Do chỉ 21% dân số được tiếp cận với những dịch vụ tài chính chính thống nên không ít lao động phổ thông vướng vào tín dụng đen, cho vay nặng lãi để chi tiêu cho những sinh hoạt cơ bản. Vì vậy, việc ra đời những nền tảng “nhận lương linh hoạt” như GIMO, được coi như một cứu cánh cho người lao động phổ thông trước bài toán “cơm áo gạo tiền” và gia tăng thêm phúc lợi tài chính cho doanh nghiệp, giảm bớt tỷ lệ nghỉ việc và gia tăng năng suất làm việc.
Báo cáo “Mô hình nhận lương linh hoạt: Tác động bước đầu tới doanh nghiệp và người lao động phổ thông Việt Nam” do nền tảng nhận lương linh hoạt GIMO thực hiện mới đây đã đưa ra những tác động ban đầu của phúc lợi tài chính từ mô hình này tới người lao động, đặc biệt là nhóm người ít có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ tài chính chính thống. Báo cáo được dựa trên khảo sát với 1.142 người sử dụng giải pháp “nhận lương linh hoạt” và dữ liệu từ hơn 49.000 giao dịch nhận lương sớm trong vòng 8 tháng.
Cụ thể, theo báo cáo, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, hơn 50% trong số đó là lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Tuy nhiên chỉ 21% dân số được tiếp cận với những dịch vụ tài chính chính thống. Điều đó đồng nghĩa với việc có hàng triệu người lao động gặp khó khăn tài chính nhưng chưa thể hoặc không thể tìm đến những giải pháp hợp pháp và nhân văn bởi một số rào cản nhất định. Tuy nhiên, không phải lúc nào những lao động phổ thông cũng có thể xoay sở với những khoản chi bất thường như xe hỏng, con ốm, ma chay cưới hỏi… Điều đó khiến rất nhiều người lao động phải vay mượn từ người thân, bạn bè; hay thậm chí là phải tìm đến những giải pháp rủi ro và nhiều hệ lụy như cho vay lãi suất cao, cầm cố tài sản, hay rút sổ bảo hiểm xã hội.
“Có thể nói, mức lương dậm chân tại chỗ, chi phí sinh hoạt tăng cao và thiếu khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống đang khiến nhiều người lao động phổ thông phải đối mặt với những khó khăn về tài chính”, báo cáo của GIMO khẳng định.
Để giải quyết bài toán này cho người lao động, cùng với những công ty công nghệ tài chính, các doanh nghiệp cũng có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của người lao động, bắt đầu với việc linh hoạt hơn trong chu trình chi trả lương cho người lao động. Mặc dù ý tưởng phá vỡ chu kỳ trả lương truyền thống khá mới mẻ và hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải một số rào cản nhất định. Tuy nhiên quy trình này lại gắn liền với nhiều thủ tục hành chính rườm rà như thiết lập tiêu chí và điều khoản tạm ứng, phê duyệt, thanh toán và đối soát… tạo gánh nặng cho đội ngũ nhân sự, tài chính và kế toán hay thậm chí cả việc bảo mật thông tin.
Để rồi, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng mô hình này nhằm tăng cường sức khỏe người lao động, từ đó giảm bớt tỷ lệ nghỉ việc và gia tăng năng suất làm việc. Cụ thể, 80% người lao động cảm thấy hài lòng hơn với chính sách của công ty kể từ khi được nhận lương linh hoạt, 79% người lao động cảm thấy bớt căng thẳng tài chính hơn kể từ khi được nhận lương linh hoạt hay 40% người lao động không còn hoặc ít sử dụng các dịch vụ tài chính phi chính thống kể từ khi được nhận lương linh hoạt.
Chưa kể đến, quyền chủ động tiếp cận phần lương tích lũy có thể đem lại những tác động tích cực tới hành vi sử dụng dịch vụ tài chính của người lao động. Đây cũng là một phúc lợi tài chính cần thiết, đặc biệt đối với những người có mức thu nhập chỉ đủ sống. Khi mà 51% người được hỏi sử dụng dich vụ nhận lương linh hoạt để chi trả cho các khoản phí sinh hoạt cơ bản. Nếu không có giải pháp này, có lẽ họ sẽ phải tìm đến các nguồn tài chính khác không an toàn và có lãi suất cao.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của GIMO, nền tảng này ra mắt vào đầu năm 2021. Về lý do ra mắt sản phẩm, GIMO thấy rằng những người lao động phổ thông hiện nay gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống và đang bị bỏ lại phía sau trong mắt các công ty tài chính – ngân hàng. Chưa kể, những người lao động còn đang gặp phải vấn nạn tín dụng đen cũng như các hình thức cho vay không chính thống. “Do đó, GIMO nhận thấy đây là một thị trường rất tiềm năng. Đồng thời, mô hình này đã đem lại những kết quả rất tích cực cho người lao động ở các thị trường như Mỹ và châu Âu”, ông Quân chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, nếu sao chép nguyên mô hình “nhận lương linh hoạt” ở các nước rồi áp dụng thì sẽ rất khó để phát triển, nhất là ở một thị trường khá đặc thù như ở Việt Nam. Do đó, GIMO chỉ tham khảo cách thức triển khai mô hình, còn khi áp dụng thực tế thì phải liên tục điều chỉnh từ xây dựng sản phẩm, phương thức vận hành... “Bởi vì, như tại Trung Quốc hay các quốc gia phát triển, việc vận hành tập đoàn, doanh nghiệp lớn khá đồng bộ, chuẩn chỉnh như tạo các cổng kết nối API, chia sẻ dữ liệu… Còn ở Việt Nam, do các đơn vị chưa chuyển đổi số một cách toàn diện, nhất là trong quản trị nhân sự nên cũng gây khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp bên thứ 3”, ông Quân lý giải.
Cũng theo ông Quân, việc tích hợp vào hệ thống các doanh nghiệp cũng là một rào cản, một thách thức mà GIMO cũng như các ứng dụng khác gặp phải trong việc tiếp cận, chia sẻ dữ liệu, luồng vận hành.
Một khó khăn khác là trong thời gian đầu, khi tiếp cận các tổ chức, đa phần doanh nghiệp không thực sự hưởng ứng do đây là một ý tưởng mới, nên không phải lãnh đạo nào cũng đồng ý để cho người lao động được tiếp cận một phần lương mà họ đã làm nhưng chưa được nhận. GIMO đã phải mất nhiều thời gian để thuyết phục các đơn vị cũng như đem nhiều dẫn chứng, bài học kinh nghiệm (case study) để chứng minh lợi ích của mô hình với lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động trong các công ty.
“Vấn đề lớn nhất hiện nay của GIMO là làm thế nào để đưa giải pháp, sản phẩm của mình nhanh nhất tới hàng triệu người lao động trên khắp cả nước”, Tổng Giám đốc GIMO bày tỏ.
Còn về điểm thuận lợi, đầu tiên do GIMO là một trong số những đơn vị tiên phong và dẫn đầu mô hình này ở Việt Nam nên cũng có những tiếng nói, lợi thế nhất định khi triển khai dịch vụ với các đối tác.
Lợi thế tiếp theo là việc GIMO có đội ngũ nhân sự hiểu thị trường, có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để có thể xây dựng sản phẩm, chăm sóc khách hàng, vận hành đúng và hợp lý nhất với thị trường Việt Nam.
“Cuối cùng, GIMO còn có được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, các đơn vị tài chính giúp an tâm về tài chính phục vụ tốt cho khách hàng”, ông Quân khẳng định.
Theo ông Quân, mô hình “nhận lương linh hoạt” là bài toán, vấn đề đặc trưng của mỗi một quốc gia (local problem) do mỗi một thị trường có những đặc thù riêng nên tạo ra những cơ hội, đặc thù khác nhau. Vì vậy, nếu một đơn vị nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam, họ sẽ gặp rất nhiều rào cản, như hành lang pháp lý, thấu hiểu ngôn ngữ, tâm tư của người lao động… Do đó, họ sẽ tìm kiếm những đối tác ở Việt Nam, như cách các như nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… thường muốn kết hợp doanh nghiệp nội để mở rộng thị trường.
Vì vậy, với các nhà cung cấp nước ngoài, GIMO có lợi thế hiểu thị trường và là đơn vị tiên phong, dẫn đầu thị trường. Tập khách hàng của GIMO cũng là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thị trường. “Còn yếu tố bất lợi của GIMO sẽ là về vốn nhưng chúng tôi may mắn được các quỹ, doanh nghiệp tài chính khác hỗ trợ mở rộng quy mô”, ông Quân nói.
Còn với doanh nghiệp trong nước như các startup hay doanh nghiệp SaaS cung cấp tính năng “nhận lương linh hoạt”, do mô hình này còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên càng có nhiều đơn vị tham gia thì thị trường sẽ càng phát triển và người cuối cùng hưởng lợi vẫn là người lao động. Chưa kể, có cạnh tranh thì mới tạo ra sự phát triển và các doanh nghiệp sẽ nhận ra đơn vị nào làm tốt. Đồng thời để tham gia thị trường này, các doanh nghiệp phải sở hữu nền tảng công nghệ tốt, cùng đội ngũ hiểu về lĩnh vực tài chính, quản trị rủi ro, cân đối dòng tiền…
Kể về câu chuyện thuyết phục khách hàng, cũng theo ông Quân, khách hàng đầu tiên của GIMO là một đơn vị thân thiết nên cũng gặp khá nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, do năm 2020-2021, câu chuyện chuyển đổi số được nhắc đến nhiều nên lãnh đạo doanh nghiệp cũng khá cởi mở về vấn đề này, nhất là trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự. Sau đó, trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội nên lãnh đạo doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến việc làm thế nào để cải thiện đời sống cho người lao động. “Khi đó, trong giai đoạn dịch bệnh, GIMO giống như một phúc lợi cứu cánh cho doanh nghiệp, trở thành cầu nối với người lao động”, ông Quân chia sẻ.
Còn sang năm 2022, câu chuyện của GIMO thuyết phục khách hàng là việc trở thành phúc lợi tài chính toàn diện cho người lao động phổ thông. Khó khăn lúc này chủ yếu là mỗi đơn vị lại có một nút thắt khác nhau. Do đó, với những doanh nghiệp còn e ngại khi triển khai mô hình, GIMO cho phép họ được thử nghiệm dịch vụ, để từ đó tháo gỡ những khó khăn khi vận hành. “Điều may mắn là 100% doanh nghiệp sau khi thử nghiệm dịch vụ thì đều ký tiếp hợp đồng sử dụng”, ông Quân nói.
Khi được hỏi về sự quan tâm của đối tác trong dịch và giai đoạn bình thường mới, đại diện GIMO cho rằng có sự khác biệt nhất định. Trong dịch bệnh, việc tiếp xúc chủ yếu trên môi trường trực tuyến nên sẽ mất nhiều thời gian hơn để thuyết phục, xây dựng lòng tin với khách hàng, nhất là với một đơn vị non trẻ như GIMO vào thời điểm đó. Tuy nhiên, năm 2021, GIMO đã đạt được những kết quả kinh doanh khá ấn tượng.
Còn trong năm 2022, khi mà đã có những bước chạy đà tốt trong năm 2021, việc đón nhận của khách hàng tốt hơn rất nhiều. Điều này thể hiện ở việc, kết quả 6 tháng đầu năm 2022, quy mô khách hàng, quy mô tài chính, tổng số tiền tạm ứng... tăng trưởng từ 5-10 lần so với năm 2021. Tình đến tháng 11/2022, GIMO đã hợp tác với gần 80 công ty và phục vụ 350.000 người lao động trên cả nước. “Đây là minh chứng rõ ràng nhất về việc GIMO thành công như thế nào trong việc khai phá thị trường”, ông Quân nói.
Kết quả kinh doanh của GIMO đã cho thấy, doanh nghiệp vẫn coi việc cải thiện phúc lợi cho người lao động của mình vẫn là một ưu tiên lớn. Nhất là trong bối cảnh, sau dịch bệnh, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc ổn định năng lực sản xuất, nguồn lao động thông qua ổn định tài chính, tăng cường phúc lợi thông qua những nền tảng thứ 3 như GIMO sẽ là một giải pháp đáng được doanh nghiệp lưu tâm.
Khi mới ra mắt sản phẩm, đội ngũ sáng lập chỉ thấy rằng thị trường có bài toán và có giải pháp để giải quyết. Thành công ban đầu như ngày hôm nay, ông Quân cho rằng, đó là do có nhiều yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thậm chí cũng cần cả may mắn và đây cũng là một yếu tố rất cần thiết cho startup.
Về kế hoạch ngắn hạn, GIMO sẽ hướng đến mục tiêu phục vụ 500.000 người lao động vào cuối năm nay. Còn dài hạn hơn, GIMO muốn phục vụ không chỉ liên quan đến lương mà còn những phúc lợi tài chính khác cho người lao động ở Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng của mô hình “nhận lương linh hoạt” ở Việt Nam, theo ông Quân, nó giúp giải quyết vấn đề ngách của bài toán tài chính cho người lao động. Khi mà với những số tiền lớn, người dân có thể tìm đến những đơn vị tài chính – ngân hàng, còn những nhu cầu vay nhỏ hơn từ 1-2 triệu thì trên thị trường hiện nay không có một sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu này. “Đó là cơ hội cho mô hình nhận lương linh hoạt, giải quyết nhu cầu vay số tiền từ nhỏ đến rất nhỏ trong một thời gian ngắn”.
Ngoài ra, mô hình này được người dùng đón nhận một cách tích cực vì đã giải quyết được bài toán mà họ gặp phải. “Nếu một doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mà người dùng cần, giúp giải quyết bài toán mà họ gặp phải thì sẽ thành công”, ông Quân nói.
Ông Quân cũng cho rằng, mô hình nhận lượng linh hoạt sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Bởi vì, thị trường Việt Nam sẽ có độ trễ nhất định so với các nước ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Do đó, trong 2-3 năm tới sẽ là thời điểm bùng nổ của mô hình “nhận lương linh hoạt” ở Việt Nam.
Tổng Giám đốc của GIMO cũng kỳ vọng trong thời gian tới, với việc ra đời chính sách sandbox thì những startup như GIMO sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn, trong bối cảnh Việt Nam đang sở hữu đội ngũ kỹ sư công nghệ tốt.
Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu của các nền tảng Make in Viet Nam chủ yếu liên quan đến phát triển sản phẩm, khi nhiều nền tảng hơi nóng vội để ra mắt, đồng thời chưa đủ lắng nghe để tinh chỉnh sản phẩm của mình.
Một vấn đề tiếp theo là về vốn, đối với sản phẩm fintech, công ty sẽ cần trang bị một lượng vốn nhất định, đòi hỏi các startup cần trang bị năng lực gọi vốn, quản trị tài chính để tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư.
Cuối cùng, đối với những doanh nghiệp chưa tiếp cận mô hình này, theo ông Quân, đây là một mô hình tốt, nhân văn giúp nhiều cho người lao động nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Cụ thể, mô hình giúp cho người lao động không bị sao nhãng bởi những vấn đề cơm áo gạo tiền nên năng suất sẽ tốt hơn, ít có suy nghĩ phải chuyển việc. Từ đó, doanh nghiệp giảm được chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo, chi phí giảm năng suất do người lao động nghỉ việc. “Vậy tại sao các doanh nghiệp không cởi mở đón nhận những phúc lợi mới cho người lao động để giảm gánh nặng cho cả 2 bên”, ông Quân đặt câu hỏi.