Những tác động tích cực của một dự án sách đến sự phát triển của văn hóa đọc trong nhà trường

PV| 17/12/2022 15:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Dự án Làm bạn với sách (LBVS) đã có những tác động tích cực không chỉ trong phạm vi các trường học có tham gia dự án mà còn với cộng đồng địa phương và những trường chưa triển khai dự án.

Những tác động tích cực của một dự án sách đến sự phát triển của văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 1.

Dự án LBVS đã tập trung vào chuẩn hóa trong hoạt động hỗ trợ xây dựng thư viện theo mô hình thư viện thân thiện cho các trường

Chuyển đổi từ mô hình thư viện truyền thống sang mô hình thư viện thân thiện

Thư viện là một trong những yếu tố ảnh hưởng mang tính quyết định đến môi trường đọc sách và hình thành thói quen đọc sách của HS, nhất là HS tiểu học. Tuy nhiên thực trạng thư viện ở các trường học Việt Nam trong nhiều năm qua thường không đáp ứng được yêu cầu dạy và học của thầy cô và HS. Thực tế ở nhiều trường học gọi là thư viện nhưng thực chất như là một phòng hoặc kho đựng sách và thiếu vắng các hoạt động dành cho HS. Thậm chí, nhiều thư viện trông rất khang trang, cơ sở vật chất tốt, hiện đại nhưng lại thiếu "sức sống", thiếu sách, sách không phù hợp, và đặc biệt là thiếu vắng các hoạt động đọc sách, vui chơi cùng sách của HS trong trường.

Chính những hạn chế trên sẽ làm cho thư viện thiếu sức hấp dẫn, khó thu hút HS đến thư viện. Một trong những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là thiếu vắng sự quan tâm, đầu tư ngân sách thích đáng từ chính quyền các cấp và bố trí kinh phí hoạt động từ ngành giáo dục và chính bản thân nhà trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của thư viện, Dự án LBVS đã tập trung vào chuẩn hóa trong hoạt động hỗ trợ xây dựng thư viện theo mô hình thư viện thân thiện cho các trường đối tác khi tham gia dự án. Mô hình thư viện thân thiện theo quy định của dự án không có nhiều khác biệt giữa thư viện dành cho trường tiểu học và thư viện cho trường trung học cơ sở.

Với gam màu xanh mát mẻ, bắt mắt, cách trang trí thư viện sinh động, trang thiết bị bàn ghế, tủ sách được bài trí gọn gàng với nhiều gam màu sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Cùng với đó, bảng nội quy phòng đọc và các câu danh ngôn được treo cẩn thận trên 4 bức tường, tạo ra không gian đọc thoải mái và đầu sách phong phú đã mang lại cảm giác thích thú cho các em khi đến thư viện - điều mà trước đây các em chưa từng có.

Trong khi mô hình thư viện truyền thống chỉ là nơi tổ chức hoạt động mượn – trả sách, chưa chú trọng đến thiết kế, trang trí không gian đọc thân thiện với HS thì mô hình thư viện thân thiện đã khắc phục được những hạn chế trên bằng việc chú trọng đến thiết kế tổ chức thư viện mở, không gian thân thiện và sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của từng lứa tuổi HS.

Ngoài ra, mô hình thư viện thân thiện của dự án LBVS của tổ chức Zhi-Shan không chỉ phục vụ cho HS mà còn phục vụ cho giáo viên. Việc thay đổi căn bản về chất và lượng của thư viện đã góp phần thu hút, khuyến khích và tạo môi trường tốt hơn cho việc đọc sách của HS cũng như việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS. Để được tham gia Dự án LBVS, các trường đối tác gửi Đơn xin hỗ trợ xây dựng thư viện thân thiện theo mẫu, trong đó bao gồm các nội dung như: thông tin chung, thuận lợi và khó khăn của trường, nội dung cam kết thực hiện trong các năm dự án tài trợ (kinh phí đối ứng 30-45%, không gian thư viện tối thiểu 84m2,...), cách thức tổ chức (tổ chức các hoạt động, tổ chức quản lí và danh sách ban điều hành).

Kết quả thực hiện Dự án LBVS trong thời gian qua, 100% các trường đối tác triển khai đúng mô hình thư viện thân thiện theo cam kết với Zhi-Shan.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy các trường thậm chí còn làm tốt hơn mô hình thư viện thân thiện tùy thuộc vào khả năng sáng tạo, đặc điểm nguồn lực và không gian của từng trường.

Nhiều trường đã tổ chức được các hoạt động sáng tạo cho HS để làm mới thư viện của mình. Một số trường làm được thư viện xanh, thư viện mở, thư viện kết nối. Đối tượng hưởng lợi của thư viện không chỉ là HS mà đã mở rộng đến gia đình và cộng đồng dân cư. Điển hình là các trường như Trường Tiểu học Kỳ Xuân (Kỳ Anh - Hà Tĩnh), Trường Tiểu học Số 2 Hoàn Lão (Bố Trạch - Quảng Bình), Trường Tiểu học Số 1 Lộc Trì (Phú Lộc - Thừa Thiên - Huế).

Mô hình thư viện thân thiện đã thể hiện được tính hiệu quả trong việc tạo ra môi trường đọc sách và bồi dưỡng thói quen đọc sách cho HS ở các trường tham gia dự án. Chính vì vậy, nhiều trường chưa phải là đối tác của Dự án LBVS cũng học hỏi và áp dụng mô hình thư viện thân thiện cho chính trường học của mình. Đây là tác động lan tỏa tích cực của Dự án LBVS đến hoạt động giáo dục ở nhiều địa phương, điển hình là ở các huyện: Phú Lộc - Thừa Thiên - Huế; Bố Trạch - Quảng Bình; Thạch Hà, Kỳ Anh và Nghi Xuân - Hà Tĩnh.

Về không gian bài trí thư viện, kết quả đánh giá của 669 thầy cô cho thấy thư viện đã được bài trí bắt mắt và thuận tiện hơn (điểm đánh giá trung bình là 4,4) so với trước khi có Dự án LBVS (điểm đánh giá trung bình là 3,7).

Cải thiện rõ rệt cơ sở vật chất và nguồn lực thư viện

Trên thực tế, 100% các trường sau khi triển khai Dự án LBVS đều có sự cải thiện về cơ sở vật chất (diện tích thư viện, số chỗ ngồi) và nguồn lực thư viện (số đầu sách, bản sách, kinh phí bổ sung hàng năm). Cụ thể, trung bình số lượng đầu sách tăng gần 3 lần, số lượng bản sách tăng 2,4 lần, số lượng chỗ ngồi trong thư viện tăng gần 2 lần, kinh phí mua sách từ ngân sách chi thường xuyên tăng 1,8 lần và diện tích thư viện tăng 1,7 lần.

So sánh trước và sau khi có Dự án LBVS xét theo địa bàn, các trường học ở tỉnh Nghệ An có sự cải thiện tốt nhất trong hoạt động thư viện: số lượng chỗ ngồi ở đây tăng 2,42 lần; số lượng đầu sách tăng 8,3 lần; số lượng bản sách tăng 4,5 lần; kinh phí mua sách từ nguồn chi thường xuyên tăng 2,4 lần.

Các trường học ở Quảng Bình có sự cải thiện về diện tích thư viện (tăng 2 lần) và kinh phí mua sách từ nguồn chi thường xuyên tăng (2,4 lần). Trong khi đó, các trường ở Hà Tĩnh có số lượng bản sách tăng 3,14 lần và các trường học ở Quảng Ngãi có diện tích thư viện tăng ấn tượng nhất với 2,4 lần. Trường học ở hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị có các chỉ số tăng trưởng khiêm tốn hơn so với các trường học ở các tỉnh còn lại50

Những kết quả trên cũng phù hợp với số liệu khảo sát 669 thầy cô về hai tiêu chí "Diện tích thư viện rộng rãi và thoải mái" và "Thư viện có sách phong phú, đa dạng và đáp ứng được nhu cầu của HS". Sau khi có Dự án LBVS, thầy cô đánh giá thư viện rộng rãi và thoải mái hơn (với điểm đánh giá trung bình là 4,4) so với trước khi có dự án (điểm đánh giá trung bình là 3,6).

Tương tự, các thầy cô cho rằng sau khi có dự án số đầu sách đa dạng và phong phú, đáp ứng được nhu cầu học tập của HS tốt hơn (điểm đánh giá trung bình là 4,36 so với trước khi có dự án là 3,6) Bên cạnh các chỉ số trên, số lượng tủ sách lớp học cũng là một tiêu chí quan trọng khi nói đến việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động đọc sách. Số lượng tủ sách lớp học bình quân của các trường là 17 tủ sách, trong đó các trường ở Hà Tĩnh có số lượng tủ sách lớp học nhiều nhất với 20 tủ sách, các trường học ở các địa phương còn lại (Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Nghệ An) có số lượng tủ sách lớp học khoảng 16 tủ sách.

Như vậy những tác động trên của Dự án LBVS vừa mang tính chiều rộng (số lượt HS, số trường học hưởng lợi, số sách được trao tặng, số lượng cuốn sách được đọc hàng năm, số giờ mở cửa thư viện,...), đồng thời mang tính chiều sâu (nhận thức và tư duy của các trường về thư viện, phương pháp và cách thức triển khai việc đọc sách cho HS, lồng ghép việc đọc sách với các hoạt động khác trong trường học, năng lực của HS,...).

Dự án “Làm bạn với sách” được Zhi-Shan Foundation triển khai hơn 12 năm. Bắt đầu từ năm 2008 triển khai tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến năm 2013 địa bàn dự án mở rộng ra tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, đến năm 2015 địa bàn dự án mở rộng ra tỉnh Nghệ An, năm 2018 lan tỏa đến tỉnh Quảng Trị./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những tác động tích cực của một dự án sách đến sự phát triển của văn hóa đọc trong nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO