Truyền thông

Xây dựng định hướng kinh tế biển mới cho khu vực ASEAN trong thời kỳ mới 

P.V 17:23 26/07/2023

Kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển mới của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển trong khu vực ASEAN. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng GDP và góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Xu hướng phát triển mới cho khu vực ASEAN

Theo các nghiên cứu, đến năm 2050, mức tăng trưởng GDP của ASEAN có nguy cơ giảm hơn 35% do tình trạng biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên tác động nghiêm trọng đến các ngành chủ chốt như nông nghiệp, du lịch và ngư nghiệp, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và năng suất lao động.

Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu - tính toán tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan - cho thấy những thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với hệ sinh thái và các hoạt động nông nghiệp của ASEAN.

tr87_vpch.jpg
"Kinh tế biển xanh" đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển trong khu vực ASEAN.

Đặc biệt, 600 triệu người dân trong khu vực đang đứng trước nguy cơ phải chịu đựng thời tiết nóng bức hơn, các đợt gió mùa kéo dài hơn và hạn hán gia tăng, do nhiệt độ toàn cầu trong 20 năm tới được dự báo sẽ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mực nước biển dâng cao cũng ảnh hưởng đến người dân ASEAN do khu vực này có rất nhiều người sống ở các vùng ven biển.

Trước những nguy cơ đó, "Kinh tế biển xanh" đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển trong khu vực ASEAN kỳ vọng tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng GDP và góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. 

Kinh tế biển xanh suy cho cùng về bản chất là lấy môi trường biển làm chất xúc tác, dựa trên việc bảo tồn các nguồn vốn tự nhiên của biển bao gồm các tài nguyên, đặc biệt là các hệ sinh thái đa dạng sinh học biển, kể cả những tài nguyên vi sinh vật. "Kinh tế biển xanh" phải dựa trên việc áp dụng các công nghệ, can thiệp vào quá trình phát triển kinh tế biển là những công nghệ thân thiện với môi trường.

Tại Diễn đàn Kinh tế Biển Xanh ASEAN 2023 ở Tanjung Pandan, quần đảo Bangka Belitung (Indonesia) diễn ra vào tháng 7/2023, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa nhận định nền kinh tế biển xanh có tiềm năng trở thành “cỗ máy tăng trưởng” mới trong ASEAN.

Ông Monoarfa nhận định: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế biển xanh tạo cơ hội để khuyến khích các nước ASEAN tăng trưởng GDP đồng thời hỗ trợ việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở ASEAN”.

Hiện nay, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam là 5 nước ASEAN có tình trạng thu nhập trung bình đến thấp. Đối với các nước này, việc chuyển đổi sang nền "kinh tế biển xanh" với xu hướng chủ đạo là phát triển bền vững tạo cơ hội để khuyến khích các nước ASEAN tăng trưởng GDP đồng thời hỗ trợ việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở ASEAN.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia cũng đã cam kết đạt được khung kinh tế biển xanh ASEAN như một trong những kết quả kinh tế ưu tiên vào năm 2023. Đặc biệt, tại diễn đàn "Kinh tế Biển Xanh ASEAN năm 2023", các khung chiến lược quan trọng như dự thảo Khung Kinh tế Biển Xanh ASEAN; hợp tác và tài trợ "Kinh tế Biển Xanh"; công bố Lộ trình "Kinh tế Biển Xanh" Indonesia... đã được các nước thành viên ASEAN tích cực thảo luận để sớm đi đến thống nhất trong thời gian tới.

Việt Nam chú trọng phát triển kinh tế biển xanh

Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km. Kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển.

kinh-te-bien-1-.jpeg
Việt Nam đã xác định 6 lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt của Việt Nam gồm ngư nghiệp, năng lượng tái tạo

Nhận thức đầy đủ vị thế, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển xanh. Trong Báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”, Việt Nam đã xác định 6 lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt của Việt Nam gồm ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, điều quan trọng là đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và các chính sách là cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của ngành kinh tế biển. Trong khi tiềm năng rất lớn đối với ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, và năng lượng tái tạo biển- đặc biệt là gió ngoài khơi, các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng sinh học và du lịch, thì điều cốt yếu là phải cân bằng sự tăng trưởng của các lĩnh vực liên kết chặt chẽ này, vì sự phát triển của một ngành có thể tác động đến những ngành khác.

Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định hướng và giải pháp mới sâu sắc, toàn diện hơn cho vấn đề tạo lập nền kinh tế biển xanh. Quan điểm xuyên suốt của Chiến lược là tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo phải dựa trên trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, khoa học công nghệ hiện đại, nguồn lực chất lượng cao và những tri thức tích lũy được từ cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển và đảm bảo phát triển kinh tế biển xanh.

Theo các chuyên gia, Việt Nam trong thời gian tới cần ưu tiên vào các lĩnh vực ít bị tác động bởi COVID-19 và tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhằm tạo nền tảng hướng đến năm 2030 như: Nghiên cứu thành lập Quỹ hoặc Chương trình kinh tế biển xanh để ưu tiên đầu tư phục hồi các ngành, nghề và khu vực kinh tế biển. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, tăng sức chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu và tạo cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển. Đồng thời, ngành du lịch phối hợp với ngành y tế nghiên cứu đón khách du lịch quốc tế và trong nước an toàn...

Bài liên quan
  • Có định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển miền Trung nhanh, bền vững
    Ngày 16/12, hội thảo khoa học "Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh hiện nay" được tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm hoàn thiện thể chế liên kết nhằm bảo đảm sự thống nhất về quy hoạch và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế biển của các tỉnh miền Trung nói riêng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng định hướng kinh tế biển mới cho khu vực ASEAN trong thời kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO