Phổ cập chữ ký số cá nhân trong các ứng dụng số thường ngày
Việc áp dụng các điều khoản của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) 2023 đối với các lĩnh vực trên môi trường số là rất quan trọng.
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa việc sử dụng, phổ cập chữ ký số (CKS) đến mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, hôm nay 12/11, tại TP. Nha Trang, Vụ Pháp chế - Bộ TT&TT phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) và Sở TT&TT Khánh Hòa tổ chức hội nghị Phổ biến Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) 2023, tập huấn dịch vụ tin cậy và CKS.
Sự kiện thu hút được đông đảo hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành, tổ chức, DN trong ngoài tỉnh tham dự. Tại đây, nhiều nội dung quan quan trọng đã được các chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm về CSK chia sẻ, trình bày.
Đặc biệt, những nội dung cơ bản, điểm chính của Luật GDĐT (sửa đổi) 2023, có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024, nhất là các quy định liên quan đến dịch vụ tin cậy, CKS và GDĐT được trình bày khoa học, chuyên sâu, giúp các đối tượng, đại biểu dự sự kiện hiểu sâu hơn, từ đó giúp thuận lợi cho việc ứng dụng, thực hiện vào thực tế.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công cụ CKS hiện nay, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, năm 2024, Bộ TT&TT xác định CKS là một cấu phần của hạ tầng số nên việc phổ cập phải diễn ra nhanh chóng nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số.
Cùng với đó, CKS đã trở thành là một công cụ số không thể thiếu trong xã hội phát triển số hiện nay và điều này càng thêm sự khẳng định về tầm quan trọng khi trong văn bản “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2022 cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể về tỷ lệ dân số trưởng thành có CKS hoặc chữ ký điện tử đến năm 2025 cần đạt 50%.
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang được thúc đẩy hiệu quả, thì việc ban hành, áp dụng các điều khoản của Luật đối với các lĩnh vực trên môi trường mạng, số là rất quan trọng.
“Do đó, khi áp dụng Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 không chỉ tạo khung pháp lý vững chắc cho các hoạt động GDĐT mà còn mở ra nhiều cơ hội để phát triển các dịch vụ tin cậy và CKS, giúp thúc đẩy kinh tế số và xã hội số”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hà, đại diện NEAC cho rằng việc hiện thức hóa mục tiêu trên là rất thách thức. Trong thời gian qua, NEAC đã thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cũng như thúc đẩy ứng dụng CKS vào trong các hoạt động giao dịch trên môi trường số.
Theo đó, mục tiêu hội nghị hướng đến là góp phần đẩy mạnh phổ cập CKS cá nhân trong các ứng dụng số thường ngày, nhất là các ứng dụng ngân hàng số, đồng thời nhằm tuyên truyền cho người dân và toàn xã hội hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức sử dụng CKS để có thể tự tin tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số.
Cũng tại hội nghị, thể hiện những cam kết nhằm triển khai hiệu quả nội dung này ngày một mạnh mẽ, thực chất hơn nữa, đại diện Câu lạc bộ CKS và GDĐT Việt Nam (VCDC), tổ chức chuyên môn của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết sẽ tích cực hơn nữa cùng Khánh Hòa triển khai các giải pháp để đẩy nhanh việc phổ cập CKS cá nhân, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng CKS trong các giao dịch hàng ngày, từ đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội số và kinh tế số tại Việt Nam./.