Sách điện tử, sách nói tạo dấu ấn

T.H| 09/08/2022 07:50
Theo dõi ICTVietnam trên

6 tháng đầu năm 2022, các nhà xuất bản (NXB) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động xuất bản để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN) trong thời kỳ mới.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: "6 tháng đầu năm, nhiều NXB phát triển mảng sách điện tử, audio book, sách thực tế ảo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong viết và chỉnh sửa bản thảo; tiếp thị và phân phối xuất bản phẩm".

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: CĐS trong báo chí, xuất bản tiếp tục diễn ra mạnh mẽ

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng khẳng định chuyển đổi số (CĐS) trong báo chí, xuất bản tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và được quan tâm đầu tư nghiêm túc cả về nhân lực và tài lực.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), trong 6 tháng đầu năm, có 21.027 xuất bản phẩm được thực hiện với hơn 361 triệu bản (tăng 3,1% về xuất bản phẩm, tăng 5,5% về bản so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt khoảng 1,9 bản sách/người (không tính sách giáo khoa).

Đặc biệt, sách điện tử có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng, có 1.142 xuất bản phẩm điện tử được thực hiện (tăng 104,6%). Sách in đạt 19.250 cuốn với trên 355 triệu bản (tăng 0,1% về cuốn, tăng 6,3% về bản). Xuất bản phẩm khác (dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch) đạt 635 xuất bản phẩm với hơn 6 triệu bản (tăng 3% về xuất bản phẩm, giảm 25,9% về bản).

Ở định dạng sách nói, sách tóm tắt dù mới xuất hiện đã tạo được dấu ấn. Trong 6 tháng đầu năm, 3 nền tảng sách nói đã đưa ra trên 600 đầu sách tóm tắt, tạo sự thay đổi về phương thức tiếp cận. Sách tóm tắt được ví như làn gió mới cho văn hóa đọc.

Trong 6 tháng đầu năm, có thêm hai NXB được xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử (NXB Tri thức và NXB Kim Đồng). Đến nay, tổng số NXB được hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử lên tới 13 đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả xuất bản, đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời hội nhập.

Hoạt động của ngành xuất bản 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy các đơn vị đã nỗ lực để khôi phục lại quy trình xuất bản bị gián đoạn trước đó do đại dịch COVID-19. Đồng thời, các NXB làm ra nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, các ngày kỷ niệm lớn. Nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, mang tính thời sự cũng được các NXB chú trọng thực hiện.

Bên cạnh công tác quản lý, triển khai chính sách phát triển, trong nửa đầu năm, các đơn vị xuất bản đã có nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc. Lần đầu tiên, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được thực hiện, cao điểm là các hoạt động vào tháng 4 tại Hà Nội và TP. HCM.

Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2022 vừa là hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, vừa là nơi để giới xuất bản đi sâu vào hoạt động phát hành trực tuyến. Hội sách có sự tham gia của 75 NXB, đơn vị phát hành, giới thiệu 20.000 đầu sách với nhiều hoạt động giao lưu, tọa đàm với tác giả, nhà văn, nhà khoa học.

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số - Ảnh 2.

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT, CĐS

Để phát triển hơn nữa công tác xuất bản, một số giải pháp đã được nêu tại hội nghị. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nêu rõ ngành xuất bản cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT, CĐS; phát triển sách điện tử, sách tinh gọn; đồng thời tăng cường hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Các NXB cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đổi mới phương thức xuất bản theo hướng hiện đại kết hợp với ứng dụng KHCN để phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại.

Đơn vị xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, CĐS trong quản lý, quy trình thực hiện xuất bản phẩm; phát triển loại hình xuất bản điện tử; tăng cường truyền thông, quảng bá sách, nhất là trên các kênh điện tử./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sách điện tử, sách nói tạo dấu ấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO