Kinh tế số

Nhiều tỉnh, thành phố lập tuyến phố không dùng tiền mặt

Thu Trang (Tổng hợp) 23/05/2023 06:08

Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng để các tỉnh, thành phố thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS), hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.

Đà Nẵng: Hướng đến CĐS thông qua thanh toán không tiền mặt

Mới đây, Đà Nẵng đã có 2 phường là Hòa Thuận Tây và phường Phước Ninh (quận Hải Châu) ra mắt “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”.

Cụ thể, trung tuần tháng 4, UBND phường Hòa Thuận Tây ra mắt mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ. Ông Võ Lê Anh, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây cho biết việc ra mắt “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ hướng đến mục tiêu thúc đẩy quá trình CĐS thông qua việc tạo điều kiện cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp (DN).

pho-nguyen-huu-tho.png
Ra mắt “Tuyến phố thanh toán không tiền mặt Nguyễn Hữu Thọ” (Ảnh: danang.gov.vn)

Tính đến nay, 100% các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở kinh doanh, DN thuộc lĩnh vực thương mại của các ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, tiêu dùng, thời trang, ăn uống,… trên tuyến phố Nguyễn Hữu Thọ đã được trang bị mã QR code để thanh toán.

Tiếp đó, UBND phường Phước Ninh (quận Hải Châu) phối hợp các đơn vị ra mắt các tuyến phố thanh toán không tiền mặt và phát động xây dựng Tuyến đường Lê Hồng Phong “Kiểu mẫu về trật tự đô thị”.

Chương trình tuyến phố không tiền mặt của 2 phường Phước Ninh và Hòa Thuận Tây được thực hiện với sự phối hợp của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel - chi nhánh Đà Nẵng và các đơn vị kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn phường. Dự kiến, Đà Nẵng nhân rộng mô hình này trên 14 trục đường chính bắt đầu từ tháng 5/2023. Phó Giám đốc Viettel Đà Nẵng Phạm Ngọc Kim Đồng bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới, mô hình thanh toán không tiền mặt sẽ tiếp tục được nhân rộng, giúp Viettel Money tiếp cận với người dân mọi vùng miền để phổ cập giao dịch số, từ đó phát triển lĩnh vực tài chính số tại Việt Nam.

Bình Dương: Yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ thanh toán hỗ trợ các cơ sở kinh doanh

Trước đó, tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, từ tháng 3/2023, đã triển khai tuyến đường điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại tuyến đường Hùng Vương, khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Đây là tuyến đường đầu tiên trong kế hoạch triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện. Chương trình nhằm thúc đẩy triển khai CĐS, thanh toán số, thúc đẩy các cơ sở kinh doanh, DN trên địa bàn sử dụng nền tảng số để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tạo sự thuận lợi, an toàn cho người dân.

Các DN cung cấp dịch vụ thanh toán được UBND huyện Dầu Tiếng yêu cầu hỗ trợ các cơ sở kinh doanh, tạp hóa, DN,… về hạ tầng, ứng dụng và nhân sự để thực hiện hiệu quả, an toàn, bảo mật thông tin trong qua trình thanh toán trực tuyến.

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện CĐS, ứng dụng triệt để công nghệ số và nền tảng số trong sinh hoạt hàng ngày, dần làm quen với phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Cà Mau: Các hộ kinh doanh sử dụng thanh toán trực tuyến sẽ được ngân hàng mở tài khoản miễn phí

Trong khi đó, tại Cà Mau, Phường 2 - trung tâm kinh tế của tỉnh Cà Mau, đã quyết định chọn tuyến đường Đề Thám, với hơn 40 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, cửa hàng tiện lợi, điện máy thực hiện thí điểm mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”.

Các hộ kinh doanh tham gia mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt được Ngân hàng Công thương chi nhánh Cà Mau mở tài khoản miễn phí, giúp người dân đến mua hàng có thể quét mã QR thanh toán nhanh chóng và thuận tiện.

ca-mau_5149.jpeg
Mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” tại phường 2, tỉnh Cà Mau.

Theo Chủ tịch UBND Phường 2 Lê Thanh Tuấn, “Hiện nay, người dân cũng đã hiểu được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. Nếu như trước đây, khi đi chợ, người dân luôn phải mang theo tiền mặt thì giờ đây chỉ cần đem theo điện thoại di động và trong tài khoản có tiền là có thể thanh toán. Vì hầu hết các các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn Phường 2 đều mở tài khoản ngân hàng và có mã QR để người tiêu dùng có thể thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua. Vì thế, xây dựng mô hình này, chúng tôi khuyến khích người dân khi mua sắm hãy sử dụng hình thức không dùng tiền mặt để tạo thành thói quen cũng như hạn chế được những rủi ro như đánh rơi hoặc mất cắp.

Dự kiến, thời gian tới, phường nhân rộng thêm 2 “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” nữa để tuyên truyền, vận động tiểu thương, người dân chung tay thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số trên địa bàn”.

Đồng Tháp: Thí điểm thanh toán trực tuyến trên 3 tuyến phố trước khi mở rộng quy mô ra toàn thành phố

Tháng 12/2022, sau khi đạt được sự thống nhất của UBND tỉnh về việc triển khai thanh toán trực tuyến, 3 thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự đã phối hợp tổ chức lễ phát động triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, ông Lại Văn Bé Chín, cho biết: “Hiện nay, nhiều khách hàng rất quan tâm và băn khoăn khi sử dụng tài khoản ngân hàng, dịch vụ thanh toán số là vấn đề an toàn, bảo mật thông tin tài khoản. Thực tế hàng rào bảo mật của các ngân hàng rất chặt chẽ, an toàn và không ngừng cải tiến. Trong quá trình sử dụng, các nhân viên ngân hàng sẽ luôn đồng hành để cung cấp thông tin, kiến thức, hướng dẫn khách hàng các kỹ năng đảm bảo an toàn tài chính để người dùng khai thác tốt nhất các tiện ích từ các sản phẩm số của ngân hàng”.

TP. Cao Lãnh và NHNN chọn 3 tuyến phố là: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, Hùng Vương trên địa bàn Phường 1 và Phường 2 theo kế hoạch làm 3 tuyến phố thí điểm thanh toán không sử dụng tiền mặt để đánh giá tính hiệu quả và an toàn, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để mở rộng quy mô trên địa bàn toàn thành phố.

duong-sach-tp-cao-lanh.png
Trải nghiệm quét mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Đường sách TP. Cao Lãnh. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp)

Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được cho là vô cùng quan trọng, tạo bước đệm thuận lợi cho người dân TP. Cao Lãnh được trải nghiệm những hình thức thanh toán với công nghệ mới, hiện đại, giúp người dân tiếp cận nhanh với các ứng dụng, tiện ích trong thời đại CĐs, góp phần khiến TP Cao Lãnh trở thành đô thị đáng sống.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để kết nối và chia sẻ thông tin. Cao Lãnh cũng khuyến khích các chợ, siêu thị, tiểu thương, trường học, bệnh viện, … cung cấp cho người dân dịch vụ thanh toán trực tuyến sao cho dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ lan tỏa.

Bến Tre: Yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để lan tỏa đến đến người dân

Tháng 12/2022, mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt” được triển khai trên địa bàn thành phố Bến Tre và đặc biệt được thực hiện đồng loại tại các Chợ 4.0 bình thường mới, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre biểu dương sự nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, DN trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Trúc Sơn cũng đề nghị tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người công tác tại các cơ quan, đơn vị, DN tiên phong thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với những dịch vụ thiết yếu như tiền điện, tiền nước, viễn thông, học phí và thủ tục hành chính để làm tấm gương sáng, tuyên truyền, hướng dẫn cho gia đình và người dân cách thanh toán trên.

Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre Lâm Như Quỳnh cũng yêu cầu các đơn vị ký kết thi đua cao điểm vận động người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đây được coi là là việc làm thể hiện tinh thần tiên phong giữa các Huyện đoàn, Thành đoàn với các nội dung hoạt động cụ thể như việc triển khai “Tuyến phố khồng dùng tiền mặt”; xây dựng tổ CĐS cộng đồng các cấp huyện, xã, ấp; phát động thi đua trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên thanh toán trực tuyến.

Bình Phước: Thanh toán trực tuyến giúp hướng đến tiêu dùng thông minh, hiện đại

Tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, việc triển khai khai thí điểm tuyến phố không dùng tiền mặt đã được thực hiện từ năm 2022 trên 2 tuyến đường: Hùng Vương thuộc phường Tân Bình và Lê Duẩn, phường Tân Phú, để thúc đẩy, khuyến khích người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Đây là một trong những giải giáp hướng đến tiêu dùng thông minh, hiện đại của TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước thông qua việc thanh toán trực tuyến. Từ đó hình thành thế hệ công dân hiện đại đáp ứng các yêu cầu của thành phố thông minh trước mục tiêu chuyển đổi số toàn xã hội.

Thanh toán trực tuyến cũng được người dân trên đường Hùng Vương ủng hộ bởi sự tiện lợi. Các quán cà phê trên tuyến đường này ghi nhận hầu hết khách hàng rất thoải mái thanh toán bằng các ứng dụng thông minh trên điện thoại hoặc thẻ. 
binh-phuoc.png
Chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài Nguyễn Minh Bình trực tiếp kiểm tra việc xây dựng tuyến đường Lê Duẩn, Hùng Vương thành tuyến phố văn minh.

Phó giám đốc Phòng bán hàng Đồng Xoài, VNPT Bình Phước ông Nguyễn Bắc Nam chia sẻ rằng hiện nay các nhà mạng, ngân hàng cũng đang đồng hành với thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản miễn phí cho hộ kinh doanh và người dân, giúp họ có thể dễ dàng lựa chọn phương thức thanh toán trực tuyến.

Như vậy, có thể nói, thanh toán không dùng tiền mặt dần đi vào cuộc sống của người dân và trở thành thói quen tiêu dùng mới. Đây cũng là một trong những bước đi trong tiến trình thực hiện CĐS. Vì thế, rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS của các tỉnh, thành phố theo kế hoạch đã đề ra./.

Bài liên quan
  • Gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế
    Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021, “Về đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”, đưa ra mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tỉnh, thành phố lập tuyến phố không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO