Truyền thông

Những thách thức và giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về dự báo tác động cảnh báo rủi ro thiên tai tại Việt Nam

Ngô Thị Thanh Hương*, Hoàng Thị Hoài Linh*, Nguyễn Hoàng Yên*, Lê Thị Thương, Hà Quỳnh Hương*, Lê Danh Hồng** 06/04/2025 12:30

Thay đổi cách thức thông tin truyền thống là chỉ tập trung vào cường độ, diễn biến của thiên tai, bằng cách thức tiếp cận mới đó thiên tai sẽ gây nên tác động gì để cộng đồng biết cần phải làm gì để ứng phó hiệu quả với các rủi ro tiềm tàng mà thiên tai có thể gây ra.

Tóm tắt:
- Nhu cầu dự báo tác động: Nhu cầu về thông tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai ngày càng tăng, đặc biệt là các thông tin chi tiết, cụ thể, có liên quan đến bối cảnh địa phương.
- Thách thức:
+ Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, độ chính xác về không gian và thời gian.
+ Cập nhật, chia sẻ dữ liệu về đời sống, kinh tế - xã hội.
+ Quy định về phương pháp luận, đánh giá tác động.
+ Chất lượng dữ liệu, cơ sở hạ tầng, chi phí.
+ Tác động của biến đổi khí hậu.
+ Nhận thức cộng đồng, niềm tin vào hệ thống dự báo.
+ Nghiên cứu, tài liệu, ngôn ngữ tuyên truyền.
+ Bùng nổ mạng xã hội (MXH) và tin giả.
- Giải pháp:
+ Nâng cao năng lực: Đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia, xây dựng hệ thống tin nhắn khẩn cấp, tổng đài dịch vụ.
+ Tăng cường truyền thông: Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, hình ảnh trực quan, bảng màu, so sánh thực tế với dữ liệu lịch sử.
+ Kiểm soát tin giả: Kiểm tra, giám sát, có chế tài mạnh mẽ.
+ Phối hợp liên ngành: Chia sẻ thông tin, đồng bộ nguồn tin, cập nhật ma trận rủi ro.
+ Tuyên truyền cộng đồng: Nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin chính thống, phản hồi thông tin.

Bối cảnh về công tác dự báo dựa trên tác động trên thế giới

a. Định hướng tuyên truyền của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai.

Đặc tính của thời tiết là chuyển động liên tục, dự báo cảnh báo là khoa học xác suất có tính ứng dụng cao nên việc chuyển tải thông tin dự báo cảnh báo đến cộng đồng luôn có những khoảng cách trong “khi một hiểm họa tự nhiên xảy ra, nếu cộng đồng và xã hội hiểu và có năng lực tốt để giảm nhẹ rủi ro, thì sẽ tránh hoặc giảm
thiểu được các thiệt hại” [3]. Trong khi đó các thông tin, tuyên truyền và truyền thông về dự báo thời tiết, cảnh báo rủi ro thiên tai chưa có những nghiên cứu chuyên sâu, hướng dẫn thống nhất mà hầu hết chỉ dựa vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia để nghiên cứu triển khai ứng dụng cho phù hợp.

Trên quan điểm nghiên cứu thúc đẩy tuyên truyền về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai đang được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) khuyến cáo xây dựng và triển khai ở nhiều quốc gia, nhóm nghiên cứu đã bám sát “Sổ tay Hướng dẫn cảnh báo và dự báo dựa trên tác động” (IbFW) của WMO xuất bản năm 2015 [5] và bản cập nhật năm 2021 (WMO, 2021) [6].

Trong đó, WMO xây dựng IbFW và định hướng các thành viên phương pháp tiếp cận IbFW có cấu trúc để kết hợp dữ liệu về nguy cơ, mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương để xác định rủi ro và hỗ trợ ra quyết định, với mục tiêu cuối cùng là khuyến khích hành động sớm chủ động nắm bắt thông tin giảm thiểu thiệt hại và mất mát về người và tài sản do thiên tai góp phần đảm bảo môi trường bền vững.

Theo WMO, hiện nay có ba cách tiếp cận dự báo tác động (Hình 1).

hinh-1_so-do-huong-dan-vmo.png
Hình 1. Sơ đồ hướng dẫn của WMO về hệ thống dự báo tác động.

- Cách tiếp cận định lượng: đối với cách tiếp cận này mỗi thành phần được định lượng riêng. Để làm được cách này sẽ cần số liệu chi tiết về mức độ phơi bày, tính dễ bị tổn thương từ các Cơ quan, ban, ngành, địa phương (mũi tên liền).

- Cách tiếp cận định tính: đây là cách tiếp cận chủ quan hơn, sử dụng các thông tin định tính được thu thập từ các đối tác chuyên gia. Thông tin này đại diện cho kinh nghiệm của chuyên gia trong phòng chống thiên tai và cho phép ước tính tác động trực tiếp từ cường độ nguy hiểm (mũi tên màu cam chấm chấm).

- Cách tiếp cận truyền thống: từ cường độ của hiểm họa liên hệ tới tác động, xác định và giảm thiểu rủi ro, nhưng không tính đến sự phơi bày hoặc tính dễ bị tổn thương (mũi tên đỏ).

WMO đã định hướng các thành viên về phương pháp tiếp cận dự báo tác động đó là sự kết hợp giữa thông tin dữ liệu về nguy cơ, mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương để xác định rủi ro và hỗ trợ ra quyết định, với mục tiêu cuối cùng là khuyến khích hành động sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại và mất mát về người do thiên tai.

Theo đánh giá của WMO “các dự báo và cảnh báo có chính xác đến đâu thì hiệu quả của chúng vẫn phụ thuộc vào phản ứng của cộng đồng bị ảnh hưởng. Mức độ nhận thức, hiểu biết và sự chuẩn bị kém trong cộng đồng nói chung có thể cản trở phản ứng phù hợp đối với các dự báo, cảnh báo [6].

Do đó, việc tuyên truyền, truyền thông về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách của khoa học dự báo cảnh báo thiên tai hướng đến cộng đồng, giúp cho cộng đồng hiểu và sử dụng hiệu quả thông tin dự báo cảnh báo thiên tai góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững cho quốc gia, đây là điều hết sức cấp thiết.

Ngoài ra, việc thông báo một cách hiệu quả về khả năng xảy ra các tác động gắn với một hiện tượng thời tiết cụ thể giúp người sử dụng thông tin thời tiết có thể chuẩn bị và đề phòng và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo WMO, rủi ro trong mỗi đợt thiên tai sẽ được đánh giá hàng ngày, trong mỗi phiên dự báo và cho các thời hạn dự báo khác nhau. Hai thông tin cần thiết để đánh giá rủi ro thiên tai trong thực tế bao gồm: (1) Tổng hợp mức độ tác động của các hiểm họa (ví dụ gió mạnh cấp 8, mưa lớn 100mm/ngày) đối với con người và các lĩnh vực KT-XH và (2) khả năng xuất hiện của các hiểm họa đó tính theo tỷ lệ phần trăm (%) hoặc theo các mức khả năng rất thấp, thấp, trung bình và cao. Vị trí dấu “X” (trong Hình 2) là giao điểm của mức độ tác động trung bình và khả năng xảy ra thấp.

Tại đây, mức độ rủi ro là màu vàng tức là “Nhận biết - Be Aware” tức là cộng đồng, người dân cần cẩn trọng, nhận biết các dấu hiệu xảy ra thiên tai xung quanh khu vực sinh sống để sẵn sàng lên mức cao hơn “Chuẩn bị” ứng phó. Và khi mức độ rủi ro lên màu đỏ “Hành động” thì là lúc phải thực hiện ngay các hành động ứng phó với thiên tai.

hinh-2_ma-tran-rui-ro.png
Hình 2. Ma trận rủi ro theo khuyến nghị của WMO.

Các ma trận rủi ro này là sản phẩm của sự phối hợp, hợp tác xây dựng và thống nhất trước giữa cơ quan dự báo KTTV, cơ quan phòng chống, ứng phó thiên tai. Khi có thiên tai xảy ra, các cơ quan dự báo và phòng chống ứng phó thiên tai có thể đưa ra các khuyến cáo hành động và tuyên truyền cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng để có hành động phù hợp, kịp thời hàng ngày, hàng giờ căn cứ trên các thông tin dự báo hiểm họa và dự báo tác động của cơ quan dự báo KTTV và phòng chống thiên tai.

Chính vì vậy, WMO (2021) đề cập sự hợp tác và hỗ trợ từ các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khoa học và cộng đồng địa phương trong phát triển dự báo tác động. Điều này góp phần cải thiện giám sát, đánh giá rủi ro tốt hơn, cảnh báo sớm và nâng cao khả năng ứng phó tổng thể đối với các mối nguy hiểm về thiên tai. WMO cũng khuyến cáo, sự cần thiết của việc xây dựng chiến lược truyền thông nhằm xác định các dịch vụ dự kiến, các vai trò tương ứng của các bên (bao gồm cả người dân địa phương), và các hoạt động tiếp cận cộng đồng. Trong đó, những hướng dẫn về việc thực hiện truyền thông các sản phẩm dự báo tác động, cảnh báo rủi ro là việc trình bày, định dạng thông tin dự báo, cảnh báo nguy hiểm.

Việc sử dụng vai trò chuyên gia tăng cường giao tiếp và sự tin tưởng của công chúng đối với nguồn tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro. Việc thúc đẩy đối thoại sẽ giúp hiểu rõ hơn về nhu cầu của người dùng và cung cấp thông tin tốt hơn cho các chuyên gia quản lý thảm họa và người dân.

WMO cũng khẳng định vai trò quan trọng của phương tiện truyền thông xã hội đi đồng hành với truyền thông đại chúng truyền thống như: Đài Phát thanh và Truyền hình hay báo điện tử và đồng thời thông tin được chuyển tải trên nhiều nền tảng MXH khác nhau... giúp cộng đồng tiếp cận dễ dàng các thông tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro.

Việc khai thác các nền tảng kỹ thuật như: mạng máy tính, ứng dụng công nghệ số, ứng dụng MXH... được áp dụng trong việc khai thác, tổng hợp các sản phẩm dữ liệu khoa học trong các quy trình dự báo, cảnh báo dự báo tác động được xem là công cụ hữu hiệu để có thể đảm bảo cơ sở khoa học, tính nhất quán trong các thông điệp cảnh báo sớm, dự báo tác động, cảnh báo rủi ro về khí tượng thủy văn.

du-bao-thien-tai-1.png

b. Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới trong dự báo dựa trên tác động

Cơ quan khí tượng Anh (Met UK) cung cấp dịch vụ cảnh báo thời tiết cực đoan quốc gia để cảnh báo tác động tiềm tàng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Cảnh báo này dựa trên sự kết hợp của các mức độ tác động tiềm tàng và khả năng những tác động này có thể xảy ra. Để thực hiện phổ biến về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro Met UK sử dụng màu sắc thang đo nhiệt độ đáng báo động để cảnh báo mọi người về thời tiết đặc biệt là những loại hình thời tiết nguy hiểm tác động trên phạm vi lớn và không áp dụng cho các loại hình riêng lẻ.

Văn phòng Met UK thường xuyên cải tiến cách trình bày dự báo để đảm bảo càng nhiều người có thể hiểu được thông tin dự báo thời tiết. Sự thay đổi gần đây nhất về thang màu nhiệt độ nhằm giúp những người mù màu hiểu được dự báo. Điều này có nghĩa là nhiều sắc thái sáng và tối được sử dụng thay vì nhiều màu sắc khác nhau.

Met UK còn kết hợp với các đối tác hợp tác về hiểm họa thiên nhiên của 17 cơ quan, tổ chức chính phủ và dân sự để thiết lập một diễn đàn trao đổi kiến thức, ý tưởng, chuyên môn, trí tuệ và thực tiễn tốt nhất về các hiểm họa thiên nhiên; cung cấp lời khuyên kịp thời và nhất quán cho chính phủ và những người ứng cứu khẩn cấp về các trường hợp khẩn cấp dân sự và ứng phó hiệu quả khi có cảnh báo thiên tai.

Tại Đức, dự báo tác động và cảnh báo rủi ro được nghiên cứu và áp dụng trên cơ sở chuyển các đặc tính tự nhiên của hiểm họa như: cường độ, thời đoạn, phạm vi tác động thành các thông tin về hậu quả kinh tế xã hội từ đó cảnh báo và thực hiện quản lý tình trạng khẩn cấp.

Tại Trung Quốc, dự báo tác động, cảnh báo rủi ro được thực hiện theo thời gian thực ở cấp quốc gia, tỉnh, thành phố và quận. Cảnh báo tai biến địa chất do Bộ Tài nguyên Đất đai và Tổng cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cùng thực hiện và công bố; Cảnh báo lũ quét do Bộ Tài nguyên nước và CMA cùng phối hợp thực hiện và phổ biến. CMA đã phát triển nền tảng hoạt động “Hệ thống cảnh báo dựa trên rủi ro về lũ ống, lũ quét và thảm họa địa chất do mưa bão” bao gồm các thông tin dữ liệu từ: giám sát sông, lũ lụt và thảm họa địa chất, xử lý dữ liệu thời gian thực về các vị trí nguy hiểm tiềm ẩn, cảnh báo dựa trên ngưỡng, trình bày phân tích mô hình ngập lụt, sửa đổi cảnh báo tương tác giữa người và máy tính, phê duyệt và phát hành cảnh báo…

Hệ thống cảnh báo rủi ro được áp dụng thông qua các văn phòng khí tượng tại hơn 300 thành phố và 2000 quận của 31 tỉnh của Trung Quốc. Trung Quốc đã ban hành các quy định hành chính về phổ biến nhận biết các thiên tai và thực hiện dự báo tác động, cảnh báo rủi ro hiệu quả cho cộng đồng bắt đầu từ dự báo bão (năm 2013) với các cảnh báo về cấp độ rủi ro theo màu sắc: Xanh - Vàng - Cam - Đỏ. Màu sắc này được áp dụng trên các bảng màu tương ứng với từng thời điểm tác động của bão, mưa, lũ lụt... [4].

Cảnh báo Xanh: Yêu cầu người dân chú ý theo dõi các tin tức mới nhất về bão mà Chính phủ đưa ra trên truyền thông và MXH wechat.

Với cảnh báo xanh 5 biện pháp phòng thủ được yêu cầu người dân chấp hành.

Cảnh báo màu Vàng: Yêu cầu người dân hãy theo dõi những tin tức mới nhất về bão và các thông báo do cơ quan cảnh báo, cơ quan chỉ đạo phòng thủ thuộc Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan đưa ra. Với cảnh báo vàng có 7 biện pháp phòng chống mà người dân cần phải thực hiện.

Cảnh báo màu Cam: Yêu cầu người dân hãy theo dõi những tin tức mới nhất về bão và các thông báo do cơ quan cảnh báo, cơ quan chỉ đạo phòng thủ thuộc Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan đưa ra. Với cảnh báo vàng có 7 biện pháp phòng chống mà người dân cần phải thực hiện. Đây là lúc cơn bão sắp đi qua.

Cảnh báo màu Đỏ: Yêu cầu người dân hãy theo dõi những tin tức mới nhất về bão và các thông báo do cơ quan cảnh báo, cơ quan chỉ đạo phòng thủ thuộc Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan đưa ra. Với cảnh báo đỏ có 7 biện pháp phòng chống mà người dân cần phải thực hiện.

Đây là lúc cơn bão tiến vào (gió mạnh từ cấp 13 trở lên, tương ứng siêu bão).

Tại Hồng Kông, việc cung cấp dự báo thời tiết tự động dựa trên các mô hình dự báo thời tiết số với các dự báo điểm cụ thể để công chúng có thể nắm bắt tốt hơn những thay đổi thời tiết ở cấp khu vực. Các bản tin lời, bản tin hình ảnh dữ liệu đều tương ứng với màu sắc cảnh báo và dự báo theo thang màu cấp độ rủi ro tương ứng với các mức độ của hiện tượng nguy hiểm đó kết hợp bản tin lời chỉ rõ những đặc điểm tác động tại thời điểm ban hành bản tin dự báo (ví dụ: gió, mưa, tác động đến đời sống như: ngập lụt, giao thông khó khăn trong từng khung thời điểm mưa, gió.

Việc phổ biến dự báo tác động, cảnh báo rủi ro được thực hiện qua các mạng lưới truyền thông phổ biến như báo, đài còn có ứng dụng di động “MyObseryard” và có dịch vụ quay số thời tiết và MXH. Các chương trình truyền hình do các nhà khí tượng chuyên nghiệp của Cơ quan Khí tượng Hồng Kông sản xuất và trình chiếu liên tục hàng ngày để phát sóng và hằng giờ khi có cảnh báo thiên tai. Vai trò phỏng vấn của chuyên gia được phát huy ngay từ hệ thống quan sát thời tiết khi có các thông tin mới nhất và sau đó là các tư vấn chia sẻ bởi các dự báo viên và nhân viên phục vụ thời tiết thông qua cuộc gọi.

Tại Hàn Quốc, việc vận dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) kết hợp đưa ra các thông tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro bằng các ứng dụng giúp cho cảnh báo tự động trên điện thoại đến từng người dân đồng thời đưa ra hệ thống bản đồ tác động chi tiết theo màu sắc với từng lĩnh vực cụ thể [8].

Việc sử dụng phương pháp dữ liệu kết hợp đồ họa màu sắc để nhận biết về các Bản đồ tác động được công chúng rất hài lòng. Từ thông tin lời có tóm tắt dự báo tác động của thiên tai được cảnh báo, thống kê thiệt hại gần đây của thiên tai đang cảnh báo; nêu ra mức độ tác động của thiên tai ở hiện trạng, tương lai và khuyến nghị cảnh báo hành động cần thiết trong các lĩnh vực (sức khỏe, tài chính, công nghiệp, năng lượng điện, nông nghiệp, vật nuôi cây trồng cụ thể...).

Tại Philippines, Cơ quan Quản lý Dịch vụ Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA) xây dựng các dịch vụ dự báo và cảnh báo sớm tác động, bằng cách phát triển một hệ thống tích hợp có tên GeoRiskPH, kết hợp quản lý CSDL đa ngành, đa lĩnh vực với phân tích để dự báo tác động. Dữ liệu thu thập (từ hệ thống trạm KTTV, ra đa thời tiết…), để tạo ra các dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai và được chuyển vào cơ sở dữ liệu GeoRiskPH.

Các dữ liệu nguy cơ này có thể được phân tích trong hệ thống tích hợp cùng với dữ liệu về mức độ phơi bày và các điểm dễ bị tổn thương để ước tính rủi ro. Các lớp dữ liệu khác nhau được xử lý thành các cảnh báo phù hợp với nhu cầu của các cơ quan cụ thể. Những hiểu biết thu thập được sau đó được phổ biến cho công chúng để khuyến khích hành động sớm [4].

Tại Việt Nam, việc tuyên truyền dự báo tác động, cảnh báo rủi ro đã và đang được thử nghiệm trong hoạt động chuyển tải thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai có nguồn gốc KTTV đặc biệt với một số thiên tai nguy hiểm như: bão, ATNĐ; lũ quét lũ ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; mưa lớn; nắng nóng hay dông lốc sét... Các bản tin cảnh báo, dự báo đã áp dụng cảnh báo nguy cơ bằng màu sắc, cảnh báo trực quan bằng bản đồ tác động cho các khu vực trực tiếp, gián tiếp; cảnh báo bằng các trao đổi phân tích chuyên gia đối với các cảnh báo nguy cơ, cảnh báo sớm trước thiên tai...

Tuy nhiên việc sử dụng các thông tin, hình ảnh, màu sắc chưa đồng nhất, chưa có các quy định chung để phổ biến, hướng dẫn, chỉ dẫn tới cộng đồng.

Nhu cầu và thách thức, khó khăn khi triển khai dự báo tác động

a) Nhu cầu dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai

Theo truyền thống trước đây, các dự báo thời tiết chủ yếu đưa ra các thông báo điều kiện thời tiết khắc nghiệt, xác suất xảy ra thời tiết khắc nghiệt. Tuy việc truyền đạt các thông tin thiên tai chính xác là rất quan trọng, nhưng việc truyền đạt những gì mọi người cần biết để ứng phó hiệu quả với các rủi ro thiên tai cũng quan trọng. Chính vì vậy, cần phải truyền đạt được hậu quả tiềm tàng cụ thể và có liên quan đến bối cảnh địa phương đến các đối tượng sử dụng là người dân, cơ quan, lĩnh vực, là rất cần thiết. Chính vì vậy, nhiều cơ quan dự báo thời tiết trên thế giới cũng dần chuyển từ dự báo cảnh báo thời tiết sang dự báo, cảnh báo dựa trên tác động của thiên tai.

Dự báo dựa trên tác động là một cách tiếp cận có cấu trúc để kết hợp dữ liệu về nguy cơ, mức độ phơi nhiễm và tính dễ bị tổn thương để xác định rủi ro và hỗ trợ việc ra quyết định, với mục tiêu cuối cùng là khuyến khích hành động sớm nhằm giảm thiệt hại và mất mát sinh mạng do các hiểm họa thiên nhiên gây ra. Đây là là xu hướng của tất cả các cơ quan khí tượng trên thế giới có trách nhiệm hướng đến như một nhiệm vụ cơ bản xây dựng hệ thống dự báo cảnh báo dựa trên tác động thiên tai. Hệ thống dự báo này kết hợp với mạng lưới truyền thông phát triển từ việc cung cấp các thông tin dự báo theo lịch trình đòi hỏi tính thường xuyên, liên tục, thông qua văn bản, đồ họa, radio, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến hệ thống tin nhắn văn bản, e-mail và các ứng dụng di động.

Việt Nam là đất nước có vị trí địa lý và địa hình vô cùng phức tạp, yếu tố địa hình gây khó khăn cho các quan trắc bề mặt, vệ tinh không thể phát hiện được là yếu tố địa cục bộ, quy mô nhỏ có liên quan trước các yếu tố về nước, mưa và các hiện tượng khác. Các đám mây thấp và lượng mưa có thể phát triển nhanh chóng ở khu vực địa hình đồi núi mà các quan trắc bề mặt và vệ tinh không thể phát hiện được, và sau đó sẽ không được xem xét đầy đủ trong mô hình thời tiết nên rất khó dự báo được các trận mưa cục bộ, quy mô nhỏ trong khi đó các hiện tượng thiên tai nguy hiểm xuất hiện ở quy mô nhỏ lại xuất hiện nhiều như: Mưa lớn, dông, lốc, lũ quét, sạt lở, mưa đá...

Theo thống kê Việt Nam đã xuất hiện 19/22 loại hình thiên tai KTTV [2]. Hằng năm các thiên tai này gây thiệt hại về người và của rất lớn. Do đó nhu cầu cấp thiết của các cấp chính quyền và nhân dân từ Trung ương đến địa phương đối với thông tin cảnh báo sớm, thông tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro vô cùng cấp thiết và đòi hỏi ngày càng cao, càng chi tiết cụ thể và thông thường là cao hơn cả những cơ sở thực tế và khả năng của khoa học.

Tại các cơ quan KTTV nói chung trên thế giới và cả Việt Nam, việc áp dụng mô hình dự báo tác động, cảnh báo rủi ro trong các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV về các loại hình thiên tai nói chung vẫn đang tiếp tục trong quá trình áp dụng thực nghiệm và rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tác động của thời tiết, và tác động của thiên tai của mỗi quốc gia.

Đối với những quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển dự báo tác động, cảnh báo rủi ro mang tính định lượng nhiều hơn và các quốc gia đang phát triển hay chậm phát triển dự báo tác động, cảnh báo rủi ro còn mang tính định tính và còn ít tính định lượng nên khi thông tin khoa học kỹ thuật về dự báo, cảnh báo nói chung, dự báo tác động và cảnh báo rủi ro được trình bày cung cấp cho các cơ quan, đối tác phi kỹ thuật để họ hiểu và tiếp nhận, xử lý một cách hợp lý, điều này đòi hỏi những người ra quyết định phải cân bằng một loạt các yếu tố, cả bên trong và bên ngoài.

Trong khi đó, các thông điệp trong bản tin dự báo, cảnh báo thường có xu hướng khác biệt nhỏ có liên quan trước các yếu tố về nước, mưa hoặc xung đột theo thời gian do đó nếu không có tổng thể các tác động và cảnh báo về những nguy cơ rủi ro sẽ kém hiệu quả hoặc không thể phát huy hiệu quả dự báo, cảnh báo kịp thời và phù hợp.

Với xu thế và yêu cầu của công tác dự báo tác động, cảnh báo rủi ro trong bối cảnh MXH phát triển, báo chí công dân được ưa chuộng, bất cứ một cá nhân nào cũng thể làm chức năng truyền tin trong khi đó việc kiểm chứng thông tin chưa được quản lý giám sát minh bạch. Trong khi đó lợi thế của thông tin về dự báo, cảnh báo KTTV luôn là xu hướng thông tin tốp đầu về những thông tin có chỉ số lan tỏa mạnh nhất đứng thứ hai chỉ sau thông tin về tài chính, chứng khoán (Báo cáo của Trung tâm Truyền thông dữ liệu số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021, 2022).

Đó là những nội dung có khả năng tác động trực tiếp đến tính mạng, tài sản và ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đời sống. Do vậy tuyên truyền về dự báo, cảnh báo thiên tai có nguồn gốc KTTV đặc biệt là dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai đến các cấp chính quyền, cộng đồng xã hội là vô cùng cần thiết, điều này phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước đó là (Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai) [2].

Tuy nhiên thách thức đặt ra cũng vô cùng phức tạp bởi các bối cảnh hiện nay đã, đang tác động và là thách thức lớn.

Thách thức

Dự báo tác động, cảnh báo rủi ro là một công cụ quan trọng cho các nhà quản lý tình trạng khẩn cấp, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác tham gia vào việc chuẩn bị, lên kế hoạch, quản lý rủi ro thiên tai và hành động ứng phó khi tình huống thiên tai xảy ra... đây là những cơ sở khoa học giúp các cấp lãnh đạo có thể hình dung về nguy cơ thiên tai, từ đó có thể đưa ra quyết định bảo vệ cộng đồng tốt hơn.

Để có thể thúc đẩy phát triển dự báo tác động, cảnh báo rủi ro ngoài những vấn đề mang tính cấp thiết đang đặt ra đó chính là những thách thức liên quan tới các vấn đề như: nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, đặc biệt là mức độ chi tiết và độ chính xác về không gian, thời gian xảy ra thiên tai; cập nhật, chia sẻ các số liệu hiện trạng sinh hoạt, đời sống người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội tại khu vực có khả năng xảy ra thiên tai; các quy định cụ thể về phương pháp luận, cách thức tiến hành dự báo tác động cũng như đánh giá quy mô, mức độ tác động còn rất hạn chế...

Ngoài các vấn đề thách thức như: chất lượng dữ liệu phục vụ dự báo tác động bao gồm: thông tin khí tượng, thủy văn và địa lý, kinh tế - xã hội, dân cư, con người (liên quan đến nguy cơ, rủi ro, mức độ dễ bị tổn thương và đánh giá rủi ro). Mức độ chính xác và tính sẵn có của thông tin, dữ liệu là rất quan trọng đối với dự báo tác động, cảnh báo rủi ro; cơ sở hạ tầng công nghệ; chi phí tài chính cho hoạt động giám sát thu thập số liệu; phát triển các mô hình dự báo; đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà khí tượng học, nhà thủy văn học và cán bộ quản lý thảm họa, thiên tai để sử dụng hiệu quả hệ thống mới; phối hợp hoàn thiện thể chế quy định sự hợp tác giữa nhiều cơ quan chính phủ trong việc thu thập và chia sẻ các dữ liệu về kinh tế - xã hội, dân cư, y tế, giao thông vận tải… sẽ đảm bảo độ tin cậy cho dự báo tác động cảnh báo rủi ro.

Bên cạnh đó là tác động của biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô hình, làm thay đổi quy luật, tính chất và cường độ của các mối nguy hiểm tự nhiên, khiến việc dự báo trở nên phức tạp và ngày khó đảm bảo độ chắc chắn.

du-bao-thien-tai-2.png

WMO đã đặc biệt đánh giá về tầm quan trọng về nhận thức của cộng đồng: các dự báo và cảnh báo có chính xác đến đâu thì hiệu quả của chúng vẫn phụ thuộc vào phản ứng của cộng đồng bị ảnh hưởng, mức độ nhận thức, sự hiểu biết và sự chuẩn bị kém trong cộng đồng nói chung có thể cản trở phản ứng phù hợp đối với các dự báo, cảnh báo.

Đặc tính không chắc chắn của thông tin dự báo cảnh báo chính là giới hạn của khoa học về dự báo, cảnh báo KTTV. Do đó việc xây dựng niềm tin vào hệ thống dự báo là rất quan trọng và hiệu quả đặc biệt đối với hệ thống dự báo tác động.

Nếu công chúng cho rằng các dự báo không chính xác hoặc không nhất quán, họ có thể không coi trọng các cảnh báo, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.

Các công trình, tài liệu nghiên cứu cơ bản về tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học ứng dụng về KTTV nói chung, tuyên truyền thiên tai có nguồn gốc KTTV chủ yếu là học thuật, khó tiếp cận bởi chưa có tính hệ thống trong khi đó KTTV là lĩnh vực khoa học giao thoa giữa khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng và khoa học xã hội do đó khoa học về lĩnh vực chưa gắn với đời sống xã hội, trong khi đó các tài liệu nghiên cứu quốc tế chưa có nhiều về lĩnh vực này.

Đặc biệt tuyên truyền về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro mới chỉ được Tổ chức WMO hướng dẫn, khuyến nghị trên cơ sở các đúc rút từ một số quốc gia đi đầu trong việc thực hiện dự báo dựa trên tác động và dự báo tác động như: Anh, Pháp, Croatia, Mỹ, Philippinnes... nhưng đặc thù địa lý và hình thế thời tiết KTTV của mỗi quốc gia rất khác biệt, mỗi quốc gia chỉ có một vài dạng thiên tai điển hình. Trong khi đó đặc thù của Việt Nam điều kiện địa lý khác biệt, các hình thái thiên tai KTTV xuất hiện quanh năm với nhiều loại thiên tai có tính đa dạng về tính chất, mức độ tác động vùng miền và có tính địa phương cao...

Vấn đề ngôn ngữ tuyên truyền và truyền thông: Việt Nam có 54 dân tộc anh em, sự đa dạng về sắc tộc với các ngôn ngữ riêng biệt cũng là những thách thức của việc truyền đạt các cảnh báo, dự báo bởi muốn chuyển tải thông tin đòi hỏi phải dịch thông tin sang nhiều ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau để có thể tiếp cận tất cả

các cộng đồng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, cần tăng cường sự hợp tác của các đối tác trong việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền như: xây dựng các bộ hướng dẫn sử dụng bằng các loại hình phương thức, tích hợp các thông tin dự báo tác động trong các kế hoạch, hành động ứng phó để quá trình ra quyết định được hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tác động của bùng nổ MXH và tin giả: Ngoài những mặt tích cực của tính lan tỏa mạnh mẽ thì mặt tiêu cực do việc thông tin có tính lan tỏa bị lợi dụng chuyển tải thành tin giả hay còn gọi là “Fake news” trong truyền thông để phá hoại, gây rối về chủ trương đường lối của Đảng, Chính sách Pháp luật của Nhà nước trong công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó giảm nhẹ thiệt hại về thiên tai; việc lợi dụng tin giả để câu view, câu like tìm kiếm lợi nhuận trên MXH hoặc đơn giản là tạo sự chú ý muốn nổi tiếng...

Tin giả “Fake news” trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo thiên tai có nguồn gốc KTTV gây hoang mang, rối loạn cho xã hội, làm giảm hiệu quả của công tác chỉ đạo phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tin giả trong thông tin dự báo, cảnh báo thường được lan truyền nhanh, mạnh trong các thời điểm có cảnh báo về nguy cơ thiên tai đang sắp xảy ra, đang xảy ra diễn ra khá phổ biến do tính chất ưu việt của thông tin có tính lan tỏa lớn trong truyền thông.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền dự báo tác động, cảnh báo rủi ro tại Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ngoài các vấn đề về thể chế, cơ chế chính sách, sự đồng bộ về kỹ thuật công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ công tác dự báo tác động, cảnh báo rủi ro tại Việt Nam. Cần tập trung tăng cường năng lực từ: đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kết nối cộng đồng. Nâng cao nhận thức và giáo dục từ ở cấp độ cộng đồng, đến cơ quan khai thác sử dụng bản tin cho đến cơ quan ban hành bản tin dự báo, cảnh báo. Việc tuyên truyền thực hiện trên một số hướng như sau:

Tuyên truyền, truyền thông từ cơ quan dự báo, cảnh báo KTTV đến các đơn vị sử dụng thông tin KTTV

1. Tăng cường hành lang pháp lý cho việc quản lý hoạt động tuyên truyền và truyền thông về KTTV trong đó chú trọng một số yêu cầu cấp thiết như:

- Ban hành các quy định, hướng dẫn nhận biết về bảng mã màu sắc trong dự báo tác động, cảnh báo rủi ro.

- Ban hành hướng dẫn khai thác sử dụng thông tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai.

2. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ từ môi trường mạng Internet nhằm xây dựng các bộ cơ sở dữ liệu trực tuyến quy định về ý nghĩa hình ảnh, màu sắc, biểu tượng trong thông tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro; chú giải và hướng dẫn sử dụng thông tin, nhận biết về tác động của thiên tai KTTV và khuyến nghị hành động cho cộng đồng.

3. Đào tạo, bồi dưỡng xây dựng một đội ngũ chuyên gia KTTV phục vụ cộng đồng ở 100 % tỉnh, thành phố đảm bảo cho hệ thống trực tuyến kết nối được phát triển phục vụ hiệu quả cộng đồng xã hội.

4. Xây dựng hệ thống tin nhắn khẩn cấp bắt buộc người dân và cộng đồng phải tiếp nhận thụ động các thông tin chính thống về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai. Đồng thời xây dựng Tổng đài dịch vụ viễn thông trực tuyến đầu số ví dụ:“1400, 1041 đảm bảo cuộc gọi kết nối về dự báo tác động cảnh báo rủi ro thiên tai phục vụ cộng đồng”.

5. Tích hợp các thông tin dự báo tác động trong các kế hoạch, hành động ứng phó để quá trình ra quyết định được hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

6. Cần có những chiến lược tuyên truyền chủ động, truyền thông sớm tiếp cận cộng đồng để xác định các nội dung dự kiến của dự báo tác động, cảnh báo rủi ro, phân định vai trò, trách nhiệm tương ứng của các bên, sự phối hợp giữa bộ, ngành, trên, dưới đặc biệt là vai trò của người dân địa phương.

7. Khuyến nghị các cơ quan dự báo, các dự báo viên về việc áp dụng các nguyên tắc trong thông tin và tuyên truyền về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro do thiên tai đó là:

- Đơn giản hóa ngôn ngữ khoa học trong dự báo tác động, cảnh báo rủi ro mà vẫn đảm bảo tính chính xác của thông tin.

- Tăng cường sử dụng ngôn ngữ hình ảnh như sử dụng dữ liệu biểu đồ, bản đồ, đồ thị đơn giản và hướng dẫn cộng đồng nhận biết ý nghĩa, biểu tượng trong các bản tin để dễ dàng nhận biết thông tin trực quan.

- Sử dụng bảng màu cho các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai để cộng đồng dễ dàng nhận biết ý nghĩa của cảnh báo.

- Trong các tình huống thiên tai nguy hiểm, có tác động lớn chú trọng việc so sánh thực tế với thông tin dữ liệu lịch sử để minh họa cho tính phức tạp của hiện tượng thiên tai đang được cảnh báo, dự báo. Gắn kết thông tin khoa học với những vấn đề thực tiễn mà công chúng quan tâm.

8. Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc khai thác thông tin, sử dụng nguồn tin về dự báo KTTV nói chung và dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai của các cơ quan truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông đặc biệt là MXH. Có chế tài mạnh mẽ để giám sát, hạn chế tác động của tin giả trong lĩnh vực dự báo tác động, cảnh báo rủi ro nhằm ổn định dư luận giảm tránh hoang mang quá mức hoặc lơ là chủ quan trong ứng dụng, sử dụng thông tin.

Tuyên truyền, truyền thông đến các đơn vị các cơ quan thông tin đại chúng hệ thống chỉ đạo, chỉ huy ra quyết định

1. Cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin dữ liệu dự báo, cảnh báo, ứng phó rủi ro thiên tai phục vụ dự báo tác động, cảnh báo rủi ro, trong đó tuyên truyền, truyền thông về dự báo KTTV nói chung và dự báo tác động, cảnh báo rủi ro nói riêng nâng cao năng lực tiếp nhận, ứng phó, phản hồi, cung cấp thông tin đặc biệt các thiên tai có tác động lớn như bão, lũ, lũ quét sạt lở, mưa lớn... để phối hợp chuyển tải thông tin nhanh nhất đến với các cơ quan vận hành tác nghiệp chỉ đạo, tuyên truyền, truyền thông để người dân và cộng đồng xã hội tiếp cận thông tin nhanh chóng trong mọi điều kiện ảnh hưởng của thiên tai KTTV. Đây là điều kiện quan trọng nhằm triển khai hiệu quả công tác dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai.

2. Đối với hệ thống các ban chỉ đạo, chỉ huy về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần xây dựng cơ chế phối hợp, đảm bảo thông tin chuyên ngành trong việc chỉ đaọ, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, phản hồi thông tin, cần thống nhất đồng bộ nguồn tin phục vụ cho công tác chỉ đạo về phòng chống giảm nhẹ RRTT và phòng thủ dân sự về rủi ro thiên tai, định hướng đồng bộ nguồn tin chỉ đạo, ứng phó trên cơ sở cập nhật thống nhất thông tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai.

3. Phối hợp thực hiện trách nhiệm tham gia trực tiếp việc tuân thủ các quy trình phát triển ma trận rủi ro trên cơ sở cung cấp, điền thông tin khoa học thực tiễn “Bảng dự báo tác động”, “Bảng phản hồi thông tin tác động” để cập nhật về tình hình thiên tai, lịch sử thiên tai, cập nhật các nguy cơ phát sinh lỗ hổng rủi ro từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tĩnh và động tại địa phương, khu vực có nguy cơ chịu tác động của thiên tai.

Tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền với các cơ quan thông tin đại chúng

1. Thực hiện ưu tiên kênh sóng trong tuyên truyền, truyền thông chủ động trên các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống về dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai đến cộng đồng, đặc biệt là thông tin dự báo, cảnh báo sớm.

2. Thực hiện tuyên truyền, truyền thông nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và các địa phương theo các vùng đặc thù về thiên tai nhằm nâng cao năng lực truyền thông về dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai cho phóng viên và đội ngũ tham gia công tác liên quan đến hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại các địa phương, các cơ quan báo chí TTĐC trong lĩnh vực.

3. Phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện tuyên truyền về trách nhiệm tham gia, tuân thủ các quy trình phát triển ma trận rủi ro trên cơ sở cung cấp, điền thông tin khoa học thực tiễn “Bảng dự báo tác động”, “Bảng phản hồi thông tin tác động” để cập nhật về tình hình thiên tai, lịch sử thiên tai, cập nhật các nguy cơ phát sinh lỗ hổng rủi ro từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tĩnh và động tại địa phương, khu vực có nguy cơ chịu tác động của thiên tai.

Đối với cộng đồng xã hội

Cộng đồng xã hội chính là một mục tiêu hướng đến của tuyên truyền, truyền thông, do đó để nâng cao hiệu quả thông tin, truyền thông rất cần sự tham gia của cộng đồng. Đó là sự bắt buộc, là sự chủ động tiếp cận theo dõi, tham gia liên tục trong các chuỗi sự kiện của thông tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai để người dân có thể chủ động trước mọi tình huống thiên tai.

Trong điều kiện khả năng dự báo, cảnh báo của một số loại hình thiên tai ở Việt Nam đang còn ở mức độ hạn chế. Biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra những thách thức mới cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Người dân cần được tiếp cận các kiến thức về khoa học dự báo để hiểu được tính không chắc chắn của khoa học dự báo, cảnh báo thiên tai chủ động hiểu và nâng cao hiệu quả phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Với ưu thế vượt trội của MXH và sự tác động của MXH đối với hoạt động tuyên truyền, truyền thông về dự báo, cảnh báo thiên tai đặc biệt là dự báo tác động, cảnh báo rủi ro, người dân cần được hướng dẫn và có thể là bắt buộc phải tiếp nhận thụ động các thông tin chính thống về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai. Tiếp cận có chọn lọc nguồn tin từ các kênh truyền thông tin cậy, chính thống để có những kiến thức chủ động hành động phù hợp nhằm giảm nhẹ những tác động và thiệt hại do thiên tai gây ra có sự chuẩn bị chủ động cho các thảm họa thiên tai.

Trong tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cần tiếp cận có cấu trúc, kết hợp các dữ liệu về nguy cơ, mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương để xác định mức độ tác động, quy mô tác động cũng như các đối tượng chịu tác động tiềm tàng mà hiểm họa KTTV có thể gây ra, hỗ trợ việc ra quyết định với mục tiêu cuối cùng là khuyến khích hành động sớm nhằm giảm thiệt hại về kinh tế và con người do các hiểm họa thiên nhiên gây ra.

Thay đổi cách thức thông tin truyền thống là chỉ tập trung vào cường độ, diễn biến của thiên tai, bằng cách thức tiếp cận mới đó thiên tai sẽ gây nên tác tác động gì để cộng đồng biết cần phải làm gì để ứng phó hiệu quả với các rủi ro tiềm tàng mà thiên tai có thể gây ra.

Người dân cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt quy luật, lịch sử thiên tai ở khu vực mình sinh sống và nơi mình dự định đi đến để chủ động tiếp cận cảnh cảnh báo sớm hiệu quả giảm tránh những hoạt động có nguy cơ mất an toàn bản thân trong thời điểm có cảnh báo thiên tai.

Chủ động phòng ngừa bằng cách tích cực tham gia hệ thống phản hồi thông tin, dữ liệu về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro cung cấp cơ sở khoa học cho dự báo cảnh báo thiên tai đặc biệt là các thiên tai trong phạm vi hẹp, xuất hiện nhanh chóng, gây hậu quả đối với khu vực, địa bàn sinh sống của người dân.

Tin tưởng và sử dụng những thông tin chính thống từ các cơ quan được pháp luật cho phép, tuân thủ tuyệt đối những cảnh báo, khuyến cáo từ các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và chính quyền các cấp trong phòng ngừa, ứng phó giảm thiểu rủi ro do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra.

Lời cảm ơn

Bài báo là một phần kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, thông tin và tuyên truyền về dự báo tác động, cảnh báo rủi ro do thiên tai”, mã số TNMT.2023.06.17.

---

* Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ** Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu hướng dẫn Dạy và học về: Giảm nhẹ rủi ro thiên tai”
(Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2012).
2. Nghị quyết số 24 NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
3. Quyết định 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của
Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định về dự báo, cảnh báo,
truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
4. United nations Escap (2020), Manual for Operationalizing
Impact-based Forecasting and Warning Services (IBFWS).
5. WMO (2015), WMO Guidelines on Multi-hazard Impact-based
Forecast and Warning Services, WMO-No.1150.
6. WMO (2021), WMO Guidelines on Multi-hazard Impact-based
Forecast and Warning Services. Part II: Putting Multi-hazard
IBFWS into Practice.
7. https://www.metoffice.gov.uk/weather/guides/severe-
8. https://www.kwater.or.kr/safety/sub03/natu01Page.do?s_
mid=194

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2025)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những thách thức và giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về dự báo tác động cảnh báo rủi ro thiên tai tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO