Truyền thông

Phát triển năng lượng thủy triều góp phần đẩy mạnh kinh tế biển

T.Đ.H 15:50 16/09/2023

Với các chính sách phát triển kinh tế biển mới và tăng trưởng xanh, việc nghiên cứu tiềm năng và phát triển năng lượng thủy triều trên biển là rất cần thiết trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển.

Vùng biển nước ta có nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo trên biển như năng lượng sóng, năng lượng hải lưu, năng lượng thủy triều. Năng lượng điện thuỷ triều với công suất dự kiến lên tới hàng trăm GW là nguồn năng lượng xanh, giảm được phát thải khí nhà kính giúp trung hòa carbon. Với các chính sách phát triển kinh tế biển mới và tăng trưởng xanh, việc nghiên cứu tiềm năng và phát triển năng lượng thủy triều trên biển là rất cần thiết trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng từ sóng biển

Với 3.000 km đường bờ biển, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng từ sóng biển. Viện Năng lượng Việt Nam đã sơ bộ hoàn thành một báo cáo nghiên cứu về tiềm năng điện thuỷ triều ở Việt Nam từ năm 2004. Các khảo sát đã được tiến hành trên suốt dọc bờ biển. Trên cơ sở đặc điểm địa hình và kiến tạo địa chất của các vịnh, vụng, vũng, đầm..., chế độ triều, độ lớn triều, các vị trí có tiềm năng năng lượng và khả năng khai thác điện năng thuỷ triều dọc theo ven bờ biển Việt Nam. Qua điều tra khảo và tính toán, bước đầu cho thấy: việc chú trọng nghiên cứu khai thác nguồn năng lượng này có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung vào nguồn năng lượng quốc gia.

Thời gian gần đây, điện triều đã chứng tỏ hiệu quả kinh tế và độ an toàn môi trường so với các dạng điện khác. Giá cả đầu tư tương đối thấp chưa đến 4 cent/kWh, dễ phát triển. Xu hướng chênh lệch về giá thành thu hẹp dần chứng tỏ lợi thế của điện thuỷ triều bởi vì dự trữ của chúng là vĩnh cửu và tái tạo.

Đặc biệt, điện thuỷ triều tương đối sạch, không thải khí nhà kính vào không khí, không chiếm dụng vùng đất đai rộng lớn và đe dọa sóng tràn đê, không gây ra độ nguy hiểm tiềm ẩn huỷ diệt loài người như các nhà máy điện nguyên tử.

Nguồn điện thuỷ triều có đặc tính là không liên tục trong cả ngày, nhưng nếu được đưa vào sử dụng sẽ hòa vào lưới điện quốc gia, khi đó có thể giảm thiểu điện từ thủy điện, nhiệt điện... vào những giờ phát của trạm điện thuỷ triều.

Vì vậy, vùng cửa sông ven biển Đông Nam bộ Việt Nam có thể nghiên cứu chi tiết tổng hợp các vấn đề liên quan và đề xuất các phương án xây dựng các trạm điện thuỷ triều. Ở đây có hiện tượng triều rất đặc biệt và có thể sản xuất được gần 11.000 GWh/năm.

Ngoài ra, các vùng biển Quảng Ninh (khu vực Cô Tô, Vân Đồn, Hạ Long… ), ngoài khơi Trung Bộ, Hòn Khoai có dòng thủy triều mạnh đạt tới 1m/s có thể nghiên cứu phát triển điện từ dòng triều có thể đạt công suất vài chục GW…

Với các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã ban hành như Nghị quyết số 55-NQ/TW, Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển năng lượng tái tạo biển, điện gió ngoài khơi, năng lượng sóng, thủy triều và hải lưu. Khi Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ EU sẽ dễ dàng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam có tiềm năng, đột phá đi đầu ASEAN, trở thành một trung tâm năng lượng biển, đại dương của thế giới (điện thuỷ triều, điện gió ngoài khơi, điện sóng...) thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cung ứng năng lượng biển hỗ trợ, tương lai xuất khẩu công nghệ điện triều sang khu vực ASEAN và các khu vực lân cận.

mb4c320tubb20bine1a1oc420lb0bb20tbb20thbb20tribb-81u.jpeg
Mô hình tuốc bin tạo năng lượng từ thủy triều. (Ảnh: Internet)

Thực trạng phát triển năng lượng thuỷ triều tại Việt Nam

Từ thực tế, có thể thấy khu vực Quảng Ninh, mật độ năng lượng thủy triều đạt khoảng 3,7 GWh/km2, Nghệ An khoảng 2,5 GWh/ km2 và giảm dần đến khu vực Thừa Thiên Huế với 0,3 GWh/ km2. Về phía Nam, Phan Thiết là 2,1 GWh/ km2, Bà Rịa - Vũng Tàu với 5,2 GWh/ km2.

Với đặc điểm địa hình và chế độ thủy triều, vùng biển Đông Bắc thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng là khu vực có tiềm năng phát triển điện thủy triều lớn nhất nước, với công suất lắp máy có thể lên đến 550 MW, chiếm 96% tiềm năng kỹ thuật nguồn điện thủy triều của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này chưa được quan tâm khai thác, mới ở giai đoạn nghiên cứu sơ khai, chưa có những ứng dụng cụ thể phát điện từ nguồn năng lượng này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam cũng tồn tại nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, quán triệt quan điểm “phát triển năng lượng tái tạo vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu “phát triển bền vững” của đất nước và cải thiện được môi trường, khí hậu bảo vệ sức khỏe người dân về lâu dài.

Đẩy mạnh phát triển năng lượng thuỷ triều tại Việt Nam

Để tận dụng nguồn năng lượng thủy triều từ biển, thời gian tới Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp như:

Một là, cần có các chính sách quốc gia về điện thuỷ triều; sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện thuỷ triều; trong đó có đánh giá tiềm năng lý thuyết, tiềm năng kỹ thuật, tiềm năng kinh tế, tiềm năng thương mại của nguồn điện thuỷ triều tại vùng biển Việt Nam.

Hai là, sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện thuỷ triều Việt Nam. Đặc biệt các nhà máy điện thuỷ triều vùng cửa sông ven biển có thể dùng làm các đầm nuôi thủy sản và du lịch sinh thái. Các nhà máy điện thuỷ triều xa bờ có thể kết hợp với các nhà máy điện gió ngoài khơi, nhà máy điện sóng và sản xuất nhiên liệu xanh hydrogen.

Ba là, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện thuỷ triều và các năng lượng biển khác. Cùng với đó, xây dựng, cập nhật hệ thống chính sách giá mua điện thuỷ triều, đấu nối lưới điện quốc gia, chính sách thuê mặt biển, chính sách thuế carbon của quốc gia.

Bốn là, có Chương trình nghiên cứu khoa học riêng về điện thuỷ triều, hoặc lồng ghép trong các Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về kinh tế biển, công nghệ năng lượng, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu.

Năm là, thành lập các tổ chức nghiên cứu mạnh về năng lượng tái tạo; đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ. Đề án tích hợp phát triển kinh tế biển dựa vào điện thuỷ triều; đề án chuỗi cung ứng dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và nhân lực phục vụ xây dựng điện thuỷ triều.

Sáu là, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án điện thuỷ triều.

Bảy là, các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ điện triều mới được tăng cường; tích hợp các ngành kinh tế biển và năng lượng tái tạo biển, tham gia thành viên các Tổ chức quốc tế về năng lượng đại dương (Ocean Energy System).

Tám là, học tập kinh nghiệm và hợp tác quốc tế cùng các Tổ chức quốc tế, quốc gia mạnh về điện thuỷ triều để tranh thủ nhận sự trợ giúp về công nghệ, tài chính, nhân lực cho phát triển điện thuỷ triều (như Pháp, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Nga, Anh…).

Chín là, xem xét các chính sách ưu đãi về năng lượng xanh cho điện thuỷ triều, đặc biệt các dự án tích hợp với nguồn điện tái tạo khác, hoặc đồng thời làm giảm thiểu xói, sạt lở bờ biển và làm đường giao thông ven biển, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy hải sản.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển năng lượng thủy triều góp phần đẩy mạnh kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO