Phát triển du lịch nông nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sinh kế cho người dân

P.V| 04/08/2022 15:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Du lịch nông nghiệp nông thôn (du lịch cộng đồng, nông nghiệp và sinh thái) đang là xu hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, lĩnh vực mới mẻ này vẫn còn nhiều điểm hạn chế, cần những chính sách đồng hành đúng đắn, có tính tổng thể dài hạn để thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển xứng tầm.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn - "một mũi tên trúng nhiều đích"

Dọc theo dải đất hình chữ S là 63 tỉnh, thành, nơi nào cũng sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với điều kiện tự nhiên đa dạng, có vùng núi cao, trung du, cao nguyên, đồng bằng, duyên hải ven biển. Cùng với đó, nhiều vùng trồng nông nghiệp chuyên canh có nền văn hóa đặc sắc, mang đậm truyền thống. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn (NN-NT).

Theo đánh giá của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, tài nguyên quý giá nhất để làm nên sản phẩm du lịch NN-NT đều không phải mua mà đã sẵn có ở các địa phương. Bên cạnh đó, do vùng nông thôn còn giữ được nhiều phong tục, lễ hội, ẩm thực và phương thức sản xuất truyền thống đem lại lợi thế đặc biệt để cạnh tranh với các lĩnh vực khác. Loại hình du lịch nhà vườn, trang trại thực chất đã phát triển hàng chục năm nay, như ở Thái Nguyên là tham quan đồi chè, Hội An (Quảng Nam) với "Một ngày làm nông dân", Lâm Đồng khuyến khích "Du lịch canh nông", Đắk Lắk là trang trại cà phê, Ninh Thuận là tham quan đồng nho và cánh đồng cừu...

Thực tế là các hộ nông dân sau khi chuyển sang làm du lịch nông nghiệp đều có mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với canh tác nông nghiệp truyền thống. Theo khảo sát, hầu hết các hộ nông dân làm du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp có thu nhập tăng hơn trước khi làm du lịch nông nghiệp từ 30 - 40% so với chỉ làm vườn, nuôi cá hay trồng hoa. Nhiều người dân thích làm du lịch nông nghiệp vì cho nguồn thu nhập ổn định.

Nhờ phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm "Một ngày làm nông dân", Trà Quế (Hội An) từ một làng quê nghèo, chuyên trồng rau đã trở nên giàu có, thậm chí, nhiều nông dân trở thành tỉ phú. 

Kinh doanh du lịch dựa trên khai thác sản phẩm từ NN-NT cũng giúp thay đổi cả một bản làng người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới như bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Người Mông ở đây xếp đá làm đường, làm homestay, nhà ăn, trồng địa lan xung quanh bản..., hàng năm đón hàng chục ngàn lượt khách. Nhìn vào thành quả hiện tại, ít người biết rằng, trước đây, bản Sin Suối Hồ là trọng điểm về ma túy và tệ nạn nghiện hút.

Phát triển du lịch nông nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sinh kế cho người dân - Ảnh 1.

Du lịch nông thôn là xu hướng phát triển bền vững của du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ảnh tư liệu

Để tăng thêm sản phẩm du lịch nông thôn, mới đây, TP. Đà Nẵng đã đưa vào khai thác Làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Du khách đến đây sẽ được khám phá các giá trị văn hóa độc đáo qua các khu vườn kiểu mẫu, hay nhà cổ Tích Thiện Đường được xây dựng cách đây khoảng 150 năm; tham quan những khu vườn cây ăn trái rộng lớn, phong phú về chủng loại như thanh long, bưởi, mít, chôm chôm, khế, xoài…

Hiện nay, vùng có phong trào làm du lịch nông nghiệp mạnh nhất hiện nay có lẽ là Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều mô hình đa dạng như phát triển cơ sở du lịch trên cánh đồng sen ở Đồng Tháp; vuông tôm ở Sóc Trăng, Trà Vinh; rừng đước, rừng tràm ở Cà Mau và vùng miệt vườn Vĩnh Long, An Giang... Điều này đang từng bước góp phần "thay da đổi thịt" đời sống của nhiều người dân nơi đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn nhận trực diện, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam lâu nay vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nên chưa phát huy được thế mạnh. Có thể nhận thấy, hoạt động du lịch nông thôn tại các địa phương vẫn phát triển manh mún, tự phát; chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, tính liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của đất nước nông nghiệp. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các vùng như Đồng bằng sông Cửu Long hay các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn tình trạng sản phẩm đơn điệu, trùng lặp, thiếu tính sáng tạo. Việc phát triển du lịch nông thôn hiện nay đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, địa phương cũng như việc xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ hạ tầng.

Xây dựng chính sách tổng thể đưa du lịch nông nghiệp phát triển xứng tầm

Khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và có nhiều dư địa để phát triển du lịch nông thôn là điều đã thấy rõ từ nhiều năm nay. Hiện cả nước đã có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn.

Vai trò của du lịch nông thôn thể hiện rõ trên ba khía cạnh: góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP và phát huy giá trị văn hóa của các vùng miền. Bên cạnh việc mở rộng không gian du lịch, phát triển du lịch nông thôn góp phần tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng có lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch, phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 2 số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia, nhằm giải quyết một cách gốc rễ tình trạng tự phát, quy mô nhỏ như hiện nay.

Trước thực trạng đó, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

Theo đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời, xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia và quy hoạch nông thôn mới; rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn; thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư (PPP), hợp tác công - tư - cộng đồng (PPCP), các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nghiệp và cộng đồng trong phát triển du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn với việc lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn; hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành Du lịch, ước tính mỗi tỉnh có khoảng 500 - 1.000 lao động tham gia vào lĩnh vực du lịch, trong đó lao động du lịch nông thôn chỉ chiếm khoảng 5 - 15%, chủ yếu là lao động gián tiếp. Cả nước hiện có khoảng 400 điểm khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... có nhiều sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch nông nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sinh kế cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO