Quảng Nam: 100% TTHC được theo dõi trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, không để hồ sơ chậm giải quyết
Với mục tiêu cải thiện số lượng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, UBND tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT.
Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần hình thành công dân số
Ngày 25/7, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 4872/KH-UBND về nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT của tỉnh năm 2023.
Theo đó, thông qua Kế hoạch, tỉnh Quảng Nam nhằm tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần hình thành công dân số, DN số trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến song song với chỉ số cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn được nâng cao; gia tăng sự tin tưởng của người dân vào bộ máy hành chính Nhà nước nói chung và quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ thông qua Bộ phận một cửa nói riêng.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương được tăng cường; nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT phục vụ người dân và DN; thúc đẩy CCHC, nâng cao các chỉ số về CCHC, chuyển đổi số (CĐS) năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp huyện...
Đặc biệt, kế hoạch cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS nhằm minh bạch thông tin, tiết kiệm giảm chi phí, tạo thuận lợi và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN khi thực hiện các TTHC.
Phấn đấu 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT cho người dân và doanh nghiệp (DN), UBND tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, thanh toán trực tuyến tối thiểu tăng 10% so với năm 2022. 50% hồ sơ TTHC được người dân, DN thực hiện trực tuyến từ xa (người dân, DN không đến Bộ phận một cửa, mà thực hiện DVCTT từ xa tại nhà, tại nơi làm việc).
100% TTHC được tiếp nhận và theo dõi trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, không để xảy ra hồ sơ chậm giải quyết vì lý do chủ quan của cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức. 60% DVCTT một phần và toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến.
Đối với các TTHC không phát sinh hồ sơ (trực tiếp, trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích) sẽ định kỳ rà soát để tham mưu UBND tỉnh Phê duyệt lại Danh mục DVCTT.
100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong từng cơ quan, đơn vị biết và sử dụng DVCTT. Số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đối với kết quả thuộc thẩm quyền cấp tỉnh đạt 70%, cấp huyện đạt 60%, cấp xã đạt 55%.
Đặc biệt, Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục rà soát, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin (HTTT) giải quyết TTHC tỉnh để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, đáp ứng các yêu cầu quản lý của tỉnh, sở, ban, ngành và địa phương trong tiếp nhận giải quyết TTHC; rà soát, chuẩn hóa thông tin TTHC, DVCTT một cách đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến xã đảm bảo 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tích hợp, đồng bộ với HTTT giải quyết TTHC tỉnh đảm bảo thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng.
Bên cạnh đó, 50% DVCTT được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng nộp hồ sơ trực tuyến thì biểu mẫu hồ sơ được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.
Đồng thời, người dân và DN sử dụng DVCTT được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống để có thể thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến từ xa.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh số hóa, luân chuyển, giải quyết, ký số và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến trên HTTT giải quyết TTHC tỉnh; tiếp tục hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin công dân giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh để phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVCTT.
Tăng cường truyền thông và tuyên truyền hiệu quả về DVCTT
Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các cơ quan Nhà nước tăng cường truyền thông và tuyên truyền hiệu quả về DVCTT của cơ quan để người dân, DN hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng DVCTT; chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng; Đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo.
Bên cạnh đó, Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) phải tích cực đến từng tổ, thôn, bản để tuyên truyền, hướng dẫn lợi ích của việc sử dụng DVCTT đến từng hộ gia đình; Ứng dụng CNTT, CĐS để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đảm bảo an toàn, thiết thực trong quá trình cung cấp DVCTT trên địa bàn tỉnh.
100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên đăng ký tài khoản định danh, xác thực điện tử và sử dụng DVCTT đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và Cổng DVC quốc gia.
Ngoài ra, Kế hoạch nêu rõ cần tiếp tục rà soát thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, xây dựng chính sách hỗ trợ phí, lệ phí cho người dân, DN trong việc thực hiện giải quyết TTHC trực tuyến. Hỗ trợ kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, Internet cho người dân; hỗ trợ máy tính; điểm truy cập Internet công cộng; Hệ thống mạng Wi-Fi miễn phí tại các khu vực đông dân cư để người dân tiếp cận dịch vụ.
Trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện cần nâng cao nhận thức và hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò tích cực, chủ động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện và trách nhiệm của từng đơn vị trong việc đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến và tiếp nhận, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đồng thời, tiếp tục rà soát đề xuất công bố Danh mục TTHC tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng CNTT trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Triển khai trợ lý ảo hỗ trợ giải quyết TTHC
Được biết, từ năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã đưa vào hoạt động chatbot "1022 Quảng Nam" để giải đáp các thông tin cho người dân, DN, đặc biệt là trên lĩnh vực giải quyết các TTHC.
Đây là trợ lý ảo giúp thực hiện trả lời cho người dân về TTHC, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ DVCTT, trả lời các thông tin cơ bản về du lịch, sản phẩm OCOP, cơ sở y tế, tuyến xe bus, tra cứu điểm thi tốt nghiệp… nhằm hướng đến xây dựng chính quyền thân thiện, gần gũi với người dân.
Trợ lý ảo "1022 Quảng Nam" về TTHC được xây dựng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Việc triển khai trợ lý ảo nhằm hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc giao tiếp, hướng dẫn người dân giải quyết TTHC cũng như giải đáp các chính sách của tỉnh, tuyên truyền các sự kiện quan trọng của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời góp phần thúc đẩy việc triển khai xây dựng Chính quyền số trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao nhất để phục vụ người dân, DN./.