"Sợ thất bại" là khó khăn lớn nhất mà Rạng Đông đã vượt qua khi tiến hành chuyển đổi số

Nguyễn Khiêm| 29/04/2021 09:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc công ty Rạng Đông, trước việc có đến 70 - 80% DN thất bại khi chuyển đổi số (CĐS), ông từng rất sợ hãi, khi đã 79 tuổi và chắn chắn sẽ không có cơ hội được làm lại. Cuối cùng, Rạng Đông may mắn đã vượt qua nỗi sợ hãi và đạt mức tăng trường hơn 38% trong quý 1/2021.

Thông tin trên được ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc công ty Rạng Đông chia sẻ tại Diễn đàn "CĐS DN công nghiệp truyền thống - Con đường phát triển của Rạng Đông" ngày 28/4.

Rạng Đông mới chỉ đạt được thành công ban đầu trong quá trình CĐS

Ông Thăng cho biết, công ty luôn xác định khi triển khai CĐS, công nghệ không phải yếu tố quyết định mà chính là con người và sự chuyển đổi mới là điều kiện tiên quyết dẫn đến sự thành công của CĐS. Nhờ đó mà sau 1,5 năm tiến hành CĐS (từ năm 2020), tăng trưởng doanh thu đã mang lại kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Mặc dù khoa học công nghệ, công nghệ số là động lực chủ yếu của phát triển bứt phá, song để thực hiện CĐS thành công ở một DN sản xuất truyền thống 60 năm như Rạng Đông là vô cùng khó khăn. Vì thế, Rạng Đông xác định cần có cách làm, bước đi, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế cụ thể, nếu không xác suất thất bại rất cao.

Từ đó, theo ông Thăng, kết quả CĐS ở Rạng Đông năm 2021 mới chỉ là bước đầu trong quá trình đổi mới, cải tiến liên tục không có điểm dừng. "Bởi vì, năm đầu đạt tốc độ tăng trưởng cao ở xuất phát điểm thấp thì dễ, nhưng tăng trưởng liên tục với tốc độ cao nhiều năm liền không phải chuyện dễ dàng", ông Thăng bày tỏ.

Theo ông Thăng, có hai khó khăn lớn nhất đối với quá trình CĐS của Rạng Đông. Đầu tiên là nỗi sợ hãi thất bại và may mắn công ty đã vượt qua được. Kinh nghiệm cũng như tài liệu trên thế giới cho thấy 70 -80% các DN thất bại khi tiến hành CĐS. Do đó, khi chuẩn bị chiến lược CĐS, ông Thăng đã trao đổi với ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa rằng mình rất sợ khi mà xác suất thất bại lên đến 70 - 80%. "Tôi đã 79 tuổi và chắc chắn sẽ không có cơ hội được làm lại khi thất bại, nên rất sợ", ông Thăng chia sẻ.

Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết, do đã 79 tuổi nên ông từng rất sợ khi CĐS vì nếu thất bại sẽ không thể làm lại được.

Thời điểm đó, với vai trò là Chủ tịch Hội tự động hoá, ông Nguyễn Quân có trách nhiệm hỗ trợ các DN Việt CĐS, nên đã khích lệ Rạng Đông CĐS và nói rằng, xác suất thất bại không lên đến 70 - 80%, cùng lắm chỉ là 50%, nhưng nếu không CĐS thì DN chắc chắn sẽ bị tụt lùi. Nhờ đó, Rạng Đông đã vượt qua nỗi sợ hãi thất bại, nhất là công ty luôn có văn hóa "cứ đi sẽ thành đường". "Để rồi, nhờ sự giúp đỡ của các bên liên quan, CMCN 4.0 ở Rạng Đông đã dần hình thành", ông Thăng cho biết.

Khó khăn thứ hai với Rạng Đông là phải quyết định hướng đi như thế nào để không thất bại, khi mà ngay từ khi CĐS, công ty đã phải thay đổi chiến lược sản phẩm, mô hình kinh doanh. "Đây là cái đau đầu nhất của người đứng đầu khi quyết định thay đổi, từ một công ty chỉ bán hàng sang một công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Chưa kể đến, với một sản phẩm IoT phức tạp thì không thể bày bán ở chợ theo cách truyền thống mà phải cung cấp trên các nền tảng số", ông Thăng khẳng định.

Tuy nhiên, nhờ quá trình chuẩn bị và quyết định đúng đắn "đi thẳng vào lõi của CĐS", thay đổi mô hình sản phẩm, kinh doanh cũng như đưa CĐS làm mới mô hình truyền thống. Nhờ đó mà kết quả ban đầu đạt được của Rạng Đông khá tốt.

Con người là yếu tố quyết định cho CĐS DN truyền thống

Trong bài chia sẻ về quá trình CĐS của Rạng Đông, theo ông Nguyễn Văn Minh, Tư vấn trưởng, Tổ tư vấn CĐS, trước khi tiến hành CĐS, bên cạnh những vấn đề đang gặp phải trong nội bộ như động lực hiện đại hóa đang yếu dần và mô hình quản trị hiện tại chưa đủ mạnh, Rạng Đông còn gặp những thách thức mới, cạnh tranh từ những đối thủ ngoài ngành bao gồm các tập đoàn bán lẻ, tập đoàn công nghệ, tập đoàn xây dựng…; Hành vi mua hàng của khách hàng thay đổi; Môi trường kinh doanh thay đổi.

"Như vậy, tại thời điểm 2020, thách thức lớn nhất đối với Rạng Đông là làm thế nào tạo được một động lực tăng trưởng mới, mạnh mẽ với sự chuyển dịch của hành vi khách hàng và kinh tế số. Lãnh đạo công ty đã xác định – động lực đó chính là phải CĐS", ông Minh chia sẻ.

Để chuẩn bị cho quá trình CĐS của mình, Rạng Đông đã có sự chuẩn bị từ rất sớm để chuẩn bị cho quá trình này, từ tư duy, chiến lược, mô hình, củng cố năng lực khoa học - công nghệ cho đến năng lực tổ chức, năng lực của đội ngũ.

Cũng theo ông Minh, với xuất phát điểm là DN công nghiệp truyền thống, Rạng Đông xác định, CĐS trước hết là chuyển đổi nhận thức, tư duy, chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức vận hành để thích ứng với thời đại số. CĐS sẽ là động lực mới tạo nên bước phát triển đột phá, đưa Rạng Đông chủ động thích ứng với các điều kiện kinh tế mới, phát triển thương hiệu số, thúc đẩy giá trị số, tạo một vị thế xứng đáng cho công ty trong không gian số quốc gia và quốc tế.

"CĐS DN truyền thống (tiền Internet) là thay đổi mang tính cách mạng, trong đó yếu tố con người có tính quyết định", ông Minh bày tỏ.

Rạng Đông sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ sản phẩm hệ sinh thái LED 4.0 – sản phẩm tích hợp IoT và các thành tựu 4.0 phù hợp với xu thế thời đại và kinh tế số.

Từ đó, quá trình CĐS của Rạng Đông được thực hiện đồng bộ trên cả 3 phương diện bao gồm công nghệ, quá trình và tổ chức - con người. Trong đó, Rạng Đông lựa chọn cách tiếp cận tập trung vào khách hàng, lấy việc phụng sự khách hàng làm khâu dẫn, từ đó kéo theo khâu sản xuất, khâu hỗ trợ kinh doanh, thúc đẩy phát triển hệ thống và năng lực của nhân viên.

Cũng theo ông Minh, do CĐS là quá trình phức tạp, liên tục, không có điểm dừng và quyết định tương lai của Rạng Đông nên cần tư duy tổng thể - hành động cụ thể có tiến trình, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với hiện thực khách quan từng thời kỳ, tránh làm tràn lan. Kinh nghiệm ban đầu của ông Minh cho thấy, nên chọn một khâu thực hiện sau đó mở rộng, khâu đầu tiên có kết quả sẽ tạo tác động lan tỏa tốt. Thực tiễn hoạt động giai đoạn 2016-2019 cho thấy khâu đầu ra hiện là khâu trì trệ nhất, đang kìm hãm sự phát triển nên đến năm 2017, công ty đã đặt vấn đề đột phá khâu đầu ra..

Về chiến lược sản phẩm, Rạng Đông xác định tập trung tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu thị trường; Xóa bỏ cạnh tranh giá rẻ, tập trung cạnh tranh bằng chất lượng phù hợp, sự tin cậy và giá cạnh tranh; Tập trung phát triển các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm cao cấp, chất lượng cao, công nghệ cao phục vụ cho thị trường trung và thượng lưu, đồng thời xuất khẩu vào G7, G20.

Cuối cùng, Rạng Đông sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ sản phẩm hệ sinh thái LED 4.0 – sản phẩm tích hợp IoT và các thành tựu 4.0 phù hợp với xu thế thời đại và kinh tế số. Đây cũng là dòng sản phẩm lõi về công nghệ, dòng sàn phẩm có tầm chiến lược, quyết định tương lai của công ty, đồng thời cũng là dòng sản phẩm dẫn trong truyền thông và phát triển thị trường.

Về mô hình kinh doanh, Rạng Đông lựa chọn mô hình lai, duy trì mô hình kinh doanh truyền thống (Pipeline) theo kiểu tuyến tính nhưng được làm mới bằng công nghệ số, đồng thời từng bước phát triển mô hình kinh doanh mới trên các nền tảng số, tham gia vào các hệ sinh thái mở, và thúc đẩy thương mại điện tử cũng như truyền thông kỹ thuật số.

Về tầm nhìn công ty, Rạng Đông xác định đến năm 2025 sẽ trở thành DN công nghệ cao, dẫn đầu thị trường chiếu sáng tại Việt Nam; tiên phong trong lĩnh vực cung cấp hệ sinh thái LED 4.0 và hiện thực hóa khát vọng "Make in Viet Nam". Đến năm 2030 trở thành DN tầm tỷ đô, đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực.

Ông Nguyễn Văn Minh, Tư vấn trưởng của Tổ tư vấn CĐS ở Rạng Đông

Thành công ban đầu nhờ lựa chọn chiến lược đúng và trúng

Năm 2020, năm đầu tiên tiến hành CĐS, Rạng Đông tăng trưởng doanh thu 15,6% so cùng kỳ. Nếu quý 4/2020, công ty chỉ tăng trưởng doanh thu đạt 20,0% so cùng kỳ thì sang quý 1/2021 doanh thu đã tăng 38,4%. Theo Tư vấn trưởng Tổ tư vấn CĐS Rạng Đông, kết quả này là sự ghi nhận cho một quá trình chuẩn bị sớm, phấn đấu liên tục, không ngừng nghỉ của toàn thể nhân viên Rạng Đông. Trong đó, phải kể đến tầm nhìn và vai trò quyết định của lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu, khi đã có sự chuẩn bị ngay từ khi Rạng Đông đang có kết quả kinh doanh rất tốt.

Theo ông Minh, các nguyên nhân khác đến từ việc lựa chọn và hình thành được chiến lược đúng và trúng cũng như quá trình tổ chức thực hiện phù hợp, đồng bộ và quyết liệt.

Về kế hoạch và giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, ông Minh cho biết, trong năm 2021, trọng tâm CĐS cấp công ty vẫn tập trung khâu làm mới mô hình kinh doanh truyền thống tại thị trường nội địa, với các trọng tâm ứng dụng công nghệ số để khai thác quá trình số hóa để cải thiện và hoàn thiện các quy trình hoạt động của các cấp tổ chức của hai phòng bán hàng cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng nghiên cứu thị trường phục vụ thiết thực hoạt động bán hàng.

Rạng Đông cũng sẽ ứng dụng công nghệ số cải thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng kịp thời khâu điều hành sản xuất kinh doanh phục vụ tốt phát triển thị trường, sử dụng công nghệ số kết nối phần mềm ứng dựng ERP khâu sản xuất – tiêu thụ và bước đầu với chuỗi cung ứng.

Đồng thời, công ty sẽ thúc đẩy nhanh CĐS hai xưởng sản xuất, đặc biệt khu vực xuất khẩu LED theo hướng sản xuất thông minh; Triển khai mở rộng với cấp độ 1 và cấp độ 2 với 7 dự án CĐS, hình thành các Trung tâm điều hành số.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Sợ thất bại" là khó khăn lớn nhất mà Rạng Đông đã vượt qua khi tiến hành chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO