Nhu cầu mua sắm online tiếp tục tăng cao trong những ngày cận tết Nguyên Đán

PV| 25/01/2022 18:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo thông tin từ Tiki, doanh thu trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) này trong 4 tuần trước Tết tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt tập trung vào các ngành hàng điện tử và gia dụng. Theo các chuyên gia, đây cũng là xu hướng chuyển dịch tất yếu trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, cũng theo Tiki, không khí chuẩn bị đón Tết đang trở nên nhộn nhịp hơn khi các sản phẩm trang trí nhà cửa được chọn mua nhiều với số lượng khách hàng tìm kiếm các nhóm ngành hàng nội thất, trang trí nhà cửa, Sửa chữa nhà cửa trên Tiki tăng trưởng đến 45%, tập trung vào các sản phẩm bàn ghế, giường tủ, tranh trang trí,… 

Bên cạnh đó, lượng đơn hàng TikiNOW giao nhanh trong 2 giờ cũng có xu hướng gia tăng, phần nào thể hiện sự tất bật sắm sửa kịp thời trước Tết của người tiêu dùng.

Nhằm ứng nhu cầu mua sắm đa dạng, tăng cao dịp Tết, Tiki lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa đảm bảo cả về số lượng hàng hóa cũng như chất lượng sản phẩm. Cụ thể, ngành hàng tiêu dùng, Tiki tăng ít nhất 30% lượng hàng hóa so với Tết năm ngoái, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm khô, thức uống, sữa, gia vị… Đồng thời, Sàn cũng phối hợp với đơn vị nhà bán chuẩn bị hàng hóa từ nhiều tháng trước, từ việc sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, thời trang, trang sức đến thiết kế, sản xuất bao bì mới, các giỏ quà mang đậm không khí Tết.

Để khách hàng yên tâm mua sắm dịp Tết, Tiki tiếp tục duy trì dịch vụ giao hàng xuyên Tết, áp dụng cho các sản phẩm TikiNOW 2H, TikiNOW 3H và sản phẩm thuộc cửa hàng TikiDELI tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM. Dịch vụ này được Tiki duy trì suốt những năm qua nhằm mang lại sự tiện lợi tuyệt đối cho người tiêu dùng. Khách hàng "cần gì mua nấy", giảm áp lực hối hả mua sắm quá nhiều trước tết, cũng như đáp ứng các nhu cầu phát sinh trong Tết khi hầu hết điểm mua sắm offline và thậm chí kênh online tạm ngưng phục vụ.

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), làn sóng thứ nhất của TMĐT Việt Nam diễn ra trong giai đoạn bùng nổ đầu tiên của đại dịch COVID-19 từ tháng 2 - 4/2020. Làn sóng thứ nhất đã tạo đà cho sự phát triển tiếp theo của TMĐT. Làn sóng thứ hai của TMĐT diễn ra từ tháng 6 - 9/2021 trong đợt dịch COVID-19 thứ tư.

Theo khảo sát nhanh gần 60 doanh nghiệp (DN) tiêu biểu thuộc 5 lĩnh vực, bao gồm bán lẻ trực tuyến, logistics và hoàn tất đơn hàng, thanh toán, tiếp thị số, giải pháp kinh doanh số được VECOM thực hiện tháng 10/2021, TMĐT Việt Nam tiếp tục đứng vững và trải qua làn sóng thứ hai. Trong làn sóng này, cả hai đặc điểm về người tiêu dùng và thương nhân rõ ràng hơn làn sóng thứ nhất. 

Cụ thể, mua sắm trực tuyến trở thành thói quen của đông đảo người tiêu dùng. Tín hiệu nổi bật nhất của làn sóng thứ hai là số lượng người tiêu dùng trực tuyến tiếp tục tăng mạnh. Hơn nữa, họ mua nhiều sản phẩm hơn, có kỹ năng mua sắm trực tuyến tốt hơn và mua sắm online trở thành thói quen của nhiều người. 

Một đặc điểm nổi bật là trong đợt dịch thứ tư nhiều người chưa từng mua sắm trực tuyến đã tiếp cận và sử dụng kênh này, đồng thời những người đã tiếp cận thì mua sắm nhiều hơn. Đáng chú ý là nhóm người tuổi cao, hạn chế về kỹ năng và kiến thức CNTT nhưng đã khá chủ động học các kỹ năng mua sắm online. Người tiêu dùng nói chung cũng tin tưởng hơn vào TMĐT và duy trì thói quen mua sắm trực tuyến. 

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều lạc quan về sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Trong đợt dịch thứ tư, xu hướng mua sắm online tăng lên và hành vi này được dự báo được củng cố và duy trì trong dài hạn.

Kết quả khảo sát 4 sàn TMĐT thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam cho thấy số lượng đơn hàng phát sinh trên sàn giai đoạn tháng 6 - 9/2021 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 với tỷ lệ tăng trưởng trong khoảng từ 8% - 50%. Thậm chí các đơn hàng tăng từ 8% - 10% so với kế hoạch từ đầu năm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhu cầu mua sắm online tiếp tục tăng cao trong những ngày cận tết Nguyên Đán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO