Chuyển đổi số

Những rào cản DN nhỏ và vừa ngành bán lẻ cần vượt qua để chuyển đổi số, thu hút khách hàng

Anh Minh 16:42 05/08/2023

Sự xuất hiện của công nghệ đã làm thay đổi lớn về thói quen và hành vi của khách hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ sẽ phải liên tục cập nhật, nhanh chóng thích nghi để đáp ứng sự thay đổi này.

Theo báo cáo khảo sát xu hướng ngành bán lẻ của Ernst & Young trong năm 2022, thị trường Châu Á với quy mô đạt 6,7 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 40% doanh số toàn cầu, đang dẫn đầu thị trường bán lẻ thế giới. Ernst & Young nhận định Châu Á sẽ tiếp tục thống trị ngành bán lẻ trong thời gian tới với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) chiếm khoảng 4,9%. 

Xu hướng thương mại xuyên biên giới ngày càng tăng cùng với sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), cũng như những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng đang đòi hỏi DN có sự bứt phá để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhóm ngành bán lẻ đang trong thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, sản xuất và phát triển nhanh chóng với sự trợ giúp của chuyển đổi số (CĐS).

DN bán lẻ thay đổi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thế hệ mới

Thực tế, sự xuất hiện của công nghệ đã làm thay đổi lớn về thói quen và hành vi của khách hàng, chẳng hạn như thói quen mua hàng qua mạng hay thanh toán không tiền mặt cũng như những mong muốn trải nghiệm mới khi mua hàng của thế hệ khách hàng trẻ tuổi. Vì vậy, các DN bán lẻ  sẽ phải liên tục cập nhật, nhanh chóng thích nghi để đáp ứng sự thay đổi này.

chuyen_doi_so.jpg
Các DN bán lẻ  sẽ phải liên tục cập nhật, ứng dụng công nghệ để thích nghi và đáp ứng trước sự thay đổi của người tiêu dùng. (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo của KPMG trong năm 2022 khảo sát các DN trong ngành bán lẻ tại Châu Á về mức độ đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, hơn 70% DN đã tăng cường đầu tư vào công nghệ số, đồng nghĩa với việc các DN bán lẻ hiểu rõ tầm quan trọng cũng như đã phản hồi kịp thời với nhu cầu của thị trường để tiếp tục giữ vững thị phần và đảm bảo mức độ tăng trưởng kinh doanh ổn định.

Công dân thế hệ số sẽ trở thành nguồn khách hàng tiềm năng lớn. Đây là các yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ kinh doanh và trở thành nguồn động lực lớn cho ngành bán lẻ.

Tại Việt Nam, các DN bán lẻ cũng đứng trước sự thay đổi mạnh mẽ của thời đại công nghệ số. Theo Khảo sát của Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các DN đã và đang đẩy mạnh các cách thức bán hàng mới. Không giới hạn ở các sàn TMĐT hay website của DN, kinh doanh bán lẻ qua mạng xã hội đang là một xu hướng mới và được các DN Việt Nam ứng dụng.

Thông qua các tính năng như MarketPlace (Facebook), Tiktok Shop (Tiktok) v.v., DN có thể dễ dàng tiếp thị, tiếp cận khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng Gen Z (sinh năm 1997 - 2012). Dựa trên các sàn TMĐT và mạng xã hội, DN có thể áp dụng các hình thức bán hàng tương tác, tiếp cận gần gũi hơn với người tiêu dùng như Livestream, Gamification (Game hóa - Tương tác lồng ghép đặc tính của trò chơi)... 

Trong lộ trình CĐS, các DN bán lẻ Việt Nam chỉ ở khâu “đang phát triển”

Khảo sát về đầu tư của Ernst & Young với nhiều lãnh đạo và quản lý cấp cao toàn cầu cho thấy 68% DN bán lẻ đang ưu tiên đầu tư vào các công nghệ số thiết yếu như Internet vạn vật (IoT), Thực tế ảo tăng cường/Thực tế ảo (AR/VR), Trí tuệ nhân tạo (AI), robot và blockchain.

Những công nghệ này hỗ trợ hiệu quả cho DN trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có thể được tạm thời bù đắp nhờ vào việc sử dụng robot để phục vụ trong một số hoạt động sản xuất vận hành nhất định. Trong khi đó, công nghệ số như blockchain, IoT hay công nghệ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra tình trạng sản phẩm trung gian; hay AR/VR và AI đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm nhờ mang lại nhiều trải nghiệm mua hàng phong phú, đa dạng cho người tiêu dùng.

Toàn bộ hệ sinh thái bán lẻ đang chứng kiến sự bùng nổ trong việc áp dụng công nghệ số để nâng cao năng suất và hiệu quả vận hành. DN đã nhận thức được sự cần thiết phải CĐS để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy vậy, chặng đường CĐS của các DN vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Báo cáo thường niên CĐS DN 2022, trong lộ trình CĐS, các DN bán lẻ  Việt Nam chỉ ở khâu “đang phát triển” - nghĩa là mục tiêu số hóa đã được xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, DN cũng đã thiết lập một số vị trí quản lý cần thiết để thực hiện các vai trò CĐS. Công tác CĐS được giám sát bởi một chương trình chuyển đổi riêng biệt. 

Cũng theo Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, thị trường Việt Nam với hơn 97% là các DNNVV, trong đó hơn 90% là các điểm bán lẻ theo mô hình truyền thống, vẫn còn nhỏ lẻ, rải rác như cửa hàng tạp hóa với thiên hướng dùng sổ sách để ghi chép quản lý hàng hóa và hoạt động bán hàng. Chỉ khoảng 10% các điểm bán lẻ ở Việt Nam thuộc mô hình hiện đại, bao gồm các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi đã ứng dụng công nghệ. 

Để bắt đầu hiện thực hóa và thành công trên hành trình CĐS, các DN lĩnh vực bán lẻ  tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị để đối mặt với các rào cản không nhỏ. Một số rào cản trong quá trình CĐS của các DN Việt Nam, đặc biệt DN nhỏ và vừa (DNNVV), bao gồm khó khăn về chi phí đầu tư. Trong đó, DN nhận định chi phí đầu tư vào các giải pháp công nghệ số, chi phí triển khai (Capex), chi phí duy trì công nghệ (Opex) tương đối cao, trong khi hiệu quả ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh không thể hiện rõ trong ngắn hạn.

Ngoài ra, nhân lực chuyên môn cũng là một rào cản CĐS của DN Việt. Tỷ lệ nhân lực CNTT trên tổng số lao động của Việt Nam còn thấp, ước đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động. Bên cạnh đó, CĐS đòi hỏi nhiều năng lực ngoài các năng lực CNTT thuần túy. 

Thói quen kinh doanh cũng là một vấn đề cần được giải quyết, bởi vì CĐS là thay đổi cách làm việc, thay đổi tư duy, đòi hỏi phải thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh trong khi yếu tố này được coi là lâu dài, truyền thống và khó khăn khi thực hiện thay đổi, đồng thời phụ thuộc nhiều vào định hướng, ý chí của người đứng đầu DN.

Tương tự như vậy, để CĐS một cách hiệu quả cần phải có sự cam kết của lãnh đạo từ cấp giám đốc điều hành cho đến cán bộ quản lý cấp trung. Do vậy, đây là một trong các yếu tố quan trọng để tránh việc CĐS được triển khai dang dở hoặc chưa được đầu tư đúng mức.

Xác định mục tiêu chiến lược và tầm nhìn CĐS ngay trong giai đoạn chuẩn bị

Theo Sổ tay CĐS cho DN Việt Nam do Văn phòng CĐS, Cục Phát triển DN phát hành, việc xác định mục tiêu chiến lược và tầm nhìn CĐS là một bước quan trọng mà DN cần sớm thực hiện ngay trong giai đoạn chuẩn bị. Mục tiêu chiến lược và tầm nhìn CĐS sẽ đóng vai trò như kim chỉ nam, định hình hành trình CĐS của DN.

chuyen-doi-so-nganh-ban-le-1.jpg
Toàn bộ hệ sinh thái bán lẻ đang chứng kiến sự bùng nổ trong việc áp dụng công nghệ số để nâng cao năng suất và hiệu quả vận hành. Ảnh minh họa

Để xác định được mục tiêu chiến lược và tầm nhìn CĐS phù hợp, DN cần cân nhắc những yếu tố đầu vào như mức độ sẵn sàng CĐS; chiến lược chung của DN trong ngắn và dài hạn; thông tin, xu hướng thị trường và những thông lệ hàng đầu về CĐS đang được áp dụng trong ngành. 

Tùy thuộc vào đặc thù, mức độ sẵn sàng và chiến lược của DN, mục tiêu DN đề ra cho hành trình CĐS cần được tùy chỉnh phù hợp. Dưới xu hướng, tác động của thị trường cũng như thay đổi trong hành vi mua sắm, tương tác của khách hàng với DN, các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ  có thể cân nhắc một số mục tiêu CĐS như nâng cao trải nghiệm khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm; phát triển mức độ linh hoạt của DN để nhanh chóng phản ứng trước những biến động thị trường; cải thiện hiệu quả vận hành nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, tối ưu chi phí, lợi nhuận; nâng cao bảo mật để đảm bảo DN vận hành ổn định, bảo vệ thông tin khách hàng…

Và điều quan trọng là, CĐS không dừng lại ở nâng cao hiệu quả từng khâu mà tập trung tăng cường kết nối, chia sẻ, phối hợp giữa các khâu về luồng hàng hóa, thông tin, tài chính, v.v. để tối ưu việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ, vận hành DN./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những rào cản DN nhỏ và vừa ngành bán lẻ cần vượt qua để chuyển đổi số, thu hút khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO