Nỗ lực chuyển đổi số tại địa phương: đề xuất và giải pháp

Hoàng Linh| 04/05/2022 08:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Hà Nội, Đà Nẵng đã thông tin kết quả thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) tại địa phương cũng như đưa ra một số kiến nghị tại phiên họp thứ 2 của Uỷ ban CĐS quốc gia mới đây.

Phát triển nhân lực CĐS

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức, CĐS được xem là chìa khóa quan trọng để tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững trên nền khoa học công nghệ (KHCN) để Thành phố duy trì vị thế của mình. Do đó, Thành phố đã chỉ đạo triển khai trong 4 tháng đầu năm 2022 nhiều công việc. Cụ thể, TP. HCM đã ổ chức diễn đàn kinh tế với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP. HCM trong tương lai", công bố Cổng thông tin CĐS, xây dựng trung tâm hỗ trợ và tư vấn CĐS; đang tiến hành đo lường đóng góp của kinh tế số cho GDP.

Nỗ lực chuyển đổi số tại địa phương: đề xuất và giải pháp - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề xuất tạo điều kiện cho nhân lực tham gia công tác CĐS

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng đã nêu vấn đề phát triển nhân lực. Theo đó, quy mô đào tạo nhân lực đã được mở rộng nhưng việc sử dụng, tạo điều kiện cho các nhân lực này làm việc trực tiếp trong hệ thống chính quyền cũng rất quan trọng. "Cần quan tâm đến chế độ chính sách để nhân lực giỏi tham gia vào các vị trí chủ chốt, đảm nhận công tác CĐS cho các ngành, địa phương".

Cũng theo ông Dương Anh Đức, việc triển khai các dự án CNTT và CĐS theo quy trình thường rất lâu nhưng công nghệ lại biến đổi nhanh; nên khi dự án được phê duyệt thì nhiều công nghệ đã lạc hậu. Vì vậy, các địa phương không thể tiếp cận với những công nghệ mới nhất. Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT xem xét rút ngắn tối đa thời gian đưa công nghệ vào ứng dụng để thúc đẩy công tác CĐS…

Hà Nội đặt mục tiêu 5 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh cho biết Hà Nội đã phê duyệt Chương trình CĐS và đang tổ chức triển khai thực hiện với mục tiêu Hà Nội thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS, CNTT, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Năm 2021, Hà Nội tập trung cao độ xây dựng thể chế về CĐS trên địa bàn thành phố.

Nỗ lực chuyển đổi số tại địa phương: đề xuất và giải pháp - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Bộ TT&TT hướng dẫn cụ thể về lộ trình triển khai CĐS cấp tỉnh/thành

Đối với nhiệm vụ trọng tâm về triển khai "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là đơn vị triển khai thí điểm thực hiện Đề án. Theo đó, Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm. Ban Chỉ đạo Đề án 06 của Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được giao, họp thường xuyên hàng tuần để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Hiện tại, Thành phố đã phối hợp với C06 (Bộ Công an) hoàn thành kết nối trên môi trường thử nghiệm giữa hệ thống dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) thử nghiệm với CSDL quốc gia về dân cư và đã hoàn thành thủ tục gửi Bộ Công an về cấp tài khoản kết nối chính thức, phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư.

Về tình hình triển khai 25 DVC thiết yếu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Đề án 06/Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội đã đạt 17/25 DVC mức độ 3, mức độ 4 (đạt 68%). Cụ thể, đối với 14/25 DVC thực hiện trong tháng 3/2022, đã hoàn thành cung cấp 14/14 DVC thiết yếu mức độ 3, mức độ 4 (đạt 100%), trong đó, 11/14 DVC thiết yếu đã kết nối và chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình tại Đề án số 06; 03/14 DVC thiết yếu (đăng ký khai sinh - đăng ký khai tử - đăng ký kết hôn) đã thực hiện cung cấp mức độ 3 trên Cổng DVC Thành phố, đang chờ kết nối và chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư. 

Đối với 11/25 DVC thực hiện trong tháng 5/2022, đến nay, 03/11 DVCTT đã đạt mức độ 4 theo lộ trình của Đề án 06 (02 DVC do Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cung cấp, 01 DVC do Cục Thuế Hà Nội cung cấp). Hiện, Hà Nội đã góp ý và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tái cấu trúc quy trình với các DVCTT còn lại, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng kết nối theo chỉ đạo vào tháng 5/2022.

Hiện tại, việc triển khai công tác CĐS số cấp tỉnh được Bộ TT&TT hướng dẫn rất tích cực, ban hành nhiều văn bản. Tuy nhiên, để đảm bảo tính tổng thể, thống nhất, Chủ tịch Chu Ngọc Anh đề nghị Bộ TT&TT hướng dẫn cụ thể về lộ trình triển khai thực hiện để các địa phương có cơ sở thực hiện đảm bảo tính khoa học, tránh trùng lặp.

Về kinh tế số, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Thành phố đã dự thảo Kế hoạch và xin ý kiến các cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT, các hiệp, hội, các doanh nghiệp (DN) CNTT, bưu chính, viễn thông (BCVT); Ban chỉ đạo CĐS Thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm về kinh tế số nêu tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số, có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 chưa thống nhất. Do đó, TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, hướng dẫn các địa phương triển khai về kinh tế số đảm bảo thống nhất, đúng quy định và khả thi.

Đà Nẵng CĐS để trở thành thành phố thông minh (TPTM), thành phố đáng sống

Trong năm 2021, theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng đã tích cực triển khai, ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng tạo nền tảng thúc đẩy CĐS, tiêu biểu như Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và Đề án CĐS trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xác định Đề án CĐS là một trong số dự án mang tính "động lực" trong phát triển thành phố.

Tiếp theo đầu năm 2022, TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch CĐS năm 2022, Kế hoạch triển khai Đề án TPTM năm 2022-2025, Kế hoạch triển khai chính quyền số năm 2022-2025 để triển khai CĐS cụ thể, mạnh mẽ và toàn diện.

Đến nay, thành phố đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu như 100% hộ gia đình có cáp quang băng rộng; mạng 4G phủ sóng 100% khu vực dân cư trên địa bàn thành phố; và đã khai trương dịch vụ mạng 5G từ cuối năm 2021; 92% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; cung cấp gần 600 tập dữ liệu qua Cổng dữ liệu mở thành phố cho các tổ chức, công dân tra cứu, khai thác; 100% DVC đủ điều kiện triển khai trực tuyến mức 4, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của thành phố đạt gần 60%; triển khai các chính sách hỗ trợ DVC trực tuyến như giảm từ 10 - 50% thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến và hỗ trợ phí dịch vụ BCVT công ích.

Tuy vậy, theo lãnh đạo Đà Nẵng, việc triển khai CĐS tại Đà Nẵng mới "khởi đầu". Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng các tỉnh thành về CĐS vào năm 2021 nhưng điểm số chỉ đạt 50% so với Bộ chỉ số CĐS quốc gia. Đồng thời so với nhu cầu của người dân, yêu cầu phát triển của Thành phố thì còn nhiều việc phải làm, và làm ít nhất trong 10 năm để hướng đến mục tiêu là: "TPTM", "Thành phố đáng sống" như Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định.

Đại diện Đà Nẵng cũng đề nghị gỡ vướng 3 nội dung. Thứ nhất là Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ KHCN và các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát (về không gian, thời gian) để triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới về ứng dụng công nghệ số để các địa phương thuận lợi trong triển khai; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, quản lý đô thị thông minh.

Thứ hai,theoNghị định số 73/2019/NĐ-CP về đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách và Quyết định số 1688/QĐ-BTTTT năm 2019 của Bộ TT&TT, việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế để triển khai các ứng dụng/phần mềm nội bộ thật sự khó khăn; thời gian triển khai các dự án công nghệ số kéo dài, không kịp đưa vào sử dụng theo nhu cầu.

Lý do chính được lãnh đạo TP. Đà Nẵng đưa ra là chi phí lập hồ sơ theo định mức quá thấp (khoảng 3,64% giá trị xây lắp), nhưng công việc phức tạp vì hồ sơ thiết kế là sản phẩm trí tuệ, hàm lượng tri thức cao; đồng thời đơn vị lập hồ sơ thì không thể tham gia đấu thầu thi công.

Do vậy, Đà Nẵng đề xuất Bộ TT&TT chủ trì tham mưu nâng phí lập hồ sơ thiết kế xây dựng các ứng dụng/phần mềm nội bộ; đồng thời có hướng dẫn cụ thể để áp dụng hình thức gói thầu hỗn hợp (chọn nhà thầu vừa thiết kế, vừa thi công) để các địa phương triển khai, rút ngắn thời gian triển khai.

Thứ ba,hiện nay triển khai các dự án công nghệ số đa phần là công nghệ mới, phức tạp; các địa phương triển khai để giải quyết bài toán giống nhau nhưng cách làm khác nhau, chi phí khác nhau; do vậy, rất cần có sự điều phối của Bộ TT&TT.

CĐS phải có những sản phẩm nhất định, hiệu quả cụ thể lượng hóa được

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, nhận thức tầm quan trọng về CĐS của các cấp, các ngành, các địa phương có chuyển biến, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo CĐS do người đứng đầu làm trưởng ban, nhưng so với yêu cầu thực tế, hành động phải đẩy mạnh hơn nữa, bằng hành động thực chất.

Nỗ lực chuyển đổi số tại địa phương: đề xuất và giải pháp - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: công tác CĐS phải có những sản phẩm nhất định, hiệu quả cụ thể lượng hóa được

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục nâng cao nhận thức về CĐS, gắn với đổi mới sáng tạo, KHCN, trong sự phát triển chung của đất nước.

Trong mỗi quý, mỗi 6 tháng, mỗi năm, công tác CĐS phải có những sản phẩm nhất định, hiệu quả cụ thể lượng hóa được. "Phương châm thực hiện CĐS là nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể, hiệu quả nhất có thể, kịp thời nhất có thể với những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Phát triển có lộ trình, mục tiêu, an toàn, bền vững".

Trong quý II/2022, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành và Ban chỉ đạo CĐS các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về CĐS, trên tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó".

Nỗ lực chuyển đổi số tại địa phương: đề xuất và giải pháp - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: các địa phương có thể lựa chọn các nền tảng số phù hợp để giải quyết các vấn đề của mình

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các ý kiến của các địa phương, bộ ngành sẽ được Bộ TT&TT nghiên cứu giải quyết trong quý 2/2022.

Trong những năm qua, DN công nghệ số Việt Nam đã phát triển được rất nhiều nền tảng số để giải quyết những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường,… Do đó, Bộ trưởng cho biết các địa phương có thể lựa chọn các nền tảng số phù hợp để giải quyết các vấn đề của mình.

"Có nền tảng số có thể dùng được ngay, có nền tảng phải may đo thêm, có nền tảng phải phát triển mới, nhưng tất cả đều có thể làm được vì các nền tảng này là Make in Viet Nam, do người Việt Nam làm chủ. Trọng tâm của Kế hoạch CĐS quốc gia năm 2022 là xây dựng 35 nền tảng số quốc gia, dự kiến đến tháng 6 là hoàn thành 100% và đưa vào sử dụng tức là chúng ta về đích trước 6 tháng".

Bộ trưởng cũng cho biết các địa phương cần xem xét thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tới cấp thôn bản, lấy thanh niên làm hạt nhân để đi đến từng hộ gia đình giúp bà con cài đặt, sử dụng các nền tảng số.

Nỗ lực chuyển đổi số tại địa phương: đề xuất và giải pháp - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: đề xuất xây dựng Đề án thí điểm triển khai 05 trường tham gia mô hình giáo dục ĐH số trong đào tạo nhân lực công nghệ số

Giải quyết vấn đề nguồn nhân lực số, báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đề xuất xây dựng Đề án thí điểm triển khai 05 trường tham gia mô hình giáo dục đại học (ĐH) số trong đào tạo nhân lực công nghệ số, thời hạn là tháng 8/2022.

Đồng tình với đề xuất xây dựng thí điểm ĐH số của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho biết để triển khai ĐH số, Bộ GD&ĐT có một số quy chế, quy định cần phải thay đổi như: Số học phần đào tạo trực tuyến theo quy định hiện giờ chiếm khoảng 30% thời gian đào tạo. Đây là điểm hạn chế khi triển khai đại số và xu hướng học trực tuyến lên ngôi.

Quy mô tuyển sinh năm 2021 là 82.000 sinh viên trên tổng số 300.000 sinh viên có nhu cầu nhập học. Số lượng đầu vào chỉ đáp ứng 24% nhu cầu nhập học. Bộ GD&ĐT cần tăng quy mô tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

Thông tin về đào tạo nhân lực số, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện nay quy mô đào tạo sinh viên chuyên ngành kỹ thuật khối CNTT, an toàn thông tin đạt 219.984 sinh viên và chỉ tuyển sinh năm 2022 đã vượt quá 70.000. Như vậy, chỉ tiêu Uỷ ban quốc gia về CĐS đề ra là 70.000 sinh viên đã đạt được, vấn đề chỉ mở rộng về chất lượng.

Về triển khai ĐH số, tại phiên họp Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, các bộ, ngành liên quan triển khai mô hình "Giáo dục ĐH số", hoàn thành Đề án thí điểm trong quý 2/2022./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực chuyển đổi số tại địa phương: đề xuất và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO