Nhận thức của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội đến bạo lực học đường
Hiện nay mạng xã hội (MXH) đã trở thành nhu cầu kết nối phổ biến được rất nhiều người lựa chọn sử dụng trong đó có học sinh trung học phổ thông (THPT).
Tóm tắt:
* Kết quả chính khảo sát học sinh THPT sử dụng mạng xã hội
- Mạng xã hội được học sinh sử dụng nhiều nhất ở mức thường xuyên: Facebook (63,6%) và YouTube (34,9%).
- Nhận thức về tác động tiêu cực về mạng xã hội tới bạo lực học đường: còn đơn giản.
- Nhận thức về nguyên nhân làm cho người có hành vi tiêu cực trên mạng xã hội tới bạo lực học đường: đa số học sinh dù chưa có những nhận định đúng về tác động tiêu cực của mạng xã hội, nhưng đã có những hiểu biết nhất định về nguyên nhân dẫn đến các hành vi tiêu cực của mạng xã hội tác động tới bạo lực học đường.
- Nhận thức về hậu quả của các tác động tiêu cực trên mạng xã hội tới bạo lực học đường: “thiếu tự tin”, “lo lắng khi đến trường”, “không dám tiếp xúc với người lạ” chiếm tỷ lệ cao 81,8% - 84,2%.
- Nhận thức về cách ứng phó với những tác động tiêu cực từ mạng xã hội tới bạo lực học đường: “Tìm kiếm sự giúp đỡ của gia đình, thầy cô”: 79,5%
* 4 biện pháp đề xuât nhằm nâng cao nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường
- Nâng cao nhận thức cho học sinh về văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội
- Hình thành các câu lạc bộ kỹ năng
- Xây dựng kênh truyền thông về phòng chống bạo lực học đường và bạo lực trên không gian mạng
- Phát triển đội ngũ tham vấn các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường và bạo lực trên không gian mạng
Sử dụng MXH mang lại cho sinh viên nhiều lợi ích trong học tập và phát triển bản thân, nhưng đồng thời cũng có tác động tiêu cực đến học sinh, trong đó có tệ nạn bạo lực học đường (BLHĐ) gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất, cũng như kết quả học tập của các em.
Bài viết khái quát thực trạng nhận thức về tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ, nguyên nhân, cách phòng chống ứng phó, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của học sinh THPT về tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ.
Mở đầu
Sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem đến cho xã hội loài người những thay đổi vượt bậc. Trên thế giới có hàng trăm MXH khác nhau như Facebook, YouTube, Twitter, MySpace… Bên cạnh những thuận tiện, hữu ích MXH còn đưa đến những hiện tượng tiêu cực, đó chính là hiện tượng “khủng hoảng thông tin”, gây rối dư luận, gây “nghiện online”, đặc biệt hơn nữa ở đó còn có các hiện tượng “bắt nạt trực tuyến”, “bạo lực mạng”, “bắt nạt qua mạng”, “BLHĐ trên không gian mạng”…
Trong khi đó hiện nay nhóm đối tượng học THPT đang dành quá nhiều thời gian cho MXH mà chưa có hiểu biết cần thiết về hành vi bạo lực trên MXH, sẽ làm cho việc BLHĐ tại các trường sẽ tăng cao hơn, mức độ nguy hiểm và hậu quả sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với bắt nạt truyền thống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên một trong số những nguyên nhân chính là do nhận thức của học sinh về tác động tiêu cực của MXH. Ngay chính bản thân các bạn cũng cần phải có những hiểu biết đúng đắn về những biểu hiện, hậu quả cũng như những cách thức ứng phó với những biểu hiện tiêu cực trên MXH.
Bài báo tìm hiểu nghiên cứu phân tích thực trạng nhận thức của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội về tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ nhằm góp phần giảm tỷ lệ học sinh bị BLHĐ tại các trường THPT trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay.
Kết quả nghiên cứu
Thực trạng nhận thức về tác động tiêu cực của mạng xã hội của học sinh trung học phổ thông đến BLHĐ
a) Phương pháp khảo sát
Mẫu khảo sát chính thức được lựa chọn dựa trên phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, của 03 khối lớp 10, 11 và 12.
Sau khi kết thúc thời gian thực hiện khảo sát, lọc những mẫu phiếu hợp lệ thì số phiếu khảo sát thu được là 7.995 phiếu. Trong đó có học sinh nam là 3.028 chiếm tỷ lệ 37,9% và học sinh nữ là 4.967 với tỷ lệ 62,1%. Và khối 10 là 38,8%, khối 11 là 37,6% và khối 12 là 23,6%.
Phương pháp khảo sát: (1) Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Bước 1. Thiết kế bảng hỏi; Bước 2. Tác giả mời một số học sinh làm thử bảng hỏi để cho ý kiến phản hồi về ngôn ngữ sử dụng; Bước 3. Sử dụng phiếu khảo sát trực tuyến (Google Forms) để thu thập ý kiến của học sinh; (2) Phương pháp thống kê toán học: Sau khi tổng hợp kết quả, nhóm tác giả sử dụng phần mềm SPSS 20 để thống kê và xử lý số liệu đã thu thập từ việc khảo sát, kiểm định tính khách quan, độ tin cậy của các kết quả khảo sát.
Theo như kết quả khảo sát trên thì Facebook và YouTube là 2 trang MXH có số học sinh sử dụng nhiều nhất ở mức độ thường xuyên là 63,6% và 34,9%. Giải thích cho điều này, nhiều học sinh cho rằng đây là hai MXH toàn cầu, có độ phủ sóng rộng khắp, có nhiều tiện ích đáp ứng được các nhu cầu. Tiếp theo Facebook và YouTube, Instagram, Zalo vốn là một MXH kèm theo nhiều dịch vụ tiện ích như dễ dàng trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ video, hình ảnh…
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy học sinh THPT trên địa bàn TP. Hà Nội có thời gian sử dụng MXH nhiều nhất là từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ là 37,6%, thời gian sử dụng từ trên 5 năm trở lên là 31,2%, thứ ba là thời gian sử dụng từ 1 đến dưới 3 năm với tỷ lệ là 24,5%. Và thời gian hàng ngày mà học sinh THPT có tỷ lệ cao nhất là 26,9% là từ 2 đến 3 giờ, tiếp đến là từ 1 đến 2 giờ, tuy nhiên trên 4 giờ là 21%. Thời gian sử dụng MXH của mỗi người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chi phối như: không gian, thời gian, thời điểm, mục đích lên mạng… Tuy nhiên, với kết quả trên, có thể thấy hiện nay học sinh THPT đang dành khá nhiều thời gian cho việc sử dụng MXH.
* Nhận thức về tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ
Trong câu hỏi được đưa ra khảo sát học sinh, nhóm tác giả đã liệt kê các biểu hiện tiêu cực của MXH tới BLHĐ, với mục đích đo mức độ nhận thức của học sinh về tác động tiêu cực của MXH một cách chính xác nhất với 11 biểu hiện hành vi được đưa ra.
Tiếp theo nhóm tác giả thực hiện kiểm định Hệ số Cronbach’s Alpha cho các biểu hiện biểu hiện tiêu cực của MXH tới BLHĐ được đưa ra ở bảng 2, kết quả thu được tại bảng 3.
Kết quả bảng 3 cho thấy, các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng phù hợp (>0,3). Hệ số Cronbach’s Alpha nhóm bằng 0,981 > 0,8 (nằm trong khoảng từ 0,8 đến gần bằng 1 thì thang đo lường rất tốt) nên đạt yêu cầu về độ tin cậy. Các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng của hai biến quan sát trên đều lớn hơn 0,3 (hệ số này càng cao thì càng tốt) và hệ số Cronbach’s Alpha nhóm đã trên 0,8. Điều này chứng tỏ tập hợp biến quan sát này có liên kết tốt để phản ánh nhận thức của học sinh về tác động của MXH tới BLHĐ.
Kết quả thống kê ở bảng 2 chỉ ra rằng, nhận thức của học sinh THPT về tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ còn đơn giản và chưa có sự tương đồng trong sự lựa chọn mức độ đồng ý các biểu hiện về tác động MXH do ĐLC của các biểu hiện đều > 0,500.
Như vậy với kết quả khảo sát trên có thể kết luận rằng học sinh có biết về hiện tượng tiêu cực trên MXH tác động đến bạo lực học đường, tuy nhiên tỷ lệ của những học sinh “phân vân” và “không đồng ý” còn cao và còn chưa được rõ ràng.
* Nhận thức về nguyên nhân làm cho người có hành vi tiêu cực trên MXH tới BLHĐ
Quan sát biểu đồ trên ta thấy hai yếu tố có tỷ lệ lựa chọn cao nhất là “không nhận thức được việc mình làm và không biết bạo lực trên MXH để lại hậu quả nghiêm trọng” có tỷ lệ là 76,6 - 78,7%. Tiếp đến các nguyên nhân khác có tỷ lệ lựa chọn từ 60,7 - 62,7% là các nguyên nhân như “muốn thể hiện bản thân”, “ảnh hưởng từ các cảnh bạo lực…” và “chưa có các giờ học về bạo lực trên MXH…”. Từ kết quả nghiên cứu cho ta thấy đa số học sinh dù chưa có những nhận định đúng về tác động tiêu cực của MXH, nhưng đã có những hiểu biết nhất định về nguyên nhân dẫn đến các hành vi tiêu cực của MXH tác động tới BLHĐ.
* Nhận thức về hậu quả của các tác động tiêu cực trên MXH tới BLH
Nhận thức của học sinh về tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ không chỉ là việc có được những thông tin, kiến thức về các hành vi, nguyên nhân mà còn được thể hiện thông qua sự hiểu biết của học sinh về mối quan hệ biện chứng giữa hành vi và các nhân tố khác, trong đó có sự hiểu biết về hậu quả cũng như tác động đối với người bị BLHĐ. Các biểu hiện như: thiếu tự tin, lo lắng khi đến trường, không dám tiếp xúc với người lạ... là nhóm có tỷ lệ lựa chọn cao nhất từ 81,8 - 84,2%.
* Nhận thức về cách ứng phó với những tác động tiêu cực từ MXH tới BLHĐ
Theo như kết quả trên cho thấy, thì đa số học sinh đều lựa chọn các cách ứng phó bằng cách tìm sự giúp đỡ như: “Tìm kiếm sự giúp đỡ của gia đình, thầy cô” với tỷ lệ 79,5%. Ngoài ra còn các ứng phó khác như: Chặn tài khoản, lưu lại bằng chứng, thông báo với giáo viên, kể cho bố mẹ…
Nhìn chung, học sinh THPT trên địa bàn TP. Hà Nội đều có hiểu biết một phần nào đó về tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ, với các biểu hiện tác động tiêu cực của MXH, tuy nhiên các bạn chỉ nhận biết được một vài biểu hiện đặc trưng. Dù có nhận thức nhất định về một số nội dung của tác động MXH tới BLHĐ và các cách ứng phó, nhưng những cách ứng phó mang tính kém bền vững.
Đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao nhận thức của học sinh trường THPT trên địa bàn TP. Hà Nội về tác động tiêu cực từ MXH tới BLHĐ.
a) Cơ sở đề xuất biện pháp
Căn cứ trên kết quả điều tra và phân tích thực trạng nhận thức tác động tiêu cực từ MXH tới BLHĐ, thì trước tiên cần thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức cho học sinh THPT trên địa bàn TP. Hà Nội về MXH và những tác động tiêu cực tới BLHĐ, tiếp đến là rèn luyện các kỹ năng xử lý các tác động tiêu cực của MXH, tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho học sinh, nâng cao các hành vi tương tác tích cực trên MXH.
b) Nội dung các biện pháp
Biện pháp 1: Nâng cao nhận thức cho học sinh về văn hóa ứng xử trên môi trường MXH
Mục tiêu và ý nghĩa: Nhận thức là khâu đầu tiên của quá trình giáo dục, là cơ sở để hình thành hành vi đúng. Sự nhận thức đầy đủ về văn hóa ứng xử trên môi trường MXH có thể xem là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành thái độ tích cực của học sinh cũng như khơi dậy tính tích cực, thể hiện năng lực ứng xử, tránh truyền tải những thông điệp không phù hợp sẽ gây ra mâu thuẫn trên môi trường mạng, dẫn tới bạo lực trực tiếp.
Nội dung của biện pháp: Nâng cao nhận thức cho học sinh về vai trò, ý nghĩa tích cực của văn hóa ứng xử trên môi trường MXH. Nâng cao nhận thức cho sinh viên về các giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử trên MXH - sân trường mở rộng của trường học về: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực.
Biện pháp thực hiện: Sử dụng mạng Internet: bài viết, những mẩu tin sưu tầm từ sách, báo; những tiểu phẩm về ý nghĩa của văn hóa ứng xử trên MXH, về hậu quả của những hành vi phi chuẩn mực. Bảng tin, bảng tuyên truyền điện tử, tổ chức trưng bày tranh ảnh về những tác động tiêu cực của MXH theo các lối đi, thư viện, khu giải trí.
Biện pháp 2: Hình thành các câu lạc bộ kỹ năng
Mục tiêu và ý nghĩa: kỹ năng được xem là yếu tố chủ chốt là yếu tố đầu vào cơ bản để có được đầu ra là hành vi đúng mẫu, đúng chuẩn. Hình thành các CLB kỹ năng giúp cho học sinh rèn luyện hành vi ứng xử, kỹ năng phòng chống, ứng phó với những tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ.
Nội dung của biện pháp: Hình thành các kỹ năng như: Kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc hại trên Internet, kỹ năng công nghệ thông tin, tìm hiểu các quy định pháp luật về sử dụng MXH, sân khấu hóa bộ quy tắc ứng xử trên MXH, kỹ năng thể hiện sự tôn trọng người khác…
Biện pháp thực hiện: Triển khai sinh hoạt câu lạc bộ dưới sự hướng dẫn của giáo viên với tần suất từ 1-2 lần/tuần với các mô hình như: “Alô. Xin chào!” “Hãy cho tôi biết!” “Điều em muốn nói” tổ chức các hoạt động học tập nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, ghép cặp để học sinh giúp đỡ nhau trong việc phát triển bản thân,…
Biện pháp 3: Xây dựng kênh truyền thông về phòng chống BLHĐ và bạo lực trên không gian mạng
Mục tiêu và ý nghĩa: Cập nhật những thông tin mới nhất về hành vi sử dụng MXH mang tính tiêu cực, BLHĐ, bạo lực trên không gian mạng. Thông qua website và fanpage Facebook, hai nền tảng quen thuộc và dễ truy cập nhất tại Việt Nam, để có thể lan tỏa thông tin tới nhiều đối tượng.
Nội dung của biện pháp: Ảnh hưởng của MXH đến BLHĐ, ảnh hưởng của hành vi BLHĐ đến sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học sinh; Tầm quan trọng của nhận thức trong vấn đề BLHĐ xuất phát từ tính tiêu cực của MXH; Các biện pháp học sinh có thể tự áp dụng để phòng ngừa những tác động tiêu cực từ MXH hay tự bảo vệ bản thân trước những hành vi BHLĐ, bạo lực trên không gian mạng…
Biện pháp thực hiện: Xây dựng fanpage và website. Nhóm đã lập fanpape “Chương trình phòng chống BLHĐ” và website http://tuvanbaoluchocduong.vn. Ngoài ra nhóm còn xây dựng cuốn sổ tay hướng dẫn “Bạo lực ảo, hậu quả thật”.
Biện pháp 4: Phát triển đội ngũ tham vấn các vấn đề liên quan đến BLHĐ và bạo lực trên không gian mạng
Mục tiêu và ý nghĩa: Nâng cao vai trò của phòng tham vấn tâm lý học đường & Khai thác sử dụng đường dây nóng Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111.
Nội dung của biện pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng tư vấn tâm lý học đường, đội ngũ tư vấn này có thể là đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau thậm chí chính là các bạn học sinh đã trải qua BLHĐ. Những cộng tác viên này sẽ làm đa dạng, phong phú thêm nội dung cho câu lạc bộ cũng như các hoạt động của dự án về lâu dài.
Biện pháp thực hiện: Hiện nay dự án đã có những bạn học sinh đang tham gia các câu lạc bộ, các chuyên gia trong lĩnh vực điều tra, tội phạm học, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, các phụ huynh học sinh có con từng là nạn nhân của BLHĐ, bạo lực qua không gian mạng... được phân nhóm và lập kế hoạch cụ thể.
Kết luận
Sự phát triển công nghệ như hiện nay, việc học sinh tiếp xúc với MXH là điều tất yếu, tuy nhiên mặt trái của việc này đó là rất nhiều nguy cơ rình rập, trong đó có sự tác động tiêu cực đến BLHĐ. Học sinh thường xuyên tham gia các hoạt động trực tuyến như chát cá nhân, nhóm, chơi game, đăng ảnh,… sẽ có nhiều khả năng tham gia, trở thành nạn nhân hoặc chứng kiến hành vi tiêu cực trên MXH.
Kết quả nghiên cứu về thực trạng nhận thức của học sinh đối với tác động tiêu cực của MXH tới BLHĐ cho thấy, đa số học sinh chưa có nhiều hiểu biết về MXH, những biểu hiện tiêu cực của MXH. Đây là nhóm học sinh cần được quan tâm và có những biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức phù hợp để hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra từ việc thiếu kiến thức. Do đó, một trong những hướng quan trọng và cần thiết hiện nay là giúp học sinh nâng cao nhận thức về MXH, những tác động tiêu cực của MXH để có thể phòng tránh bạo lực học đường một cách có hiệu quả hơn./.
Tài liệu tham khảo
1. Anh, Trần Thị Tú. (2012). Hành vi bạo lực học đường của học sinh trung học cơ sở Thành phố Huế. Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế tâm lí học đường lần thứ, 3, 356-364.
2. Dũng, Vũ. (2012). Từ điển thuật ngữ tâm lý học. In: Từ điển Bách khoa.
3. Mỵ, Giang Sơn. (2021). Đề xuất biện pháp quản lí hoạt động phòng, chống bạo lực học đường tại các trường trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Giáo dục, 21-25.
4. Nguyễn Quang, Uẩn. (2008). Giáo trình tâm lý học đại cương.
5. Parris, Leandra, Varjas, Kris, Meyers, Joel, & Cutts, Hayley. (2012). High school students’ perceptions of coping with cyberbullying. Youth & society, 44(2), 284-306.
6. Price, Megan, & Dalgleish, John. (2010). Cyberbullying: Experiences, impacts and coping strategies as described by Australian young people. Youth studies australia, 29(2), 51-59.
7. Rumfola, Mark T. (2008). Cyber-Bullying: Bullying in the 21st Century.
8. Thông, Vũ Duy. (2013). Cách gì để chung sống với thông tin xã hội. Bài trình bày tại Hội thảo khoa học “Truyền thông xã hội-Truyền thông cổ điển và dư luận xã hội”. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện KAS (Đức), Hà Nội.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2023)