Quảng bá, tuyên truyền hình ảnh quốc gia: Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại
Cùng với vị thế và uy tín quốc gia ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế, niềm tin của cộng đồng vào thể chế chính trị và năng lực quản trị của Việt Nam không ngừng gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế trở thành nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối ngoại.
Xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia là nhiệm vụ “mũi nhọn” trong sự nghiệp phát triển quốc gia
Từ rất lâu, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia và coi đó là nhiệm vụ “mũi nhọn” trong sự nghiệp phát triển của quốc gia đó.
Ví dụ, Anh Quốc triển khai chiến lược “Cool Britannia” từ đầu những năm 1990 để củng cố niềm tự hào dân tộc và tăng thiện cảm của quốc tế thông qua âm nhạc, văn hóa và nghệ thuật.
New Zealand nổi bật với chiến lược “100% Pure New Zealand,” biến những hạn chế về địa lý thành lợi thế, định vị đất nước như một điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thiên nhiên hoang sơ và cảnh quan hùng vĩ.
Ấn Độ đã triển khai nhiều chiến dịch quảng bá như “Incredible India” nhằm phát triển du lịch và “Make in India” để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước, qua đó tạo nên danh tiếng và vị thế quốc tế cho quốc gia.
Thái Lan cũng ghi dấu ấn với các chiến lược “Amazing Thailand” để phát triển du lịch và “Thailand 4.0,” hướng tới một nền kinh tế bền vững dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hay Hàn Quốc, với “Làn sóng Hàn Quốc - Hallyu” được xem là biểu tượng văn hóa năng động nhất châu Á. Thông qua phim ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, lịch sử và các hoạt động giao lưu văn hóa sâu sắc, Hallyu đã khẳng định vị thế mạnh mẽ của Hàn Quốc trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh hiện tại, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đang ngày càng tham gia vào một cuộc cạnh tranh để quảng bá hình ảnh quốc gia của mình, với tham vọng thúc đẩy kết nối quốc gia và khu vực, nâng cao vai trò và vị thế của đất nước, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, là điểm đến hấp dẫn với du khách thế giới…
Việt Nam nỗ lực trong các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia
Đối với Việt Nam, trong thời gian qua, việc xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, toàn diện vào đời sống quốc tế.
Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu: Nâng cao hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam, giới thiệu rộng rãi hình ảnh quốc gia Việt Nam trên toàn thế giới, văn hóa Việt Nam có những đóng góp mới được ghi nhận trong đời sống văn hóa quốc tế.
Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các phương thức quảng bá như thông tin tuyên truyền đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tổ chức các sự kiện văn hóa, sản xuất, giao lưu văn hóa, giáo dục, trao đổi các đoàn văn hóa nghệ thuật và tổ chức các hoạt động văn hóa thông qua cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại.
Thông tin về Việt Nam đã được giới thiệu nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với mọi đối tượng, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với người dân các nước. Qua đó, bạn bè quốc tế, nhất là các nước có ít thông tin về Việt Nam, có thể hiểu rõ, hiểu đúng về Việt Nam, tin tưởng vào đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam, đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế và sự đóng góp của Việt Nam vào tiến trình phát triển chung của khu vực, thế giới.
Tại các sự kiện quan trọng của đất nước, “Trung tâm báo chí online” được thiết lập, nhanh chóng truyền phát đến cộng đồng quốc tế thông tin, hình ảnh của sự kiện, thu hút sự quan tâm của phóng viên đến từ nhiều quốc gia, tuyên truyền các hình ảnh về hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Việc Việt Nam trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và đảm nhiệm cùng một lúc vai trò thành viên của ba cơ chế quan trọng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) .. cũng trở thành một trong những cơ hội quan trọng để Việt Nam khẳng định rõ hơn vai trò chủ động, tích cực trong các công việc chung của khu vực và thế giới, cũng như gia tăng “bộ nhận diện hình ảnh đất nước” ở phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh các hoạt động đối ngoại, các nguyên thủ quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, thể hiện sự tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, chính trị ổn định, đời sống người dân được nâng cao.
Nếu trong quá khứ, hình ảnh Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế là một đất nước trải qua hàng thập niên chiến tranh, có truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc và hòa bình mãnh liệt, là ngọn cờ đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc.
Thì ngày nay, thế giới biết đến một Việt Nam không chỉ là một đất nước có bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo với các di sản văn hóa nổi tiếng, “một địa chỉ tin cậy đối với nhà đầu tư nước ngoài”, “nền kinh tế mới nổi”, “điểm đến văn hóa hàng đầu của châu Á”, quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ, một đất nước đổi mới thành công, hội nhập quốc tế sâu rộng, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng vai trò chủ động, tích cực trong các công việc chung của khu vực và thế giới./.