Quảng Nam sau 3 năm sắp xếp lại thôn/tổ dân phố

P.V| 25/10/2021 16:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc sắp xếp lại thôn/tổ dân phố kết hợp với kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách thôn/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đảm bảo các chức danh theo quy định, hoạt động đi vào ổn định, phát huy được vai trò nòng cốt trong các phong trào ở khu dân cư…

Tinh gọn tổ chức, kiện toàn chức danh

Đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành chủ trương sắp xếp lại thôn/tổ dân phố. Theo đó, đã giảm từ 1.719 thôn/tổ dân phố xuống còn 1.240 thôn/tổ dân phố. Từ kết quả này, các địa phương đã tiến hành bố trí lại chức danh người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) ở thôn/tổ dân phố theo Nghị quyết 02 ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh.

Quảng Nam sau 3 năm sắp xếp lại thôn/tổ dân phố - Ảnh 1.

Chủ trương sắp xếp lại thôn/tổ dân phố tại Quảng Nam đã đạt nhiều kết quả. (Ảnh: PV).

Thực hiện chủ trương sắp xếp lại thôn/tổ dân phố, toàn tỉnh có 7.499 người HĐKCT dôi dư được chi trả hỗ trợ 1 lần theo Nghị quyết số 44, ngày 6/12/2018 và có 4.119 người HĐKCT dôi dư được chi trả hỗ trợ 1 lần theo Nghị quyết số 60, ngày 6/12/2018 của HĐND tỉnh, với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng.

Theo Sở Nội vụ, hiện toàn tỉnh này có 3.066 người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố. Việc sắp xếp lại thôn/tổ dân phố kết hợp với kiện toàn các chức danh người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tiễn địa phương; làm giảm lượng lớn người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố, tiết kiệm chi ngân sách và tập trung đầu mối công việc.

Theo ông Trương Văn Lý – Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình, việc sắp xếp, sáp nhập thôn/tổ dân phố trên địa bàn huyện đảm bảo theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm số lượng thôn/tổ dân phố, đồng thời giảm số lượng người HĐKCT ở cơ sở.

Qua việc sắp xếp, củng cố lại các chức danh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố và tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách địa phương hằng năm. Chế độ cho các chức danh ở thôn/tổ dân phố một phần được nâng lên như: chế độ phụ cấp hằng tháng, được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng và bảo hiểm y tế.

"Hầu hết người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố đã phát huy được vai trò nòng cốt trong mọi phong trào ở khu dân cư; giúp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần thực hiện tốt các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương" – ông Lý nhìn nhận.

Theo bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, sau khi thực hiện sắp xếp lại thôn/tổ dân phố, chất lượng đội ngũ cán bộ ở thôn/tổ dân phố được nâng lên. Số lượng chi bộ thôn/tổ dân phố giảm và tăng số lượng đảng viên trong các chi bộ.

Tỷ lệ chi bộ có Chi ủy sau sắp xếp lại thôn/tổ dân phố cao hơn trước (tăng hơn 9,53%); cùng với đó việc chú trọng công tác kiện toàn lại Chi ủy chi bộ sau khi sáp nhập và thông qua việc thực hiện biểu quyết của tập thể chi bộ để đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ trước khi kết thúc buổi sinh hoạt (theo Quy định số 15, ngày 14/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở thôn/tổ dân phố.

Theo đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng nền nếp hơn. Việc sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung sinh hoạt cơ bản đã bám sát với những vấn đề nổi cộm, bức xúc cần giải quyết của địa phương.

Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc

Bên cạnh kết quả đạt được, việc sắp xếp thôn ở Quảng Nam còn những tồn tại, vướng mắc, khó khăn do điều kiện tự nhiên, phân bố dân cư. Việc kiêm nhiệm 5 chức danh ở nhiều nơi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngay, song có một số nơi còn trục trặc cần tiếp tục được củng cố, hoàn thiện. Một số nơi chế độ phụ cấp chưa đảm bảo sự khuyến khích, tạo điều kiện cho các chức danh ở thôn hoạt động, phát huy tối đa năng lực, hiệu quả…

Nhiều thôn/tổ dân phố là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự nên khó khăn trong công tác quản lý, dẫn đến tình hình tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp.

Việc sử dụng cơ sở, thiết chế văn hóa của các thôn/tổ dân phố sau sáp nhập không được hiệu quả, nhiều cơ sở ít sử dụng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng.

Còn nhà văn hóa thôn được sử dụng phục vụ sinh hoạt thì diện tích nhỏ so với dân số tăng lên, không nằm ở trung tâm của thôn nên việc tham gia hội họp của nhân dân gặp khá nhiều khó khăn.

Ông Đinh Văn Thiên – Trưởng phòng Nội vụ huyện Núi Thành (Quảng Nam) cho rằng, sau khi sáp nhập, rất nhiều thôn có từ trên 350 hộ đến trên 800 hộ và tổ dân phố có trên 550 hộ gia đình đến trên 1.000 hộ.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 02, ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh không quy định mức phụ cấp cho chức danh phó trưởng thôn hoặc tổ phó tổ dân phố nên không thể vận động người đảm nhiệm các chức danh này; rất khó khăn tổ chức hoạt động ở cơ sở đối với những địa bàn rộng, dân số đông, tình hình trật tự xã hội phức tạp.

"Tỉnh nên thống nhất chủ trương thôn có từ trên 350 hộ gia đình và tổ dân phố có trên 550 hộ gia đình thì nên có thêm 1 phó trưởng thôn hoặc 1 tổ phó tổ dân phố để đảm bảo tổ chức hoạt động và cho hưởng phụ cấp hàng tháng ở chức danh này" – ông Thiên đề xuất.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam sau 3 năm sắp xếp lại thôn/tổ dân phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO