Quản lý cư trú trong việc đảm bảo an ninh con người thời kỳ hội nhập

P.V| 12/07/2022 17:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Đổi mới phương thức quản lý cư trú cho công dân sẽ góp phần đổi mới quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh con người và an ninh trật tự theo hướng hiện đại trong thời kỳ hội nhập

Quản lý dân cư góp phần đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay dân số của nước ta là 98.967.992 người, chiếm 1,24% dân số thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Với thành phần đa dạng, lại có tính di, biến động cao thì vấn đề quản lý dân cư và bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người đang là một thách thức đặt ra đối Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Để bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, các cơ quan quản lý nhà nước luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để công dân có nơi cư trú ổn định, phát huy quyền làm chủ của mình đối với đất nước, đảm bảo xã hội có trật tự kỷ cương và phát triển ổn định, bền vững.

Những năm qua, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh công nghệ, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết 36 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã xác định: Ứng dụng phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực song có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công; trước hết là liên quan trong lĩnh vực doanh nghiệp và người dân.

Đến nay, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành bước đầu xây dựng theo tiến độ, triển khai hai dự án, cụ thể: Đã xây dựng được trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại kết nối đường truyền đến tận cấp xã, bảo đảm an ninh an toàn theo đúng nguyên tắc mà Bộ Công an đã đề ra, hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí.

Đồng thời, đã cập nhập vào hệ thống trên 100 triệu thông tin dân cư và làm sạch đạt hơn 96%; triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với các bộ, ngành, địa phương để góp phần xây dựng chính phủ điện tử.

Kết quả đạt được như trên đã góp phần quan trọng trong phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công.

Nhờ đó, góp phần đổi mới quản lý nhà nước, con người và an ninh trật tự theo hướng hiện đại; hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm; đảm bảo trật tự an toàn xã hội...

Vấn đề quản lý cư trú trong việc đảm bảo an ninh con người trong thời kỳ hội nhập - Ảnh 1.

Đơn giản hóa thủ tục về quản lý cư trú đảm bảo các quyền về an sinh, phúc lợi xã hội, tạo sự phấn khởi của công dân, sự yên tâm, tin tưởng vào Nhà nước.

Giải pháp quản lý cư trú bảo đảm an ninh con người trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý cư trú, cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau:

Một là, tập trung rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ các quy định về cư trú không phù hợp với tình hình hiện nay. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là khi nhân loại đang trong cuộc cách mạng 4.0 thì vấn đề tự do cư trú và đi lại đang trở thành vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Bởi đây là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại, người dân không chỉ sống mà còn hưởng thụ các giá trị văn hóa của nhân loại, nhất là văn hóa, tinh thần. Nhà nước cần phải điều chính các quy định của pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như theo kịp xu thế của thời đại, nhưng vẫn phải đảm bảo tốt yêu cầu bảo vệ đất nước, bảo đảm anh ninh trật tự.

Tập trung giải quyết các vấn đề hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc tự do cư trú, đi lại và phát huy quyền làm chủ của mình. Đặc biệt là đảm bảo các quyền về an sinh, phúc lợi xã hội, tạo sự phấn khởi của công dân, sự yên tâm, tin tưởng vào Nhà nước. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi để công dân phát huy được năng lực của mình, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước khi không còn rào cản về hộ khẩu thường trú, không có sự phân biệt về nơi cư trú. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để Nhà nước tuyển chọn được nhiều nhân tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hai là, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý cư trú: Trước đây công tác quản lý dân cư vẫn được tiến hành thông qua chế định "sổ hộ khẩu", "sổ tạm trú ". Việc thực hiện quản lý dân cư qua "sổ hộ khẩu", "sổ tạm trú" là phù hợp với điều kiện xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, các thủ tục để cấp mới, cấp đổi, điều chỉnh các thông tin trong "sổ hộ khẩu", "sổ tạm trú" mất rất nhiều thời gian gây không ít phiền hà cho người dân.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang hướng tới mục tiêu sử dụng các tính năng ưu việt của khoa học công nghệ, tích hợp các giấy tờ, thông tin về công dân vào một loại giấy tờ sẽ tạo ra sự tiện lợi trong quản lý cư trú, giúp công dân bớt dược rất nhiều thủ tục hành chính. Đồng thời, việc số hóa dữ liệu thông tin dân cư sẽ giúp hệ thống cơ sở dân cư sớm được hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong cư trú. Theo đó, cùng với việc bãi bỏ "sổ hộ khẩu" là việc thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo yêu cầu nhanh chóng, chính xác, an toàn dữ liệu, an toàn thông tin về dữ liệu dân cư; thay thế bản khai nhân khẩu (HK01) bằng một biểu mẫu mới, trong đó có nội dung về thay đổi nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin về dân cư đã khai thác được trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin về dân cư thông qua các biểu mẫu và các hoạt động khác cần được rút ngắn thời gian thực hiện so với hiện nay nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan Công an, tránh phiền hà, ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của người dân .

Ba là, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nhất là về công nghệ thông tin và nghiệp vụ công tác cho lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ thông tin cho lực lượng tiến hành công tác quản lý cư trú. Việc đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung vào các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, các lớp tập huấn về thu thập thông tin về dân cư, hướng dẫn việc điền các thông tin về dân cư trong biểu mẫu cho lực lượng chuyên trách ở cấp cơ sở, công an xã.

Chú trọng kỹ năng nhập và xử lý thông tin dân cư trên hệ thống máy tính để đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc khai thác trong toàn quốc. Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp quản lý dân cư tại địa bàn cơ sở, có quan hệ trực tiếp đến quyền lợi của công dân để họ thấy được trách nhiệm của mình trong hoạt động quản lý dân cư nhằm bảo đảm các quyền tự do cư trú của công dân theo Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người trong tình hình hiện nay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý cư trú trong việc đảm bảo an ninh con người thời kỳ hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO