Nhiều khó khăn, thử thách, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài

PGS.TS Lê Xuân Đình - chuyên gia kinh tế| 31/08/2021 16:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Tận dụng làn sóng FDI lần thứ 4 đang diễn ra, các chuyên gia kinh tế đánh giá rất tích cực khi Việt Nam là điểm đến của sự dịch chuyển này. Theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì Việt Nam còn dư địa rất lớn để thu hút vốn FDI từ các làn sóng chuyển dịch sản xuất toàn cầu.

Bối cảnh đầy bất trắc và khó lường

Cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ còn rất khốc liệt suốt nhiều thập niên qua và những năm sắp tới, bởi nó là xương sống, là vấn đề cốt tử của cạnh tranh kinh tế, thương mại và thành tựu mới về khoa học, công nghệ. Đặc khu kinh tế đã được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ XX. Đến nay, trên thế giới, theo thống kê thì đã có khoảng 4.500 đặc khu kinh tế tại khoảng 140 Quốc gia được thành lập. Thậm chí, có không ít quốc gia đã thực hiện điều chỉnh luật dành riêng cho thể chế kinh tế đặc biệt này, qua đó tạo nên điều kiện tối ưu nhất cho từng vùng, như Khu chế xuất (Free-trade zones - FTZ); Export processing zones (EPZ); Khu kinh tế tự do  (Free zones/ Free economic zones - FZ/ FEZ); Khu công nghiệp (Industrial parks/ industrial estates - IE); Free ports; Công viên hậu cần ngoại quan/được bảo lãnh (Bonded logistics parks - BLP); Khu doanh nghiệp đô thị (Urban enterprise zones)…

Mà trong số các mục tiêu chính của chúng đều có cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây áp lực cạnh tranh đó lại càng biến động khó lường khi có thêm yếu tố cạnh tranh địa chính trị mạnh mẽ giữa các cường quốc, nhất là giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu (EU). Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 cũng đang làm cho thế giới điêu đứng, loài người đứng trước những thử thách vô cùng lớn, kéo theo đó là cục diện cũng như môi trường cạnh tranh thu hút FDI có nhiều thay đổi lớn. Con số hàng trăm triệu người nhiễm, hàng triệu người chết, chắc không còn xa nữa, COVID-19 còn tiếp tục biến thể thành những chủng mới, không hề lệ thuộc vào sự thay đổi theo mùa, lây lan nhanh hơn, độc lực mạnh hơn… chưa thể lường trước được. Tất cả đang đặt ra cho loài người thử thách vô cùng lớn, đây không chỉ là thử thách về nghèo đói hay sang giàu, mà là thử thách trước sự sống còn của hàng triệu, triệu người trên khắp hành tinh.

Sáu tháng đầu năm 2021 còn lạc quan

Sau một loạt các nỗ lực sản xuất và tiêm vắc xin của các quốc gia, các định chế kinh tế và tài chính lớn trên thế giới đã đưa ra nhưng con số dự báo khá lạc quan. Theo dự báo Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ đạt 5,6% trong năm 2021. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng 6% vào năm 2021. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo GDP toàn cầu tăng 5,8% trong năm 2021. Tổ chức kinh tế tài chính tư nhân Fitch Ratings, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 5/2021, dự báo GDP toàn cầu năm 2021 tăng 6,3%, cao hơn mức dự báo 6,1% của chính tổ chức này đưa ra trong tháng 3/2021.

Điều đáng lưu ý là Mỹ đã triển khai gói cứu trợ giảm tác động tiêu cực của dịch COVID-19, kích thích nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0%- 0,25% và duy trì chương trình mua trái phiếu ở mức ít nhất 120 tỷ USD/tháng để hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ. FED dự báo, lạm phát toàn phần năm 2021 lên mức 3,4%, cao hơn 1% so với mức dự báo vào tháng 3/2021.

Cùng với những dự báo lạc quan về kinh tế, thương mại toàn cầu cũng sẽ hồi phục mạnh mẽ. Theo WTO, thương mại toàn cầu dự báo sẽ tăng 8,3% trong năm 2021 và 6,3% vào năm 2022 (con số đưa ra vào ngày 28/5/2021).

Trong bối cảnh kinh tế thế giới dần phục hồi, một số quốc gia đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 và đã đạt được những kết quả ban đầu, các nước phát triển dần mở cửa trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của nước ta tiếp đà những kết quả quan trọng, ấn tượng đã đạt được của năm 2020, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm đạt được những kết quả khá.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 chỉ tăng 3%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 804 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, giảm 43,3% về số dự án và tăng 13,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 460 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6%; có 1.855 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,60 tỷ USD, giảm 54,3%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 624 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 772,7 triệu USD và 1.231 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 832,9 triệu USD.

Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,65 tỷ USD, chiếm 72% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,28 tỷ USD, chiếm 13,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 691,1 triệu USD, chiếm 7,5%. Kết quả sơ bộ 6 tháng đầu năm 2021 và của một số năm trước để so sánh, theo công bố của Tổng cục Thống kê, như sau:

Tốc độ tăng trưởng và cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021 (Theo giá hiện hành) %

Nhiều khó khăn, thử thách, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê qua các năm.

Nhìn vào 2 năm 2020 và 2021, ta có thể thấy có sự tăng trưởng đột biến vốn đầu tư công, nhưng khu vực ngoài nhà nước lại có sự chùng xuống và chỉ tăng 3,5% trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 7,4% trong 6 tháng đầu năm năm 2021 (trong khi 6 tháng đầu năm của các năm 2017, 2018, 2019 đều tăng ở mức 2 con số). Đặc biệt, khu vực FDI đã có sự tăng trưởng mạnh hơn so với 6 tháng đầu năm 2020 (giảm 3,8% so với năm 2019), đạt 214,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều đánh giá cho rằng, đây có thể là xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Việt Nam đạt được mức tăng về thu hút FDI trong khi cả thế giới giảm sâu (trừ khu vực châu Á tăng 4%), Mỹ Latinh và Caribbean giảm tới 45%, và châu Phi giảm 16%.

Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới

Theo Báo cáo đầu tư năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), với tổng số vốn 16 tỷ USD FDI, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong Top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2020. Vậy, điều gì đang làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trên thế giới trong bối cảnh hiện nay? Theo chúng tôi có thể có mấy đánh giá cơ bản như sau: Thứ nhất, trong môi trường cạnh tranh thu hút FDI toàn cầu.

Nhiều khó khăn, thử thách, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Báo cáo của UNCTAD cho thấy, trong bức tranh toàn cảnh về dịch chuyển các luồng FDI trên thế giới, thì dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 đã giảm xuống còn khoảng 1.000 tỷ USD từ mức 1.500 nghìn tỷ USD của năm 2019; dòng vốn FDI toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10-15% thời kỳ sau năm 2021. Theo UNCTAD, thực tế sụt giảm FDI xảy ra nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển, một phần là do quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và các dòng tài chính ổn định của khối các nền kinh tế lớn. Theo số liệu của UNCTAD thì thực tế dòng vốn FDI trong các nền kinh tế phát triển hiện đã giảm 58%. Trong khi đó, vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển lại giảm ít hơn, đã giảm ở mức 8%, trong lúc khu vực châu Á lại tăng, chủ yếu là do quá trình chuyển đổi hết sức linh hoạt ở châu Á.

Kết quả là, nếu như năm 2019 các nền kinh tế đang phát triển chiếm 1/2 tổng vốn FDI toàn cầu, thì hiện nay đã vươn lên chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu. Để tận dụng được xu hướng cạnh tranh này của FDI thế giới, bên cạnh lợi thế vốn có của ổn định chính trị được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, Việt Nam cần phải thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường cải cách thể chế để có một môi trường đầu tư, kinh doanh ngày một tốt hơn. Trong đó cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ số, số hóa nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh địa – chính trị - kinh tế của các cường quốc đang ngày càng quyết liệt. Ba đại cường quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc đang tạo ra cuộc cạnh tranh địa – chính trị - kinh tế toàn cầu hiện nay. Mỹ đang tìm mọi cách ngăn cản sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc xây dựng quyền lực, khẳng định vai trò lãnh đạo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu thông qua Sáng kiến kinh tế Vành đai và Con đường.

Trong chiến lược xoay trục sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đang cuốn hút các cường quốc kinh tế tham gia, do đó không thể không tác động mạnh đến việc đầu tư phát triển, nhất là dịch chuyển các dòng vốn FDI. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Chủ trương "4 không, 1 tùy" đã được nêu rõ trong "Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019" là: Việt Nam không tham gia bất kỳ một liên minh quân sự nào, không cho bất cứ bên nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho nước thứ ba, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Còn 1 tùy có nghĩa là: "Việt Nam tăng cường quốc phòng chỉ để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên đất liền, vùng trời và biển đảo, nên một khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, Việt Nam sẽ tùy theo tình hình thực tế để áp dụng tổng hợp mọi biện pháp nhằm bảo vệ các không gian chủ quyền của mình".

Chính nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn đó, mà rủi ro xung đột khó xảy ra, môi trường an ninh, chính trị được đảm bảo. Bởi vậy, muốn thu hút nhiều hơn các dòng vốn FDI chất lượng vào nền kinh tế, Việt Nam cần chủ động trong việc tận dụng cơ hội, nhưng đồng thời cũng cần xây dựng "bộ lọc" tốt để chọn được những dòng vốn có chất lượng, ít tác động đến môi trường sinh thái, sử dụng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế lớn, chống được chuyển giá, gian lận kinh tế, gian lận thương mại. Muốn vậy, pháp luật và chính sách thu hút đầu tư nói chung, FDI nói riêng cần sớm khắc phục những hạn chế, như: chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định; sự liên kết, tương tác với khu vực kinh tế trong nước thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ rất kém; chưa đạt được mục đích chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển nên sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào các dự án FDI còn yếu; việc phân quyền cho các địa phương trong thu hút FDI có nhiều bất cập. Có địa phương thì đã trải thảm đỏ quá mức, chạy theo thành tích để kêu gọi đầu tư và thực hiện nhiều dự án không cần thiết, các dự án này nhà đầu tư trong nước đủ năng lực thực hiện, gây ô nhiễm, huỷ hoại môi trường và an ninh quốc gia.

Các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển có công nghệ hàng đầu, tri thức và văn hoá kinh doanh phát triển còn rất ít. Do tác động của cạnh tranh địa - chính trị - kinh tế của các cường quốc, nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều công ty Mỹ và Nhật muốn di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, nhưng tại Việt Nam lại tiếp nhận được ít hơn các dòng vốn này từ các nước công nghiệp phát triển, mà đang cho thấy sự hiện diện rõ nét và "vươn lên" mạnh mẽ của các nhà đầu tư Trung Quốc. Thứ ba, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường với những biến thể mới. UNCTAD nhận định: "Đại dịch COVID-19 tiếp tục làm suy giảm nguồn vốn FDI ở các nền kinh tế có cấu trúc yếu và dễ bị tổn thương". Làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư, đặc biệt tại các tỉnh kinh tế trọng điểm, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Đà Nẵng… và đang phủ gần khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều tỉnh thành đã phải áp dụng và gia hạn áp dụng thêm thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. "Khó khăn chồng chất khó khăn" đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều lúc, mục tiêu kép đã phải phần nào nhường sự ưu tiên cho phòng chống dịch lên trên hết. Tại Hội nghị trực tuyến diễn ra sáng ngày 08/07/2021, trước những diễn biến của đại dịch COVID – 19 trên toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định quyết tâm chống dịch của Chính phủ, rằng "Chúng ta quyết tâm hy sinh một, hai tháng để xanh hóa vùng đỏ; chấp nhận mất mát hy sinh, đổi lại có sự bình yên, khỏe mạnh".

Đến thời điểm này có thể nói, thành công của việc chống đại dịch COVID-19 trong những tháng đầu của nửa cuối năm 2021 có ý nghĩa rất lớn, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2021 và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Chống đại dịch COVID-19 thành công sớm còn là tiền đề để tận dụng những cơ hội mới trong thu hút đầu tư nói chung, FDI nói riêng để thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh hơn nữa, nhất là cần chú ý mấy vấn đề trọng điểm như sau: Một là, tận dụng làn sóng FDI lần thứ 4 đang diễn ra. Các chuyên gia kinh tế đánh giá rất tích cực khi Việt Nam là điểm đến của sự dịch chuyển này. Ha là, theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì Việt Nam còn dư địa rất lớn để thu hút vốn FDI từ các làn sóng chuyển dịch sản xuất toàn cầu. Bởi vậy, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt, Việt Nam phải thích ứng, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong thu hút đầu tư, có như vậy mới tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư lớn, có nguồn vốn FDI chất lượng tốt.

Tài liệu tham khảo:

1. Các quốc gia xoay chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào? | Tạp chí Kinh tế và Dự báo (kinhtevadubao.vn)

2. Niên giám thống kê năm 2020, Nien giam thong ke 2020.pdf

3. Việt Nam lần đầu tiên lọt top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất thế giới - Sputnik Việt Nam (sputniknews.com)

4. Việt Nam tăng 5 bậc, lần đầu lọt top 20 thế giới về thu hút FDI (cafef.vn)

Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khó khăn, thử thách, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO