Shipper - Mắt xích thương mại?

Khánh Lan| 31/07/2021 19:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Đội ngũ giao hàng tận tay (hay thường gọi là shipper) được xem là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của hệ thống kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc sử dụng đội ngũ shipper như thế nào để vừa đảm bảo chuỗi cung ứng cũng như vừa đảm bảo...

Mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của hệ thống kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT)

Shipper - Mắt xích thương mại? - Ảnh 1.

Trong bối cảnh trao đổi thương mại phát triển mạnh mẽ, các dịch vụ giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa hoạt động không ngừng nghỉ, góp phần cung cấp tận tay lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu hàng ngày cho người dân trên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Chính vì thế, đội ngũ shipper được xem là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của hệ thống kinh doanh TMĐT. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến bùng phát mạnh trở lại tại các địa phương, trong đó có những thành phố lớn Hà Nội thì việc mua bán trực tuyến là cần thiết đảm bảo mục tiêu kép trong công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của đội ngũ shipper bị hạn chế bởi những quy định về an toàn chống dịch. Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản yêu cầu shipper của các ứng dụng gọi xe công nghệ dừng dịch vụ giao hàng cho đến khi có thông báo mới. Điều này đã gây bức xúc đối với đội ngũ shipper cũng như đối với các công ty chuyên về ứng dụng công nghệ vận chuyển hàng hóa.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc đại diện Grab - một trong những đơn vị sở hữu mạng lưới shipper lớn trên cả nước cho biết, thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 ngày 23/7 của UBND TP Hà Nội về thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19, Grab đã tạm dừng kết nối các hoạt động vận chuyển qua ứng dụng.

Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân, thời gian qua, qua các dịch vụ giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa như Be, GrabFood, Grab Mart, GrabExpress hoạt động không ngừng nghỉ, để cung cấp tận tay lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu hàng ngày cho người dân trên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm cả Hà Nội. Các dịch vụ trên không chỉ đóng góp vào việc lưu thông, luân chuyển hàng hóa thiết yếu, mà còn đóng góp thiết thực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc duy trì các hoạt động giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu nói trên hết sức phù hợp với Chỉ thị 17 về việc "Tăng cường khai thác các nguồn hàng, đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân".

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, trong điều kiện đặc thù giãn cách xã hội như hiện nay, chống tiếp xúc gần để bảo toàn tính mạng và cộng đồng là một việc làm hết sức cần thiết, tuy nhiên cần có cách làm thích hợp.

Theo đó, có thể giảm tối đa việc tiếp xúc người với người nhưng các hoạt động khác trong đó có hoạt động của đội ngũ giao hàng vẫn phải diễn ra để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh không ngưng trệ khi vẫn còn nhiều khả năng để duy trì phát triển kinh tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, ở các nước, shipper phát triển mạnh trong dịch bệnh do nhu cầu tăng đột biến. Cơ hội phát triển ngành nghề gắn với công nghệ của shipper rất cao. Chính vì vậy, họ đã phát triển nghề này trong đại dịch bằng cách làm mềm dẻo, không cứng nhắc theo kiểu cấm đoán rồi tháo gỡ do chưa có sự đồng nhất trong các cơ quan chức năng. Đây là thời điểm để định vị giá trị nghề shipper trong hệ thống nghề nghiệp.

Là một người thường xuyên mua hàng online trên mạng, chị Trần Thanh Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc khuyến khích người dân mua bán trực tuyến nhằm hạn chế tụ tập đông người là một việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, khi thành phố Hà Nội cấm các shipper công nghệ hoạt động đã ảnh hưởng không ít đến những người thường xuyên mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu trên mạng để tránh phải đến nơi đông người.

Chị Nga cho rằng, nhân viên giao hàng là một phần của mạng lưới cung ứng thương mại khổng lồ, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Trong đại dịch, vai trò của những người này lại đặc biệt cần thiết.

Bảo đảm chuỗi cung ứng và công tác phòng, chống dịch

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội thực hiện quy định giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, tình trạng số lượng đơn hàng của các sàn TMĐT tăng đột biến do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu vực dân cư bị phong tỏa và cách ly khiến khâu giao hàng gặp nhiều khó khăn. Việc thành phố Hà Nội hạn chế các shipper ứng dụng gọi xe đã cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà cung cấp tới người tiêu dùng, khiến người dân có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu phải tập trung đến các siêu thị, chợ truyền thống, kéo theo nguy cơ lây nhiễm ở khu vực công cộng rất cao.

Để giảm tải tình trạng trên cũng như tạo điều kiện để các shipper duy trì các hoạt động giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, ngày 29/7, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biếtđã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, shipper giao hàng hoạt động; đồng thời xác nhận thông tin phương tiện được phép hoạt động cho shipper qua tin nhắn điện thoại.

Các shipper có thể chụp ảnh màn hình tin nhắn và xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra. Các shipper được cấp phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bưu phẩm, bưu chính của các siêu thị, sàn giao dịch TMĐT. Các đơn vị đăng ký cho nhân viên phải quản lý và giám sát công tác phòng dịch và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm COVID-19.

Tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện COVID-19” diễn ra chiều 29/7, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện cho shipper hoạt động. Đó là shipper có sự quản lý và chịu trách nhiệm về phòng chống dịch của các doanh nghiệp như: Doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp công nghệ… Điều này nhằm đảm bảo rằng các shipper tham gia hoạt động giao nhận bưu gửi, hàng hóa thiết yếu tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phải bảo đảm tuân thủ các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để bảo đảm tuân thủ các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đội ngũ shipper cần được ưu tiên tiêm chủng đầy đủ; đồng thời cần có cách quản lý lộ trình di chuyển bằng các ứng dụng để truy vết thuận lợi. Bên cạnh đó, các shipper cần được trang bị thêm thiết bị bảo vệ kính mỹ găng tay khẩu trang thậm chí mặt nạ y tế, quần áo chống dịch cũng như tuân thủ các quy định phòng chống dịch như 5K…

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng cho rằng, giai đoạn đầu chúng ta chỉ quan tâm đến bảo vệ sản xuất mà quên mất logistics. Khi chú ý đến logistics rồi thì vẫn quên là logistics là đến người tiêu dùng cuối, hộ gia đình phải qua các shipper. Chính vì vậy, đã đến lúc chính quyền cần đặt trọng tâm là bảo vệ đội ngũ shipper. Theo ông Đồng, việc cần làm hiện nay là phải tiêm ngay vaccine cho các shipper.

Có thể khẳng định, trong xu hướng hiện nay, đội ngũ shipper được xem là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của hệ thống kinh doanh TMĐT. Đặc biệt trong khi dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp như hiện nay, vai trò của đội ngũ shipper ngày càng quan trọng hơn, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành cần nghiên cứu để có chế tài phù hợp, tạo điều kiện cho đội ngũ này hoạt động, giúp lưu thông hàng hoá và đầy lùi dịch bệnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Shipper - Mắt xích thương mại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO