Quảng Ngãi: Đẩy mạnh đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 – 2025

Ánh Dương| 26/03/2021 08:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu nhằm tăng cường kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm về cơ bản được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.

Quảng Ngãi: Đẩy mạnh đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 – 2025 - Ảnh 1.

Theo đó, những mục tiêu cụ thể được Kế hoạch đặt ra là 100% cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, chuyên môn kỹ thuật về ATTP; hình thành mạng lưới giám sát, cảnh báo nhanh và ứng phó kịp thời đối với các sự cố về ATTP.

Kế hoạch yêu cầu cải thiện tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm với 94% cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc diện cấp Giấy chứng nhận được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP; 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được cấp Giấy chứng nhận; 35% diện tích sản xuất rau, củ, quả,... áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến; 70% cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được tổ chức ký cam kết và được kiểm tra sau khi ký cam kết; 100% cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn hoặc khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung bảo đảm điều kiện về ATTP…

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu về bảo đảm ATTP của các cơ sở dịch vụ ăn uống. Theo đó, 94% các cơ sở dịch vụ ăn uống thuộc diện cấp Giấy chứng nhận được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông, phân phối; Ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại; Kiểm soát các cơ sở kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, các vật tư nông nghiệp.

Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận; 100% vụ ngộ độc thực phẩm báo cáo được điều tra, xử lý kịp thời. Khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền đối với công tác bảo đảm ATTP. Đưa chỉ tiêu bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của UBND các cấp để chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp phù hợp tại địa phương.

Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP; Ban hành các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách về công tác đảm bảo ATTP phù hợp với tình hình của tỉnh; Phát huy vai trò, trách nhiệm Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP ở các cấp; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; Tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành trong đó ngành Y tế làm đầu mối.

Quảng Ngãi: Đẩy mạnh đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 – 2025 - Ảnh 2.

Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng. (Ảnh minh họa: Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi)

Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi nhận thức, thói quen về ATTP; Nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông về ATTP, đa dạng bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATTP như sản xuất kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể an toàn, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... đảm bảo ATTP; Đẩy mạnh tuyên truyền trong các dịp cao điểm trong năm (Tết Nguyên đán, Tháng Hành động vì ATTP, Tết Trung thu) trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng nêu rõ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt chú trọng việc thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại, chất cấm trong sản phẩm thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ và điều kiện vệ sinh thú y của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Kiểm soát, ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP; Tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống, điều kiện đảm bảo ATTP tại các chợ, siêu thị trên địa bàn.

Đồng thời, thông báo các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP và các vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết và lựa chọn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Đẩy mạnh đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 – 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO