Nông dân 5 tỉnh mang đặc sản lên bán tại “Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến”

Vân Anh| 22/06/2021 17:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ ngày 21/6, các hợp tác xã, hộ nông dân Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Sơn La đã đồng loạt đưa nông sản, đặc sản địa phương lên bán tại “Phiên chợ nông sản trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử Sendo.

Khởi động “Phiên chợ nông sản trực tuyến”

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ hợp tác chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” giữa Sàn Sendo với Cục này, hợp tác xã, bà con nông dân ở các địa phương sẽ được kết nối để bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai và Tiền Giang.

Cụ thể, chương trình đã lựa chọn những nông sản, đặc sản đang vào mùa để tổ chức bán tại “Phiên chợ nông sản trực tuyến” trên Sendo, bao gồm vải Bắc Giang và Hải Dương; mận hậu Sơn La; bơ Đắc Lắc và khoai lang tím Vĩnh Long.

Với sự hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng với sàn Sendo, các khâu từ chuẩn bị thông tin sản phẩm, chụp hình, đăng thông tin giới thiệu nông sản của hợp tác xã, hộ gia đình đã được chính bà con thực hiện.

Nông dân 5 tỉnh mang đặc sản lên bán tại “Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến” - Ảnh 1.

“Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử Sendo.

Điểm mới lần này, theo chia sẻ của đại diện sàn Sendo, đó là nông dân, hợp tác xã có cơ hội để tự quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến khách hàng và hơn nữa là tự xây dựng thương hiệu nông sản của riêng mình. Từ đó, từng bước chủ động bán nông sản lâu dài qua kênh trực tuyến qua sàn thương mại điện tử.

Đại diện Sendo cho biết, xuất phát từ thông điệp “từ vườn đến bàn ăn” của “Phiên chợ nông sản trực tuyến”, các đơn hàng nông sản sau khi được khách chốt đơn trên Sendo, sẽ được bà con thu hoạch từ vùng trồng, đóng gói theo đúng quy cách dưới sự hướng dẫn của chuyên gia sàn Sendo và vận chuyển thẳng đến tay người mua. Do không phải qua các khâu trung gian nên sản phẩm vừa có giá hợp lý vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng.

Theo ông Bùi Huy Hoàng, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, với chương trình lần này, cùng với vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, có thêm 4 đặc sản khác là vải Hải Dương, bơ Đắk Lắk, mận hậu Sơn La và khoai tím Vĩnh Long được sàn Sendo giới thiệu với người tiêu dùng.

“Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ TT&TT, các bộ, ngành liên quan tổ chức những chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản Việt trong đó có các chương trình đào tạo thương mại điện tử ở địa phương”, ông Bùi Huy Hoàng cho biết thêm.

Nông dân 5 tỉnh mang đặc sản lên bán tại “Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến” - Ảnh 2.

Từ nay đến ngày 26/6, lần lượt nông dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắc Lắc và Sơn La sẽ xuất hiện trên ứng dụng di động và trang Facebook của Sendo để livestream giới thiệu sản phẩm, chốt đơn hàng.

Trước mắt, từ nay đến ngày 26/6, lần lượt nông dân tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắc Lắc và Sơn La sẽ xuất hiện trên ứng dụng di động và trang Facebook của Sendo để livestream trực tuyến, chốt đơn hàng sản phẩm nông sản tự tay mình trồng cho khách hàng. Tất cả sản phẩm khi đến tay người mua sẽ đảm bảo tiêu chuẩn về đóng gói, có đóng dấu thương hiệu và hình ảnh của chính người nông dân.

Người tiêu dùng có thể trực tiếp vào trang Sendo đặt mua nông sản, có sự kết nối trực tiếp tới nhà vườn, sản phẩm được cam kết theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm như trái vải, trái mận. Chương trình đang có 7.000 mã giảm giá đến 50.000 đồng/đơn hàng khi thanh toán bằng Zalo Pay...

Hơn 6.300 tấn vải Bắc Giang được tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử

“Phiên chợ nông sản trực tuyến” là một trong những hoạt động tiếp nối chương trình chung tay hỗ trợ tiêu thụ vải Bắc Giang qua “Gian hàng Việt trực tuyến” được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam triển khai từ tuần thứ 2 của tháng 6.

Trước đó, từ trung tuần tháng 5/2021, các sàn Vỏ Sò, Postmart của 2 doanh nghiệp bưu chính Viettel Post và Vietnam Post đã tích cực tham gia chương trình "Đưa đặc sản Việt đến tay người tiêu dùng - Vải thiều Bắc Giang" do Bộ TT&TT khởi xướng.

Ngoài việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối mới trên các nền tảng số, chương trình còn hướng tới mục tiêu xa hơn là thúc đẩy phát triển kinh tế số nông thôn và hỗ trợ nông dân tham gia giao dịch thương mại điện tử trên môi trường số.

Nông dân 5 tỉnh mang đặc sản lên bán tại “Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến” - Ảnh 3.

Tính từ ngày 20/5 đến 21/6, Vietnam Post và Viettel Post đã hỗ trợ 1.097 hộ nông dân Bắc Giang lên các sàn Vỏ Sò, Postmart.

Trong tổng số hơn 6.300 tấn vải thiều Bắc Giang được các sàn Vỏ Sò, Postmart, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada và nền tảng bán hàng công tác viên Cuccu.vn tiêu thụ tính đến ngày 21/6, 2 sàn Vỏ Sò và Postmart đã góp tới 6.045 tấn.

Bên cạnh đó, sàn Sendo tiêu thụ được 130 tấn sau 6 ngày từ 6/6 đến hết 11/6; 735 cộng tác viên tham gia bán hàng trên nền tảng Cuccu.vn tiêu thụ được 102 tấn vải Bắc Giang trong hơn 10 ngày từ 31/5 đến ngày 10/6; sản lượng vải tiêu thụ qua Tiki đến 15/6 là 16 tấn...

Thống kê của Vietnam Post và Viettel Post cho thấy, tính từ ngày 20/5 đến 21/6, hai đơn vị đã hỗ trợ 1.097 hộ nông dân Bắc Giang lên các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Postmart.

Số lượng hộ nông dân được Vietnam Post và Viettel Post hỗ trợ tiếp cận với công nghệ số, đưa sản phẩm lên bán trên các sàn Vỏ Sò, Postmart kể từ đầu năm nay đến ngày 21/6 lên tới 6.870 hộ, tăng 179% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, trong hơn 6 tháng đầu năm nay, Vietnam Post và Viettel Post đã đưa tổng số 13.621 sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart, tăng 259% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị nông sản giáo dịch trên 2 sàn này đã đạt 861 tỷ đồng, tăng 282% so với cùng kỳ năm 2020./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nông dân 5 tỉnh mang đặc sản lên bán tại “Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO