Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa tiếp nhận trang thiết bị phần cứng Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo gói hỗ trợ phi dự án của Chính phủ Nhật Bản. Dự án theo gói hỗ trợ phi dự án của Chính phủ Nhật Bản là biểu trưng trong hợp tác số trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Tiến độ của việc cung cấp trang thiết bị được đẩy nhanh sớm 3 tháng
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực và quan hệ giao lưu nhân dân. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai, đối tác du lịch thứ ba, thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 1,64 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức trong nhiều lĩnh vực.
Ngày 09/01/2020, VPCP và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã ký Công hàm trao đổi giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản về Phi dự án "Cung cấp thiết bị phần cứng của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ" với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Takaichi Sanae. Đây là văn kiện hợp tác quan trọng thể hiện sự nỗ lực, cam kết mạnh mẽ và mong muốn hợp tác, hỗ trợ của hai bên trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam.
Triển khai văn kiện đã ký kết, VPCP đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện các quy trình, thủ tục để có thể tiếp nhận trang thiết bị phần cứng của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ từ phía Nhật Bản. Tiến độ của việc cung cấp trang thiết bị được đẩy nhanh 3 tháng, so với dự kiến ban đầu là tháng 6/2021.
Đề nghị Nhật Bản tiếp tục tài trợ bổ sung các trang thiết bị dự phòng
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong giai đoạn vừa qua, VPCP đã chủ trì xây dựng và đưa vào vận hành 4 hệ thống, nền tảng CPĐT quan trọng, gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống e-Cabinet, Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các hệ thống này giúp chuyển đổi phương thức làm việc trên giấy sang môi trường điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, hướng tới một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương tháng 8/2020, là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Đến nay, đã kết nối với hệ thống báo cáo của 14 bộ, cơ quan và 37 địa phương, tương tác, điều hành trực tuyến thông qua hệ thống mạng dữ liệu của Bộ Quốc phòng, mạng chuyên dùng, Internet với gần 57 điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối 32 camera giám sát các hồ đập thủy điện…; cung cấp dữ liệu của 105/200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội (KT-XH) phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cung cấp dữ liệu trực tuyến cho 8 chỉ tiêu KT-XH hằng tháng.
Trang thiết bị kỹ thuật hiện đại do phía Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ sẽ góp phần hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu đơn giản hóa chế độ báo cáo, xây dựng bộ chỉ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nâng cao hiệu quả việc ra quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu trực tuyến, dữ liệu mở, khoa học dữ liệu, ứng dụng công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0); hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiện do VPCP quản lý; hạ tầng kỹ thuật, máy chủ được giao cho Tập đoàn VNPT, như vậy cơ quan VPCP không phát sinh thêm bộ máy, không phát sinh thêm về con người. VPCP cam kết sử dụng hiệu quả và vận hành tốt Trung tâm này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ các quy trình, thủ tục cần thiết để sớm tài trợ bổ sung các trang thiết bị dự phòng phù hợp.
Dự án là biểu trưng trong hợp tác số Việt Nam - Nhật Bản
Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio bày tỏ tự hào và vinh dự khi Chính phủ Nhật Bản cung cấp thiết bị được sản xuất tại Nhật Bản cho Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phục vụ công tác đưa ra các quyết định về mặt chính sách tại các cơ quan của Việt Nam.
"Điều này cũng thể hiện niềm tin của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản", Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh.
Đại sứ Nhật Bản cho biết, công tác xây dựng CPĐT tại Việt Nam được Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam đồng tâm, nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua. Việc ứng dụng hệ thống CPĐT do VPCP triển khai là một trong những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam nhằm phục vụ và đưa ra các chính sách một cách mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã và đang hỗ trợ hết sức trong khả năng có thể để Việt Nam thực hiện quá trình này.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến Việt Nam vào tháng 10/2020, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hợp tác trong lĩnh vực số, bao gồm xây dựng CPĐT. Đại sứ cho biết, trong nội các của Thủ tướng Suga Yoshihide, việc thúc đẩy thực hiện số hóa là một nội dung chính sách mang tính trụ cột. Nhật Bản mong muốn CPĐT là nội dung hợp tác trọng tâm giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản và cùng Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực số.
Dự án trang thiết bị phần cứng Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo gói hỗ trợ phi dự án của Chính phủ Nhật Bản là biểu trưng trong hợp tác số trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.