Truyền thông

Nhận diện cơ hội và thách thức phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam

Nguyễn Nhàn 12:35 29/10/2024

Công nghệ blockchain hiện nay được coi là "chìa khóa" cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ tương lai. Nhiều quốc gia đang nghiên cứu hoặc đặt ra mục tiêu chiến lược với công nghệ này như một nền tảng phát triển quốc gia và Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó.

Xu thế toàn cầu

Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đã tạo một cuộc đua mới về nắm bắt, làm chủ, chuẩn hóa các công nghệ mới của các quốc gia cũng như của các tổ chức quốc tế. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) ra đời đã nhanh chóng trở thành một trong các công nghệ trụ cột của CMCN 4.0.

Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Estonia... đã nghiên cứu hoặc có mục tiêu chiến lược lấy công nghệ blockchain làm nền tảng phát triển quốc gia…

Kể từ khi công nghệ blockchain ra đời, tác động đột phá của nó đã tạo ra một “cơn sóng” về công nghệ lên tất cả các ngành, từ truyền thống lâu đời đến các ứng dụng công nghệ mới nhất.

Đối với lĩnh vực tài chính, blockchain đã hỗ trợ giao dịch tiền mã hóa, hợp đồng thông minh, và các dịch vụ tài chính phi tập trung (DeFi) như vay mượn, đầu tư và bảo hiểm mà không cần qua trung gian truyền thống như ngân hàng; Giúp giảm chi phí giao dịch, tăng tốc độ xử lý, và tăng cường tính minh bạch, giúp người dùng kiểm soát tài sản tài chính của mình một cách trực tiếp và an toàn hơn.

cong-nghe-blockchain-16517430020611717182704.jpg
Công nghệ Blockchain ra đời đã nhanh chóng trở thành một trong các công nghệ trụ cột của CMCN 4.0.

Có thể khẳng định, blockchain là một công nghệ nền tảng đang và sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức quản trị - kinh doanh - sản xuất hiện tại. Nền tảng này có thể hình thành vô số hình thái kinh tế - xã hội mới; thay đổi kết cấu xã hội, cách tương tác con người - con người và con người - vạn vật.

Với những ưu thế vượt trội, công nghệ blockchain đang được nhiều quốc gia xem là một trong những lựa chọn quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế. Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường blockchain toàn cầu đạt 5,92 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ tăng lên 163,83 tỷ USD vào năm 2029.

Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng phát triển blockchain. Báo cáo của TechSci Research năm 2023 cho thấy, thị trường blockchain Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2023 - 2027. Việt Nam là thị trường có mức chấp nhận blockchain cao và phát triển công nghệ blockchain hàng đầu hiện nay.

Có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do người Việt Nam sáng lập trong lĩnh vực này có mức vốn hoá trên 100 triệu USD, với nhiều start-up "kỳ lân" xuất hiện. Nhiều công ty khởi nghiệp triệu đô có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trường, như Kyber Network của Lưu Thế Lợi đã nhận được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư lớn từ hơn 100 quốc gia khắp thế giới.

Tại sự kiện "World Blockchain Web 3.0 Marvels HCMC 2023", ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS Group đồng thời là cố vấn (mentor) tại đơn vị đào tạo trực tuyến FUNiX đưa ra con số, Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu ví liên quan đến tiền điện tử và tài sản số (NFT). Những năm gần đây, mỗi năm có thêm khoảng 500 - 1.000 doanh nghiệp ứng dụng blockchain.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Blockchain và triển vọng phát triển kinh tế ở Việt Nam” tháng 6/2024, ông Lê Thái Dương - Giám đốc điều hành U2U Venture Builder chia sẻ về những cơ hội đối với Việt Nam khi phát triển blockchain.

Ông Dương cho rằng, đây là lĩnh vực mới, xuất phát điểm là như nhau so với các quốc gia khác. Việt Nam nằm trong top 3 các quốc gia chấp nhận tiền điện tử, với nguồn nhân lực trẻ, năng động và chất lượng cao.

Đặc biệt, ở Việt Nam hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển, nhất là trong lĩnh vực blockchain. Với Blockchain, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, cải tiến chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm mới.

block-2-1729646106-6600-1729646115.jpg
Việc phát triển Blockchain ở Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức.

Bên cạnh những mặt thuận lợi và cơ hội như nêu trên, theo ông Dương, việc phát triển blockchain ở Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức, như: Chi phí triển khai cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhận thức của thị trường, cũng như hệ thống quy định pháp lý còn hạn chế.

Ông Dương cũng nhận định rằng, tuy blockchain mang lại nhiều lợi ích cho cả nền kinh tế lẫn các hệ sinh thái kinh doanh nhưng do nhận thức của xã hội còn hạn chế về lĩnh vực này nên chưa tách bạch giữa vai trò, chức năng của nhà mạng với các hoạt động ký sinh. Thậm chí có những cái nhìn lẫn lộn, đánh đồng giữa nhà mạng và nhà cung cấp các loại tiền ảo, tiền số. Điều này gây nên những cái nhìn không chuẩn xác, thậm chí thiếu thiện cảm với các doanh nghiệp phát triển, sáng tạo nền tảng công nghệ blockchain.

Được biết, ngày 22/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).

Chiến lược nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain; đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ Blockchain trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; có đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về blockchain dẫn đầu trong khu vực Châu Á.

Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển blockchain.

Trong đó, rà soát, nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của hành lang pháp lý hiện hành với các giải pháp, ứng dụng blockchain. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ blockchain đảm bảo tính liên thông và tính mở của các bên tham gia vào các giao dịch dựa trên công nghệbBlockchain. Tăng cường hướng dẫn và điều chỉnh công nghệ Blockchain. Đồng thời, nâng cao hiệu lực các quy định của pháp luật trong quản lý công nghệ blockchain để thúc đẩy sự phát triển an toàn, tin cậy của công nghệ này./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện cơ hội và thách thức phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO