PTIT và VinAI ký kết hợp tác về đào tạo trí tuệ nhân tạo
Với việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác này, PTIT và VinAI sẽ sử dụng hiệu quả lợi thế, nguồn lực, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác hoạt động, phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của hai bên.
Ngày 13/6/2024, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (VinAI) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng.
Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác, VinAI sẽ hỗ trợ PTIT trong định hướng và xây dựng chương trình đào tạo AI bậc đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội; hỗ trợ PTIT trong nghiên cứu khoa học chuyên sâu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực AI.
Bên cạnh đó, PTIT phối hợp với VinAI tổ chức các chương trình thăm quan, hội thảo về AI cũng như đào tạo nhân tài AI cho xã hội. Đồng thời, VinAI cũng hỗ trợ các hoạt động thực tập tại trụ sở doanh nghiệp (DN) định kỳ hàng năm phục vụ công tác đào tạo cho sinh viên.
Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác giữa VinAI và PTIT, ông Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc VinAI cho biết: “VinAI sẽ tích cực đồng hành cùng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI. Qua các hoạt động hợp tác phong phú và thiết thực như hội thảo, thực tập, VinAI kỳ vọng sẽ mang lại cho sinh viên những trải nghiệm thiết thực trong nghiên cứu và ứng dụng AI”.
Đánh giá về chương trình hợp tác giữa PTIT và VinAI, GS. TS. Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện cho biết: Việc ký Biên bản ghi nhớ với VinAI trong hợp tác nghiên cứu, đào tạo về AI sẽ góp phần nâng cao tính thực tiễn trong chương trình đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận doanh nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và chuẩn bị tốt những hành trang kiến thức và kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu của DN sau khi tốt nghiệp. Đối với Học viện, để đáp ứng nhu cầu của các DN về nguồn nhân lực AI, trong thời gian tới, Học viện sẽ thành lập khoa đào tạo AI và sẽ tập trung đầu tư nguồn nhân lực, vật lực cho lĩnh vực mới này.
Theo PGS. TS. Phạm Văn Cường - Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin (CNTT) 1 và Trưởng Lab AI của PTIT, chuyên ngành AI thuộc Chương trình Kỹ sư CNTT chất lượng cao được Học viện mở từ năm 2020. Đây là chuyên ngành mới và khó so với mặt bằng kiến thức chung và khá “kén” sinh viên. Với 29 sinh viên đầu tiên theo học chuyên ngành này và hơn 600 sinh viên CNTT của PTIT sẽ ra trường vào tháng 3/2025, hy vọng rằng sẽ đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn nhân lực AI của các DN hiện nay.
Gần đây, Học viện đã định hướng là tăng cường thúc đẩy đào tạo về AI, coi đây là một ngành quan trọng; và theo xu thế đây sẽ là một ngành tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và là điều kiện, nền tảng duy trì sức cạnh tranh hiệu quả hoạt động của cả DN và nhà trường.
Là một trường đại học duy nhất trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong các trường đào tạo nguồn nhân lực ICT hàng đầu của cả nước với 2 cơ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lưu lượng 25.000 sinh viên, là 1 trong 10 trường Đại học công nghệ lớn nhất Việt Nam, thuộc nhóm 3 trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông với các phòng Lab hiện đại.
Bên cạnh những ngành đào tạo chủ lực về CNTT, Viễn thông, Điện Điện tử, thời gian vừa qua, PTIT cũng đã mở ra những ngành, chương trình đào tạo mới phục vụ Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số như kỹ thuật dữ liệu, công nghệ IoT, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, thiết kế IC. Đặc biệt, PTIT cũng đang nhanh chóng xúc tiến mở khoa AI nhằm đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển của xã hội.
Năm 2024, Học viện mở thêm một số chương trình, ngành đào tạo mới, đáp ứng xu hướng nguồn nhân lực như: quan hệ công chúng, CNTT Việt - Nhật; thiết kế và phát triển Game…/.