Truyền thông

Phát triển thị trường sách nói ở Việt Nam - Xu hướng mới trong chuyển đổi số hoạt động xuất bản

Xuân Lộc 15/09/2024 15:30

Sách nói là tương lai của ngành xuất bản trong thời đại công nghệ số.

Tóm tắt:
- Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sách nói nhanh chóng trở nên phổ biến.
- Độc giả có thể tiếp cận sách, báo bằng những nội dung được tích hợp đa phương tiện.
- Ngành xuất bản phải trở thành lĩnh vực đi tiên phong trong chuyển đổi số. Các nhà xuất bản, các biên tập viên
cần dạy nghề cho AI để biến AI thành trợ lý cho bản thân

Do đó, Ngành xuất bản cần có các giải pháp đột phá theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số; tạo sự đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản (NXB), cơ sở in, doanh nghiệp phát hành; từng bước hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số.

Sách nói - Xu thế mới của ngành xuất bản

Theo thống kê năm 2020, tại Trung Quốc có hơn 569 triệu công dân đã nghe sách nói - tăng gấp đôi so với năm 2016. Các thành phần chính trong ngành công nghiệp xuất bản điện tử ở Trung Quốc hiện tại gồm: Các NXB; các nhà cung cấp công nghệ xuất bản kỹ thuật số; các trang web tạo nội dung số, các trang web này sản xuất nội dung do người dùng tạo (đây là nội dung mới, không có bất kỳ ấn bản giấy nào) và hiện có khoảng hơn 1 triệu nhà văn trực tiếp tham gia; cuối cùng là các nền tảng hoặc kênh phân phối sách điện tử như: Baidu, Tencent, Taobao và các nền tảng phân phối khác như: China Mobile, công ty sở hữu nền tảng đọc di động trực tuyến lớn nhất có tên China Mobile Read...

sach-noi-1.png

Còn ở Việt Nam, từ năm 2015, đã có một số NXB bắt đầu thử nghiệm xuất bản phẩm điện tử với khoảng 1.163 đầu sách nhưng hầu hết là sách scan từ sách in để bán qua trang web. Từ 2016 đến năm 2018, số lượng đầu sách điện tử giảm mạnh do các NXB tạm dừng xuất bản để hoàn thiện quy trình, hồ sơ đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật về xuất bản.

Năm 2019, các NXB tiếp tục đầu tư phát triển xuất bản phẩm điện tử, số lượng xuất bản khoảng 2.400 đầu sách. Năm 2020, toàn ngành xuất bản Việt Nam đã xuất bản khoảng 2.050 đầu sách điện tử. Đến cuối năm 2023, trên cả nước đã có 22 nhà xuất bản đăng ký và được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; 20 doanh nghiệp (DN) phát hành đăng ký và được xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Khác với sách in, hay sách điện tử vẫn cần người đọc có thời gian, không gian và sự tập trung cầm cuốn sách để đọc, sách nói là sách được chuyển nội dung sang dạng âm thanh thông qua giọng của người đọc phát sóng trên các thiết bị, nền tảng công nghệ số. Khi ra đời, sách nói đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều đối tượng sử dụng bởi nó có khả năng tận dụng những khoảng thời gian nhàn rỗi khi di chuyển trên các phương tiện công cộng như: xe bus, taxi, máy bay, thậm chí khi đang làm việc nhà, nấu ăn, tắm gội cũng có thể tranh thủ nghe.

Sách nói cũng không khiến người đọc mỏi mắt, nhức mắt khi đọc trong một thời gian dài, hay trong điều kiện ánh sáng kém. Ngoài ra, sách nói cũng phù hợp, tiện dụng khi đi công tác, đi du lịch bởi không cần phải mang theo những cuốn sách nặng trong vali hành lý. Không chỉ có vậy, sách nói còn phù hợp với hầu hết mọi đối tượng ngay cả trẻ em chưa biết chữ, người già mắt kém hay người khiếm thị...

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và bởi những thuận lợi nêu trên, sách nói nhanh chóng trở nên phổ biến và được đăng tải rộng rãi ngay cả trên những trang mạng trực tuyến như Facebook, Instagram, Youtube. Sách nói vô cùng đa dạng bao gồm đủ mọi thể loại sách từ chính trị, xã hội, văn học, kinh tế... cho tới các loại tiểu thuyết được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm.

Ngoài việc lựa chọn giọng đọc hay, truyền cảm, sách nói giờ đây còn thêm nhạc đệm, thậm chí thêm cả âm thanh phụ họa cho câu chuyện/ nội dung diễn biến trong sách như tiếng mưa rơi, chim hót, tiếng động cơ, tiếng gió đập vào cửa sổ, tiếng va chạm đồ vật...

sach-noi-2.png

Tuy có những lợi ích lớn nhưng sách nói cũng có những nhược điểm riêng như: Việc sử dụng sách nói khiến độc giả phải tiếp nhận thông tin một cách thụ động, khó bao quát vấn đề và chắt lọc những nội dung chính mà bản thân cần; cảm xúc của người nghe bị dẫn dắt bởi người đọc do cảm xúc của người đọc ảnh hưởng trực tiếp tới ngữ điệu đọc, cách nhấn nhá, nhanh chậm; việc sử dụng sách nói cũng hạn chế khả năng tưởng tượng, khiến người đọc lười suy nghĩ hơn, khả năng tập trung cũng thấp hơn khi cầm quyển sách trên tay...

Chưa kể đến việc sử dụng sách nói trên một số trang mạng xã hội miễn phí như Youtube, Facebook, còn khiến người nghe khó chịu bởi những quảng cáo tự động liên tục chèn vào cắt ngang mạch cảm xúc, tư duy. Một điểm nữa không thể không nhắc đến đó là tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan của sách nói khiến các NXB bị thiệt hại về doanh thu, ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa đọc và sự phát triển của ngành xuất bản.

Theo số liệu báo cáo năm 2021 của Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBI&PH): Số lượng sách nói được đầu tư thực hiện là 1.656 cuốn; Số lượng sách nói đưa ra thị trường là 1.656 cuốn, doanh thu đạt 52,4 tỷ đồng. Năm 2022 (tính đến hết tháng 11/2022), Số lượng sách nói được đầu tư thực hiện là 1.197 cuốn; Số lượng sách nói đưa ra thị trường là 1.197 cuốn.

Năm 2023, toàn ngành Xuất bản doanh thu ước đạt 99.700 tỷ đồng, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.378 tỷ đồng; Số xuất bản phẩm in là: 33.000 xuất bản phẩm với 450 triệu bản; Số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022).

Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) hiện nay, sách nói có bản quyền đang được các NXB, doanh nghiệp (DN) phát hành đầu tư chuyên nghiệp về quy trình xuất bản, công nghệ xuất bản và đã thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng trăm nghìn lượt theo dõi, giúp độc giả tiếp cận kho tàng sách với nhiều thể loại như văn học, kinh doanh, kỹ năng sống, sách thiếu nhi... Trong đó, có một số địa chỉ sách nói có uy tín như: https://sachnoi.com.vn; https://fonos.vn; https://play.google.com; https:// sachnoi.me; https://voiz.vn...

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các DN phát hành sách nói đã nỗ lực áp dụng rất nhiều phương thức để đưa sách nói đến độc giả như: Cung cấp các nội dung thu phí theo nhu cầu của người nghe, những nội dung này có sẵn trên các kho ứng dụng phổ biến như: Google Play; Apps store; Một số doanh nghiệp phát hành đã chủ động ký hợp đồng độc quyền với các đối tác có uy tín, các NXB, đơn vị phát hành và các podcaster nổi tiếng..., tích hợp tính năng xem đánh giá nội dung từ các chuyên gia; đầu tư phát triển AI Voices để tối ưu chi phí sản xuất, tạo thế mạnh về công nghệ.

Ngoài ra, một số diễn đàn sách nói phổ biến ở Việt Nam như: Hẻm Audio, Waka, Kho sách nói (đã trở thành nhóm nội bộ), Gác sách, Thư viện sách nói hướng dương, Sách nói Việt, Sách mp3, Trạm radio, Radio truyện, Radiotoday, Sách nói. me, các tài khoản Youtube, Facebook, Instagram cá nhân... Một số diễn đàn nêu trên thể hiện rõ phân khúc thính giả khi tác phẩm được đọc chủ yếu là thể loại ngôn tình, kiếm hiệp, dã sử... hướng đến người nghe trẻ tuổi.

Các ứng dụng được đánh giá là tiện lợi với các tính năng như đánh dấu trang, quay lại vị trí đang nghe bất cứ lúc nào; tải sẵn nội dung về máy và nghe offline khi không có kết nối mạng; cá nhân hóa nội dung, cho phép người dùng trải nghiệm tối ưu hơn.

Nắm bắt thị hiếu của công chúng, ngành XBI&PH Việt Nam và nhiều NXB đã xây dựng các nền tảng, ứng dụng về sách trên Internet. Độc giả có thể tiếp cận sách, báo bằng những nội dung được tích hợp đa phương tiện. Nhờ đó, các ấn phẩm mới, tri thức mới được truyền tải một cách thú vị và nhanh chóng. Cách đây 9 năm (năm 2015) mới có hơn 1.000 đầu sách điện tử được xuất bản thì năm 2022, toàn ngành có 3.200 đầu sách và năm 2023 là 4.600 đầu sách điện tử được xuất bản. Số lượt nghe sách nói đạt 40 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2022.

Công nghệ số sẽ giải quyết bài toán biên tập sách đầy... vất vả

Thế giới đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 - một cuộc cách mạng công nghệ mới, gia tăng nhanh về tốc độ theo cấp lũy thừa; phạm vi rộng khắp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội tạo sự thay đổi chưa từng có trong mô hình kinh tế - xã hội. Việt Nam đang đứng trước những thời cơ lớn để vươn lên thành một quốc gia phát triển thông qua quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là các thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư; đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính phủ số; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng và hoàn thiện các thể chế khuyến khích đổi mới sáng tạo...

sach-noi-3.png

Theo số liệu báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT): Năm 2023 có những số liệu nổi bật của toàn ngành về chuyển đổi số như: Quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; Số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); Số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/ sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%); Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch).

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ “Giữ vững nguyên tắc, quan điểm: hoạt đông xuất bản đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, quản lý của Nhà nước theo quy định pháp luật; thực hiện tổ chức, sắp xếp theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại, hiệu quả; đưa xu thế tiến bộ, hiện đại của thế giới vào phát triển hoạt động xuất bản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đưa xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử làm mũi nhọn đột phá để phát triển; khẳng định vị thế ngành xuất bản Việt Nam trong khu vực...; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa thu hút các nguồn lực phát triển ngành xuất bản...”.

Để thực hiện được những điều đó, ngành xuất bản đã đặt ra mục tiêu: đối với lĩnh vực xuất bản: duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt 4,5-5%, tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5-5,5 bản vào năm 2025, đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15% vào năm 2025, đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, xuất bản nhiều đầu sách hay và giá trị đúng định hướng với số lượng lớn (số lượng trên 100.000 bản); đối với lĩnh vực in: duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm từ 5 - 5,5%, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước có ngành công nghiệp phát triển ở khu vực Đông Nam Á; đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm: duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 4 - 5%, phấn đấu đến năm 2025 phát hành 500 triệu bản sách, đạt mốc doanh thu 4.600 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng định hướng và chỉ đạo ngành xuất bản trong thời giam tới: “Tương lai ngành xuất bản sẽ không bao giờ biến mất và mỗi ngành đều có đặc thù riêng, đặt ra yêu cầu khác nhau nhưng lại có một điểm chung là giải quyết câu chuyện bằng công nghệ số. Điều đó bắt buộc người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải thay đổi suy nghĩ. Và như vậy, có thể thấy chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ.”

Ông cũng chỉ ra: Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền Kinh tế số, Xã hội số, tất cả các ngành, lĩnh vực đều đang thực hiện chuyển đổi số thì việc chuyển đổi số xuất bản đang là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết đặt ra. Do đó, ngành xuất bản phải trở thành lĩnh vực đi tiên phong trong chuyển đổi số. Các NXB, các biên tập viên cần dạy nghề cho AI để biến AI thành trợ lý cho bản thân, tương lai mỗi người sẽ có một trợ lý ảo.

“Điều quan trọng nhất là cán bộ, biên tập viên NXB hợp tác với đơn vị sản xuất phần mềm, dạy lại nghề của mình cho họ, họ sẽ tạo ra một “đứa con”, một công cụ. Sau đó dùng chính công cụ đó như một trợ lý cho bản thân, không có rủi ro”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2024)

Bài liên quan
  • Reavol và kế hoạch phát triển văn hoá đọc nhờ ứng dụng sách nói
    REAVOL ra đời để giải quyết bài toán mà nhà sáng lập Tống Văn Huy và bạn bè gặp phải, đó là việc yêu thích đọc sách nhưng không có nhiều thời gian. REALVOL tin rằng, việc đọc và nghe sách tinh gọn, tóm tắt trong 30 phút sẽ là chìa khóa để thay đổi thói quen, thúc đẩy văn hóa đọc.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường sách nói ở Việt Nam - Xu hướng mới trong chuyển đổi số hoạt động xuất bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO