Truyền thông

Nhiều bước đột phá trong quản lý, bảo vệ rừng nhờ chuyển đổi số

Nguyễn Nhàn 25/11/2024 14:22

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ngày càng cấp bách, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý rừng đã trở thành một giải pháp thiết yếu. Công nghệ số không chỉ giúp cải thiện hiệu quả giám sát và bảo vệ rừng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển bền vững.

Ứng dụng SMART chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu

SMART là bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra được nhiều nước trên thế giới áp dụng một cách chính thức ở cấp quốc gia nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý và bảo vệ tại các khu bảo tồn thiên nhiên.

SMART giúp chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu, phân tích và lập báo cáo về hiện trạng quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trong hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên. Những dữ liệu này sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình xây dựng các quy định và đưa các quyết sách phù hợp nhằm quản lý và bảo tồn hiệu quả hơn.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý bảo vệ rừng bằng các phần mềm chuyên ngành và hệ thống định vị GPS, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ hơn 37.550 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao.

image-20230410182053-1.jpeg
SMART là bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra được nhiều nước trên thế giới áp dụng. (Ảnh: Internet)

Đơn vị đã ứng dụng phần mềm Locus map thay thế cho bản đồ giấy truyền thống. Các bản đồ giấy truyền thống khi lực lượng đi tuần phải mang theo định vị, la bàn, khi cần xác định điểm tọa độ vị trí mất thời gian khá lâu, độ chính xác thấp vì sai số khi thực hiện đo; với sự phát triển của điện thoại thông minh (smartphone), nhiều ứng dụng miễn phí trong sử dụng bản đồ được xây dựng.

Được sự hỗ trợ, tập huấn sử dụng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã triển khai ứng dụng SMART kể từ tháng 10/2020. Sau hơn 2 năm triển khai áp dụng SMART Mobile trên thiết bị điện thoại thông minh, các kết quả thực hiện tuần tra, kiểm tra đã được cập nhật trên hiện trường thông qua phần mềm quản lý nhanh chóng và chính xác hơn.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa), những năm qua, SMART đã chính thức được triển khai trong công tác tuần tra để bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. SMART đã giúp những người quản lý, đánh giá được hiệu quả tuần tra của từng cán bộ kiểm lâm được minh bạch và khách quan hơn.

Với các chức năng ưu việt, đến nay, công cụ này đã được triển khai áp dụng tại hơn 40 khu rừng đặc dụng và phòng hộ tại Việt Nam. Để triển khai đồng bộ SMART tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp đã có văn bản số 249/LN/ĐDPH ngày 19/6/2023 về việc triển khai bộ công cụ SMART, trong đó thống nhất áp dụng mô hình dữ liệu dùng chung và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các bên liên quan.

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng SMART trong tuần tra, bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành quy trình sử dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra SMART tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Bên cạnh đó, dưới sự hỗ trợ của các ngành, Hiệp hội Vườn, Khu bảo tồn Việt Nam đã tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Vườn Quốc gia, khu bảo tồn trong cả nước về triển khai ứng dụng này thông qua thiết bị di động, máy định vị cầm tay và hệ thống máy tính chủ.

Nhiều địa phương quan tâm thực hiện chuyển đổi số quản lý rừng

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số (CĐS) trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Điển hình, trong công tác quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp, ngành kiểm lâm đã áp dụng các ứng dụng chuyên ngành FRMS, phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android với các tính năng đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa áp dụng cho lĩnh vực lâm nghiệp.

su.jpg
Nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ được triển khai trong quản lý, bảo vệ rừng. (Ảnh Internet)

Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS), Vtools for MapInfo và máy định vị GPS được sử dụng trong cập nhật diễn biến rừng… Ngoài ra, trong phòng cháy chữa cháy rừng đang được sử dụng ứng dụng phần mềm “Theo dõi, cảnh báo sớm cháy rừng”. Các đơn vị còn khai thác sử dụng các phần mềm theo hệ thống ngành do Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp tạo lập.

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang (Sở NN&PTNT) luôn tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT với các phần mềm chuyên ngành, qua đó góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hiện nay, các Hạt kiểm lâm 7 huyện, thành phố trong tỉnh đều đang sử dụng các ứng dụng, phầm mềm để quản lý, bảo vệ rừng như: Locus Map, FRMS mobile, Mapinfo…. Các ứng dụng, phần mềm này dễ sử dụng, GPS có độ nhạy và chính xác cao, được tích hợp lên máy tính bảng, điện thoại thông minh, hỗ trợ nhiều chức năng cho cán bộ kiểm lâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các tính năng mang lại hiệu quả thiết thực như: đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ hộ có rừng, loại cây trồng, năm trồng, trữ lượng.

Ứng dụng CNTT trong quản lý rừng, không chỉ phát huy vai trò của lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ, mà còn hình thành hệ thống bảo vệ rừng tại cơ sở, trở thành “cánh tay” nối dài của lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ. Qua đó, phát huy tốt vai trò của hộ nhận khoán, nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bước đột phá trong quản lý, bảo vệ rừng nhờ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO