Nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh rời bỏ Việt Nam vì chưa có khung khổ pháp lý về tài sản số
Thời gian qua, chúng ta không có khung pháp lý liên quan đến tài sản số nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân. Vì vậy, cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm “Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 12/8.
Nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh rời bỏ Việt Nam vì chưa có khung khổ pháp lý về tài sản số
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển và bùng nổ như vũ bão của công nghệ số (CNS) nói chung và công nghiệp CNS nói riêng là xu hướng tất yếu toàn cầu. Công nghiệp CNS ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí là nền tảng, là hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển cũng như đóng vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy phát triển kinh tế số (KTS), xã hội số, quốc gia số.
Bám sát các định hướng lớn, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cũng như nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp CNS, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt trong thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNS trên các lĩnh vực cũng như không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về công nghiệp CNS.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được giao là đơn vị chủ trì xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi các cấp, các ngành đối với dự thảo Luật Công nghiệp CNS để trình Quốc hội xem xét và thông qua vào kỳ họp sắp tới.
Dự thảo luật này có nhiều điểm nổi bật về quản lý, hành lang pháp lý, phát triển CNS, trong đó tài sản số lần đầu tiên được định nghĩa tại Điều 8 của dự thảo luật. Theo đó, dự thảo luật khẳng định: "Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan".
Quy định của luật về tài sản số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện các hành lang pháp lý đầy đủ đi cùng với các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành.
Tại tọa đàm “Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp”, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích, luận bàn, đánh giá những vấn đề nổi bật liên quan đến thúc đẩy phát triển, quản lý công nghiệp CNS; nội hàm, bản chất của tài sản số; nghĩa vụ thuế liên quan đến tài sản số cùng nhiều nội dung được nêu ra trong dự thảo Luật Công nghiệp CNS.
Phác họa bức tranh về tài sản số hiện nay tại Việt Nam, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, có rất nhiều con số nói về tài sản số tại Việt Nam. Điển hình theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này tăng trưởng đến năm 2023 là 120 tỷ USD. Năm 2021 - 2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số chỉ sau UAE và Hoa Kỳ.
Năm 2023, Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7. Đặc biệt, 2 quốc gia tại gần với chúng ta là Thái Lan và Singapore đã vươn lên đứng thứ 5 và thứ 3.
“Ở đây, chúng tôi muốn nói tài sản số không chỉ là những con số mang tính chất quy mô về dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam, mà còn có quy mô cạnh tranh khu vực. Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế mang giá trị tích cực chứ không thể có cách nhìn tiêu cực là ảnh hưởng tới ổn định kinh tế từng quốc gia nói riêng”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.
Đề cập đến điểm nổi bật trong dự thảo Luật Công nghiệp CNS, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đây là lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tài sản số. Mặc dù tài sản số hay tiền ảo trên thực tiễn đã rất phát triển nhưng về mặt pháp lý dường như chúng ta chưa theo kịp, chưa có một khung khổ pháp lý cho loại tài sản này. Vì thế, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số lần đầu tiên tại Điều 8 có quy định về tài sản số.
Khi có khung khổ chính thức thì hoạt động đầu tư kinh doanh theo lĩnh vực này mới có thể hình thành và phát triển được. Chính vì chúng ta chưa có khung khổ pháp lý chính thức nên thời gian vừa qua, có những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời bỏ Việt Nam, ví dụ như Tập đoàn Sky Mavis, một tập đoàn kỳ lân công nghệ của Việt Nam có hệ sinh thái game, là doanh nghiệp (DN) thuần Việt Nam nhưng do chúng ta chưa có khung khổ pháp lý cho tài sản trong game và hoạt động dựa trên cơ sở nội dung số, tài sản số rất lớn, nên cuối cùng họ chọn Singapore làm nơi đóng trụ sở.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: Với sự phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ như hiện tại, Việt Nam cần phải là điểm đến của các nhà đầu tư CNS. Cần từng bước xây dựng khung khổ pháp lý, khi đó, công nghiệp CNS dần được hình thành, phát triển mạnh mẽ, quyền và lợi ích của những người tham gia trong lĩnh vực này được bảo vệ.
“Chúng tôi cho rằng, nhu cầu có khung khổ pháp lý cho tài sản số, cho các giao dịch liên quan tới tài sản số là điều Việt Nam cần cân nhắc và nhanh chóng thúc đẩy”, đại diện VCCI nói.
Cần xây dựng pháp luật, chính sách đồng bộ
Cùng quan điểm, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) phân tích: Thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ, tài sản số cũng phát triển rất mạnh trên thế giới. Chúng ta không có khung pháp lý liên quan đến tài sản số nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân.
Vì vậy, cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số. Trong đó, phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì cũng như vị trí pháp lý của tài sản số và những đặc trưng, đặc tính của tài sản số. Như vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan mới có các biện pháp, chính sách để hình thành khung pháp lý đồng bộ.
Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, trường hợp dự thảo Luật Công nghiệp CNS được Quốc hội thông qua, trong phạm vi và chức năng của mình, Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện các vấn đề liên quan, bao gồm cả hoàn thiện chính sách về thuế.
Ông Tuấn cũng đề xuất cần có khái niệm “tài sản số” thống nhất để phân loại đúng, vì mỗi tài sản số có thể phục vụ cho mục tiêu khác nhau, từ đó mới có căn cứ thực hiện việc thu thuế. Bên cạnh đó, cùng cần hoàn thiện các pháp luật có liên quan để bao quát được các hoạt động liên quan đến tài sản số.
“Trong trường hợp tài sản số được đưa vào Luật Công nghiệp CNS, hay nói cách khác chúng ta thừa nhận tài sản số như một loại tài sản thì hoàn toàn có căn cứ để thực hiện thu thuế dựa trên pháp luật thuế của chúng ta. Tương tự chúng ta có Luật Thuế giá trị gia tăng để điều tiết, giao dịch các tài sản”, ông Tuấn cho biết.
Tán thành với quan điểm của ông Trương Bá Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, về nguyên tắc, các giao dịch liên quan đến tài sản số cũng như các hàng hóa khác phải nộp thuế. Nếu đây được coi là tài sản thì Nhà nước có thể thu thuế giao dịch, thuế thu nhập. Đây cũng là nhu cầu rất chính đáng từ thực tiễn.
Tuy nhiên, cái khó không chỉ ở Việt Nam mà các nước đang phải đối mặt là phải định nghĩa nó là gì? Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ, các nước có các cách tiếp cận rất đa dạng, khác nhau. Có nước xem như một loại chứng khoán, có nước xem là một loại tài sản đặc biệt, tài sản hỗn hợp.
Hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp CNS mới nhất của Bộ TT&TT không dùng khái niệm “tài sản số” mà chuyển sang dùng khái niệm “tài sản mã hóa”. Cho nên, theo ông Trương Bá Tuấn ngay cả khái niệm chúng ta cũng cần phải thống nhất để phân loại đúng, bởi vì mỗi tài sản số có thể phục vụ cho mục tiêu khác nhau, từ đó mới có căn cứ thực hiện việc thu thuế.
“Cách tiếp cận của chúng ta hiện tại là phải ghi nhận nó. Còn việc định hình nó, phân loại ra sao… phải từng bước một”, vị đại diện VCCI khuyến nghị và cho rằng, cách tiếp cận của Luật Công nghiệp CNS là phù hợp. Chúng ta quy định chung một khái niệm, sau đó bằng những văn bản dưới luật, có thể là nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều hình thức văn bản tương đối nhanh, linh hoạt để dần dần điều chỉnh. Khi thực tiễn đã chứng minh đây là một nhu cầu lớn, diễn ra tương đối phổ biến trong thực tiễn thì phải có một khuôn khổ pháp lý và tiến hành hoạt động thu thuế.
Dưới góc độ DN, ông Trần Huyền Dinh, CEO Công ty AlphaTrue nhận định: Trong thời gian qua, DN đã nhận được khá nhiều sự quan tâm từ Chính phủ, thông qua các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số cũng như phát triển KTS, đơn cử Quyết định 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp Việt Nam ra khỏi danh sách xám, dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Sandbox cho ngành Fintech tại Việt Nam và đặc biệt là dự thảo Luật Công nghiệp CNS.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn đáng kể trong lĩnh vực tài sản số. Theo ông Dinh, hiện nay, hành lang pháp lý về tài sản số chưa được hoàn thiện, cho nên dẫn đến tình trạng thiếu rõ ràng trong việc xác lập quyền sở hữu và trách nhiệm thuế của DN. Rất nhiều trường hợp DN để phát triển dễ dàng hơn buộc phải qua các địa bàn lân cận như Singapore, Hong Kong. Điều này không chỉ tạo ra thách thức cho DN trong việc tuân thủ pháp luật mà còn gây khó khăn trong việc thu hút vốn, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với dự thảo Luật Công nghiệp CNS và các luật liên quan đến tài sản số sắp tới, đại diện AlphaTrue kỳ vọng các quy định này sẽ mang lại sự minh bạch, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế sự chảy máu chất xám, cũng như thu hút nhiều dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. DN mong muốn thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình cho các DN thử nghiệm cũng như ứng dụng công nghệ mới, có sự kiểm soát nhất định.
“Chúng tôi tin tưởng rằng khi các quy định về tài sản số được luật hóa cụ thể, minh bạch hơn thì DN sẽ có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục đầu tư, phát triển, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp số tại Việt Nam”, ông Trần Huyền Dinh bày tỏ.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng bày tỏ kỳ vọng, bên cạnh Luật Công nghiệp CNS, cần có chiến lược lớn hơn, bài bản hơn, quy định rõ hơn về việc xây dựng chính sách đồng bộ, nhất quán để hiệu ứng tốt hơn. Do đó, phải có chính sách phối hợp như chính sách về phòng chống rửa tiền, chính sách về ngân hàng, chính sách về an ninh, chính sách về bảo mật. Những chính sách này phải đồng bộ bên cạnh chính sách về thu thuế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, sự bài bản về chiến lược còn là phân công trách nhiệm, nghĩa vụ… các bộ, ban, ngành cần phải làm chứ không riêng Bộ Tài chính. Chúng ta cần tới vai trò của Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp,... nhiều cơ quan có liên quan nữa./.