Quy hoạch ngành năng lượng tạo động lực cho phát triển đất nước
Các quy hoạch về năng lượng được phê duyệt sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới. Để chính sách đi vào thực tiễn cần sự đồng hành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành năng lượng “xanh”
Hiện nay, Bộ Công thương đã xây dựng, trình và được Chính phủ phê duyệt các quy hoạch ngành năng lượng, trong đó có Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, quy hoạch về năng lượng hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng. Ngoài ra, ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điểm chung nổi bật của 3 Quy hoạch ngành thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương nêu trên, chính là khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho biết, đối với 3 Quy hoạch này, vai trò của Bộ Công thương rất lớn. Trong khi năng lượng hiện nay đang đối mặt với một số bất định như công nghệ, biến đổi khí hậu, nguồn vốn… Những đòi hỏi này cần có sự thay đổi rất nhiều về thể chế và đủ để linh hoạt để thích ứng với các biến động, khó lường.
Việc ban hành các quy hoạch này sẽ góp phần đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, phát triển tài nguyên thiên nhiên, nguồn năng lượng đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân.
Nhiều khó khăn còn chờ đợi phía trước
Đầu tiên, câu chuyện nguồn vốn vẫn là vấn đề "nóng" trong phát triển, triển khai các dự án năng lượng. Vốn đầu tư các dự án này chủ yếu là vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, vốn ngân sách nhà nước chủ yếu ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia. Do vậy, khó khăn lớn nhất trong thực hiện quy hoạch là thiếu nguồn vốn xây dựng hạ tầng dành riêng cho dự trữ quốc gia.
Về vấn đề nguyên liệu đầu vào, nguồn than cho sản xuất điện ngày càng khó khăn. Nhu cầu sử dụng than trong nước hiện tại đã vượt khả năng sản xuất và có xu hướng ngày càng tăng, tương lai Việt Nam sẽ phải tiếp tục nhập khẩu than với khối lượng lớn đến vài chục triệu tấn để cung ứng cho thị trường trong nước. Than nhập khẩu bị tác động bởi nhiều yếu tố: sự biến động của tình hình chính trị thế giới, xu thế phát triển năng lượng trên thế giới, biến đổi khí hậu, vấn đề đảm bảo an toàn môi trường sinh thái.
Ngoài ra, theo Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, đất nước còn hạn chế nhiều về nguồn lực, thực hiện “xanh hóa” ngành năng lượng vẫn còn nhiều thách thức. Tính toán từ Ngân hàng Thế giới (WB), để xanh hóa thì lộ trình đến 2040, Việt Nam cần 368 tỷ USD. Dù có sử dụng hết khả năng hỗ trợ của quốc tế thì khối đầu tư của tư nhân cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Thứ hai là thể chế thực thi. Thứ ba là vấn đề lựa chọn công nghệ.
Cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị
Để Việt Nam thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thì ngành năng lượng là một trong những ngành quyết định, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch, trước hết, với quy hoạch phát triển năng lượng, về lâu dài phải làm sao cho việc phát triển năng lượng xanh hơn, sạch hơn và đáp ứng được các yêu cầu cung ứng nguồn nguyên liệu sạch cho phát triển. Tuy nhiên, cần phải tính toán đến bảo vệ môi trường cũng như phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của trình độ phát triển khoa học, công nghệ của Việt Nam, các điều kiện tự nhiên mà chúng ta đang có; lúc đó quy hoạch năng lượng mới có hiệu quả vừa mang tính thực tiễn vừa có tính phát triển bền vững, lâu dài.
Cùng với đó, Việt Nam cần sự hỗ trợ quốc tế, sự vào cuộc của khu vực tư nhân, không chỉ trong nước mà cả các nhà đầu tư trên thế giới vào các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng xanh.
Đồng thời, tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án năng lượng, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình năng lượng theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất để thực hiện các dự án năng lượng theo quy hoạch; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án năng lượng theo quy định.