Chuyển đổi số

Quản trị thành phố thông minh hơn khi tạo dựng và khai thác dữ liệu hiệu quả

Minh Thiện 30/11/2023 06:21

Chuyển đổi số (CĐS) đô thị là dùng công nghệ số để kiến tạo một môi trường sống mới thông minh hơn, hiệu quả hơn cho con người, cũng là mục tiêu hướng tới của Chính phủ số. Điều này chỉ đạt được khi dữ liệu số được tạo lập và khai thác một cách hiệu quả.

Mô hình đô thị thông minh (ĐTTM) đang được từng bước triển khai trên toàn quốc

Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển thành phố thông minh (TPTM), hơn 40 địa phương đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện.

Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích ĐTTM, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.

truong-gia-binh.jpg
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA

Tại Hội nghị “Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á 2023” diễn ra ngày 29/11/2023, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, cho biết: “Các DN công nghiệp cũng nỗ lực hết mình đồng hành với các tỉnh, thành phố trong định hướng, quy hoạch và xây dựng TPTM. Các DN như Viettel, VNPT đã hợp tác với 45 tỉnh, xây dựng 36 IOC cấp tỉnh, và 45 IOC cấp huyện. Viettel đã khai trương IOC cho hơn 30 địa phương. FPT cũng đang nỗ lực tư vấn cho các thành phố đưa tính thông minh và hạt nhân AI vào trong quy hoạch, phát triển đô thị.

Các DN công nghệ khác đã và đang sáng tạo, đưa những giải pháp tiên tiến nhất, hiệu quả nhất như AI, IoT, bản đồ số 3D… giúp thông minh hóa công tác quản lý, điều hành các sở, ngành, các khu đô thị, các khu công nghiệp trên cả nước, và đang hướng tới các bài toán quản trị, khai thác dữ liệu số”.

IOC không phải là trung tâm chỉ huy tập trung chỉ phục vụ cho 1 cấp, khi có sự vụ thì tập hợp các cá nhân liên quan đến để làm việc cùng nhau xử lý sự cố. Trung tâm điều hành này phục vụ công tác điều hành của các cấp, các ngành, không chỉ phục vụ họp trực tiếp mà cả họp trực tuyến. Ngoài nhiệm vụ tích hợp thì phân phối thông tin có vai trò quan trọng không kém.

Hệ thống hiển thị thông tin cần phải phân tán đến các chủ thể cần thông tin để ra quyết định hoặc xây dựng phương án tham mưu nhưng quản lý thông tin phải tập trung tại “Trung tâm thông tin tích hợp”. Mục tiêu phân phối thông tin không chỉ là các cấp chính quyền mà bao gồm cả nhiệm vụ thông báo một cách chính thống thông tin về các đề án, dự án, các vụ việc, sự cố tới các tầng lớp cư dân. Từ đó, người dân có thể phối hợp hiệu quả với các lực lượng chức năng trong công tác xử lý sự cố và tham gia một cách thực chất vào công tác quản trị đô thị.

Năm 2023 được xác định là năm Dữ liệu số quốc gia. Việc tạo lập được mô hình thu thập, kết nối, dữ liệu đảm bản an toàn thông tin, khai thác dữ liệu phục vụ xây dựng chiến lược, vận hành và ra quyết định trong quản lý điều hành đô thị là mối quan tâm của tất cả các chính quyền trung ương và địa phương.

du-lieu-dong-vai-tro-nong-cot.jpg
Dữ liệu số có vai trò cốt lõi trong quy hoạch, xây dựng, vận hành hệ thống quản lý TPTM

Ông Nguyễn Nhật Quang, thành viên Hội đồng sáng lập VINASA, cho rằng: Chuyển đổi số (CĐS) đô thị không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin trong các bài toán đô thị mà là quá trình chuyển đổi của các môi trường nhân tạo và xã hội để thích ứng với môi trường số. Môi trường số kết nối các đối tượng tự nhiên, nhân tạo và xã hội với nhau, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin và tri thức để tạo thành một tổng thể thông minh hơn, hiệu quả hơn.

Như vậy, CĐS đô thị không phải là xây dựng một đô thị số thay cho đô thị thực mà là dùng công nghệ số để kiến tạo một môi trường sống mới thông minh hơn, hiệu quả hơn cho con người.

Nhờ có các công cụ số mà cách quản trị một thành phố trở nên hiệu quả và bền vững hơn. Đây cũng là mục tiêu căn bản mà chính quyền số đang hướng tới. Việc xây dựng TPTM tạo nền tảng để tạo lập một chính quyền số thông minh hơn.

Hà Nội đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh và CĐS

Trong bối cảnh này, TP. Hà Nội đang tập trung đồng thời triển khai ba nhiệm vụ quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Đồng thời, Thành phố cũng đặt ra hai mục tiêu chuyển đổi quan trọng: chuyển đổi xanh và CĐS, trong đó, CĐS được xác định là yếu tố quyết định, mang tính đột phá, thông minh và hiệu quả.

Với dân số 8,4% ( đứng thứ 2 cả nước), Hà Nội có tổng sản phẩm nội địa (GRDP) năm 2022 tăng 8,89%; Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2023 là 305.300 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Công cuộc xây dựng TPTM cho Hà Nội bước đầu đã có những cơ chế, chính sách cụ thể làm nền tảng: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 02/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về CĐS, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thiết lập các bước đi cụ thể cho Thành phố. Hà Nội cũng đang là địa phương có nhiều khu đô thị được quy hoạch thông minh nhất cả nước gồm 03 khu: Vinhome Ocean Park, Vinhome Smart City, và mới đây nhất là TPTM Bắc Hà Nội.

untitled-1-copy.jpg
Hà Nội đang từng bước thực hiện Chuyển đổi xanh và CĐS

Hà Nội đang chịu áp lực lớn giải bài toán xây dựng TPTM để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm Thủ đô. Trong khi đó, Thành phố đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: dân số đông, gia tăng cơ học một cách nhanh chóng; Những vấn đề bất cập do hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển để đáp ứng tốc độ đô thị hóa; Ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp/thoát nước, xử lý ngập nước…

Tại phiên tọa đàm sáng 29/11/2023, trong khuôn khổ Hội nghị TPTM Việt Nam - Châu Á năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Hà Minh Hải, đã chia sẻ: "CĐS là một khâu rất quan trọng, có tính đột phá, và quyết định đến sự thành công của nhiệm vụ xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại. Tất cả các vấn đề đều xoay quanh dữ liệu số, được xem là nguồn tài nguyên mới quyết định những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số".

Mục tiêu chính của việc xây dựng TPTM là để lấy người dân làm trung tâm. Để có sản phẩm CĐS phát triển kinh tế, đời sống người dân cần được nâng cao cả về chất lượng và tinh thần. Ông Hà Minh Hải nhấn mạnh rằng toàn bộ chủ trương của Thành phố đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số, và các đơn vị triển khai đã thực hiện rất quyết liệt.

Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt được các mục tiêu:

Về chính quyền số: Xây dựng hạ tầng CNTT, hạ tầng số hiện đại 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình; Hoạt động chỉ đạo điều hành quản trị nội bộ xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạnh ở cả 3 cấp.

Về kinh tế số: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; Tỷ trong kinh tế số trong từng ngành lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động tăng từ 7 - 7,5%/năm.

Về xã hội số: 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số; Độ bao phủ Internet băng rộng cáp quang tới 90% hộ gia đình; 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Thách thức trong chia sẻ dữ liệu

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng bày tỏ rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) là vấn đề rất quan trọng. Hà Nội đã ban hành các danh mục và kế hoạch dữ liệu, tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng còn nhiều khó khăn bất cập liên quan đến thu thập và chia sẻ dữ liệu. Ông ví dụ về khó khăn trong rà soát số hóa dữ liệu để không lãng phí từ cấp địa phương đến Trung ương.

Thành phố xác định CSDL là vấn đề rất quan trọng, Hà Nội đã ban hành các danh mục, kế hoạch dữ liệu và đang giao các đơn vị triển khai nội dung này. Trong quá trình triển khai đến giai đoạn này vẫn còn một số khó khăn bất cập liên quan đến thu thập và chia sẻ dữ liệu”, ông Hà Minh Hải cho biết.

pho-chu-tich-tp.jpg
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – chia sẻ tại phiên Tọa đàm

Tuy nhiên, xây dựng ĐTTM tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là hành lang pháp lý thiếu rõ ràng, chưa thuận lợi cho hợp tác công - tư, đặc biệt các thủ tục liên quan đến: đầu tư, đấu thầu, thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Thêm vào đó, các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.

Trong cuộc họp chuyên đề, các chuyên gia đã bàn giải pháp để khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu số để xây dựng TPTM. Ông Hà Minh Hải đề xuất cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và xác định tầm nhìn dài hơn. Ông nhấn mạnh về vai trò quan trọng của CSDL và giao nhiệm vụ triển khai cho các đơn vị. Việc chia sẻ dữ liệu trong cả nước là quan trọng để hướng đến xây dựng TPTM thực sự bền vững.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng, chia sẻ về cách Đà Nẵng đã xây dựng chỉ số đo lường chất lượng và kiểm soát chặt chẽ dữ liệu sử dụng. Ông thừa nhận rằng cần có biện pháp, giải pháp, kiểm tra, giám sát, với vai trò quan trọng của cơ quan thường trực trong kết nối và triển khai thực hiện.

Hạ tầng dữ liệu số không thể xây dựng một lần là xong, không thể dựa vào chỉ một đối tác mà phải là quá trình liên tục với sự tham gia của nhiều chủ thể để xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất cần quy hoạch, quy chế và quy chuẩn. Dữ liệu trong đô thị vốn luôn tồn tại, kể cả dưới dạng dữ liệu số, tuy nhiên, thiếu thống nhất và phân tán. Việc xây dựng hạ tầng dữ liệu số bắt đầu từ kiểm đếm, chuẩn hóa.

tinh-thong-nhat-cua-du-lieu.jpg

Theo báo cáo từ Sở TT&TT Hà Nội, Thành phố đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số: Dữ liệu thì vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được chú trọng đầu tư bài bản hơn. Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới, trước khi triển khai các giải pháp về phân tích, hỗ trợ quản lý điều hành và xa hơn là khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị kinh tế xã hội mới.

Ông Hà Minh Hải cũng cho biết thêm, từng bước thực hiện xây dựng TPTM, Hà Nội đã giao cho Sở TT&TT xây dựng đề án. Để lựa chọn mô hình thông minh nhất, hiệu quả nhất, thành phố đã lựa chọn khâu quy hoạch và chọn yếu tố thông minh là nguyên tắc. Trong Quy hoạch Thủ đô, mọi lĩnh vực phải thể hiện được sự CĐS và thẩm thấu văn hóa con người của Hà Nội.

CĐS là thay đổi quy trình ra quyết định dựa trên dữ liệu. Do đó, dữ liệu phải đúng, đủ, sạch, sống và có thể xác thực với độ tin cậy cao. Tuy nhiên, không bao giờ đạt được các tiêu chí đó một cách lý tưởng. Nguyên tắc chung là dữ liệu có đến đâu quản lý đến đấy và có giải pháp để dữ liệu hoàn thiện dần trong quá trì khai thác, sử dụng.

Hội nghị đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng về khai thác dữ liệu để xây dựng TPTM và phát triển bền vững. Thách thức chia sẻ dữ liệu, cơ chế chính sách mới, và sự đồng thuận trong triển khai là những yếu tố cần được giải quyết để đưa Việt Nam, đặc biệt là TP. Hà Nội, vào tầm vóc của các ĐTTM tiến bộ trong thời đại công nghệ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
Quản trị thành phố thông minh hơn khi tạo dựng và khai thác dữ liệu hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO