Sự kiện thu hút được đông đảo các chuyên gia, đại diện các ban ngành tham dự. Tại đây, nhiều ý kiến tâm huyết, tâm đắc được trình bày - điều này không chỉ thể hiện tầm quan trọng, sự cần thiết của việc thực hiện nhiệm vụ mà quan trọng hơn chúng ta đang bám sát thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết số 06-NQ/TW).
Quản lý phát triển đô thị cần đảm bảo công bằng các giá trị lợi ích
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sự kiện có ý nghĩa to lớn, khẳng định quyết tâm của chúng ta hướng đến việc thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị ngày càng thông minh, hiện đại, bền vững.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, hiện nay, trên thế giới, xu thế đô thị hoá, phát triển đô thị, nhất là đô thị thông minh (ĐTTM), đô thị sáng tạo ngày càng gia tăng mạnh mẽ và Việt Nam không nằm ngoài ngoại lệ.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, tích cực chỉ đạo để đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này và chúng ta đã thu được những kết quả tích cực, đặc biệt, trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, các thể chế chính sách về phát triển đô thị ngày càng được bổ sung hoàn thiện.
"Chúng ta đã có nhiều luật về quản lý, phát triển đô thị hoàn thiện; các văn bản dưới luật đã được ban hành; các luật được thể chế hóa căn bản, đầy đủ… điều này hình thành, tạo dựng khung hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển các đô thị mới bền vững", Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, quá trình đô thị hoá, công tác quản lý nhà nước các đô thị ngày càng được hoàn thiện; mô hình, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền đô thị từng bước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực ghi nhận vẫn không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, chính sách cho đô thị hóa và phát triển đô thị, nhất là về quy hoạch, phân loại đô thị, đất đai, tài chính đô thị, mô hình chính quyền đô thị.
Hiện nay, pháp luật về phát triển đô thị và các cơ chế chính sách liên quan mặc dù đã có nhiều cải tiến, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chồng chéo, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn.
Biểu hiện rõ nhất cho hạn chế trên được Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu ra đó là một số quy chuẩn, định mức xây dựng các đô thị đã bị lạc hậu, chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới.
Hơn nữa, trong công tác quy hoạch, sử dụng đất đai còn nhiều bất cập: Chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp; thiếu đồng bộ, tầm nhìn dài hạn… điều này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, việc quy hoạch còn phải điều chình nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.
Việc tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp, cộng đồng, người dân chưa được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia đầu tư, xây dựng và quản lý phát triển đô thị, đảm bảo lợi ích chính đáng các bên liên quan một cách công bằng, toàn diện, bền vững.
Mặc dù, Luật tổ chức ở các các cấp chính quyền đã có những tiến bộ nhất định trong việc phân biệt sự khác nhau về nhiệm vụ, quyền hạn chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, nhưng trên thực tế vẫn chưa đủ rõ, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn.
Những nhiệm vụ của quản lý đô thị theo quy định của pháp luật hiện hành vẫn đang còn mờ nhạt, chưa cụ thể, chưa xác định rõ định lượng, định tính của từng nhiệm vụ và chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý theo ngành, lãnh thổ.
"Trong đó, đô thị do kết cấu hạ tầng thống nhất đòi hỏi phải quản lý theo ngành là chủ yếu, khác với nông thôn thường quản lý theo lãnh thổ", PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Từ những tồn tại hạn chế nêu trên, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết: "Muốn thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững, chúng ta cần chung tay, tập trung giải quyết, tháo gỡ những nút thắt, nhất là về thể chế, cơ chế chính sách. Khi chúng ta làm tốt, hiệu quả điều này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị sớm bền vững trong tương lai".
Cần quy hoạch đô thị theo hướng hợp nhất các điều khoản luật
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh thêm về ý nghĩa quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cũng cho biết chúng ta đã có thể chế về pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phát triển đô thị đầy đủ, tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải xây dựng, bổ sung hoàn thiện hơn nữa các quy định, quy chuẩn pháp luật thực hiện nhiệm vụ này trong thực tiễn, tương lai.
Trên quan điểm đại diện cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng, để thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả, bền vững cần quy hoạch đô thị theo hướng hợp nhất các điều khoản pháp luật về quy hoạch đô thị và xây dựng đô thị.
Đồng thời, cần có phương pháp lập quy hoạch theo hướng đúng dần, khống chế dần và cần xem xét lại các chỉ tiêu, quy chuẩn về các tiêu chí. "Chợ, nhà văn hóa cần… cần xem xét quy đổi, khống chế theo những tiêu chí nào để phù hợp với việc phát triển các đô thị mới hiện nay", Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết.Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang HùngThứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang HùngThứ trưởng Lê Quang Hùng
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, các chỉ tiêu về chỉnh trang, tái thiết đô thị cần phải được điều chỉnh dựa trên các quy định cụ thể của luật vì liên quan đến việc động chạm đến quyền lợi, lợi ích của người dân.
Đặc biệt, nhà nước cần tạo dựng cơ chế chính sách về khai thác nguồn lực đô thị, nhất là tận dụng khai thác hiệu quả nguồn lực từ: Đất, trên cao, không gian ngầm, các dịch vụ người dân trả tiền.
"Chúng ta cần có cơ chế chính sách cụ thể cho các đầu tư về hạ tầng dịch vụ công; môi trường; năng lượng, hạ tầng giao thông; đảm bảo an sinh nhà xã hội, đặc biệt, cần có các cơ chế phát triển kinh tế đô thị, nhất là đối với kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè… và cần đảm bảo việc thu, chi tài chính cho các khoản đầu tư, tái đầu tư, xây dựng đô thị đúng tầm, tương xứng", Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.