Đe dọa an ninh thông tin
Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty SVTech kiêm Chủ tịch Công ty South Telecom, cho biết việc CĐS hiện nay đang là bước đi bắt buộc với DN, nhất là với các DN B2C hướng tới các nhóm khách hàng gen Z.
Ở thời đại Internet phát triển mạnh mẽ, những khách hàng này dành thời gian trực tuyến rất nhiều nên DN buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh để tìm kiếm khách hàng, cung cấp sản phẩm dịch vụ và chăm sóc khách hàng trên không gian mạng.
Song CĐS cũng có những điểm tiêu cực DN phải nhìn nhận rõ, cụ thể là an ninh thông tin. Bởi khi áp dụng CĐS càng nhiều càng lưu trữ nhiều dữ liệu, khi ấy dữ liệu là tài sản quan trọng của DN nhưng có thể xảy ra 2 điều không mong muốn.
Một là, sự rò rỉ, mất mát dữ liệu của DN và cả khách hàng, đối tác. Điều này có thể tạo ra những hậu quả lớn chưa lường hết được.
Hai là, vấn đề giả mạo giao dịch hết sức đáng quan tâm. Chuyện này cũng xảy ra rất nhiều như giả mạo giao dịch giữa khách hàng và DN gây thiệt hại cho cả 2 bên.
Bên cạnh an ninh thông tin, khó khăn nữa của hành trình CĐS là câu chuyện liên quan đến công nghệ. Hiện nay công nghệ thay đổi rất nhanh, khi DN áp dụng CĐS thường bị cảm giác không điều khiển được, mất kiểm soát. Ngoài ra, vấn đề vận hành DN khi CĐS cũng sẽ trở thành điểm tiêu cực không mong muốn trong hành trình này.
Theo đó, khi DN áp dụng CĐS càng nhiều càng phụ thuộc vào các giải pháp số, công nghệ thông tin, viễn thông, và khi hệ thống “bị sập” có thể trong 2-3 ngày DN không làm gì được. Điều này có nghĩa nếu quá phụ thuộc vào các giải pháp số, khi xảy ra sự cố gây gián đoạn, hoạt động của DN sẽ bị gãy đổ. Hiện tượng này đã xảy ra với nhiều DN lớn trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Điều cuối cùng khi DN áp dụng CĐS sẽ có rất nhiều máy móc tham gia. Thí dụ, máy phân tích hành vi khách hàng nhằm cá nhân hóa nhu cầu của từng khách hàng, giúp DN có thể phục vụ tốt nhất. Những điều này thoạt nghe rất hay và thực tế cũng hữu ích trong kinh doanh của DN. Song nếu chỉ dựa trên phân tích hành vi cá nhân khách hàng của máy móc để bán hàng, DN rất dễ vướng vào vấn đề đạo đức kinh doanh.
GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, chia sẻ việc CĐS đang và sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến phân công công việc xã hội của mọi tầng lớp nhân dân. Tác động của CĐS trong việc thay đổi tính chất công việc và yêu cầu năng lực cũng như kỹ năng nghề nghiệp cao hơn, sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng do nguồn nhân lực bị thay thế dần bởi công nghệ, cũng như năng lực nhân lực có khả năng không đáp ứng nhu cầu của DN.
TPHCM luôn đồng hành cùng DN
Để đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn, thách thức và đối mặt với những mặt trái của CĐS, TPHCM hiện đang có nhiều giải pháp. Chia sẻ về điều này, bà Vũ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, cho biết TP đang tập trung vào chiến lược quản trị dữ liệu, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và DN. Đặc biệt, TP tạo lập nhiều cơ sở dữ liệu từ khu vực công sau đó mở rộng cho khu vực tư. TP cũng sẽ xây dựng hệ sinh thái chia sẻ dữ liệu mở với DN, đây là nguồn tài nguyên DN có thể khai thác.
Liên quan đến vấn đề an ninh thông tin, bà Trinh nhấn mạnh đây cũng là vấn đề TP rất quan tâm. Vì khi chuyển hoạt động của chính quyền, DN và người dân lên môi trường số, hàng loạt vấn đề an ninh thông tin được đặt ra. TP sẽ lập công ty cổ phần để phục vụ vấn đề an toàn thông tin, từ đây nguồn lực từ nhà nước và tư nhân sẽ cùng hợp lực để cung cấp giải pháp an toàn thông tin cho TP và DN.
Quan trọng nhất trong hành trình đồng hành cùng DN là phải thúc đẩy hoạt động CĐS trong các DNNVV hiện đang chiếm phần đông nhưng còn nhiều khó khăn về nhân lực và nguồn lực tài chính.
Bên cạnh sự hợp tác của TPHCM và Ngân hàng Thế giới (WB), các chương trình của quốc gia, của riêng TPHCM cũng đang tập trung vào hỗ trợ kiến thức, nâng cao năng lực nhận thức của DN về CĐS.
TP đang phối hợp với các tập đoàn cung cấp nền tảng số lớn như Viettel, VNPT, FPT để mang đến những dịch vụ với giá tốt cho DN, từ những bước chuyển đơn giản và từng bước đi sâu hơn. Riêng vấn đề nguồn lực tài chính, các sở ngành và Cục Thuế TPHCM đang hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để DN có thể thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ theo đúng chính sách, nhằm mục tiêu nghiên cứu, phát triển cũng như sử dụng cho hoạt động CĐS trong từng DN.
Những nỗ lực hỗ trợ DN và người dân TPHCM nhằm hướng đến mục tiêu chung phát triển kinh tế số, từ đó đóng góp lớn vào kinh tế TP. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, kinh tế số lõi năm 2021 ước đạt 8,27 tỷ USD. Năm 2022 dự kiến kinh tế số lõi đóng góp 15% GRDP, mục tiêu đến năm 2025 đạt 25% GRDP và năm 2030 là 40%.
Ông Phạm Văn Việt, Giám đốc khu vực ASEAN, Trưởng ban nghiên cứu Libi Research, người có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu tư vấn chiến lược kinh tế số, đánh giá cao khát vọng của lãnh đạo TPHCM trong hành trình số hóa. “Đây là điều kiện tiên quyết đầu tiên đánh giá một tổ chức có sẵn sàng CĐS hay không. Và TPHCM đủ điều kiện trở thành TP dẫn đầu trong hành trình số hóa những năm tới” - ông Việt khẳng định.
Các hoạt động thương mại điện tử, CĐS tại TPHCM đang được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể, đã đưa TP trở thành nơi phát triển bậc nhất cả nước về loại hình kinh tế số./.