Nhu cầu đối với các dịch vụ trực tuyến đã bùng nổ và cơ sở hạ tầng đằng sau mạng internet đã chứng minh về độ đáng tin cậy đối với người dùng. Những "ma mới" như Slack và Zoom – hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc từ xa, đã trở thành những cái tên rất phổ biến. Dù một số chuỗi cung ứng công nghệ đang trở nên lỏng lẻo và chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến đã giảm xuống, nhưng nhìn chung, 5 "đại gia" công nghệ vẫn chứng kiến nhu cầu tăng cao.
Facebook gần đây cho biết hoạt động nhắn tin trên nền tảng của họ đã tăng tới 50% ở những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Amazon đang lên kế hoạch tuyển dụng thêm 100.000 nhân viên để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng thương mại điện tử ngày càng lớn. Các công ty công nghệ lớn đều có sự ổn định tài chính, khi Alphabet, Amazon, Apple, Facebook và Microsoft nắm giữ luồng tiền mặt có giá trị tổng cộng 570 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán. Cổ phiếu của các công ty này đều có diễn biến vượt trội so với thị trường chung kể từ cuối tháng 11.
Khi các công ty lớn đang đứng ở vị trí ngày càng cao, thì nhiều công ty công nghệ nhỏ và non trẻ hơn đang bị "nghiền nát" trong tình thế khó khăn nhất kể từ sự kiện bong bóng dotcom 20 năm trước. Ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát, "vùng đất" của các kỳ lân công nghệ đã đối mặt với nhiều vấn đề. Trong số nhiều công ty phục vụ người tiêu dùng, chiến lược của họ là tăng trưởng bằng mọi giá, được gọi là "blitzscaling" (chiến lược tăng trưởng thần tốc), đã trở thành một sai lầm. Một số công ty, đặc biệt là những công ty được rót vốn mạnh từ Quỹ Vision, đã bắt đầu sa thải nhân viên. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp các công ty lớn dễ dàng tuyển dụng lại, thu hút các nhân tài giỏi nhất. Các công ty phá sản cũng có khả năng bị những "gã khổng lồ" mua lại.
Nếu điều đó xảy ra, rất có thể là các cơ quan quản lý sẽ can thiệp rất ít hoặc thậm chí làm ngơ trong việc ngăn chặn những thương vụ sáp nhật. Các cuộc điều tra về chống độc quyền của Mỹ đối với Alphabet và Facebook đã bị trì hoãn, khi giới chức ưa tiên những lựa chọn khác, nhằm hạn chế gây bất ổn cho các công ty gặp khó khăn trong thời gian khủng hoảng diễn ra. Dẫu vậy, việc đưa ra luật liên bang bảo vệ quyền riêng tư dường như là một điều xa vời. Ngay cả những người mang quan điểm hoài nghi về công nghệ tại EU cũng muốn suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ trong việc đưa ra quy định đối với AI.
Trong tình huống thay đổi bất chợt, "surveillance capitalism" (tạm dịch: chủ nghĩa giám sát tư bản) - là những gì các những người mang quan điểm phản đối gọi là hoạt động kinh doanh thực tế của các big tech, không còn được coi là hành động "lợi dụng" mà nó trở thành điều cần thiết để đối phó với dịch bệnh. Sẽ không có ai phàn nàn về việc Facebook và Google nhiệt tình gỡ bỏ các thông tin sai lệch về Covid-19 và ngày càng dựa vào AI để làm việc này. Tuy nhiên, trước khi đại dịch bùng phát, hành động như vậy lại làm dấy lên những quan điểm tranh cãi về vấn đề kiểm duyệt và thiên vị.
Trên thực tế, rõ ràng rằng các big tech đóng vai trò như các dịch vụ tiện ích quan trọng. Dẫu vậy, trong đó là một cái "bẫy", bởi tất cả những dịch vụ tiện ích khác, như nước hay điện, đều được điều tiết khá nghiêm ngặt và mức giá, lợi nhuận cũng được giới hạn. Khi cuộc khủng hoảng này qua đi, sự tin tưởng của người dùng và những chính phủ mới nổi có thể tạo điều kiện cho nhà nước nhận được quyền kiểm soát tương tự như các big tech.
Các công ty dường như cũng nhận thấy mối nguy hiểm này. "Lá chắn" hiệu quả nhất đối với họ là đề xuất một thoả thuận đối với người dùng trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là họ phải tuân theo các quy tắc rõ ràng, minh bạch về việc công bố và kiểm duyệt nội dung. Từ đó giúp người dùng sở hữu, kiểm soát và thu lợi từ dữ liệu của họ; cũng như cạnh tranh công bằng, lành mạnh đối với các đối thủ sử dụng nền tảng. Cách tiếp cận này thậm chí còn có lợi về lâu dài. Hiện tại, công ty có giá trị nhất ở Mỹ là Microsoft – đã hồi sinh nhờ xây dựng danh tiếng về sự đáng tin cậy. Đó chính là "tấm gương" cho những nền tảng công nghệ lớn - hay dịch vụ tiện ích kỹ thuật số khác.