Những đề xuất kiện toàn hành lang pháp lý để phát triển ngành xuất bản

Thu Hiền| 25/11/2022 20:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo nhận định của những người làm công tác xuất bản, một số nội dung của Luật Xuất bản năm 2012 cần điều chỉnh để nâng cao chất lượng thi hành pháp luật về xuất bản.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012 ngày 25/12 do Bộ TT&TT tổ chức, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Xuất bản là dịp để chúng ta nhìn nhận những hạn chế, tồn tại và đặc biệt là các chính sách quản lý trong bối cảnh thay đổi như vũ bão của cuộc sống đang chuyển lên không gian số, hưởng thụ những nội dung số hiện nay, trong đó có sách với thói quen đọc, xem và nghe đang thay đổi hoàn toàn với quãng thời gian trong ngày của mỗi người bị chi phối bởi các thiết bị số.

Cũng theo Thứ trưởng, "Đây cũng là dịp chúng ta nhìn lại những mối quan hệ tác động đến ngành xuất bản trong những năm qua, đồng thời đánh giá những ưu điểm, bất cập trong quy định của Luật Xuất bản. Đánh giá về sự đồng bộ thống nhất giữa Luật xuất bản, các văn bản chi tiết với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Từ đó chỉ ra những vấn đề phát sinh trong qua trình thực hiện còn để trống mà tới đây hy vọng rằng có thể xử lý được".

Kiện toàn các văn bản quy phạm pháp luật

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản, ông Nguyễn Nguyên, Cục Trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết: Tính đến tháng 10/2022, cả nước có 57 nhà xuất bản (NXB), 2.310 cơ sở in và khoảng 505 doanh nghiệp (DN), 1.400 điểm phát hành. Nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm.

Những đề xuất kiện toàn hành lang pháp lý để phát triển ngành xuất bản - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nguyên: Luật Xuất bản năm 2012 đã mang lại sinh khí mới cho ngành xuất bản Việt Nam

Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số lượng xuất bản phẩm trong thời gian này có giảm, toàn ngành đã xuất bản được 64.816 đầu sách, 777 triệu bản sách, đưa tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt 4,3 bản/người/năm - tăng 1,1 lần so với năm 2012. Việc cấp, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, cấp giấy phép hoạt động in gia công xuất bản phẩm được triển khai thực hiện tương đối kịp thời, cơ bản bảo đảm các điều kiện hoạt động cơ sở in theo quy định của Luật Xuất bản...

Ông Nguyễn Nguyên khẳng định: "Luật Xuất bản năm 2012 đã mang lại sinh khí mới cho ngành xuất bản Việt Nam, đưa ngành phát triển theo chiều rộng, bước đầu có những ấn phẩm đồ sộ và giá trị cao".

Tuy nhiên, việc thi hành Luật Xuất bản vẫn còn hạn chế. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các văn bản, đề án triển khai thực hiện luật, có nhiều vấn đề mới, phức tạp liên quan đến việc đổi mới về cơ chế quản lý hoạt động xuất bản, có những vấn đề lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở nước ta (như xuất bản và phát hành xuất bản điện tử) dẫn đến việc chậm triển khai một số quy định của Luật trong thực tế và chưa hiệu quả. 

Việc phối hợp trong công tác xây dựng các văn bản giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng, thường xuyên. Một bộ phận cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính phức tạp của hoạt động xuất bản trong điều kiện mới. Năng lực của một bộ phận lãnh đạo các đơn vị xuất bản còn hạn chế...

Để tháo gỡ các hạn chế, bất cập, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất với Ban Bí thư ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản nhằm xác định quan điểm, định hướng cho sửa đổi Luật Xuất bản, đáp ứng yêu cầu của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và CĐS; Quốc hội (khóa XV) xem xét giao Bộ TT&TT lập hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2024.

Những đề xuất điều chỉnh hành lang pháp lý để phát triển ngành xuất bản

Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý một số nội dung của Luật Xuất bản năm 2012 chưa phù hợp với thực tế và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng thi hành pháp luật về xuất bản.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham luận tại Hội nghị đã chia sẻ: Trong thời gian 10 năm qua, công tác xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đã đảm bảo các hoạt động của NXB Giáo dục được ổn định, kiện toàn. NXB đã có nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng Luật cho các cán bộ để thực hiện đúng các chính sách của Nhà nước với lĩnh vực xuất bản. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai đầy đủ các trách nhiệm của cơ quan chủ quản NXB như: đảm bảo các điều kiện thành lập của NXB; công tác bổ nhiệm chức danh lãnh đạo NXB cũng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; công tác định hướng kế hoạch xuất bản hàng năm; công tác chỉ đạo thực hiện tôn chỉ mục đích, phương hướng hoạt động của NXB, giám sát NXB thực hiện đúng theo quy định của pháp luật…

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị: sửa đổi Khoản 3 Điều 17 của Luật Xuất bản theo hướng bổ sung quy định cho phép cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước căn cứ vào mô hình hoạt động của DN NXB quyết định Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty không đồng thời (hoặc đồng thời) là Tổng Giám đốc (Giám đốc) NXB để phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với Luật DN.

Đồng thời, bổ sung thêm các quy định cho các dạng xuất bản phẩm điện tử về cách thức thực hiện: từ khâu xuất bản đến khâu phát hành xuất bản phẩm điện tử và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Những đề xuất kiện toàn hành lang pháp lý để phát triển ngành xuất bản - Ảnh 2.

Trong thời gian 10 năm qua, công tác xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đã đảm bảo các hoạt động của NXB

Đại diện cơ quan chủ quản NXB TP. HCM cũng nhận định: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản thời gian qua không ngừng được đổi mới, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi trong thực hiện. Bám sát các quy định về hoạt động xuất bản, thời gian qua, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh với vai trò là cơ quan chủ quản của 02 đơn vị xuất bản là NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM nay hợp nhất thành NXB Tổng hợp TP. HCM đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo định hướng phát triển hoạt động xuất bản và công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng bằng những hướng dẫn, cụ thể hóa các kết luận, quy định của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là quán triệt thực hiện Luật Xuất bản năm 2012.

"Đây là nền tảng pháp lý quan trọng, tạo ra những chuyển biến tích cực trong xuất bản - lĩnh vực được coi là có tác động mạnh tới nhận thức xã hội, giúp cho các NXB nâng cao ý thức chính trị, cẩn trọng trong thẩm định nội dung, quy trình xuất bản; nâng cao chất lượng toàn diện trong hoạt động xuất bản", đại diện NXB TP. HCM nhấn mạnh.

Đại diện cơ quan chủ quản NXB TP. HCM cũng kiến nghị về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, tại khoản 1, Ðiều 7 Luật Xuất bản 2012, quy định: "Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản". 

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa nội dung luật định thành cơ chế có hiệu lực trong thực tế hiện còn khá chậm trễ. Cụ thể, hiện nay, công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho NXB chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị nguồn nhân lực lãnh đạo cho các NXB. Vì vậy, kiến nghị Bộ TT&TT trong vai trò quản lý, phát triển hoạt động xuất bản cần có kế hoạch tổ chức đa dạng, linh hoạt các lớp đào tạo, bồi dưỡng kết hợp trải nghiệm thực tế về công tác xuất bản hiện nay ở trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị nguồn lực cho ngành xuất bản, nhất là dành cho đối tượng quản lý xuất bản.

Những đề xuất kiện toàn hành lang pháp lý để phát triển ngành xuất bản - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cũng khẳng định: Sau 10 năm được ban hành, Luật Xuất bản và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành (bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã cơ bản đồng bộ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động xuất bản, góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định vai trò, vị thế của ngành trong đời sống xã hội.

Luật Xuất bản bổ sung những quy định cụ thể đối với các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, trong đó có quy định về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ thông tin. Luật Xuất bản cho phép các thành phần kinh tế ngoài khu vực Nhà nước được tham gia hoạt động xuất bản (in, phát hành và liên kết với các NXB để xuất bản từng xuất bản phẩm) đã tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thu hút được các nguồn vốn trong xã hội đầu tư cho hoạt động xuất bản và tạo nguồn bản thảo phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất bản trên địa bàn Hà Nội, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cũng đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung liên quan đến chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 2, Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật xuất bản và Nghị định số 195/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản: Xây dựng phần mềm báo cáo dùng chung lĩnh vực xuất bản từ trung ương đến địa phương; các DN xuất bản, in, phát hành có trách nhiệm định kỳ cập nhật thông tin báo cáo trên phần mềm; Bổ sung Sở TT&TT - cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tại nơi nhận báo cáo được quy định tại khoản a, b Điều 2, Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT.../.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những đề xuất kiện toàn hành lang pháp lý để phát triển ngành xuất bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO