Sàn nông sản TMĐT Việt hấp dẫn hộ sản xuất nông nghiệp

Hoàng Linh| 15/03/2022 15:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Phấn khởi khi có sàn thương mại điện tử (TMĐT) hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá nông sản trên cả nước và ra nước ngoài, nhất là trong thời điểm dịch bệnh là niềm vui mà chúng tôi cảm nhận được khi đi thực tế tại một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên.

Kênh TMĐT giúp quảng bá nông sản hiệu quả

Vui mừng chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX miến Việt Cường cho biết HTX đã tham gia sàn TMĐT Postmart được hơn 1 năm với 4 sản phẩm chính được đưa lên sàn gồm miến dong, miến tỏi đen, miến sắn dây và miến khoai lang, trong đó miến dong đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Sàn nông sản TMĐT Việt hấp dẫn hộ sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Sơn: miến Việt Cường đã được lan toả nhờ sàn TMĐT

Ông Sơn cho biết HTX miến Việt Cường trong một thời gian dài trước đây chủ yếu tiêu thụ sản phẩm ở các chợ truyền thống. Hiện nay, theo kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn TMĐT của Bộ TT&TT, của tỉnh Thái Nguyên, Liên minh HTX Việt Nam, nhân viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) trực tiếp đến HTX hỗ trợ, hướng dẫn đóng gói sản phẩm đúng quy cách, giới thiệu, bán trên sàn TMĐT cũng như hỗ trợ vận chuyển sản phẩm rất tốt.

"HTX giờ đây chỉ phải lo sản xuất và yên tâm với giá vận chuyển rất hợp lý của BĐVN. Phần lớn hàng hoá của HTX trong 1 năm qua do BĐVN vận chuyển. Trước đây, khi HTX chưa tham gia sàn TMĐT, HTX phải tự đóng gói, vất vả trong việc vận chuyển bằng xe máy ra bến xe để gửi hàng".

Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 400 - 600 tấn miến thành phẩm. Khi tham gia sàn TMĐT, ông Sơn cho hay, thương hiệu miến Việt Cường được quảng bá rộng. "Nhiều người đi siêu thị mua miến Việt Cường khi đã xem, tham khảo thương hiệu miến trên sàn TMĐT. HTX sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy. Doanh thu trên sàn TMĐT đã đóng góp vào tăng doanh thu cho HTX. Năm 2021 của HTX đã đạt khoảng 20 tỷ đồng. Trong thời điểm dịch bệnh, việc sản xuất không kịp để tiêu thụ".

Sàn nông sản TMĐT Việt hấp dẫn hộ sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Cán bộ BĐVN hướng dẫn đưa thông tin sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart

Cũng theo ông Sơn, để tăng sản lượng, giảm sức lao động, trong quá trình sản xuất, HTX đã sáng tạo và đăng ký sáng chế dây chuyền phơi miến, máy thu miến và sắp tới sẽ tiếp tục đăng ký sách chế máy quấy bột, dây chuyền xấy miến.

"Miến Việt Cường đã được tiêu thụ trên cả nước và các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc. HTX đã có hàng xuất khẩu sang Đài Loan, Campuchia, Lào và sắp tới HTX sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, công nghệ để phục vụ khách hàng trong nước và xuất khẩu".

Lăn lộn với sản phẩm miến từ năm 2005 và đến năm 2007 HTX miến Việt Cường được thành lập và có được cơ ngơi như hiện nay, ông Sơn cho biết: "HTX phát triển và muốn mọi thứ phải tốt hơn, theo đó, HTX tiếp tục đầu tư vào kênh giới thiệu sản phẩm trên sàn TMĐT, nền tảng số, thành lập tổ chuyên trách bán hàng TMĐT và mong muốn BĐVN đồng hành, hỗ trợ".

Mở rộng kết nối, CĐS hoạt động HTX

Cùng với mong muốn lên sàn TMĐT, chuyển đổi số (CĐS) để giúp quảng bá sản phẩm trà rộng rãi hơn nữa và ra quốc tế, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt - Tân Cương, Thái Nguyên, một người phụ nữ đam mê và theo đuổi công việc trồng, sản xuất chè mấy chục năm, cho biết lên sàn TMĐT đã giúp sản phẩm của HTX đi xa, sản lượng hàng bán tăng lên.

Sàn nông sản TMĐT Việt hấp dẫn hộ sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Bà Đào Thanh Hảo: HTX Chè Hảo Đạt đã ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ cho các hoạt động

HTX chè Hảo Đạt trước đây là một HTX nông nghiệp truyền thống, kết nối hạn chế. Những năm gần đây nhờ TMĐT, CĐS, Internet, HTX đã thực hiện giới thiệu, bán hàng qua sàn TMĐT, đặc biệt qua sàn Postmart, qua các kênh Zalo, Facebook. Để bán hàng qua các kênh số, HTX phải chú trọng về thời gian, tiến độ giao hàng hơn. Với sự hỗ trợ của BĐVN, HTX đã được cung cấp thông tin đầy đủ về sàn TMĐT, chuyển phát, theo đó, HTX bán hàng mỗi ngày mỗi tăng.

"Thuận lợi nhất của việc bán hàng qua sàn Postmart là được đảm bảo được việc bán hàng đúng tiến độ, thời gian. Người tiêu dùng giờ đây với smartphone trong tay có thuận lợi ngồi ở nhà cũng thể đặt mua sản phẩm trà trên sàn TMĐT, không phải qua khâu trung gian. BĐVN hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ chuyển phát đến tận tay người tiêu dùng", người làm chè lâu năm phấn khởi bày tỏ.

Ngoài sản phẩm chè Tân Cương, hiện nay HTX chè Hảo Đạt cũng đang nghiên cứu một số sản phẩm mới như kẹo chè, một số món ăn từ chè như lẩu có hương vị chè, HTX đang làm thêm những không gian cho du khách đến với HTX có thể thưởng trà trong một không gian ấm cúng, mang đậm văn hoá chè Việt. Sản phẩm kẹo chè đã được HTX bán rộng rãi, sản lượng có ngày tới 5-7 tạ. Việc đóng gói cũng đã được bán thiết kế mới với thông tin liên hệ.

"Khách đến với HTX chè Hảo Đạt hiện nay không chỉ mua mà còn được thưởng thức, trải nghiệm các sản phẩm từ chè theo các cách khác nhau", bà Hảo nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, bà Hảo cho biết từ khi đưa mặt hàng chè lên sàn TMĐT, mức doanh thu, sản lượng của HTX đã cao hơn bình thường trước kia. Sản lượng năm 2021 của HTX đạt khoảng 200 tấn, doanh thu khoảng trên 10 tỷ đồng. "Doanh thu cao hơn và khách hàng cũng khen ngợi các sản phẩm không chỉ chất lượng mà các thông tin về sản phẩm trên đều rõ ràng, đầy đủ, truy xuất được nguồn gốc. Bưu điện tỉnh hỗ trợ HTX thông qua các mức giảm giá vận chuyển, tiến độ chuyển phát được bảo kịp thời và ngày càng được rút ngắn để người tiêu dùng nhận được hàng nhanh, khẩn trương".

Sàn nông sản TMĐT Việt hấp dẫn hộ sản xuất nông nghiệp - Ảnh 4.

Cán bộ BĐVN hướng dẫn đóng gói chè theo đúng quy cách

Bên cạnh đó, HTX cũng hỗ trợ những hộ nông dân trồng chè xung quanh HTX. Khi người nông dân liên kết với HTX bán hàng qua mạng, sẽ được hướng dẫn sử dụng công nghệ số, tưới tiêu tự động do Việt Nam sản xuất nhờ điều khiển bằng smartphone, theo đó thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. "Người dân làm nhỏ lẻ, không theo khoa học, không liên kết với HTX thì không có nơi bán hàng, không được quản lý, đưa lên sàn TMĐT thì thu nhập chỉ khoảng từ 3 - 3,5 triệu đồng", bà Hảo thông tin.

HTX đã ứng dụng công nghệ số, CĐS được 4 năm. Người lao động HTX đi làm giờ quét thẻ, được chuyển tiền lương, các giao dịch được thực hiện qua tài khoản ngân hàng từ năm 2019.

Với CĐS, người đứng đầu HXT chè Hảo Đạt cho biết, việc thúc đẩy chủ yếu là truyền thông cho người lao động còn công nghệ thì không phải đầu tư nhiều. HTX đã tập trung tuyên truyền, triển khai ứng dụng nên người lao động, người nông dân cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX tin tưởng vào CĐS, công nghệ số để đẩy mạnh sản xuất.

Sàn nông sản TMĐT Việt hấp dẫn hộ sản xuất nông nghiệp - Ảnh 5.

Vườn chè của HTX chè Hảo Đạt được tưới tiêu hoàn toàn tự động

"HTX có 14 sản phẩm trên sàn TMĐT theo 3 dòng sản phẩm trà gồm trà đinh, trà nõn tôm, trà móc câu. Dòng trà nõn tôm là sản phẩm OCOP 5 sao, dòng chè đinh, móc câu là sản phẩm OCOP 4 sao. HTX hàng năm cố gắng nâng "sao" cho các sản phẩm. Sản phẩm chè của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Nga và đang nghiên cứu để xuất khẩu sang Hàn Quốc", Giám đốc HTX chia sẻ.

Tích cực hỗ trợ hộ SXNN "xuất ngoại" sản phẩm

Với mong muốn hỗ trợ các HTX xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) cho biết trong năm 2021, BĐVN đã liên kết với một số doanh nghiệp (DN) để đưa quả vải thiều sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan. Trong năm 2022 này, BĐVN sẽ cùng các cơ quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao thông qua các tham tán thương mại ở các nước để có thể đàm phán, tìm hiểu xem yêu cầu của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức khác nhau để có được quy trình đảm bảo cho nông sản của Việt Nam có thể du nhập vào thị trường đó một cách chính ngạch và bền vững.

Là đơn vị hỗ trợ trực tiếp hộ SXNN tỉnh Thái Nguyên lên sàn TMĐT, bà Nguyễn Thúy Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết ngay khi Bộ TT&TT có Kế hoạch 1034, về phía UBND tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch để hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT. "Bưu điện tỉnh với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, chúng tôi cũng đã triển khai các hoạt động phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở TT&TT, Liên minh HTX, Hội Nông dân để thúc đẩy việc hỗ trợ bà con đưa sản phẩm lên sàn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh".

Cũng theo chia sẻ của bà Ngọc, Thái Nguyên nổi tiếng với sản phẩm chè, đối với các sản phẩm nông sản khác như miến, bún, mì khô… vì vậy Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh để cùng với các HTX đào tạo, tập huấn, hướng dẫn bà con, tạo tài khoản trên sàn TMĐT để giúp bà con có thể trao đổi, mua bán, kể cả nguyên vật liệu đầu vào, bán sản phẩm của mình trên sàn TMĐT.

Đối với chất lượng sản phẩm thì ngay từ đầu vào, về phía Sở NN&PTNT, Hội Nông dân, tỉnh đã có chỉ đạo trong việc bà con sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGap. Các nguyên vật liệu đầu vào đều đảm bảo được nuôi trồng hữu cơ, không có chất bảo quản, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Với các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm mang tính chất thời vụ, bà Ngọc cho biết khi chúng tôi tác nghiệp trên sàn TMĐT thì cũng có những giải pháp vận chuyển, đóng gói để không ảnh hưởng. Trong quá trình vận chuyển không bị giảm chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Thái Nguyên ưu tiên CĐScho nông nghiệp

Trao đổi về CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cho biết CĐS nông nghiệp là một trong những ưu tiên trong Chương trình CĐS của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, vì thế toàn tỉnh và đặc biệt là Sở NN&PTNT rất quan tâm tới nhiệm vụ này. Trong giai đoạn vừa rồi Sở TT&TT đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công thương và các đơn vị liên quan khác tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các hộ SXNN lên sàn TMĐT.

Sàn nông sản TMĐT Việt hấp dẫn hộ sản xuất nông nghiệp - Ảnh 6.

Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên: CĐS nông nghiệp là một trong những ưu tiên trong Chương trình CĐS của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025

"Chúng tôi có các hoạt động hỗ trợ trên website, đăng ký tên miền, đào tạo kỹ năng số cho các hộ SXNN, các DN nhỏ và vừa. Đặc biệt là hỗ trợ 100% các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT. Quan trọng hơn, trong năm vừa rồi, Sở TT&TT phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 177 ngày 7/10/2021 triển khai trực tiếp Kế hoạch 1034 của Bộ TT&TT. Đến thời điểm này đã có nhiều kết quả tích cực trong việc hỗ trợ các hộ SXNN lên sàn TMĐT, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn", ông Hiếu khẳng định.

Chia sẻ thêm về một số kết quả bước đầu, ông Hiếu cho biết có những kết quả là sự chuyển hóa và có những kết quả định lượng được luôn. Một số kết quả chuyển hóa như về kỹ năng số, người dân được đào tạo, hình thành thói quen mới, kinh doanh trên sàn, trên không gian số. Một số kết quả có thể định lượng được như trong thời gian thực hiện Kế hoạch 177, hai sàn Postmart, Vỏ Sò đã hỗ trợ đào tạo gần 100.000 hộ SXNN. Theo thống kê mới nhất, đến tháng 2/2022, cả hai sàn đã hỗ trợ đưa lên 55.000 hộ SXNN lên sàn mở gian hàng; có khoảng 1.500 sản phẩm được lên sàn. Trong đó có rất nhiều hộ SXNN có kết quả kinh doanh rất tích cực như miến Việt Cường, chè Hảo Đạt và đã có thêm nhiều khách hàng mới qua kênh kinh doanh số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sàn nông sản TMĐT Việt hấp dẫn hộ sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO