Đồng thời, thông qua các dữ liệu, mở thêm cơ hội, hướng đi giúp dự báo xu thế quản trị công, giải pháp đổi mới phương thức, hiệu quả điều hành và quản lý nhà nước… tất cả vì mục tiêu củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền các cấp; tạo điều kiện để người dân phát huy tiềm năng trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19.
Hướng đến mục tiêu cao cả này, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam sau hơn 01 năm phối hợp khảo sát, nghiên cứu (dữ liệu được thu thập từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022) đã công bố kết quả báo cáo PAPI 2021 sáng 10/5.
Chính quyền tích cực, đảm bảo ứng phó hiệu quả trước đại dịch COVID-19
Theo đó, PAPI 2021 là một báo cáo toàn diện dựa trên việc khảo sát, đánh giá ý kiến của 15.833 người dân (14.791 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và 1.042 người tạm trú ở 12 tỉnh, thành phố) được chọn ngẫu nhiên từ nhóm dân số Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên về hiệu quả, điều hành, quản lý nhà nước và lĩnh vực cung ứng dụng vụ công (DVC) của các cấp chính quyền.
PAPI 2021 gồm 03 Chương về: Tổng quan hiệu quả quản trị, hành chính công ở cấp quốc gia và tác động của đại dịch COVID-19 năm 2021; những vấn đề đáng quan ngại giữa di cư nội địa và quản trị công năm 2021; kết quả chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2021.
Cụ thể, ở nội dung nghiên cứu tổng quan hiệu quả quản trị, hành chính công ở cấp quốc gia và tác động của đại dịch COVID-19 năm 2021, PAPI 2021 chỉ ra, Việt Nam không nằm ngoài những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch bệnh COVID-19, điều này thể hiện qua tỉ lệ quan ngại về sức khỏe và điều kiện kinh tế tăng lên trong khi tỉ lệ lo lắng về chất lượng môi trường giảm xuống.
Các vấn đề y tế, bảo hiểm y tế trở thành vấn đề người dân quan ngại nhất trong năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên có sự thay đổi trong danh sách những vấn đề đáng quan ngại nhất kể từ khi PAPI hỏi câu hỏi này năm 2015.
"Đói nghèo luôn là vấn đề đáng quan ngại hàng đầu trong 5 năm qua, nhưng năm 2021 đã lùi về vị trí thứ hai, còn tăng trưởng kinh tế và việc làm cùng ở vị trí thứ ba", báo cáo PAPI 2021 nhấn mạnh.
Cũng theo PAPI 2021, đáng chú ý, phụ nữ quan ngại về việc làm nhiều hơn nam giới và người đồng bào các dân tộc khác vẫn coi đói nghèo là nỗi lo lớn nhất của họ, trong khi người dân tộc Kinh xem vấn đề y tế - bảo hiểm y tế là mối quan ngại hàng đầu.
Những bất ổn liên quan đến kinh tế thể hiện rõ hơn khi người trả lời ít lạc quan hơn về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2021. Có tới 1/4 số người được hỏi cho rằng tình hình kinh tế của đất nước là kém, trong khi những người khác cho rằng tình hình nói chung là tốt lại giảm xuống dưới 50%.
Tương tự, gần 1/3 số người trả lời cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình kém hơn trước, tăng 11% so với kết quả khảo sát năm 2020. Điều này hoàn toàn trái ngược so với xu hướng từ năm 2011 - 2020.
Đặc biệt, làn sóng COVID-19 lần thứ tư cũng ảnh hưởng tới sự lạc quan của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình. Khi được hỏi về triển vọng tình hình kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới, số người được hỏi cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình sẽ xấu đi hoặc không thể đoán trước cũng cao hơn những năm trước.
Cùng với đó, đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người dân ở diện rộng hơn trong năm 2021 so với năm 2020. Tỉ lệ người trả lời cho biết họ bị mất việc làm hoặc thu nhập tăng hơn 10% so với 2020.
Mất việc làm và thu nhập là dấu hiệu của các biện pháp hạn chế, đã dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên của Việt Nam sau hai thập kỷ và mức tăng trưởng GDP trong quý III năm 2021 của Việt Nam sụt giảm mạnh đến 6,17%.
Báo cáo chỉ ra kết quả đánh giá của người dân đối với các cấp chính quyền trong thời gian dịch bệnh luôn tích cực, đảm bảo ứng phó hiệu quả, linh hoạt, hài lòng.
PAPI 2021 cũng đưa ra kết quả tích cực về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và tăng cường công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có mối tương quan tích cực và có ý nghĩa thống kê với mức độ hài lòng của người dân với cách ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của chính quyền các cấp.
Người dân quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn về các chính sách, điều khoản EVFTA
Đối với nội dung di cư nội địa và quản trị công năm 2021, Báo cáo chỉ ra những hạn chế, khó khăn tác động từ làn sóng thứ 2 bởi đại dịch COVID-19. Đây là điều tạo nên những thách thức trong quản trị công vốn có ở các tỉnh, thành phố, bởi phải tiếp nhận nhiều người di cư nội địa (gồm cả nhóm người thường trú tạm trú).
Người tạm trú thường nghèo hơn với điều kiện vật chất khó khăn hơn và có thu nhập thấp hơn so với người thường trú. Họ cũng là người trẻ tuổi hơn, có trình độ học vấn thấp hơn. Đáng chú ý, người tạm trú ít có mối quan hệ tương tác với chính quyền hơn so với người thường trú (người tạm trú là đảng viên chỉ là 3%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 10% người thường trú là đảng viên).
"Sự khác biệt về đặc điểm nhân khẩu nêu trên cho thấy người tạm trú có những trải nghiệm và cảm nhận về quản trị địa phương không bằng người thường trú", PAPI 2021 đánh giá.
Tuy nhiên, khi được hỏi về mức độ mức độ hài lòng với chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố khảo sát mở rộng, tỉ lệ người thường trú và tỉ lệ người tạm trú cảm thấy hài lòng gần bằng nhau. Mức độ hài lòng này cũng phản ánh đánh giá của người dân về cách ứng phó với COVID-19 của chính quyền các cấp, nơi tiếp nhận nhập cư trong năm thứ hai của đại dịch luôn được chú trọng, thực hiện.
Báo cáo cũng chỉ ra, mặc dù trong bối cảnh của đại dịch với nhiều bất trắc và các đợt giãn cách xã hội năm 2021, thế nhưng tỉ lệ người dân ở tất cả các tỉnh, thành phố bày tỏ muốn di cư khỏi địa phương năm vừa qua chỉ là 1,6%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 6,8% năm 2020.
Xu hướng này đối lập với vấn đề di cư giữa các tỉnh, thành phố trong suốt thập kỷ qua khi Việt Nam phát triển nền kinh tế đa thành phần và sự trỗi dậy của nhiều trung tâm công nghiệp đi đôi với nhiều cơ hội việc làm.
Chưa dừng lại ở các cơ hội việc làm mới được tạo ra, PAPI 2021 cho biết, đa phần nhiều người dân đã thực sự quan tâm, sẵn sàng tìm hiểu các cơ hội phát triển thương mại - điển hình là các nội dung liên quan đến Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
"Người di cư có thể có nhiều lợi ích hơn so với người thường trú từ hội nhập kinh tế sâu rộng hơn. Vì vậy, họ là những người sẵn sàng đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn để tìm hiểu về tác động của Hiệp định EVFTA", PAPI 2021 nhấn mạnh.
Huy động, đóng góp "tự nguyện" từ người dân giảm dần
Khi nói về kết quả Chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2021, PAPI 2021 tập trung nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến đối với 8 chỉ số lĩnh vực: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng DVC; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Trong số cả 08 nội dung quan trọng này, báo cáo PAPI 2021 không chỉ tập hợp, thống kê, phỏng vấn, lấy ý kiến trực tiếp người dân, báo cáo còn xây dựng, hoàn thiện các nôi dung trình bày qua bản đồ và biểu bảng - chính điều này đã giúp các cấp chính quyền địa phương nhìn lại kết quả thực hiện của đơn vị mình sau 01 năm thực hiện.
Kết quả, chỉ số thông qua 08 nội dung của PAPI 2021 không xếp hạng các địa phương, bởi mỗi tỉnh thành phố có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. "Tuy nhiên, những tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng có thể so sánh, học hỏi lẫn nhau.", PAPI 2021 nhấn mạnh.
Điển hình về kết quả chỉ số 08 nội dung trên, đối với chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, PAPI 2021 cho biết, các tỉnh phía Bắc có xu hướng đạt kết quả đánh giá chung cao hơn so với các tỉnh phía Nam. Một số tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ vươn lên vào nhóm phần tư các tỉnh đạt điểm cao nhất. Khi so sánh với kết quả khảo sát năm 2020, 14 tỉnh, thành phố có mức gia tăng về điểm đáng kể, trong khi đó cũng có hơn 30 tỉnh, thành phố có mức sụt giảm điểm đáng kể theo kết quả năm 2021.
Đặc biệt, nhiều dự án xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng cũng chưa có sự tham gia giám sát. Dưới 50% số người trả lời trên toàn quốc cho biết Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được tổ chức để giám sát các dự án có huy động người dân tham gia đóng góp tự nguyện ở xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú.
"Mức độ sẵn sàng đóng góp nói chung của người dân giảm dần, hoặc khả năng huy động đóng góp tự nguyện từ người dân của chính quyền địa phương giảm dần", báo cáo nhấn mạnh.
Đối với chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương: Các tỉnh đạt điểm dưới mức trung vị tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long. Chỉ có 13 tỉnh, thành phố có mức cải thiện đáng kể, trong khi có tới 23 tỉnh, thành phố có số điểm sụt giảm đáng kể so với kết quả năm 2020.
Chưa có địa phương nào được ghi nhận đã có nỗ lực đáng kể trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, dẫn tới kết quả ở nội dung thành phần 'Tiếp cận thông tin' đạt mức điểm thấp nhất trong bốn nội dung thành phần của chỉ số nội dung này.
Hơn nữa, việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh, thành phố trong năm 2021, chỉ có từ 5% đến 30% người trả lời biết đến kế hoạch sử dụng đất năm 2021 tùy theo từng địa phương. Điều đáng khích lệ là chỉ có 1,5% số người được hỏi cho biết hộ gia đình bị thu hồi đất ở vào năm 2021, tỉ lệ người trả lời bị thu hồi đất nông nghiệp giảm từ 5,1% năm 2020 xuống 3,7% năm 2021.
Tiếp đến, ở chỉ số nội dung cung ứng DVC, nhìn chung có tới 50 tỉnh, thành phố đạt điểm số năm 2021 cao hơn đáng kể so với điểm chỉ số nội dung này của năm 2020…
Như vậy, thông qua báo cáo PAPI 2021, chúng ta có thêm công cụ, cái cái nhìn tổng quan về những điều đạt được và chưa đạt được, từ đó giúp các cấp chính quyền cải thiện, đổi mới, xây dựng hướng đi, phương thức quản lý mới, hiệu quả, vì mục tiêu phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, chất lượng, tin tưởng, bền vững./.