Nhà khoa học trẻ phát triển cần táo bạo, xác định rõ sứ mệnh

Đỗ Minh| 18/05/2022 05:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Đổi mới và sáng tạo (ĐM&ST) giờ đây chính là nhiệm vụ quan trọng góp phần hướng nhanh để đạt mục tiêu phát triển, nâng tầm vị thế cho đất nước, quốc gia. Và nhiệm vụ này sẽ thực sự trở thành "mạnh mẽ", "mũi nhọn" nếu như có sự đồng tâm trong giới trẻ.

Vì các mục tiêu cao cả trên, sáng nay (17/5), tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress đã tổ chức hội thảo các nhà khoa học trẻ với chủ đề "Khởi nguồn sáng tạo trong giới trẻ". Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp (DN), nhà khoa học đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công nhằm truyền cảm hứng đến những người trẻ, đồng thời, tại đây các chuyên gia đưa ra các đề xuất, giải pháp góp phần thúc đẩy nhiệm vụ sáng tạo trong giới trẻ ngày càng hiệu quả, bền vững.

ĐM&ST phải đảm bảo có tính khả thi khi thực hiện

Theo ông Đặng Kim Long, Giám đốc Đối ngoại Huawei Việt Nam cho rằng, ĐM&ST chính là nền tảng đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của DN nói chung và Huawei nói riêng, đã thành công khi làm tốt nhiệm vụ này.

Cụ thể, Huawei luôn chú trọng đầu tư cho ĐM&ST, nhất là các hoạt động, công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua việc: Thúc đẩy đột phá trong lý thuyết cơ bản, phần mềm, kiến trúc hệ thống, thu hút nhân tài đẳng cấp quốc tế để giải quyết những thách thức tương xứng.

Hơn nữa, Huawei luôn coi trọng việc ĐM&ST dựa trên năng lực, tài năng của nhân viên, được đảm bảo đáp ứng thông qua 03 nhân tố: Tập trung, kiên trì, đột phá.

Cùng với đó, Huawei không tạo ra các áp lực cho các nhà khoa học, nhân viên trong công ty, bởi lẽ, điều này về lâu dài sẽ kìm hãm sự phát triển, nhất là sẽ làm "triệt tiêu" các đổi mới & sáng tạo sẽ cần thiết.

"Việc tạo sân chơi "nghiên cứu", sự tự do "ý tưởng" cho các nhà khoa học, nhân viên mới làm nảy mầm các ĐM&ST", ông Long bày tỏ.

Cũng theo ông Long, để làm, thúc đẩy các hoạt động ĐM&ST, Huawei tập trung thúc đẩy các chương trình hợp tác với các trường đại học, học viện trong lĩnh vực công nghệ; tuyển chọ các sinh viên ưu tú ngành công nghệ về làm việc.

Khi trở thành nhân viên trong công ty, lực lượng lao động này sẽ thường xuyên được đào tạo thêm (02 giờ/tuần học online) trên hệ thống của công ty, điều này sẽ giúp các nhân viên có thêm các kiến thức công nghệ mới (5G, IoT, AI, dữ liệu lớn..).

Nhà khoa học trẻ muốn phát triển cần xác định rõ con đường đi và sứ mệnh của bản thân - Ảnh 1.

Theo ông Long, ĐM&ST đôi khi là những sáng kiến nhỏ dễ thực thi

Nhờ các kiến thức, tri thức mới luôn được cập nhật, các nhân viên, lực lượng lao động trong công ty tăng các khả năng "tương tác", "nhận thức", từ đó khuyến khách các ý tưởng, ĐM&ST được thực hiện, triển khai.

Thực tế, Huawei luôn khuyến khích các nhân viên đưa ra các sáng kiến nhỏ dễ thực thi, đồng thời gắn liền các ý tưởng luôn được đảm bảo trả các phần thưởng lớn tương xứng. Đặc biệt, Huawei không khuyến khích các ý tưởng lớn, vĩ mô vì nó khó thực hiện.

"Huawei quan niệm, đóng góp vào thành công của công ty chính là việc mỗi nhân viên luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất vị trí công việc mình được giao và những giá trị ĐM&ST luôn đảm bảo có tính khả thi khi được thực hiện", ông Long nhấn mạnh.

Nhà khoa học trẻ cần táo bạo với lối đi riêng

Cũng là một DN lớn, khi chia sẻ về tầm quan trọng của lực lượng tri thức, nhà khoa học trẻ, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed, chuyên về lương thực, nông nghiệp, nhấn mạnh thêm, các nhà khoa học trẻ chính là cầu nối giữa ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và phát triển nông nghiệp.

Vì hiểu sâu sắc, thấu đáo về tầm quan trọng đó, ThaiBinh Seed nhiều năm qua đã xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển công ty dựa trên 03 trụ cột chính: Trí tuệ (nguồn nhân lực trí tuệ cao); công nghệ (ứng dụng KHCN mới); quan hệ (hội nhập và quan hệ hợp tác quốc tế).

Đưa ra lời khuyên để giúp các nhà khoa học trẻ phát triển, ông Trần Mạnh Báo nhấn mạnh: Nhà khoa học trẻ cần xác định rõ con đường đi và sứ mệnh của bản thân; luôn suy nghĩ tích cực; táo bạo với lối đi riêng, sẵn sàng đón nhận cái mới và sự cải tiến; luôn nỗ lực với bản thân và kiên trì với con đường lựa chọn; không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước muốn thực hiện, thúc đẩy hiệu quả nhiệm vụ này cần: Sớm thống nhất xây dựng chính sách, cơ chế hợp tác giữa Sở KHCN với DN để làm căn cứ cho sự kết nối và chuyển giao KHCN có hiệu quả hơn; có cơ chế chính sách khuyến khích các nhà khoa học trẻ hoạt động, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp; đầu tư nhiều hơn cho các DN KHCN, đặc biệt là DN KHCN nông nghiệp.

Lực lượng nghiên cứu khoa học trẻ còn mỏng

Ở quan điểm nói về những thuận lợi, khó khăn hiện nay đối với các nhà khoa học trẻ, bà TS. Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK AI) cho rằng, thuận lợi chính là sự quan tâm xã hội đối với lĩnh vực nghiêm cứu khoa học luôn được chú trọng.

Đặc biệt, môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học bước đầu được đầu tư, chú trọng, nâng cấp và các nhà khoa học được đào tạo bài bản trong và ngoài nước… "Những thuận lợi này chính là "năng lượng" tiềm năng giúp thúc đẩy đất nước phát triển trên thế mạnh lĩnh vực KHCN",  TS. Nguyễn Phi Lê nhận định.

Tuy nhiên, ở góc độ hạn chế, TS. Nguyễn Phi Lê cho rằng, lực lượng nghiên cứu khoa học trẻ còn mỏng và mặt bằng chung về công nghệ máy móc các ngành, nghề vẫn còn hạn chế, thiếu thốn.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng ban R&D, Công ty CP Fecon bổ sung thêm, thuận lợi giờ đây đối với các thế hệ nhà khoa học trẻ chính là các chủ trương ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho lĩnh vực này.

Nhờ có các chính sách quan tâm, các nhà khoa học trẻ đã được tiếp cận học hỏi, làm việc trong môi trường thuận lợi, nhất là trong môi trường, lĩnh vực CNTT.

Khi lĩnh vực CNTT được mở rộng, điều này mở hướng: Giúp đỡ cho các nhà khoa học trẻ tìm tòi, nghiên cứu, giao lưu các nhà khoa học trên thế giới; dễ dàng tiếp cận với kho dữ liệu số đa dạng (sách, trang điện tử, tạp chí khoa học thế giới…). "Đây là một thuận lợi so với các nhà khoa học trước", ông Dũng nhấn mạnh.

Nhà khoa học trẻ muốn phát triển cần xác định rõ con đường đi và sứ mệnh của bản thân - Ảnh 2.

Các chuyên gia nêu những thuận lợi, khó khăn hiện nay đối việc phát triển các nhà khoa học trẻ.

Khác với quan điểm thuận lợi, TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng chỉ ra yếu tố bất cập, hạn chế như: Các nhà khoa học trẻ còn thiếu những phương pháp tiếp cận, trải nghiệm khoa học thực tế; chịu nhiều áp lực thành công so với thế hệ đi trước để tạo ra các sản phẩm hoàn thiện, bền vững nhưng phải đảm bảo tiêu chí gìn giữ môi trường.

Như vậy, với những chia sẻ thành công cùng những ý kiến đề xuất giải pháp, bức tranh mang "thông điệp" về sự cần thiết phải tập trung, phát triển lực lượng đội ngũ khoa học trẻ cũng chính là một nhiệm vụ luôn phải được ưu tiên, việc làm thường xuyên trong hiện tại và tương lai. Đặc biệt, quan trọng khi làm tốt nhiệm vụ này, sẽ góp đưa đất nước phát triển toàn diện, bền vững, hướng đến tạo ra ngày càng nhiều các sản phẩm nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo phục vụ cuộc sống ngày tốt đẹp hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà khoa học trẻ phát triển cần táo bạo, xác định rõ sứ mệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO