Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao

Bình Minh| 28/10/2022 16:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Đánh giá về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 5 năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao - Ảnh 1.

Ứng dụng công nghệ vào hoạt động tưới, chăm sóc tiêu cho sản phẩm năng suất, chất lượng cao tại Dương Đông, Phú Quốc. Ảnh: Bình Minh

Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, phù hợp với các vùng miền

Theo đánh giá chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) về kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình), bám sát nhu cầu cấp thiết của xây dựng nông thôn mới (NTM) trong tuyển chọn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ là cơ sở để đạt được các mục tiêu của Chương trình. Toàn bộ 04 mục tiêu (hoàn thiện cơ sở lý luận; hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp; xây dựng các mô hình chuyển giao và nâng cao nhận thức, trình độ) đều được đáp ứng bằng số lượng hợp lý các đề tài, dự án tham gia trong các nhóm.

Chương trình đã đạt được các chỉ tiêu đề ra: Trên 70% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành với 80 bộ tài liệu hoặc sổ tay hướng dẫn; 152 bài báo khoa học; 100% các nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, đưa vào thực tế xây dựng NTM. Hầu hết các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều có doanh nghiệp đầu tư (vốn đối ứng); trên 60% mô hình có triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đối với nhóm sản phẩm chủ lực các cấp. Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền. Hầu hết các mô hình sản xuất đều tăng được hiệu quả từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 20% trong phạm vi dự án; hầu hết các đề tài, dự án đều tham gia nhiệm vụ đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ, cho 11.000 lượt người, vượt chỉ tiêu đề ra (10.000 người).

Khoa học công nghệ thúc đẩy tái cơ cấu và tăng trưởng ngành nông nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia, Chương trình ghi nhận những đóng góp và tác động chính trong: Hoàn thiện cơ sở lý luận cho xây dựng NTM; hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng NTM. Đáng chú ý là thúc đẩy tái cơ cấu ngành, tăng trưởng nông nghiệp.

Chương trình đã đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ (KHCN) tổng hợp, đặc thù, phục vụ tái cơ cấu ngành, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Trong đó đã góp phần: Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn…

Thông qua việc hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình kỹ thuật, giải pháp công nghệ, cung cấp trang thiết bị trong các mô hình có hiệu quả cao, Chương trình đã tác động trực tiếp đến các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu ngành ngành và tăng trưởng nông nghiệp, tiêu biểu là: (i) cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi; (ii) chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân; (iii) thay đổi sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào theo hướng an toàn, tiết kiệm; (iv) chuyển đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất; và (v) khả năng tiếp nhận và nhân rộng hiệu quả các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT), công nghệ.

Trên thực tế, Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng TBKT, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208  mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung…

Các yếu tố tiêu biểu làm tăng hiệu quả kinh tế với các mức độ khác nhau đóng góp vào tổng năng suất tăng thêm như: chuyển đối cơ cấu cây trồng đóng góp 12,1%; quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM) 15,0%; cơ giới hóa phục vụ sản xuất 13,6%; quy trình VietGAP 12,5%; sản xuất hướng hữu cơ 8,7%; nuôi trồng thủy sản nước ngọt 9,3%; sử dụng chế phẩm sinh học 6,8%; chế biến (dược liệu) 18,8%. Nhiều mô hình điển hình về tăng năng suất, chất lượng như mô hình sản xuất khoai tây giống tại Bắc Giang đã cho thu nhập 190-220 triệu đồng/ ha…

Theo Bộ NNPTNT, những kết quả nhân rộng tiêu biểu là: từ mô hình canh tác tiết kiệm nước, giảm phát thải khí metan (CH4) triển khai tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thuộc đề tài "Nghiên cứu công nghệ quản lý, chế độ canh tác lúa cải tiến nhằm tiết kiệm nước, tăng năng suất và giảm thải khí nhà kính"  đến nay đã được nhân rộng lên 129.845.9 ha trên cả nước trong đó  205.970 ha ở đồng bằng song Hồng; 102.103 ha ở Trung du miền núi phía Bắc;  150.374 ha ở Bắc Trung Bộ; 13.724 ha ở Duyên hải miền Trung; 1.3330 ha ở Tây Nguyên; 814.058 ha ở ĐBSCL sau khi kết thúc đề tài và được nhân rộng đến thời điểm này (số liệu do Tổng cục Thủy lợi cung cấp); mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 7 công thức luân canh hiệu quả kinh tế cao trong đề tài "Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao vùng đồng bằng sông Hồng" được người sản xuất ứng dụng trên 10.000 ha ở Đồng bằng sông Hồng (tại Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa) từ 53 ha mô hình trình diễn ban đầu. 

Các Dự án đã có những thành công bước đầu và được nhân rộng như: Dự án ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật cải tạo thâm canh cây cà phê tại tỉnh Kon Tum năng suất trước khi có dự án đạt 2 tấn/ha, sau khi có dự án đạt 4,5 tấn/ha, đã nhân rộng được 4000ha (tại các xã, thị trấn Hà Mòn, Đak Mar, Đakla, Đak Ngoc, Đak Rin, Ngoc Vang, Đak Long). Dự án dược liệu tại Yên Bái và Bắc Kạn đã xây dựng được 01 mô hình liên kết chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm Hà thủ ô đỏ, ý dĩ tại huyện Chợ mới, tỉnh Bắc Kạn và 01 mô hình tại huyện Văn Yên tỉnh yên Bái với 100 hội viên, thu nhập của các thành viên tăng 3-5 lần so với trước khi tham gia mô hình. Mô hình phát triển làng nông thuận thiên thuộc đề tài "Phát triển mô hình làng nông thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển mỗi xã một sản phẩm và góp phần xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025." từ 4 mô hình ban đầu tại Yên Bái đã được triển khai nhân rộng thêm 8 mô hình... 

Đóng góp thúc đẩy thực hiện các tiêu chí nông thôn mới

Cùng với đóng góp vào đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho các đối tượng tham gia xây dựng NTM, kết quả nghiên cứu ở một số đề tài đã cung cấp những đánh giá cần thiết từ góc nhìn khoa học về Bộ tiêu chí NTM theo các cách tiếp cận khác nhau, đề xuất các hướng điều chỉnh, hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng NTM, đảm bảo tính phù hợp, thiết thực, công bằng và bền vững qua từng giai đoạn. Qua đó, góp phần vào hoàn thiện Bộ tiêu chí NTM cho những năm sau 2021.

Các chuyên gia đánh giá, Chương trình cũng đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá khách quan và thiết thực tác động của khoa học công nghệ đối với xây dựng NTM, tập trung vào hai mảng tác động chính gồm: Tác động đến tăng trưởng nông nghiệp và tác động đến kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Chương trình đã áp dụng cách tiếp cận này để đánh giá tác động của Chương trình 10 năm qua, là tiền đề để áp dụng trong đánh giá tác động của khoa học công nghệ nói chung đến NTM.

Kết quả đánh giá cho thấy, Chương trình đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tác động rõ rệt nhất là các tiêu chí về thu nhập; việc làm; quy hoạch; thuỷ lợi; môi trường và chất lượng sản phẩm; văn hoá; chính trị và tiếp cận Pháp luật. Các tác động này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong 10 năm qua và tạo động lực, giá trị KHCN để thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm tiếp theo.

Chương trình đã biên soạn Bộ sách "Khoa học với sự nghiệp NTM" gồm: 03 quyển với gần 2.000 trang; 01 "Tuyển tập các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021"; 01 tài liệu chuyên khảo "Mười năm xây dựng NTM (2010-2020) từ góc nhìn khoa học"; các Kỷ yếu của Chương trình giai đoạn I và II và các tài liệu truyền thông khác.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO