Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 là 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động và đến năm 2030, con số mục tiêu này đạt 90% cơ quan báo chí.
TS. Đỗ Anh Đức nhấn mạnh công nghệ AI đã giải phóng sức lao động của nhà báo ra khỏi những nhiệm vụ nhàm chán như viết tin bài theo khuôn mẫu hay chỉnh sửa video, thu âm giọng nói. AI cũng giúp nhà báo tiết kiệm thời gian để có điều kiện tập trung tốt hơn vào những công việc sáng tạo đòi hỏi nhiều kỹ năng cao hơn.
Nhà báo có cơ hội đọc hàng trăm nghìn tài liệu hoặc hàng triệu hình ảnh trong vài giờ - “một việc có thể sẽ phải dành hàng tuần hoặc hàng tháng để xử lý; từ đó giúp nhà báo có đủ thời gian để phát triển các nhiệm vụ thú vị hơn như điều tra, phỏng vấn, hay tập trung cho những báo chí chi tiết, tỉ mỉ…”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi do AI mang lại, nhà báo cũng phải đối diện với những thách thức từ chính công nghệ này. Đó là việc kiểm soát các nguồn thông tin trong không gian mạng, các nguồn dữ liệu, đề xuất nội dung do AI tìm kiếm và gợi ý.
Bên cạnh đó, ứng dụng AI còn có thể làm giảm tính đa dạng của tin tức vì các thuật toán của AI chỉ có thể nhận ra các khía cạnh nhất định của một câu chuyện và do đó đưa ra quan điểm thiên vị. Điều này có thể dẫn đến giảm lòng tin của công chúng do thiếu tính minh bạch về cách các thuật toán AI đưa ra nội dung.
Hơn nữa, nếu “lạm dụng” công nghệ AI (nhất là AI tạo sinh - Generative AI) trong sáng tạo nội dung, nhà báo có thể bị phụ thuộc, thậm chí có thể bị “thui chột” năng lực sáng tạo, sự nhạy bén trong tư duy và cảm xúc của con người - điều mà máy móc không thể có được. Công nghệ AI có thể lan truyền thông tin sai lệch hoặc cũng có thể là đối tượng bị lừa bởi tin giả. Các thuật toán AI được thiết kế để xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác nghĩa là rất khó để phân biệt giữa tin thật và tin giả.
“AI không có khả năng hiểu được ý nghĩa cảm xúc và đạo đức của tin tức mà AI xử lý. Khi AI tiếp tục trở nên tiên tiến hơn, khả năng dễ bị tin tức giả mạo tấn công sẽ tăng lên, khiến việc phân biệt giữa đâu là thật và đâu là giả càng khó khăn hơn. Nhà báo còn có thể vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong việc sử dụng nội dung do AI tạo ra”, TS. Đỗ Anh Đức cho hay.
Nhà báo cần trang bị kiến thức công nghệ và các kỹ năng sử dụng công cụ AI
Từ những cơ hội và thách thức nêu trên, TS. Đỗ Anh Đức cho rằng, các nhà báo tương lai cần có sự chuẩn bị tốt nhất để thích nghi dễ dàng với các ứng dụng AI trong tòa soạn. Bên cạnh khối kiến thức - kỹ năng xã hội và ngành nghề, các nhà báo tương lai cần được trang bị kiến thức công nghệ và các kỹ năng sử dụng công cụ AI để thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu; tìm kiếm ý tưởng; thiết kế và biên tập các sản phẩm truyền thông số...
Người học làm báo cũng cần có môi trường thực hành sử dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng một cách thường xuyên để làm chủ các kỹ năng cốt lõi, nuôi dưỡng đam mê, kích hoạt bản năng nghề và khơi dậy năng lực sáng tạo… Đồng thời, những người làm báo tương lai còn cần được trang bị đầy đủ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp giúp tồn tại và tạo dấu ấn cá nhân trong môi trường truyền thông số biến động không ngừng nghỉ.
Để đáp ứng những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho một thế hệ người làm báo gắn bó với sự phát triển của công nghệ AI, TS. Đỗ Anh Đức cho rằng các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay cần đổi mới chương trình và hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và đội ngũ tham gia đào tạo.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giảng dạy và đội ngũ tham gia đào tạo. Trong đó, cần kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong công tác đào tạo, xây dựng hệ thống học liệu số phong phú giúp sinh viên tiếp cận kiến thức và thực hành linh hoạt...
Hơn nữa, các cơ sở đào tạo cần tăng cường hợp tác với công ty/tập đoàn công nghệ, cơ quan báo chí - truyền thông trên nhiều hoạt động như giảng dạy, thực tập, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ...
Đặc biệt, việc phát triển nguồn nhân lực giảng dạy là yếu tố then chốt, đòi hỏi các giảng viên phải không ngừng nâng cao năng lực về báo chí - truyền thông số và sử dụng các công nghệ mới, nhất là công nghệ AI.
“Để giúp các nhà báo tương lai thích ứng với môi trường làm việc được ứng dụng AI rộng rãi, trách nhiệm hàng đầu thuộc về các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông”, TS. Đỗ Anh Đức trao đổi.
Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ AI trong xây dựng nội dung tuyên truyền, truyền thông” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức mới đây, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nêu rõ, ứng dụng AI trong báo chí - truyền thông không chỉ giúp tăng tốc độ và hiệu suất sản xuất nội dung mà còn mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới.
Để thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là đối với các chủ đề khoa học, truyền thông cần đa dạng hóa hình thức nội dung, như video, infographic, podcast, đồng thời kết hợp giữa báo chí và mạng xã hội…
“Nội dung chính là yếu tố quyết định trong việc giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về các tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng thực tế vào đời sống. Công chúng hiện nay có nhu cầu thông tin cao nhưng lại thiếu thời gian để tiếp nhận đầy đủ, đặc biệt là với những vấn đề khoa học công nghệ có ngôn ngữ phức tạp. Ứng dụng AI sẽ giúp tối ưu hóa vấn đề này”, TS. Phan Văn Kiền cho hay./.